Tuesday 25 June 2024

THAM LAM VÀ THÍCH HÀ HIẾP, TRUNG QUỐC TẠO ĐIỀU KIỆN CHO MỸ QUAY LẠI PHILIPPINES (Thụy My / RFI)

 



Tham lam và thích hà hiếp, Trung Quốc tạo điều kiện cho Mỹ quay lại Philippines

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 25/06/2024 - 15:01  -  Sửa đổi ngày: 25/06/2024 - 15:11

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240625-tham-lam-v%C3%A0-th%C3%ADch-h%C3%A0-hi%E1%BA%BFp-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%A1o-%C4%91i%E1%BB%81u-ki%E1%BB%87n-cho-m%E1%BB%B9-quay-l%E1%BA%A1i-philippines

 

Les Echos ngày 24/06/2024 cảnh báo « Lực lượng của Bắc Kinh và Manila bên bờ vực xung đột », Le Monde chú ý đến việc « Mỹ rầm rộ trở lại Philippines để đối đầu với Trung Quốc ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/b3454024-3275-11ef-8568-005056a90284/w:980/p:16x9/phi_04-1.webp

Tuần duyên Trung Quốc dùng dao và rựa tấn công lực lượng Philippines khi tiến gần Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 17/06/2024. AP

 

Cướp bóc, phá hoại : Cường quốc hành xử kiểu hải tặc !

 

Lần này, lính Trung Quốc đến với dao, rựa và những mũi lao. Dùng các thuyền có mã lực mạnh bao vây các tàu Philippines đang đến gần một đảo san hô, tuần duyên Trung Quốc gào thét bằng tiếng quan thoại, tông rách các phao của tàu đối thủ, cướp các hàng hóa trên tàu và đập bể một số thiết bị. Một thủy thủ trẻ tuổi Philippines bị đứt ngón tay trỏ, những người khác bị thương nhẹ. Tướng Romeo Brawner Jr, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines giận dữ nói : « Xông lên tàu cướp bóc, phá hoại, chỉ có hải tặc mới làm như vậy ».

 

Từ nhiều tháng qua, tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc cố gắng ngăn cản việc tiếp tế cho một nhóm lính Philippines đang sống trên xác tàu « Sierra Madre » ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở ngoài khơi Palawan. Bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye khẳng định đường lưỡi bò tự vẽ là bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn quân sự hóa Biển Đông. Để xua đuổi các nước khác, Bắc Kinh trang bị vũ khí trên các tàu và từ 2018 đặt tuần duyên dưới quyền chỉ huy trực tiếp của công an vũ trang. Chuyên gia Laura Southgate của Aston University nói thêm, và từ 2021 tuần duyên được phép dùng vũ lực để đuổi các tàu nước ngoài.

 

Thường thì những vụ đụng độ với tàu Philippines chủ yếu từ xa bằng vòi rồng, Trung Quốc dùng chiến thuật « vùng xám » để tránh nổ ra chiến tranh. Nhưng lần này Bắc Kinh đã vượt lằn ranh đỏ, tấn công trực tiếp.Giáo sư Jeffrey Ordaniel, Tokyo International University giải thích, « Mỗi lần Trung Quốc đều thử dùng những cách mới, từ vòi rồng, tia laser, tông thẳng vào tàu và mới đây là tịch thu tài sản. Họ không ngừng trắc nghiệm giới hạn hành động của mình, tự tung tự tác ».

 

Hiện thời Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu chỉ mới tố cáo sự thô bạo của Trung Quốc, Hoa Kỳ lên án nhưng chưa đưa ra chiến lược cụ thể. Các chuyên gia cho rằng nếu tàu Mỹ hộ tống các tàu tiếp tế Philippines, Bắc Kinh sẽ phải điều chỉnh hành động. Jeffrey Ordaniel nhận xét, như vậy chứng tỏ với Trung Quốc là cách hành xử côn đồ trên biển sẽ dẫn đến sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Ông cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ và Philippines phối hợp để đáp trả, nếu không Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn chiếm.

 

 

Sau thời gian dài im lặng, Manila công khai tố cáo Bắc Kinh

 

Le Monde chú ý đến việc Trung Quốc cho phép lực lượng tuần duyên « giam giữ đến 60 ngày không cần xét xử, tất cả những ai vượt qua ranh giới bất hợp pháp », có hiệu lực kể từ ngày 15/06. Thông cáo này khiến người Philippines phẫn nộ. Leonardo Cuaresma, chủ tịch một hiệp hội ngư dân nói : « Họ hoàn toàn không có quyền nói như vậy, chính chúng tôi mới phải bắt giữ họ ! ».

 

Một cuộc thăm dò của OCTA Research công bố vào đầu tháng Sáu cho thấy 76 % người Philippines coi Trung Quốc là « mối đe dọa lớn nhất », và 91 % khẳng định không thể tin tưởng được Bắc Kinh, so với cách đây hai năm chỉ có 58 %. Ngay cả phe cực tả vốn chống đối mọi sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc hôm 15/06, chân dung khổng lồ của Tập Cận Bình treo phía trước bị xé rách tơi tả. Cựu đại tá Không quân Mỹ Raymond Powell ghi nhận trong năm 2023 và 2024 đã xảy ra vô số vụ va chạm vì Trung Quốc leo thang.

 

Từ khi Bongbong Marcos lên làm tổng thống tháng 5/2022, chính phủ Philippines công khai dựa vào đồng minh Mỹ. Những vụ tuần duyên Trung Quốc hà hiếp trước đây vẫn được giữ kín, nay chiếm những hàng tít lớn trên báo. Tại Diễn đàn Shangri-La ở Singapore hôm 31/05, ông Marcos khẳng định luật pháp quốc tế đứng về phía mình, và bên lề hội nghị, Philippines và Mỹ lần đầu tiên quyết định sẽ tuần tra chung tại vùng đặc quyền kinh tế Philippines.

 

 

Duterte quỵ lụy vẫn bị Tập Cận Bình dọa chiến tranh

 

Đến ngày 03/06, tổng thống Philippines tiếp đón đồng nhiệm Ukraina trong chuyến thăm bất ngờ của Volodymyr Zelensky. Antonio Carpio, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, người đi khắp thế giới để bênh vực quyền lợi đất nước, cho rằng nếu Nga và Trung Quốc chiến thắng, luật của kẻ mạnh sẽ trở lại. Đặc biệt Mỹ đã giúp Philippines tham gia các sáng kiến khu vực, như cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ- Nhật-Phi hồi tháng Tư, và cuộc họp bộ trưởng quốc phòng bốn bên Mỹ-Nhật-Úc-Phi đầu tháng Năm, được mệnh danh là « Squad » - như Bộ Tứ Quad (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc).

 

Le Monde nhắc lại, cựu tổng thống Rodrigo Duterte thân Trung Quốc từng tạm ngưng hiệp ước quốc phòng hỗ tương với Mỹ, hy vọng Bắc Kinh sẽ đầu tư khai thác trữ lượng khí đốt ở dải Reed nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuy nhiên đến 2019, Duterte tiết lộ Tập Cận Bình từng đe dọa chiến tranh khi ông ta định kêu gọi một công ty không phải của Trung Quốc tham gia. Và năm 2022 Duterte chấm dứt thương lượng vì Bắc Kinh bác bỏ đến cùng việc minh định mỏ khí đốt này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Dù rằng theo các chuyên gia, Trung Quốc thật ra chẳng cần đến số khí đốt này vì chi phí vận chuyển quá mắc.

 

Khi Bongbong Marcos lên thay, tân tổng thống tháng Giêng 2023 sang Bắc Kinh trong nỗ lực cuối cùng thuyết phục Tập Cận Bình nhưng thất bại. Trong khi đó khí đốt ở dải Reed vô cùng cần thiết cho Manila vì mỏ Malampaya đang cung cấp 40 % nhu cầu điện cho đảo Luçon sắp cạn kiệt. Lòng tham vô độ của Bắc Kinh khiến Marcos nhất quyết quay sang phía Mỹ. Chỉ một tháng sau, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin loan báo mở rộng thêm bốn căn cứ quân sự tại Philippines, nâng tổng số lên 9 căn cứ.

 

 

Trung Quốc coi láng giềng Đông Nam Á là chư hầu

 

Vấn đề rất quan trọng cho Hoa Kỳ : trong trường hợp Trung Quốc xâm lăng Đài Loan, Philippines là mắt xích yếu ở sườn phía tây. Từ khi Trung Quốc sở hữu các vũ khí hiện đại như hỏa tiễn « diệt hàng không mẫu hạm », việc gởi tàu sân bay Mỹ đến chưa đủ sức răn đe. Chiến lược của Hoa Kỳ không còn là đưa quân tăng cường thường trực, mà luân chuyển các đơn vị, gia tăng các đối tác, tập trận chung, phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho chiến tranh cường độ cao. Hỏa tiễn Tomahawk lần đầu tiên được đưa đến Philippines trong cuộc tập trận gần đây.

 

Theo nhà nghiên cứu François-Xavier Bonnet, Bãi Cỏ Mây với độ sâu 2.500 mét có thể giúp các tàu ngầm nguyên tử ẩn nấp, nên Trung Quốc muốn chiếm giữ khu vực này. Nghịch lý là một mặt Bắc Kinh triển khai lực lượng xứng đáng mức đại cường quân sự, mặt khác dùng chiến tranh du kích bằng tuần duyên và dân quân biển giả dạng ngư dân để thường xuyên quấy phá. Tiến sĩ Benjamin Blandin, Viện Công giáo Paris nhận định, với chiến lược « bất chiến tự nhiên thành », Trung Quốc sách nhiễu hoạt động thăm dò của các láng giềng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, làm áp lực về kinh tế…

 

Trường hợp xác tàu Sierra-Madre được Manila dùng để khẳng định chủ quyền, Bắc Kinh chờ đợi chiếc tàu đã quá cũ kỹ này tự mục rã. Theo Trung Quốc thì Duterte đã hứa không cải tạo tàu, nhưng chính quyền Marcos đáp trả rằng lời nói miệng không giá trị. Bắc Kinh đòi hỏi Manila phải báo trước mỗi khi muốn tiếp tế, cấm tất cả vật liệu xây dựng. Trong Bộ quy tắc ứng xử đang thương lượng với ASEAN, Trung Quốc đòi các nước khác phải xin phép mình nếu muốn tập trận chung với một quốc gia ngoài khu vực. Tóm lại theo François-Xavier Bonnet : « Các nước nhỏ yếu là chư hầu ».

 

 

Kinh tế, một mặt trận khác

 

Sự quay lại Philippines của Mỹ còn về kinh tế. Ít lệ thuộc hơn vào Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu là rất quan trọng vì Bắc Kinh thường xuyên chơi trò o ép. Nhờ cảng nước sâu, khu kinh tế tự do Vịnh Subic thu hút các công ty điện tử Nhật Bản, Đài Loan. Tập đoàn Hàn Quốc Hanjin có nhà máy đóng tàu tại đây, giúp Philippines lên hàng thứ tư thế giới và khi Hanjin bị phá sản năm 2019, Trung Quốc rục rịch nhảy vào.

 

Tháng 3/2022, trước bầu cử tổng thống Philippines, quỹ đầu tư Mỹ Cerberus Capital Management thuê lại cơ sở Hanjin trong 50 năm, đổi tên là Agila Subic. Quỹ này đầu tư nhiều vào quốc phòng, được cho là thân cận với Lầu Năm Góc. Theo các chuyên gia, hải quân Philippines đang muốn mua tàu ngầm, cũng sẽ đóng tại Agila Subic. Dự án đường xe lửa Clark-Subic Bay trước đây định làm với Trung Quốc, nay dự kiến bổ sung vào « hành lang kinh tế Luçon », một kế hoạch đầu tư quy mô. Một trong các mục tiêu là tạo điều kiện để các công ty rời khỏi Trung Quốc để tránh bị Mỹ trừng phạt. Vấn đề còn lại là chính trị nội bộ : Rodrigo Duterte vẫn đang « phục kích », sau khi cài cắm được con gái làm phó tổng thống.

 

 

Bầu cử Quốc Hội : Tựa chính tất cả báo Pháp

 

Bầu cử Quốc hội đã cận kề, tất cả các báo Pháp đều dành trang nhất cho chủ đề này. Le Figaro đưa tít « Emmanuel Macron trước nguy cơ phải sống chung với đảng khác ». Trước dự báo khó khăn của phe đa số mãn nhiệm, trong lá thư gởi đến người dân Pháp tối Chủ nhật, Emmanuel Macron bảo đảm vẫn là tổng thống đến tháng 5/2027 dù kết quả như thế nào đi nữa. Tuy nhiên nhật báo cánh hữu đánh giá hoạt động của ông sẽ bị giới hạn.

 

Libération kêu gọi huy động chống lại cực hữu, tờ báo thay chữ « Công dân hãy cầm vũ khí » (Aux armes, les citoyens !) trong quốc ca thành hãy dùng truyền đơn (Aux tracts citoyens !). Biểu tình, phân phát truyền đơn, gõ cửa từng nhà, tổ chức giữa các hiệp hội, nghiệp đoàn, hàng xóm...Bây giờ là lúc xã hội dân sự vận dụng mọi phương tiện để chặn bóng ma cực hữu.

 

Le Monde nhận thấy đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) cố tỏ ra « bình thường hóa ». Trong nhiều điểm chủ chốt của chương trình, bà Marine Le Pen nói rằng sẵn sàng thương lượng, với ý đồ đánh bóng hình ảnh.

 

Tuy vậy RN vẫn trung thành với chủ trương bài ngoại, không cho người nước ngoài được hưởng phúc lợi xã hội cũng như quyền công dân. Đảng cực hữu muốn cấm người song tịch không được làm công chức trong một số lãnh vực. Nhiều ứng cử viên RN trong kỳ bầu cử này có quan điểm cực đoan hơn nhiều so với những gì chủ tịch đảng Jordan Bardella tuyên bố. Kiến nghị của những người làm việc tại bộ Ngoại Giao cho thấy nỗi lo khi RN cầm quyền.

 

La Croix đăng ảnh thủ tướng trẻ tuổi Gabriel Attal, nhấn mạnh đây là « Lá bài cuối cùng của phe Macron ». Trong tuần lễ vận động tối hậu này, đảng cầm quyền phải thuyết phục cử tri để cho chính quyền Macron tiếp tục đường hướng chính trị. Les Echos chạy tít « Cuộc chiến giành điện Matignon », đăng ảnh ba nhân vật Jean-Luc Mélenchon (cực tả), đương kim thủ tướng Gabriel Attal, và Jordan Bardella (cực hữu). Hôm nay Bardella trình bày kế hoạch chi tiết nhằm cố gắng trấn an về tính khả thi của chính sách kinh tế. Đối với những người lãnh đạo các đảng chính, thời kỳ hậu Macron đã bắt đầu.

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats