Tuesday 5 February 2013

BÀN VỀ ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 1992 & DỰ THẢO SỬA ĐỐI 2013 (Quách Hoàng Lân)




Quách Hoàng Lân
5-2-2013

Để bàn về Điều 4 của hiến pháp Việt Nam 1992 và dự thảo sửa đổi 2013, tôi bắt đầu bằng Định nghĩa của từ điển Oxford và trên wikipedia:

“A constitution is a set of fundamental principles or established precedents according to which a state or other organization is governed.[1] These rules together make up, i.e. constitute, what the entity is. When these principles are written down into a single collection or set of legal documents, those documents may be said to comprise a written constitution.
Constitutions concern different levels of organizations, from sovereign states to companies and unincorporated associations. A treaty which establishes an international organization is also its constitution, in that it would define how that organization is constituted. Within states, whether sovereign or federated, a constitution defines the principles upon which the state is based, the procedure in which laws are made and by whom. Some constitutions, especially written constitutions, also act as limiters of state power, by establishing lines which a state’s rulers cannot cross, such as fundamental rights.”

Tạm dịch:
“Một sự lập hiến (hiến pháp) là một tập hợp các nguyên lý cơ bản hay các điều tiên quyết mà theo đó một nhà nước hay một tổ chức nào đó sẽ được điều hành. Các quy tắc đó cùng với nhau tạo thành, tức là lập nên, cái gọi là thực thể. Khi các nguyên lý này được viết ra thành một tập hợp các văn bản luật, thì những văn bản đó có thể gọi là bản lập hiến viết.
Các sự lập hiến liên quan đến những mức độ khác nhau của các tổ chức, từ nhà nước có chủ quyền cho đến các công ty hay các hiệp hội chưa có tư cách pháp nhân. Một hiệp ước lập ra một tổ chức quốc tế cũng được xem chính là bản lập hiến của tổ chức này, trong đó nó sẽ định ra cách thức mà tổ chức đó được thiết lập. Trong phạm vi nhà nước, dù cho là nhà nước trung ương tập quyền hay nhà nước liên bang tản quyền, một sự lập hiến xác định ra những nguyên lý mà nhà nước sẽ dựa vào, những thủ tục theo đó các bộ luật được hình thành và những đối tượng có tư cách ban hành. Một vài sự lập hiến, đặc biệt là các bản lập hiến viết, đóng vai trò như là một sự hạn chế đối với quyền lực nhà nước bằng cách vạch ra những vạch đỏ mà các bộ luật nhà nước không được vượt qua, chẳng hạn như là những quyền cơ bản .”

Một cách ngắn gọn theo kiểu toán học (xin lỗi GS Ngô Bảo Châu vì múa rìu qua mắt thợ) có thể nói: Hiến pháp của một nhà nước là tập hợp các tiên đề để theo đó một hệ thống chính trị xã hội của một đất nước được hình thành và được quản lý thông qua hệ thống bộ luật được ban hành bởi một cơ quan (thường gọi là cơ quan lập pháp) được xác định bởi chính bản hiến pháp đó. Tiên đề là cái không thể chứng minh là đúng đắn bằng lập luận và suy diễn toán học mà chỉ được thừa nhận thông qua kinh nghiệm và được chấp nhận bởi đa số. Một số tiên đề chỉ thích hợp với từng thời điểm và hệ quy chiếu cụ thể , ví dụ như tiên đề 5 của hình học Euclid (qua một điểm chỉ có một đường thẳng song song với đường thẳng cho trước) chỉ đúng đối với hệ thống hình học theo quan điểm (hệ quy chiếu) của Euclid, nó không còn đúng trong hình học phi Euclid được xây dựng bởi Lobasepskii, Bolyai, và một số tác giả khác.

Trở lại với Điều 4 của bản hiến pháp 1992 của Việt Nam và dự thảo sửa đổi 2013:

Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4)
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Đầu tiên ta phải xét xem nó có phải là một tiên đề mang tính lập hiến hay không bằng cách đối chiếu với khái niệm tiên đề đã nói ở trên:

- Thứ nhất: Nó (Điều 4 ở trên) có phải là đã được thừa nhận thông qua kinh nghiệm? Tôi cho rằng không! Bởi vì kinh nghiệm từ những nước phát triển và những nước Đông âu đã qua thời cộng sản cho thấy: Quyền lực, nếu không có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng phái, thì sẽ trở thành quyền lực độc tài và không gì có thể kiểm soát được, do đó sẽ trở nên hủ bại và biến tướng theo kiểu xã hội đen như ta đang thấy trong xã hội Việt Nam hiện thời.

- Thứ hai: Nó (Điều 4 của HP 1992) có phải đã được chấp thuận bởi đa số nhân dân hay chưa? Theo tôi, thì chưa! Chưa có một cuộc trưng cầu dân ý nào để nói lên điều 4 được chấp thuận bởi đa số nhân dân. Có người sẽ cãi là nó đã được quốc hội thông qua và quốc hội là cơ quan đại diện của nhân dân! Trả lời: đúng là nó đã được thông qua bởi quốc hội, nhưng quốc hội đó không đại diện cho nhân dân vì quốc hội đó được đảng lập ra theo đúng tinh thần của điều 4. Đây chính là một mâu thuẫn không thể giải quyết được, mâu thuẫn đó cho thấy sự phi lý của điều 4.

Chiếu theo hai tiêu chí trên thì điều 4 không thể là một tiên đề mang tính lập hiến. Tuy nhiên, tại sao trong dự thảo sửa đổi 2013, người ta vẫn muốn duy trì điều 4 đó? Câu trả lời rất đơn giản: những người soạn thảo chính là các đảng viên cộng sản và họ được hưởng lợi vô cùng lớn từ điều 4 này.

Người ta sẽ cãi tôi là: Ừ thì điều 4 là mâu thuẫn, là phi lý đấy, nhưng đứng trong hệ quy chiếu của chủ nghĩa xã hội đề xướng bởi Marx-Lenin thì nó lại trở thành tiên đề (tương tự như tiên đề 5 của hình học Euclid được thừa nhận trong hệ quy chiếu của Euclid) và nó không thể thiếu nếu ta xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Câu trả lời của tôi là: Nếu một học thuyết chứa một tiên đề mâu thuẫn thì ta phải xem lại tính chính đáng của học thuyết đó. Rất nhiều học thuyết xét lại chủ nghĩa Marx đã ra đời và đã chỉ ra tính không tưởng của CN Marx, đơn giản là vì nó chứa rất nhiều tiên đề mâu thuẫn, và hiện nay trên thế giới, CN Marx chỉ còn lại như là một học thuyết đầy mâu thuẫn và giáo điều. Liệu ta có nên theo đuổi một CN đã lỗi thời như vậy? Không, chắc chắn không!

Điều tôi muốn nhắn nhủ cuối cùng với các vị lãnh đạo Đảng Cộng Sản và các Đảng viên là: Các vị hãy dùng lương tri và lý trí của chính bản thân các vị để xem lại một cách có phê phán tất cả những hệ lụy mà điều 4 (một điều khoản mâu thuẫn và phi lý) có thể đè nặng, ngăn cản sức vươn lên của dân tộc Việt. Tôi hy vọng các vị vì tương lai và tiền đồ của dân tộc mà hành động.

Tác giả gửi quechoa.vn










No comments:

Post a Comment

View My Stats