Friday, 15 February 2013

5 CÁCH TRUNG QUỐC CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT NỀN DÂN CHỦ (Minxin Pei - The Diplomat)




Minxin Pei   (Bùi Mẫn Hân)
The Diplomat  -  February 13, 2013

Friday, February 15, 2013

Suy đoán về tương lai chính trị khả dĩ của Trung Quốc đòi hỏi một sự động não gây hấp dẫn đối với một số người và thách đố đối với nhiều người. Theo lẽ thường thì đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà vốn đang thúc thủ, và quyết tâm bảo vệ và duy trì độc quyền chính trị của mình, sẽ có các phương sách để tồn tại trong một thời gian dài nữa (mặc dù không phải là vĩnh viễn). Tuy nhiên, một quan điểm thiểu số, lại cho rằng thời gian tồn tại của ĐCSTQ đang được đếm từng ngày. Trên thực tế, một quá trình chuyển đổi dân chủ ở Trung Quốc trong 10 đến 15 năm tới là một biến cố có xác suất cao. Hậu thuẫn cho cái nhìn lạc quan này về tương lai dân chủ của Trung Quốc là kinh nghiệm tích lũy của quốc tế và lịch sử trong quá trình chuyển đổi dân chủ (khoảng 80 quốc gia đã thực hiện các quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài sang nhiều hình thức và mức độ dân chủ khác nhau trong 40 năm qua) và của nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học xã hội mà đã mang lại những hiểu biết thấu đáo về động lực của quá trình chuyển đổi dân chủ và sự suy rã của thể chế toàn trị (hai quá trình có liên hệ chặt chẽ với nhau).

Chắc chắn, những người tin rằng chế độ độc đảng của Trung Quốc vẫn có khả năng phục hồi đủ để kéo dài nhiều thập kỷ cầm quyền có thể viện dẫn năng lực áp chế to lớn đã được chứng minh của ĐCSTQ (đây là yếu tố quan trọng nhất để một chế độ chuyên quyền sống còn), khả năng thích ứng của đảng với các biển chuyển kinh tế-xã hội (mặc dù trình độ thích ứng của đảng là một chủ đề còn gây tranh cãi trong giới học thuật), và thành tích đã có trong quá khứ của đảng trong việc tạo dựng những tiến bộ kinh tế như là cơ sở cho tính hợp pháp của mình.

Bảng liệt kê các lý do tại sao người dân Trung Quốc phải cam chịu nhiều thập kỷ chế độ độc đảng sẽ bao gồm hàng loạt các yếu tố được trưng ra bởi những người ủng hộ lý thuyết về thay đổi chế độ có thể dự báo được ở Trung Quốc. Trong rất nhiều nguyên nhân gây suy yếu và sụp đổ của chế độ cực quyền, có hai nguyên nhân nổi bật.

Nguyên nhân đầu tiên là logic suy tàn của chế độ cực quyền. Các chế độ độc đảng, dù tinh vi đến mức nào, cũng đều bị lão hóa và suy yếu về tổ chức. Các nhà lãnh đạo càng về sau càng yếu hơn (cả về năng lực và lập trường tư tưởng); các chế độ như thế có xu hướng thu hút những kẻ hám danh và những tên cơ hội nhìn nhận vai trò của họ trong chế độ đó từ quan điểm của một nhà đầu tư: họ muốn tối đa hóa lợi tức của mình từ sự đóng góp của họ cho việc duy trì và tồn vong của chế độ. Kết quả là tham nhũng leo thang, quản trị tha hóa, và ngày càng xa rời quần chúng. Kinh nghiệm cho thấy, sự phân rã về tổ chức của chế độ một đảng có thể đo bằng tuổi thọ giới hạn của chế độ đó. Cho đến nay, tuổi thọ kỷ lục của một chế độ độc đảng là 74 năm (giữ kỷ lục này là Đảng Cộng sản của Liên Xô trước đây). Chế độ một đảng cầm quyền ở Mexico và Đài Loan có tuổi thọ là 71 và 73 năm (mặc dù trong trường hợp của Đài Loan, sự tính toán khá phức tạp do thất bại quân sự trên đất liền của Quốc Dân Đảng). Hơn nữa, cả ba chế độc đảng dài lâu nhất đều bắt đầu trải qua khủng hoảng đe dọa hệ thống khoảng một thập kỷ trước khi rời khỏi quyền lực chính trị. Nếu kinh nghiệm lịch sử đó lặp lại ở Trung Quốc, nơi mà Đảng Cộng sản đã cai trị 63 năm nay, chúng ta có thể suy đoán một cách hợp lý rằng xác suất chuyển đổi chế độ vừa hiện thực vừa cao trong vòng 10-15 năm tới, khi đó ĐCSTQ sẽ đạt giới hạn trên của tuổi thọ của một chế độ độc đảng.

Nguyên nhân thứ hai là ảnh hưởng của thay đổi kinh tế xã hội - tăng trình độ học vấn, tăng thu nhập, và đô thị hóa, cùng với sự cải thiện của công nghệ truyền thông – đã làm giảm đáng kể phí tổn để tao ra hành động tập thể, làm mất tính hợp pháp của chế độ chuyên quyền, và nuôi dưỡng những đòi hỏi về dân chủ nhiều hơn. Kết quả là, các chế độ độc tài, mà đã có một thời gian tương đối dễ dàng cai trị xã hội gồm những người nghèo và người làm nông nghiệp, tự nhận thấy tình hình ngày càng khó khăn hơn và cuối cùng không thể duy trì được nữa sự cầm quyền của họ một khi phát triển kinh tế xã hội đạt đến một mức độ nhất định. Phân tích thống kê cho thấy rằng chế độ độc tài ngày càng trở nên không ổn định (và càng có nhiều khả năng chuyển đổi dân chủ) một khi thu nhập bình quân đầu người (PPP) tăng lên trên 1.000 đô-la. Khi thu nhập bình quân đầu người trên 4000 đô-la, khả năng chuyển đổi dân chủ tăng mạnh mẽ hơn. Rất ít chế độ độc tài, trừ khi họ cầm quyền ở các nước sản xuất dầu mỏ, có thể tồn tại một khi thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 6000 đô-la. Nếu chúng ta áp dụng quan sát này và có tính đến hiệu ứng có thể có của lạm phát (mặc dù các số liệu PPP trên được tính toán hằng định), chúng ta sẽ thấy rằng Trung Quốc hẳn đã rơi vào "khu vực của chuyển đổi dân chủ" vì thu nhập đầu người của nước này hiện nay đạt khoảng 9.100 đô-la, ngang bằng với mức thu nhập của Hàn Quốc và Đài Loan giữa những năm 1980, vào đêm trước của quá trình chuyển đổi dân chủ. Trong 10-15 năm nữa, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc có thể vượt quá 15.000 đô-la và tỷ lệ đô thị hóa của nó sẽ tăng lên tới 60-65%. Nếu ĐCSTQ ngày hôm nay đã có một thời gian khó khăn như thế (về triển khai nhân lực và nguồn tài chính) để duy trì sự cầm quyền của mình, thì chỉ cần tưởng tượng nhiệm vụ này sẽ trở thành bất khả thi như thế nào trong thời gian 10-15 năm nữa.

Nếu phân tích này đủ sức thuyết phục để chúng ta hy vọng vào khả năng chắc chắn của quá trình chuyển đổi dân chủ ở Trung Quốc trong 10-15 năm tới, thì câu hỏi tiếp theo thú vị hơn chắc hẳn là "quá trình chuyển đổi đó sẽ diễn ra như thế nào?"

Một lần nữa, dựa trên những kinh nghiệm phong phú của quá trình chuyển đổi dân chủ từ những năm 1970, thì có năm cách để Trung Quốc có thể trở thành một quốc gia dân chủ:

"Kết thúc có hậu" sẽ là phương thức ưu tiên nhất của quá trình chuyển đổi dân chủ cho Trung Quốc. Thông thường, một lối thoát hòa bình để rời bỏ quyền lực được điều khiển bởi tầng lớp tinh hoa cầm quyền của chế độ cũ phải kinh qua nhiều giai đoạn. Bắt đầu là sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp, mà có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố (như nền kinh tế kém, thất bại quân sự, đối kháng của quần chúng gia tăng, chi phí không thể chịu đựng nổi để thực hiện áp chế, và tệ nạn tham nhũng). Việc nhận ra một cuộc khủng hoảng như thế thuyết phục một số nhà lãnh đạo của chế độ, mà sự cầm quyền độc đoán đang đếm từng ngày, và họ thấy nên bắt đầu tìm cách từ bỏ quyền lực một cách êm đẹp. Nếu các nhà lãnh đạo như vậy nắm được vai trò thống soái chính trị bên trong chế độ, họ sẽ bắt đầu một quá trình tự do hóa bằng cách giải phóng các phương tiện truyền thông và nới lỏng kiểm soát đối với các tổ chức xã hội dân sự. Sau đó, họ đàm phán với các nhà lãnh đạo đối lập để thiết lập các quy tắc của hệ thống chính trị hậu-chuyển đổi. Điều quan trọng nhất là các cuộc đàm phán đó phải tập trung vào việc bảo vệ các tầng lớp tinh hoa cầm quyền của chế độ cũ đã vi phạm nhân quyền và duy trì đặc quyền của các thiết chế nhà nước đã hỗ trợ chế độ cũ (như quân đội và cảnh sát mật). Một khi các cuộc đàm phán đã được thỏ thuận xong, bầu cử sẽ được tổ chức. Trong hầu hết các trường hợp (Đài Loan và Tây Ban Nha là những trường hợp ngoại lệ), các đảng phái đại diện cho chế độ cũ sẽ bị thất bại trong các cuộc bầu cử đó, nhờ đó mà một kỷ nguyên dân chủ mới được mở ra. Vào thời điểm này, quá trình chuyển đổi ở Miến Điện đang diễn ra theo kịch bản này.

Nhưng đối với Trung Quốc, ngoài những thứ khác, thì xác suất của một kết thúc có hậu gắn liền với việc liệu tầng lớp tinh hoa cầm quyền có chịu bắt đầu cải cách trước khi chế độ cũ mà vốn đã đánh mất tính hợp pháp không khôi phục được hay không. Lịch sử ghi nhận hiếm có chuyển đổi hòa bình từ sau chế độ độc tài toàn trị, mà chủ yếu là do chế độ đó tìm cách chống lại cải cách cho đến khi quá muộn. Trường hợp thành công của quá trình chuyển đổi với "kết thúc có hậu", chẳng hạn như ở Đài Loan, Mexico, và Brazil, đã diễn ra bởi vì chế độ cũ vẫn duy trì đủ sức mạnh chính trị và có một số hỗ trợ từ các nhóm xã hội quan trọng. Vì vậy, tầng lớp tinh hoa cầm quyền bắt đầu quá trình này càng sớm bao nhiêu, cơ hội thành công của họ càng nhiều bấy nhiêu. Tuy nhiên, có một nghịch lý là một chế độ đủ mạnh thì không muốn cải cách và một chế độ yếu thì không thể cải cách. Trong trường hợp Trung Quốc, tỷ lệ đặt cược cho một hạ cánh nhẹ nhàng có thể được xác định bởi những điều mà ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ làm trong năm năm tới bởi vì cánh cửa dành cho cơ hội hạ cánh chính trị nhẹ nhàng sẽ không còn mở mãi.

"Gorbachev đến Trung Quốc" là một biến thể của kịch bản "kết thúc có hậu" với một cú xoáy khó chịu. Trong kịch bản này, giới lãnh đạo Trung Quốc bỏ lỡ cơ hội lịch sử để bắt đầu cải cách ngay bây giờ. Tuy nhiên, trong thập kỷ tới, một sự hội tụ của các xu hướng bất lợi về kinh tế, xã hội, và chính trị (chẳng hạn như giảm tăng trưởng kinh tế do dân số bị lão hóa môi trường suy thoái, tư bản bè phái, bất bình đẳng, tham nhũng và tăng bất ổn xã hội) cuối cùng sẽ buộc chế độ phải đối mặt với thực tế. Những người theo đường lối cứng rắn bị mất uy tín và được thay thế bởi các nhà cải cách, như Gorbachev chẳng hạn, và họ sẽ bắt đầu một phiên bản Trung Quốc về “công khai hóa và cải tổ” (glasnost i perestroika). Nhưng chế độ vào thời điểm đó đã bị mất đi toàn bộ uy tín và hỗ trợ chính trị từ các nhóm xã hội quan trọng. Tự do hóa châm ngòi cho huy động chính trị quần chúng và chủ nghĩa cực đoan. Các thành viên của chế độ cũ bắt đầu đào thoát hoặc theo phe đối lập hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn ở Nam California hoặc Thụy Sĩ. Trong bối cảnh hỗn loạn chính trị, chế độ lại bị một chia rẽ nội bộ khác, tương tự như giữa Boris Yeltsin và Gorbachev, và một nhà dân chủ cực đoan nổi lên để thay thế một nhà cải cách ôn hòa. Với sự hỗ trợ to lớn của công chúng, phe đối lập chính trị nổi trội, bao gồm cả những người đào thoát từ chế độ cũ, từ chối đưa ra nhượng bộ với Đảng Cộng sản vì nó bây giờ hoàn toàn không có tư cách để đàm phán. Cai trị độc đảng sụp đổ, hoặc do bầu cử để tống những người trung thành với đảng ra khỏi chính quyền hoặc phe đối lập tự phát nắm giữ quyền lực.

Nếu một kịch bản như vậy xảy ra ở Trung Quốc, đó sẽ là điều mỉa mai nhất. Suốt hai mươi năm qua, Đảng Cộng sản đã thử tất cả mọi thứ để ngăn chặn một sự sụp đổ kiểu Liên Xô. Nếu "kịch bản Gorbachev" là kịch bản sẽ đem lại nền dân chủ cho Trung Quốc, thì điều đó có nghĩa là rõ ràng đảng đã học được những bài học sai lầm từ sự sụp đổ của Liên Xô.

"Nổi dậy Thiên An Môn" là một khả năng thứ ba. Kịch bản này có thể diễn ra khi đảng tiếp tục chống lại cải cách ngay cả trong bối cảnh có dấu hiệu cực đoan chính trị và sự phân cực trong xã hội. Các yếu tố tương tự góp phần vào "kịch bản Gorbachev" sẽ diễn ra ở đây, ngoại trừ rằng việc kích hoạt sụp đổ không phải là một động thái muộn màng hướng tới giả phóng tự do bởi những người cải cách bên trong chế độ, nhưng một cuộc nổi dậy hàng loạt bất ngờ huy động rất đông các nhóm xã hội trên toàn quốc, như đã xảy ra tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Các biểu hiện của một cuộc cách mạng chính trị như vậy sẽ giống hệt với những gì người ta nhìn thấy trong những ngày sôi sục của cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ Thiên An Môn và "Cách mạng Hoa nhài" ở Trung Đông. Trong trường hợp Trung Quốc, " Nổi dậy Thiên An Môn" tạo ra một kết quả chính trị khác biệt chủ yếu là do quân đội Trung Quốc từ chối can thiệp một lần nữa để bảo vệ đảng (trong hầu hết các trường hợp chuyển đổi do khủng hoảng kích động từ những năm 1970, quân đội bỏ rơi những người cai trị độc đoán vào thời điểm quan trọng này).

"Cuộc khủng hoảng tài chính" - kịch bản thứ tư - có thể bắt đầu một quá trình chuyển đổi dân chủ tại Trung Quốc theo cách thức mà cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997-98 đã dẫn đến sự sụp đổ của Suharto ở Indonesia. Hệ thống tài chính dựa vào Ngân hàng của Trung Quốc có nhiều đặc điểm giống như hệ thống ngân hàng Indonesia thời Suharto: chính trị hóa, chủ nghĩa thân hữu, tham nhũng, kỷ luật kém, và quản lý rủi ro yếu. Có một thực tế hiện nay mà ai cũng biết là hệ thống tài chính Trung Quốc đã tích lũy các khoản nợ xấu khổng lồ không thanh toán được, và có thể lâm vào tình trạng phá sản về mặt kỹ thuật nếu các khoản vay này được công nhận. Ngoài ra, các hoạt động ngoài bảng cân đối kế toán thông qua hệ thống ngân hàng trong bóng tối đã mọc lên như nấm trong những năm gần đây, tăng thêm nhiều rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Khi năng lực của duy trì kiểm soát vốn của Trung Quốc bị xói mòn do sự lan rộng các phương thức chuyển tiền vào và ra khỏi Trung Quốc, xác suất của một cuộc khủng hoảng tài chính càng tăng lên. Vấn đề còn tồi tệ hơn nữa khi tự do hóa tài khoản vốn non nớt của Trung Quốc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc bay vốn trong thời điểm khủng hoảng hệ thống tài chính. Nếu khu vực tài chính của Trung Quốc phải chịu một cuộc khủng hoảng, nền kinh tế sẽ đình đốn và tình trạng bất ổn xã hội có thể trở nên không thể kiểm soát được. Nếu lực lượng an ninh không thể khôi phục trật tự và quân đội từ chối bảo vệ đảng, đảng có thể bị mất quyền lực trong bối cảnh hỗn loạn. Xác suất của một sự sụp đổ gây ra bởi một mình khủng hoảng tài chính là tương đối thấp. Nhưng ngay cả khi đảng vượt qua được hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính, tổn thất kinh tế mà Trung Quốc phải gánh chịu sẽ rất có thể sẽ gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế đến mức có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền mà cuối cùng phá bỏ tính hợp pháp của đảng.

"Môi trường sụp đổ" là kịch bản thay đổi chế độ cuối cùng. Với những đặc tính nổi bật của môi trường ở Trung Quốc vào những ngày này, xác suất của một sự thay đổi chế độ gây ra bởi sự suy thoái môi trường là không nhỏ. Vòng lặp phản hồi nối kết sự sụp đổ môi trường với thay đổi chế độ là phức tạp nhưng không phải không thể nhận ra. Rõ ràng, các chi phí kinh tế của sự sụp đổ môi trường sẽ là rất lớn, về phương diện chăm sóc sức khỏe, mất năng suất, thiếu nước, và bồi thường thể chất. Tăng trưởng có thể bị ngừng lại, phá bỏ tính hợp pháp và kiểm soát của ĐCSTQ. Môi trường sụp đổ ở Trung Quốc đã bắt đầu khiến các tầng lớp trung lưu đô thị xa lánh chế độ và kích thích phản đối gia tăng trong xã hội. Các hoạt động môi trường có thể trở thành một lực lượng chính trị liên kết các nhóm xã hội khác nhau vào một sự nghiệp chung chống lại chế độ độc đảng được xem là vô cảm, lãnh đạm, và không đủ năng lực giả quyết các vấn đề môi trường. Sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường ở Trung Quốc cũng có nghĩa rằng xác suất của một thảm họa môi trường nghiêm trọng - một sự tràn chất độc hại lớn, hạn hán kỷ lục, hoặc khói độc kéo dài có thể kích hoạt một sự cố biểu tình đông đảo mở toang cánh cửa cho việc huy động chính trị nhanh chóng của phe đối lập.

Việc tiếp nhận bài tập trí tuệ này cần phải tỉnh táo đối với cả Đảng Cộng sản Trung Quốc lẫn cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, rất ít người nghiêm túc suy nghĩ về khả năng và các kịch bản chính đáng khác nhau của một quá trình chuyển đổi chế độ ở Trung Quốc. Khi chúng ta điểm qua những nguyên nhân khả dĩ và các kịch bản của một quá trình chuyển đổi như thế, thì điều hết sức rõ ràng là chúng ta cần phải bắt đầu suy nghĩ về cả những điều không dám nghĩ lẫn những điều không thể tránh khỏi.








No comments:

Post a Comment

View My Stats