21-2-2013
Nếu bảo “báo chí nào thì dân tộc
nấy” là không đúng với tình hình ở Việt Nam, nhất là đối với những việc có liên
hệ đến “vinh” và “nhục” của đất nước và con người Việt Nam.
Trước hết, trong số 19 nghìn người
có thẻ hội viên Hội Nhà Báo ở Việt Nam thì có 17 nghìn người được cấp thẻ hành
nghề đang làm việc trong 700 cơ quan báo đài Trung ương và Địa phương nhưng
điều này không có nghĩa có tự do báo chí ở Việt Nam.
Ai cũng biết như thế, riêng nhà
nước thì không vì Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan cấp thẻ hành nghề không
phân biệt được, hoặc cố tình không cho là quan trọng, về sự khác nhau giữa
“người làm báo chuyên nghiệp” và “cán bộ báo chí”.
Một nhà báo chuyên nghiệp không
chọn tin để viết. Một tờ báo hay một cơ quan truyền thông chuyên nghiệp không
bị ai kiểm duyệt hay đăng tin “theo đơn đặt hàng”.
Nhưng một cán bộ báo chí làm việc
trong hệ thống báo, đài của các tổ chức hay đoàn thể của đảng Cộng sản Việt Nam
(CSVN) thì quyền viết và đăng tin thuộc về người Tổng Biền tập. Trên người này
là Cơ quan chủ quản (chủ nhân) của tờ báo và trên nữa là Cơ quan Tuyên giáo,
lãnh đạo đường lối thông tin. Người phóng viên làm việc theo chỉ thị của Tổng
Biên tập.
Luật nổi và luật ngầm
Nhưng cán bộ làm báo của Việt Nam
cũng có Luật Báo chí, ra đời 28/12/1989. Nhiệm vụ của người làm báo là công cụ
của đảng được quy định trong Điều I: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã
hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức
xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân.”
Đến Điều 6, thì nhiệm vụ quan trọng
của cán bộ làm báo là phải ưu tiên: “Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hóa, khoa
học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo
chí; góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân
dân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ xã
hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội và
bảo vệ Tổ quốc.”
Đến điều 15 nói về “Quyền và nghĩa
vụ của nhà báo” thì ngay trong điểm 1 đã quy định: “Nhà báo có quyền và
nghĩa vụ thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, góp
phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công
dân.”
Nhưng sự “trung thực” của người làm
báo trong chế độ một đảng cầm quyền và người làm báo cũng là “cán bộ của đảng”
thì nhiệm vụ của họ là phải phục vụ đảng trước.
Do đó có nhiều trường hợp một bài
hay tin vừa đăng lên đã bị rút xuống, nhất là các tin được gọi là “nhậy cảm”
đụng chạm đến chỗ này, người nọ hay nước láng giềng Trung Cộng mà đảng CSVN lúc
nào cũng sợ “mất lòng”!
Vì sự sợ hãi Trung Cộng của nhà
nước mà làng báo Việt Nam không dám viết Tầu Trung Quốc mà phải viết là “tầu
nước ngoài” hay “tầu lạ” đã tấn công tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở Biển
Đông. Ngay cả mỗi lần tưởng niệm các chiến sỹ quân đội Việt Nam hy sinh trong
cuộc chiến chống quân Trung Cộng ở Trường Sa ngày 14/03/1988, các Sỹ quan hải
quân Việt Nam cũng không dám nói tên “lính Trung Quốc” hay “tầu Trung quốc” mà
phải nói là “lính” hay “tầu nước ngoài”!
Đây là việc làm sai trái lịch sử
phải bị lên án và sửa đổi bởi báo chí nhưng những cán bộ làm báo của đảng CSVN
đã phải cúi đầu tuân lệnh viết theo chỉ thị.
Ngay cả khi tầu tìm kiếm thăm dò
Bình Minh II của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị các tầu đánh cá của Trung Cộng
“cắt cáp” ở khu vực Cồn Cỏ trong vùng Vịnh Bắc Bộ ngày 30-11-2012 mà báo chí
cũng được lệnh phải sửa lại là “gây đứt cáp” thì phải hiểu “tính kiểm duyệt”
báo chí Việt Nam để khỏi “mất lòng anh hàng xóm Trung Cộng” đã bị nhà nước
nhúng tay vào sâu đến độ nào?
Nhưng đó là những sự việc được nhà
nước cho phép. Ngay đến những việc xảy ra trước cả ngàn con mắt người dân ở hai
Thành phố Sài Gòn và Hà Nội trong hai năm 1011 và 2012 khi có các cuộc biểu
tình chống Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, một phần ở Trường Sa và âm
mưu chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông thì cả làng báo Việt Nam hoặc tự ý
“che mắt để không thấy” hay tự cho mình quyền “không nghe thấy ai nói gì hết”!
Vì vậy, những biến cố lớn lao này
tuy đã được gửi nhanh đi khắp nơi trên thế giới bởi những nhà báo “truyền thông
xã hội”, hay Bloggers thì người Việt ở trong nước không hay biết gì!
Đây cũng là trường hợp của các vụ
nhà nước đàn áp dân khiếu kiện kéo về Hà Nội hay trong các vụ cưỡng chế đất đai
của nông dân ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) và Vụ Bản (Nam Định)
v.v... thường được các bloggers gửi ra nước ngoài nhanh và nhiều hơn báo chí
trong nước.
Ngược lại, báo chí trong nước của
đảng lại rất mau mắn đăng tải các phản ứng sai nhiều hơn đúng hay quyết định
của chính quyền liên quan đến các vụ này.
Vì có Truyền Thông Xã Hội (hay còn
được gọi là các Nhà báo tự do) mà cả thế giới mới biết tin và nhìn thấy mọi
hình ảnh đàn áp dã man chống người dân biểu tình hay đánh đập nông dân của công
an, cảnh sát, dân phòng và côn đồ được nhà nước thuê mướn.
Các ký giả người nước ngoài ở Việt
Nam và du khách người ngoại quốc chứng kiến các biến cố này cũng đã gửi đi khắp
thế giới bài viết, tin và hình ảnh của họ.
Người dân trong nước và báo chí
thường bị cấm đến các vùng “nhạy cảm” này nên thông tin bị bưng bít.
Sự trái ngược này chứng minh ở Việt
Nam không có tự do báo chí và cán bộ làm báo ở Việt Nam khác với nhà báo chuyên
nghiệp.
Nó cũng chứng minh Điều 15 của Luật
Báo chí có 2 mặt nổi và chìm khi nói về tính “trung thực” của một cán bộ làm
báo khi tác nghiệp.
Chuyện mới xảy ra
Biến cố “báo trong nước được lệnh
im lặng” gần nhất xảy ra vào ngày 17-2 (2013), vào dịp kỷ niệm 34 năm ngày Lãnh
tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Cộng xua ngót nửa triệu quân (trên 400,000 quân)
đánh vào 6 tỉnh dọc biện giới-Việt-Trung ngày 17/02/1979 để gọi là “dạy cho
Việt Nam một bài học.”
Trên 40,000 quân và dân Việt Nam,
trong số này có rất nhiều trẻ em, phụ nữ và người già đã bị quân Tầu thảm sát
tại 6 Tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Thiệt hại về phía quân Trung Cộng
được ước tính trên 20,000 quân chết khi cuộc chiến biên giới thứ nhất chấm dứt
vào ngày 18/03/1979.
Nhưng sau đó, vào năm 1984 quân
Trung Cộng lại gây hấn và tấn công lần 2 chiếm đỉnh Núi Đất (người Tầu gọi là
Lão Sơn) hay còn gọi là cứ điểm 1509 nằm trong lãnh thổ Việt Nam, thuộc xã
Thanh Thủy, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên, nay là tỉnh Hà Giang.
Mặc dù Việt Nam và Trung Cộng đã có
thỏa hiệp Biên giới năm 1999 nhưng Bắc Kinh nhất quyết không trả lại Núi Đất và
những vùng đất quân Tầu chiếm của Việt Nam từ 1984 đến 1991.
Phía đảng CSVN không có bất cứ hành
động nào đòi lại.
Vì vậy, nguyên Đại tá Quân đội Nhân
dân CSVN Bùi Văn Bồng mới viết trong Website của ông: “Ngày 17-2 cách đây 34
năm, 200.000 quân Trung Quốc (sau đó được tăng cường thêm 400.000 quân) đã tràn
sang tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh
xâm lược Việt Nam năm 1979.
Trời không dung, Đất không tha cho
vô vàn tội ác dã man mà bọn bành trướng Trung Quốc đã gây ra cho đất nước và
nhân dân ta trong cuộc chiến ấy.
Và Trời Đất cũng sẽ không bao giờ
tha thứ cho những kẻ đang cố tình lờ đi sự hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc của hàng
chục ngàn người con đất Việt, cố tình bưng bít và che giấu những tội ác tày
trời của quân bành trướng xâm lược.”
Nhà báo tự do Nguyễn Huy Canh cũng
phổ biến trên Internet: “Ngày 17/2 là một ngày vinh quang của dân tộc chúng
ta, vì chúng ta đã đánh bại nửa triệu quân xâm lược Trung Quốc được trang bị vũ
khí hiện đại tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhưng đó cũng là một ngày buồn,
vì đã có hàng vạn người con của đất nước này đã hi sinh, đã phải ngã xuống cho
chúng ta hôm nay. Buồn, vì hôm nay, vào ngày này lãnh đạo và nhân dân ta không
có được nén hương thơm tưởng nhớ đến hương hồn các anh, các chị nơi chín suối!
Thật không thể nào hiểu được. Có
thể vì thế này thế kia trong ứng xử ngoại giao với nước lớn láng giềng, các nhà
lãnh đạo không tiện tổ chức lễ tưởng niệm long trọng trên toàn quốc, thì ít ra
các vị nguyên thủ quốc gia cũng cần có nén hương thơm dâng lên vào ngày này để
tưởng nhớ các vong linh đồng bào, các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc.
Đó cũng là cái đạo phải làm của các nguyên thủ của một quốc gia có chủ quyền.
Thử hỏi có nhà lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới ngày nay mà không hành xử như
vậy?
Đã như vậy, các vị lãnh đạo còn để
cho tại Thủ đô-trung tâm của đất nước nghìn năm văn hiến có những hành vi gây
khó dễ, cản trở các nhân sĩ, nhân dân vào thắp hương nơi đài tưởng niệm. Họ
phải dâng hương và đứng từ bên ngoài vái vào!”
Tuy nhiên những đoạn Video và hình
ảnh ngăn cấm này đã được chuyển đi khắp thế giới cho thấy hành động của công
an, cảnh sát, dân phòng và cả bộ đội gác đài tưởng niệm tại Sài Gòn và Hà Nội
đã cam tâm tháo gỡ tất cả các giây băng có viết các hàng chữ lên án Trung Quốc
xâm lăng và ghi ơn, tượng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến
tranh chống quân Trung Cộng tại Hoàng Sa (binh sỹ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa
ở miền Nam VN trước 30/04/1975), Trường Sa và cuộc Chiến Biên Giới 1979.
Là người Việt Nam, liệu có ai hiểu
nổi thái độ và hành động hèn nhát này của đảng và nhà nước CSVN không?
Những người cầm quyền ở Việt Nam và
những người viết sử Cộng sản, trong đó có ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc
hội Tỉnh Đồng Nai sẽ phải trả lời với các thế hệ người Việt Nam sau này như thế
nào về sự vô ơn bạc nghĩa này?
Trước biến cố trọng đại của ngày
17/02/2013 tại đài Đức Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn và tại 3 địa điểm ở Hà Nội gồm
Đài Cảm tử, Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn và đài Vua Quang, hàng trăm người
dân Việt Nam đã chứng kiến và tham gia đem hoa và nhang (hương) đến dâng cúng
đều bị công an chìm nổi phá, bị khước từ chỉ vì có những hàng chữ lên án Trung
Cộng xâm lược!
Chẳng nhẽ những người lãnh đạo CSVN
ở Sài Gòn và Hà Nội không còn biết đến công ơn xương máu của tiền nhân và của
những con dân binh sỹ Việt Nam Cộng Hòa và Cộng sản đã chết cho họ được sống
hay sao, hay là “máu Việt” trong cơ thể họ đã biến thành “máu Tầu” phương Bắc?
Song song với thái độ quay lựng lại
với những người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc của nhà nước thì cả làng
báo của CSVN cũng “ngậm miệng” để được ăn tiền, không viết được 1 chữ tưởng
niệm các anh hùng liệt sỹ và cũng làm ngơ luôn những tin trí thức và người dân
bị ngăn cản không được truy niệm tại Sài Gòn và Hà Nội.
Duy nhất chỉ có báo Thanh Niên, vào
ngày kỷ niệm 17/02 (2013) đã can đảm thực hiện cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê
Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công An về Cuộc chiến Biên
giới năm 1979.
Hãy đọc một đoạn đối đáp giữa Phóng
viên Ng.Phong và Tướng Lê Văn Cương trong bài viết này:
Báo Thanh Niên: Kể từ sau khi VN và
TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại
cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc
gần như không được nhắc tới. Theo ông tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng
quên như vậy?
TT L V Cương: “Để trả lời câu hỏi
này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những
năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh
chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì
về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa,
đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để
bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm
dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ
sẽ nghĩ gì về chuyện này? Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng
có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy
là ngụy biện.
Trong khi chúng ta im lặng thì
những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của
Trung Quốc tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có
nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước
Việt Nam”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan
niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc
TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã
nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước
sự xâm lược của VN...”
Ông còn tiết lộ một thực tế đau
buồn của Lịch sử khi nhà nước đã cố tình “xóa đi dấu tích xâm lược cho Trung
Cộng” trong cuộc chiến Biên giới năm 1979.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Thực tế
cho thấy phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4
triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình
trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không
tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng
ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao
không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn
hơn được. Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch
sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể lờ đi
vấn đề lịch sử này được.”
Ấy thế mà “cái loa” cán báo Hoàng
Anh Lân đã viết bài trên báo Nhân Dân, cơ quan thông tin của đảng CSVN, ngày
19-02 (2013) phản bác tố cáo ngày 14/02/2013 của Tổ chức bảo vệ nhà báo
(Committee to Protect Journalists - CPJ) lên án Việt Nam bưng bít thông tin và
đàn áp những nhà báo tự do.
Cán bộ làm báo Hoàng Anh Lân viết
rằng: “Tổ chức bảo vệ nhà báo" công bố cái gọi là "phúc trình
thường niên về tình hình tự do báo chí toàn cầu". Về tình hình báo chí ở
Việt Nam, căn cứ vào thái độ tiếp cận và các đánh giá mà CPJ đã đưa ra, cần
khẳng định rằng, thực chất đó là sự tiếp tay cho các thế lực đang hằng ngày,
hằng giờ phá hoại, cản trở sự ổn định và phát triển của Việt Nam...
Lân khoe: “Hiện nay ở Việt Nam,
có hơn 19 nghìn hội viên Hội Nhà báo, trong đó có gần 17 nghìn nhà báo đã được
cấp thẻ hành nghề đang làm việc tại hàng trăm cơ quan báo chí (với rất nhiều
loại hình khác nhau) từ trung ương tới địa phương. Đó là những nhà báo được đào
tạo cơ bản, được xã hội công nhận, hoạt động dựa trên các quy định của Luật Báo
chí, có hội nghề nghiệp riêng và được pháp luật bảo vệ khi hành nghề. Vì thế
khi tác nghiệp, họ không gặp "nguy hiểm" từ xã hội như đánh giá tùy
tiện của CPJ, nên không thể đánh đồng số đông các nhà báo với một số cá nhân có
hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" trên internet.”
Tuy nhiên, Hoàng Anh Lân đã không
giải thích được tại sao nhà nước đã bắt giam nhiều nhà báo tự do (Bloggers)
nhưng vẫn không ngăn cản được nhiều người khác truyền ra nước ngoài hình ảnh và
nhiều tin bị nhà nước che giấu, hay ngăn cấm không cho báo chí, dù của đảng
được phép đăng lên?
Đấy là sự khác biệt giữa “vinh” và
“nhục” của một nước với nhiệm vụ của báo chí.
Việc đảng cấm không cho báo đăng
tin các hoạt động tưởng niệm Cuộc chiến Biên giới 1979 cũng không khác gì lệnh
cấm báo chí đăng tin có hàng ngàn công dân, trong số có rất nhiều Trí thức và
Đảng viên CSVN, kể cả một số cựu Tướng lĩnh và Lão thành Cách mạng, đã ký tên
kiến nghị bỏ Điều 4 trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi (2013) loại Đảng ra
khỏi quyền đương nhiên được lãnh đạo đất nước mà không qua bầu cử của dân.
Như vậy thì làm gì có tự do báo chí
ở Việt Nam như đảng vẫn tuyên truyền để hù họa dân, lừa bịp Thế giới và lụy
giặc như Thần?
02/13
No comments:
Post a Comment