Tuesday 5 February 2013

SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP : CUỘC CÁCH MẠNG KHÔNG TIẾNG SÚNG (Phạm Chi Lan / Nam Nguyên - RFA)




Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-02-05

Tại Hà Nội ngày 4/2/2013 kiến nghị 7 nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được 15 vị nhân sĩ trí thức do TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp làm Trưởng đoàn, chuyển giao cho ông Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Quốc hội đồng thời là Phó ban biên tập soạn thảo dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Nam Nguyên phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một người có mặt trong đoàn để biết thêm chi tiết.


Nam Nguyên: Thưa trong nửa giờ trao đổi thì hai bên đã trao đổi những nội dung gì, không khí làm việc như thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Nhóm chúng tôi cử ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Tư pháp làm trưởng đoàn. Từ đầu thì ông nói lý do thay mặt cho nhóm 72 người đã ký tên đầu tiên và hơn hai nghìn người đã ký tên đến thời điểm đó vào Bản Kiến nghị về Hiến pháp, trao cho Ủy ban Bản Kiến nghị của chúng tôi cũng như Bản Dự thảo Hiến Pháp do một nhóm khác soạn thảo, để mong đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiếp pháp lần này. Ông Thông cũng thay mặt cho Ủy ban nói lời cảm ơn đối với chúng tôi và hứa sẽ chuyển Bản Kiến nghị của chúng tôi, cũng như tất cả tài liệu chúng tôi gởi lên cho Ban Chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp để các vị ấy xem xét. Ông Thông cũng nói quyền cuối cùng quyết định tiếp thu như thế nào là quyền của Ban Chỉ đạo, nhưng ông sẽ chuyển lên toàn bộ.
Sau đó chúng tôi cũng có đề nghị nhân dịp gặp gỡ như vậy thì để được trao đổi thêm một số ý kiến. Một số người đi trong nhóm có phát biểu nói thêm ý kiến của chúng tôi về việc soạn thảo Hiến pháp lần này. Lưu ý Ủy ban về cách thức làm sao cho tinh thần về Hiến pháp có thể được phổ biến rộng rãi nhất cho người dân và có thêm thời gian để cho người dân có thể thực sự nghiên cứu và đóng góp ý kiến cho Hiến pháp.


Nam Nguyên: Thưa bà, văn kiện do nhóm nhân sĩ trí thức gởi lên gồm Bản Kiến nghị 7 nội dung và Bản Dự thảo Hiến pháp tự soạn thảo, thì nó hầu như thay đổi hoàn toàn thể chế chính trị ở Việt Nam, rồi đa nguyên đa đảng, bầu cử tự do, tư hữu đất đai, tôn trọng nhân quyền và quyền cơ bản của công dân…Tất cả giống như một cuộc cách mạng không tiếng súng. Thưa Bà có nhận định gì?

Bà Phạm Chi Lan: Chúng tôi thực sự nghĩ là đã đến lúc Việt Nam phải có những cải tổ mạnh mẽ hơn nữa thay đổi nhiều hơn nữa về thể chế các mặt ở Việt Nam, làm sao cho nó vừa phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian này, vừa phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong nước và phù hợp với những gì các nước khác đã đạt được. Chúng tôi mong muốn là Việt Nam đạt được mức độ tiên tiến hơn như các nước khác đã đạt được.


"Cải cách dân chủ là cơ hội tồn tại"

Nam Nguyên: Nhưng thưa bà, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện độc quyền lãnh đạo và duy trì điều đó. Dù có dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì cũng phải trình lên Bộ Chính trị trước khi trở lại Quốc hội. Điều này cho thấy khả năng mà có thể đáp ứng phần nào những nguyện vọng trong những kiến nghị đó là có cao hay không?

Bà Phạm Chi Lan: Chúng tôi cũng nghĩ, thực sự là rất khó để cho Đảng Cộng sản Việt Nam có thể xem xét và thay đổi được. Nhưng chúng tôi cũng hoàn toàn tin rằng, đây cũng là một cơ hội mở ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam để thực hiện những cải tổ cần thiết. Bởi vì chính bản thân Đảng qua các kỳ Đại hội và Nghị quyết, hoặc chính những tuyên bố của người lãnh đạo cao nhất của Đảng như ông Tổng Bí thư, hoặc các ông ủy viên khác của Bộ Chính trị, thì cũng đều thấy rõ là Việt Nam cần có những đổi mới tiếp tục trong giai đoạn tới, để làm sao có thể đưa đất nước phát triển lên tốt đẹp hơn. Và đồng thời có làm như vậy thì mới củng cố được vai trò lãnh đạo của Đảng.


Nam Nguyên: Thưa bà, Trung Quốc đang tồn tại chế độ gọi là Cộng sản Quốc gia và có thành công vượt bậc về kinh tế. Liệu đây có phải là một mô hình, một cái phao để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục con đường lãnh đạo độc quyền của mình hay không?

Bà Phạm Chi Lan: Chúng tôi nghĩ là, tất cả các lực lượng lãnh đạo chính trị ở các nước nếu muốn thành công cho đảng mình, muốn giữ được vai trò lãnh đạo của đảng mình thì điều quan trọng nhất là phải làm cho đất nước phát triển được phải đưa đất nước đi lên được. Còn không thì sẽ không đáp được yêu cầu của nhân dân của xã hội, thì rất khó để thuyết phục được. Cho nên chúng tôi nghĩ là đối với Đảng Cộng sản Việt Nam thì đây cũng là cơ hội, vì dù sao Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay trên thực tế vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất mạnh nhất ở Việt Nam. Nhưng mà bản thân Đảng cũng nhận thấy là ở Đảng có nhiều vấn đề phải cải cách tiếp. Nếu Đảng nắm lấy cơ hội này để mà cải cách mình mạnh hơn thì sau này ở Việt Nam khi có thêm những lực lượng chính trị nào khác thì Đảng vẫn có thể giành được niềm tin của người dân. Nhưng ở đây là giành được và bằng những thành tựu của mình và bằng sự công nhận thực sự của người dân.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về thời gian trả lời Đài Á Châu Tự Do.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.


RFA
04-02-2013

Sáng nay phái đoàn nhân sĩ trí thức đã đến Văn phòng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trao bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992” .

Theo tin từ trang Blog Basam mà chúng tôi kiểm chứng được thì sáng ngày hôm qua một phái đoàn trong 72 vị từng ký tên đầu tiên trong bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992” đã tới địa điểm tíêp nhận ý kiến người dân tại Hà Nội để trao bản kiến nghị cho ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Ban Biên tập dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 thuộc Ủy ban biên tập sửa đổi Híên Pháp.

Giáo sư Tương Lai, một thành viên trong phái đoàn đã có phát biểu:
-Chúng tôi đưa ra trong kiến nghị về sửa đổi hiến pháp ở đó là tinh thần trí tuệ góp vào để đưa ra như là tài liệu tham khảo về hiến pháp sắp tới của một nước Việt Nam dân chủ. Chúng ta đã bao nhiêu năm núi xương sông máu đổ ra để dành được độc lập nhưng có độc lập mà không có tự do, không có dân chủ không có hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì. Điều này nó trở thành câu nói cửa miệng của mọi người.
Trên thực tế thì hiện nay chúng ta mới có độc lập nhưng chúng ta chưa có dân chủ, chưa có tự do. Trên thức tế cho đến hiện nay thì nông dân bà con Dương Nội vẫn còn đang ngồi biểu tình.

Trong một video clip trên trang Basam cho thấy các vị có mặt trong phái đoàn gồm nguyên bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, Giáo sư Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Quang A, GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH & CN, bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, GS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH & KTVN, GS Hoàng Xuân Phú Viện Toán học Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục & Thanh thiếu niên-Nhi đồng Quốc hội cùng các vị khác.

Bản dự thảo hiến pháp được đăng trên trang Bauxite Việt Nam đã có hơn 2 ngàn chữ ký. Nội dung chính của bản dự thảo đưa ra rất nhiều vấn đề cần thay đổi trong đó hủy bỏ đìêu 4 hiến pháp, yêu cầu lực lượng vũ trang là lực lượng bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ đảng, và yêu cầu hiến pháp quy định rõ tam quyền phân lập.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved

---------------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats