Sunday 16 June 2024

GIẢI TÁN HẠ VIỆN, TT PHÁP MACRON BỊ "GẠT RA BÊN LỀ" CHIẾN DỊCH TRANH CỬ LẬP PHÁP ương / RFI)

 



 

 

Giải tán Hạ Viện, TT Pháp Macron bị "gạt ra bên lề" chiến dịch tranh cử lập pháp

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 15/06/2024 - 11:17

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20240615-gi%E1%BA%A3i-t%C3%A1n-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-tt-ph%C3%A1p-macron-b%E1%BB%8B-g%E1%BA%A1t-ra-b%C3%AAn-l%E1%BB%81-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-tranh-c%E1%BB%AD-l%E1%BA%ADp-ph%C3%A1p

 

Chính trường Pháp trải qua một tuần đầy biến động sau khi TT Macron giải tán Hạ Viện ; Nhiều dân biểu trong đảng của tổng thống muốn « gạt » ông Macron ra « bên lề » chiến dịch tranh cử lập pháp ; thủ tướng Ý Giorgia Meloni, một trong số ít lãnh đạo, « đại thắng » cả trong nước và ở Nghị Viện Châu Âu ; Số di dân chết trên biển tăng bùng nổ trên hải trình nhập cư trái phép vào Tây Ban Nha ; Nam Âu bắt đầu vào mùa cháy rừng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b95acec6-26ee-11ef-af2d-005056a90284/w:980/p:16x9/Emmanuel%20Macron%20annonce%20la%20dissolution%20de%20l%27Assembl%C3%A9e%20nationale.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 09/06/2024 thông báo giải tán Hạ Viện và cho tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn. REUTERS - Christian Hartmann

 

Chính trường Pháp một tuần đầy biến động

 

Tuần qua là những ngày đầy biến động trên chính trường Pháp. Mọi chuyện bùng nổ từ tối Chủ Nhật, 09/06/2024, khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ tuyên bố giải tán Hạ Viện ngay sau khi có kết quả kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu, theo đó đảng cực hữu Tập hợp Dân Tộc (RN) về đầu tại Pháp, vượt xa đảng của tổng thống, vốn đã không có đa số quá bán tại Hạ Viện.

 

Kỳ bầu cử Hạ Viện Pháp trước thời hạn được tổng thống ấn định vào ngày 30/06 (vòng 1) và 07/07 (vòng 2), tức là sớm nhất có thể theo thời hạn ghi trong điều 12 của Hiến Pháp. Ba tuần chuẩn bị bầu cử lập pháp là thời gian ngắn chưa từng có tại Pháp. Đây được xem là chủ ý của tổng thống Pháp với hy vọng đẩy các đảng phái vào thế bất ngờ, « trở tay không kịp ».

 

Để đối phó với đà đang lên của đảng cực hữu Tập Hợp Dân tộc (RN), mà theo các khảo sát là có thể về đầu trong kỳ bầu cử lập pháp, sau 4 ngày thương lượng căng thẳng, 4 đảng cánh tả và cực tả, gồm đảng cánh tả truyền thống Xã Hội (PS), đảng Cộng Sản, đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) và đảng Xanh, đã lập liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới (Nouveau Front Populaire) với một chương trình tranh cử chung, đặc biệt nhấn mạnh vào việc chỉnh sửa những cải cách về lương tối thiểu, bãi bỏ cải cách hưu bổng, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, cũng như đề cử chỉ một ứng cử viên duy nhất cho mỗi đơn vị bầu cử trong tổng số 577 đơn vị trên toàn quốc.

 

Trong khi đó, đảng cánh hữu truyền thống Những Người Cộng Hòa (LR) lại hứng chịu một “cơn địa chấn chính trị” : chủ tịch đảng, Eric Ciotti, đột ngột thỏa thuận liên minh với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc để tranh cử, mà không tham vấn ban lãnh đạo đảng. Do đó, ban lãnh đạo đảng LR đã quyết định khai trừ đảng và bãi miễn chức vụ chủ tịch đảng của ông Ciotti.

 

 

TT Macron bị “gạt ra bên lề” chiến dịch vận động tranh cử

 

Liên quan đến đảng Phục Hưng (Renaissance) của tổng thống Emmanuel Macron, hiện giờ theo khảo sát, đảng này cùng với liên minh đa số cầm quyền sẽ chỉ về thứ ba, thua xa phe cực hữu và liên đảng cánh tả Mặt trận Bình dân mới. AFP cho biết, điểm tín nhiệm của tổng thống Macron, sau khi ông giải tán Hạ Viện và thông báo cho tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn, đã giảm mạnh 5 điểm, chỉ còn 24%, mức thấp nhất kể từ năm 2022 khi ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 2.

 

Do tỉ lệ được lòng dân của tổng thống rất thấp, đa phần các quan chức và phe dân biểu chiếm đa số tại Hạ Viện vừa bị giải tán muốn tổng thống « giữ khoảng cách » với chiến dịch vận động cho cuộc tranh cử lập pháp cuối tháng 06 đầu tháng 07/2024.

 

Trong cuộc họp hôm 11/06 của nhóm dân biểu đảng Phục Hưng của tổng thống Macron, nhiều người muốn thủ tướng Gabriel Attal chứ không phải tổng thống Macron lãnh đạo chiến dịch tranh cử. Nhiều dân biểu không muốn ảnh của tổng thống Macron như thông lệ mà là ảnh của thủ tướng Attal trong áp-phích vận động tranh cử của họ. Thủ tướng Attal cũng đã thông báo chính ông sẽ lãnh đạo phe đa số cầm quyền trong chiến dịch vận động tranh cử.

 

AFP hôm 12/06 trích dẫn ông Xavier Bertrand, chủ tịch vùng Hauts-de-France, thuộc đảng cánh hữu truyền thống Những người Cộng Hòa (LR) : « Mỗi lần ông ấy phát biểu, ông ấy (Macron) đều mang lại thêm 1 điểm thắng cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) » và cho rằng « tổng thống nên nghĩ đến việc lui lại phía sau ». Trong khi đó, chủ tịch đảng Horizons, Édouard Philippe, từng là thủ tướng ở nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của Macron, cũng cho rằng việc ông Macron can thiệp quá sâu vào cuộc tranh cử Quốc Hội là « không được lành mạnh cho lắm », có thể gây thêm « nỗi tức giận » trong công luận sau vụ giải tán Hạ Viện.

 

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu :  vị thế thủ tướng Ý Giorgia Meloni được nâng cao  

 

Nhìn rộng ra Liên Âu, bất chấp sự trỗi dậy của phe cực hữu, liên minh trung-hữu vẫn giữ được đa số tại Nghị Viện. Theo kết quả được cập nhật hôm 14/06 trên trang mạng bầu cử của Liên Âu, trong tổng số 720 ghế dân biểu Nghị Viện, về đầu là đảng Nhân Dân Châu Âu (EPP) - 190 ghế, Liên minh Tiến Bộ Xã Hội và Dân Chủ (S&D) 136 ghế và đảng Đổi Mới Châu Âu 80 ghế.

 

Trong khi đó, tại nhiều nước thành viên, kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu cũng đánh dấu thất bại hoặc thành tích tụt lùi của đảng cầm quyền ngay trong nước so với kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu hồi năm 2019. Pháp không phải là trường hợp cá biệt. Tại Đức, đảng Xã Hội - Dân Chủ (SPD) của thủ tướng Olaf Scholz đã bị đảng đối lập cánh hữu, Dân Chủ - Thiên Chúa Giáo (CDU), vượt xa về số phiếu. Nhìn sang Hungary, đảng Fidesz của vị thủ tướng dân túy Viktor Orban, dù vẫn về đầu với hơn 43% số phiếu, nhưng tỉ lệ phiếu như vậy đã sụt giảm so với thành tích trước đây.

 

Một trong số ít lãnh đạo « đại thắng » trong nước nhân kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu lần này chính là thủ tướng Ý, Giorgia Meloni cùng với đảng cực hữu cầm quyền Fratelli d’Italia với 28,8% số phiếu. Không chỉ cho phép đảng Fratelli d’Italia duy trì được vị thế hàng đầu ngay trong nước, mà kết quả này còn giúp thủ tướng Ý Giorgia Meloni có cơ hội cải thiện vị thế trong bộ máy lãnh đạo khối Liên Âu.  

  

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir ngày 13/06 giải thích :

 

« Không còn nghi ngờ gì nữa, uy tín của bà Giorgia Meloni đang được củng cố ở Bruxelles. Thứ nhất là vì lãnh đạo của đảng Fratelli d'Italia kiên quyết ủng hộ Ukraina và ủng hộ khối NATO. Sau đó là bởi vì nội các của thủ tướng Giorgia Meloni giữ được sự ổn định. Điều này cũng mang lại một sự bảo đảm.

 

Vì những lẽ đó, bà Meloni có ý định giành một chức quan trọng, nhất là chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Nhật báo La Stampa trích dẫn các nguồn tin từ những người thân cận với bà Meloni, khẳng định rằng thủ tướng Ý và nhóm nghị sĩ Những Người Bảo Thủ Và Cải Cách Châu Âu ở Nghị Viện Châu Âu “sẽ ủng hộ hồ sơ tranh cử của bà Ursula Von der Leyen”, “nhất là sau thất bại của đảng Phục Hưng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đảng Dân Chủ - Xã Hội của thủ tướng Đức Olaf Scholz”. Thế nhưng, thủ tướng Ý Giorgia Meloni vẫn chưa chính thức lên tiếng về việc này.

 

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bà Meloni sẽ đấu tranh để giành vị trí ủy viên châu Âu có vai trò then chốt cho một người Ý. Hiện nay, nếu tính đến những vấn đề kinh tế nghiêm trọng của đất nước, thì nhân vật được chú ý là vị bộ trưởng Kinh Tế Ý, Giancarlo Giorgetti ».

 

 

Số di dân chết trên biển tăng vọt  khi nhập cư trái phép vào Tây Ban Nha

 

Kiểm soát di dân bất hợp pháp, một trong những chủ đề nóng trong kỳ vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu, cũng một trong những hồ sơ chính giúp cho phe cực hữu vươn cao hơn. Trên thực tế, bất chấp nỗ lực kiểm soát biên giới ngoại khối, số di dân quốc tế tìm cách đến Liên Âu vẫn không ngừng gia tăng.

 

Tây Ban Nha, cửa ngõ Liên Âu nhìn ra Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, phía gần châu Phi, là một ví dụ điển hình. Theo số liệu của một tổ chức phi chính phủ, trong 5 tháng đầu năm 2024, so với cùng kỳ năm ngoái, số di dân tìm cách nhập cư trái phép đã tăng 2,5 lần. Số người tử vong trên biển trong hành trình từ châu Phi đến Tây Ban Nha cũng tăng gấp 2,5 lần. Tính trung bình, từ đầu năm 2024 đến nay, mỗi ngày có 33 người bỏ mạng ngoài khơi.

 

Từ Madrid, thông tín viên François Musseau ngày 13/06 gửi về bài tường trình :

 

« Đây không phải là những con số bình thường, chúng thậm chí còn rất đáng sợ. Đó là nhận định của Helena Maleno, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Caminando Fronteras. Từ nhiều năm nay, tổ chức phi chính phủ này không ngừng báo động về tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ.

 

Trong năm 2023, có tổng cộng 6.618 di dân tử vong do đuối nước khi họ tìm cách vượt biển đến Tây Ban Nha. Tuy nhiên, năm nay, chỉ trong vòng 6 tháng, đã có đến hơn 5.000 người bỏ mạng, dự báo đến cuối năm nay, con số sẽ ở mức kỷ lục đáng buồn.

 

Những thảm kịch này chủ yếu tập trung vào tuyến đường qua Đại Tây Dương nối từ bờ biển phía tây châu Phi đến quần đảo Canaries của Tây Ban Nha, bởi vì tuyến Địa Trung Hải từ Maroc hoặc Algeria đến Tây Ban Nha bị lực lượng phòng vệ dân sự kiểm soát chặt chẽ. Việc kiểm soát các tuyến đường xuất phát từ miền nam Maroc, Mauritanie hoặc Senegal ít xảy ra hơn.

 

Trái lại, việc vượt biển trên những con tàu thô sơ, với hải trình lên tới gần 1.500 km, với dòng hải lưu mạnh, là cực kỳ nguy hiểm. Điều này giải thích tại sao số người bỏ mạng ngoài khơi lại nhiều đến vậy. Tình hình càng trở nên bi thảm bởi vì tình trạng di cư không ngừng tăng, lên đến 20.854 người tính đến cuối tháng 05/2024, so với 8.812 người vào cùng kỳ năm ngoái ».

 

 

Châu Âu vào "mùa cháy rừng"?

 

Mới nửa đầu tháng Sáu, nhưng một số nước Nam Âu đã bắt đầu phải đối phó với những đợt nắng nóng cao độ, kèm theo đó là nguy cơ cháy rừng, nhất là tại Hy Lạp và Chypre.

 

Tại Chypre, ngay từ đầu tuần qua, dù vẫn chưa đến hè, nhưng dưới cái nóng lên tới hơn 40 độ C, thiếu mưa, những vụ cháy rừng lớn xảy ra ở miền tây Chypre từ hôm thứ Ba 11/06 đã khiến Hy Lạp và Ai Cập phải điều lực lượng cứu viện và trực thăng cứu hỏa đến. Nhiều ngôi nhà bị hư hại hoặc đã bị thiêu rụi, người dân sinh sống tại 5 ngôi làng ở Chypre đã phải di tản. Chính quyền đã ban bố kế hoạch khẩn cấp trên toàn quốc.

 

Trong khi đó, Hy Lạp cũng đang hứng chịu một đợt nắng nóng lên đến mức kỷ lục tính theo mùa, nhiều nơi nhiệt độ tăng vọt lên trên 43 độ C. Nhiều di tích khảo cổ vốn du hút rất đông du khách, trong đó có đền Acropolis ở thủ đô Athens đã phải đóng cửa vào giờ nóng nực cao điểm trong ngày để tránh nguy hiểm cho du khách.

 

Năm nay, dù chưa bị cháy rừng, nhưng theo AFP, nguy cơ hỏa hoạn được đánh giá là ở mức « rất cao » tại 8 vùng trong cả nước Hy Lạp. Và vẫn còn đó cơn ác mộng về vụ hỏa hoạn thiêu rụi 175.000 ha hồi mùa hè năm ngoái, buộc vài chục ngàn người, đa phần là khách du lịch, phải di tản. Đợt cháy rừng Dadia, miền bắc Hy Lạp hè 2023 là đợt cháy rừng lớn nhất châu Âu từng ghi nhận từ vài thập kỷ nay.

 

Trước mối họa cháy rừng, chính quyền Hy Lạp đã có kế hoạch đầu tư khoản tiền khổng lồ vào trang thiết bị phòng chống cháy.

 

Từ Athens, thông tín viên Joël Bronner ngày 12/06/2024 cho biết cụ thể :

 

« 2,1 tỷ euro. Đây là khoản tiền cao kỷ lục, một phần lớn trích từ quỹ của Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ Athens phòng chống các vụ cháy rừng theo mùa, vốn có xu hướng gia tăng do biến đổi khí hậu. Với số tiền đó, từ nay đến năm 2025, Hy Lạp mua khoảng 10 máy bay, cũng chừng đó trực thăng và hơn 1.000 xe cứu hỏa, trong khuôn khổ một dự án đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Camera ảnh nhiệt hồng ngoại và drone cũng chiếm một phần các khoản đầu tư được chú trọng.

 

Mặc dù Hy Lạp đã tiêu tốn đáng kể và đã thể hiện rõ mong muốn phòng chống cháy rừng, nhưng hàng năm giới quan sát vẫn chỉ trích việc chính quyền thiếu dự phòng nguy cơ hỏa hoạn cũng như thiếu sự điều phối giữa các cơ quan chuyên trách cứu hỏa. Năm ngoái, vụ cháy rừng Dadia, gần thị trấn Alexandroupolis ở miền bắc đất nước, là vụ hỏa hoạn lớn nhất từng được ghi nhận ở châu Âu trong suốt 30 năm trở lại đây. Một vụ cháy rừng, xảy ra trên đảo Rhodes, đã khiến 20.000 người, chủ yếu là khách du lịch, phải sơ tán ».

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats