Sunday 23 June 2024

NGA CHẤP NHẬN ĐỐI THOẠI VỚI MỸ . TÀU SÂN BAY MỸ ĐẾN HÀN QUỐC CHUẨN BỊ ĐỢT TẬP TRẬN QUY MÔ LỚN (RFI)

 



NỘI DUNG :

Nga chấp nhận đối thoại với Mỹ nhưng phải gộp cả chủ đề Ukraina

Thu Hằng  -  RFI

.

Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc chuẩn bị đợt tập trận quy mô lớn

Minh Anh  -  RFI

.

Bộ trưởng Kinh tế Đức đến Trung Quốc tìm cách tránh chiến tranh thương mại

Minh Anh  -  RFI

.

Cú sốc cực hữu đe dọa nước Pháp

Thụy My  -  RFI

.

Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ

Đỗ Kim Thêm

.

Nga chấp nhận đối thoại với Mỹ nhưng phải gộp cả chủ đề Ukraina  

Thu Hằng  -  RFI

 

.

.

==================================================

.

.

Nga chấp nhận đối thoại với Mỹ nhưng phải gộp cả chủ đề Ukraina

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 22/06/2024 - 11:52

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240622-nga-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-nh%C6%B0ng-ph%E1%BA%A3i-g%E1%BB%99p-c%E1%BA%A3-ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%81-ukraina

 

Nga khẳng định « sẵn sàng đối thoại » về an ninh với Hoa Kỳ, nhưng với điều kiện phải gồm cả chủ đề Ukraina. Ngày 21/06/2024, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh rằng vai trò của Mỹ trong cuộc chiến ở Ukraina cũng phải được đề cập trong các cuộc thảo luận. Cùng lúc với thông báo trên, Nga tiếp tục oanh kích nhiều công trình năng lượng ở Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/33195b54-d561-11ee-b203-005056a97e36/w:980/p:16x9/2024-02-22T084625Z_1680744679_RC2J76A1FQHX_RTRMADP_3_USA-BIDEN-PUTIN-KREMLIN.webp

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tại Matxcơva, Nga, ngày 07/12/2023. via REUTERS – SPUTNIK

 

Theo Reuters, khi được hỏi về khả năng thảo luận với Mỹ về nguy cơ hạt nhân, ông Dmitri Peskov khẳng định Matxcơva « sẵn sàng đối thoại, nhưng ở quy mô rộng hơn, gồm tất cả các khía cạnh », kể cả « sự can dự trực tiếp của Hoa Kỳ vào cuộc xung đột này ». Tuy nhiên, Washington bác bỏ lập luận của Matxcơva rằng Mỹ trở thành một bên tham chiến trực tiếp khi trang bị vũ khí cho Ukraina nhằm gây « thất bại chiến lược » nặng nề cho Nga. Mỹ khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán nào về cuộc chiến đều thuộc thẩm quyền của Ukraina.

 

Hãng tin Anh nhận định lập trường của Matxcơva không phải là mới, nhưng theo người phát ngôn điện Kremlin, « vấn đề ngày càng chồng chất », trong đó có nhiều chủ đề liên quan đến cấu trúc an ninh thế giới mà Nga và Mỹ cần trao đổi, cho nên « một cuộc đối thoại là điều vô cùng cần thiết ». Còn theo Washington, chính tổng thống Putin vừa mới đưa thêm vào danh sách một vấn đề về an ninh khi tăng cường hợp tác với Bắc Triều Tiên để duy trì cuộc chiến ở Ukraina kéo dài đã 3 năm.

 

Sáng sớm 22/06, Nga đã tấn công vào nhiều nhà máy điện của Ukrenergo ở vùng Zaporijjia (miền nam) và Lviv (miền tây) Ukraina. Bộ Quốc Phòng Ukraina cho biết đây là vụ tấn công « ồ ạt » thứ 8 trong ba tháng gần đây, khiến hai người bị thương. Trước nguy cơ bị thiếu điện vào mùa đông, tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi lắp pin mặt trời, « lập trạm trữ điện ở mỗi trường học, bệnh viện ngay khi có thể ».

 

Vụ tấn công của Nga diễn ra ngay sau khi Ukraina thông báo trên mạng Telegram hôm 21/06 là đã « dùng drone tấn công 4 nhà máy lọc dầu của Nga ở Afipsky, Ilsky, Krasnodar và Astrakhan ». Những thiệt hại này sẽ « gây khó khăn đáng kể cho công tác hậu cần », khiến việc « cung cấp nhiên liệu trở nên đắt đỏ và tốn thời gian hơn vì phải chờ được các nhà máy lọc dầu khác cung cấp ».

 

 

.

Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc chuẩn bị đợt tập trận quy mô lớn

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 22/06/2024 - 11:32

 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240622-t%C3%A0u-s%C3%A2n-bay-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%BFn-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%A3t-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-quy-m%C3%B4-l%E1%BB%9Bn

 

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ hôm nay, 22/06/2024, đã cập cảng hải quân Busan, đông nam Hàn Quốc, để tham gia cuộc tập trận chung trong tháng này với nước chủ nhà và Nhật Bản. Cuộc biểu dương lực lượng Mỹ – Nhật – Hàn diễn ra vào lúc Bắc Triều Tiên và Nga thông báo siết chặt hợp tác quân sự.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0723ba64-8eaa-11ea-b47c-005056bf87d6/w:980/p:16x9/2020-04-29T144725Z_708709826_RC2EEG917WJ0_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-USA-NAVY.webp

Ảnh tư liệu : Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt ghé cảng Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 05/03/2020. REUTERS - Nguyen Huy Kham

 

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin hải quân Hàn Quốc cho biết, đi cùng hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt là hai tàu khu trục USS Halsey và USS Daniel Inouye, có trang bị hệ thống chiến đấu tiên tiến Aegis.

 

Đây là lần thứ hai một hàng không mẫu hạm Mỹ đến Hàn Quốc, bảy tháng sau lần xuất hiện của USS Carl Vinson hồi tháng 11/2023.

 

Theo dự kiến, USS Theodore Roosevelt sẽ tham gia cuộc tập trận đa lĩnh vực ba bên đầu tiên có tên gọi Freedom Edge vào cuối tháng Sáu này nhằm tăng cường hợp tác an ninh, nâng cao năng lực chiến thuật, cải thiện khả năng tương tác và khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ trong khu vực, theo tuyên bố của chuẩn đô đốc Christopher Alexander, chỉ huy nhóm tàu tấn công sân bay số 9.

 

Tuy nhiên, vị chỉ huy Mỹ này cũng nêu rõ, chiến dịch quân sự không nhằm mục đích gởi đi một thông điệp nào có liên quan đến những rủi ro an ninh ngày càng tăng trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Bắc Triều Tiên gần đây được siết chặt hơn nữa. Ông khẳng định đây là một phần của các cuộc tập trận thường xuyên và định kỳ.

 

Yonhap nhắc lại, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đồng ý khởi động cuộc tập trận trong cuộc đàm phán ba bên được tổ chức bên lề Hội nghị Đối thoại An ninh Shangri – La, diễn ra tại Singapore hồi đầu tháng Sáu này. Chương trình được lấy tên từ các cuộc tập trận song phương quan trọng mà Mỹ tổ chức với các nước châu Á – Lá chắn tự do với Hàn Quốc và Keen Edge với Nhật Bản.

 

Theo thỏa thuận, cuộc tập trận diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm trên không, ngoài biển và mạng tin học.

 

Cuộc diễn tập này diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Matxcơva vừa ký kết hiệp ước cam kết hỗ tương trong trường hợp xảy ra chiến tranh tại cuộc gặp thượng đỉnh Vladimir Putin – Kim Jong Un, tổ chức ở Bình Nhưỡng hôm thứ Tư 19/06.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

HÀN QUỐC - HOA KỲ - HẠT NHÂN

Mỹ-Hàn thảo luận về chiến lược chung đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên

 

 

.

 

Bộ trưởng Kinh tế Đức đến Trung Quốc tìm cách tránh chiến tranh thương mại

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 22/06/2024 - 13:26

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240622-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-kinh-t%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%A9c-%C4%91%E1%BA%BFn-trung-qu%E1%BB%91c-t%C3%ACm-c%C3%A1ch-tr%C3%A1nh-chi%E1%BA%BFn-tranh-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i

 

Đến thăm Trung Quốc, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Kinh Tế Đức, Robert Habeck, hôm nay, 22/06/2024, đã trấn an Bắc Kinh rằng mức thuế tăng thêm của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đối với xe ô tô điện « Made in China », bắt đầu từ ngày 04/07 sắp tới, không phải là một « biện pháp trừng phạt ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/587ef8ce-2faf-11ef-9a52-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2024-06-21T081125Z_575016369_RC2JF8AI4JEM_RTRMADP_3_CHINA-GERMANY-USA.webp

Bộ trưởng Kinh Tế Đức Robert Habeck họp báo ở Berlin, Đức, ngày 24/04/2024. REUTERS - Liesa Johannssen

 

Chuyến thăm Bắc Kinh của nhân vật số hai trong chính phủ Đức được cho là cơ hội sau cùng để tránh xảy ra cuộc chiến thương mại giữa EU và Trung Quốc, sau thông báo của Liên Âu áp thêm thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc.

 

Trong ngày hôm nay, lãnh đạo ngành kinh tế Đức có cuộc gặp với chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trịnh Sách Khiết (Zheng Shanjie) cũng như với bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào (Wang Wentao), và sẽ họp báo tại Thượng Hải vào chiều tối cùng ngày.

 

Trước các cuộc họp quan trọng này, ông Robert Habeck, đã khẳng định « mức thuế hải quan này không mang tính trừng phạt ». Ông cam kết là cách thức và mức thuế áp đặt của châu Âu là rất khác so với cách làm của Mỹ, Brazil, và Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo ông, đó thực sự là những biện pháp thuế trừng phạt.

 

Theo AFP, từ đây đến ngày 04/07, nếu không đạt được thỏa thuận, Ủy ban châu Âu sẽ tăng thêm thuế lên đến 28% đối với xe ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. EU cáo buộc Bắc Kinh cạnh tranh bất bình đẳng bằng cách tài trợ ồ ạt trong lĩnh vực này. Mức thuế áp thêm này sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2024.

 

Trung Quốc thường xuyên chỉ trích mức thuế áp thêm là « thuần túy bảo hộ mậu dịch », cáo buộc các định chế châu Âu gây căng thẳng quan hệ thương mại song phương, đồng thời cam kết có những « biện pháp » để bảo vệ lợi ích kinh tế.

 

Khả năng bùng phát chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Bruxelles khiến các nhà sản xuất xe ô tô Đức lo lắng. Những đòn trả đũa của Trung Quốc có nguy cơ nhấn chìm các hoạt động của các hãng xe Đức tại thị trường quan trọng. Đối với Mercedes, Volswagen hay BMW, Trung Quốc chiếm đến 36% lượng bán ra của những hãng này.

 

AFP nhắc lại, năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trong năm thứ 8 liên tiếp, chỉ đứng sau Mỹ kể từ đầu năm 2024.

 

-----------------------------

 

Các nội dung liên quan

ĐỨC - TRUNG QUỐC - XE HƠI

Ngành sản xuất ô tô Đức trước sức ép từ các đối thủ Trung Quốc

 

.

Cú sốc cực hữu đe dọa nước Pháp

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 23/06/2024 - 00:42

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240622-c%C3%BA-s%E1%BB%91c-c%E1%BB%B1c-h%E1%BB%AFu-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%A1p

 

Bầu cử Quốc Hội, vấn đề quan trọng cho tương lai nước Pháp là hồ sơ của tất cả tuần báo kỳ này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/113844b8-30e8-11ef-baa4-005056bf30b7/w:980/p:16x9/11-24.webp

Biểu tình tại Paris ngày 15/06/2024 chống đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) trước cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới. REUTERS - Benoit Tessier

 

Le Point nói về « Cú sốc sắp tới », L’Express đăng chân dung thủ lãnh trẻ tuổi của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), chạy tít « Con người bí ẩn ». Tương tự, trang bìa của Le Nouvel Obs là hai khuôn mặt lãnh đạo cực hữu Jordan Bardella và Marine Le Pen với lời cảnh báo « Nền cộng hòa bị bao vây » và tựa nhỏ « RN sẽ làm gì nếu thắng cử ». Courrier International tổng hợp những góc nhìn từ nước ngoài về một nước Pháp bầu cho cực hữu.

 

 

Cực hữu, cực tả đều tiêu hoang

 

Đối với L’Express, các chương trình do đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) và Mặt trận Bình dân Mới - bị cực tả khổng chế, đều khiến ngân sách phải chi ra số tiền rất lớn trong khi đang nợ nần, làm xấu đi tình trạng nước Pháp.

 

Cả hai phong trào cực đoan đang dẫn đầu trong các thăm dò đều đề nghị các chi tiêu hoang phí trong khi lờ đi cột thu nhập trong bảng kế toán – trừ phi giải thích rằng sẽ lấy tiền trong túi người nhập cư hay người giàu. François Ecalle, chủ tịch hiệp hội Fipeco cảnh báo, các nhà đầu tư có thể phản ứng thô bạo trước một sự kiện chính trị. Người ta đã chứng kiến thị trường trừng phạt một chính sách thảm họa như thế nào ở Anh quốc vào mùa thu 2022 với chính phủ ngắn ngủi của bà Liz Truss.

 

Theo L’Express, dù sao Pháp vẫn dựa được vào chiếc dù châu Âu. Cũng như với Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) có thể can thiệp. Ngân hàng bị các phe dân túy đủ loại căm ghét, mai đây sẽ là bộ phận giảm sốc cho cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới, nhưng không cứu vãn được danh dự của nước Pháp. Le Point gióng lên tiếng chuông báo động với dự báo của giải Nobel kinh tế năm 2014 Jean Tirole : Nếu áp dụng chương trình của RN, nước Pháp sẽ phải kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu nguy, một sự sỉ nhục chưa từng thấy !

 

 

RN vẫn mập mờ về kinh tế

 

Cũng về kinh tế, Le Nouvel Obs phân tích đảng cực hữu RN sẽ làm những gì nếu thắng cử. Ngay sau hôm tổng thống Macron giải tán Quốc Hội, lời cảnh báo đã được gởi đi : hai cơ quan Moody’s và Fitch từng không hạ điểm tín nhiệm tín nhiệm của Pháp dù nợ công cao, lần này cho biết nếu RN lên nắm quyền sẽ có nguy cơ bị sụt hạng.

 

Trên thị trường tài chánh, tâm trạng hoài nghi đã là sự thực : thị trường chứng khoán Paris sụt điểm, khoảng cách lãi suất giữa Pháp và Đức cao nhất kể từ 2017, khiến tiền lời cao hơn và ngân sách sẽ thâm hụt nhiều hơn. Những người chiến thắng sẽ phải đưa ra các đề nghị chấp nhận được đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ 3.100 tỉ euro nợ công. Nhưng chương trình kinh tế của RN vẫn mập mờ.

 

Hồi năm 2022, Marine Le Pen đã từ bỏ ý định quay lại với đồng quan Pháp và ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, để không làm đa số người Pháp sợ hãi. Hai năm sau, bà ta càng cố gắng tỏ ra chừng mực hơn để trấn an cử tri cánh hữu. Jordan Bardella hứa hẹn cho kiểm toán để chỉnh đốn tình trạng nợ nần. Trong khi ai cũng biết tuy ngân sách có thâm thủng nhưng lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng có khởi sắc.

 

 

Những biện pháp mị dân tốn kém của cực hữu

 

Bardella, đang hy vọng thành thủ tướng tương lai, muốn siết chặt chi tiêu đồng thời hứa hẹn dùng tiền ngân sách làm tăng sức mua – đây là cả một nghịch lý.Biện pháp đầu tiên là hạ thuế VAT xăng dầu, điện và khí đốt từ 20 % còn 5,5 %, như vậy ngân sách sẽ mất 17 tỉ euro. Người giàu có xe lớn và tiêu thụ nhiều sẽ được lợi, kìm hãm việc tiết kiệm năng lượng. Có điều phải được Bruxelles bật đèn xanh, điều này khó xảy ra. Giảm thuế VAT lên thực phẩm sẽ làm thiệt 7 tỉ euro một năm, và thường là món lợi vào túi nhà kỹ nghệ và thương nhân thay vì người tiêu thụ.

 

Từ hai năm qua, RN hứa hủy bỏ cải cách hưu trí (tuổi về hưu chính thức là 64), và theo Viện Montaigne, sẽ tốn 36 tỉ euro mỗi năm. Còn lời hứa bỏ thuế thu nhập cho người dưới 30 tuổi nhằm thu hút giới trẻ, thì trên thực tế rất ít thanh niên phải đóng loại thuế này. Như vậy chỉ tầng lớp ưu tiên được lợi, nhưng làm thiệt cho ngân sách 4 tỉ euro mỗi năm. Cũng chưa biết nông nghiệp Pháp sẽ sống sót thế nào khi ra khỏi các hiệp định tự do mậu dịch…

 

Dấu hỏi lớn nhất là làm thế nào có tiền để chi cho tất cả những biện pháp trên mà không làm thâm thủng thêm ngân sách ? RN định tăng một số sắc thuế, giảm phần đóng góp của Pháp vào ngân sách châu Âu, và nhất là chống gian lận, đóng cửa với nhập cư, chỉ trợ cấp xã hội cho các gia đình Pháp, để thu vào 31 tỉ euro – một con số không hề có căn cứ nào.

 

Giáo sư Olivier Blanchard, cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kinh ngạc nhận xét đây là thái độ hết sức vô trách nhiệm, nói rằng nguồn thu sẽ dựa vào chống gian lận là ảo tưởng. Chủ tịch đảng RN Jordan Bardella tuyên bố sẽ tháo gỡ tất cả những ràng buộc đang cản trở tăng trưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng đây cũng là chủ trương của bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire từ bảy năm qua, và lại rất xa với những gì mà RN hứa hẹn.

 

 

Pháp giải tán Quốc Hội : Món quà trong năm cho Putin

 

Về chính sách đối ngoại, L’Express đặt ra một câu hỏi quan trọng : quan điểm của Pháp về chiến tranh Ukraina sẽ như thế nào từ ngày 08/07 ? Ai có thể tin rằng Tập Hợp Dân Tộc (RN) sẽ ủng hộ Kiev, sau khi nhìn nhận việc sáp nhập bất hợp pháp Crimée, gởi đại diện sang quan sát cái gọi là bầu cử ở vùng chiếm đóng Donbass ?

 

Sau ngày 07/07, Vladimir Putin có thể tiết kiệm được một ít đồng rúp : chẳng cần lũng đoạn, Pháp tự phá hoại chính sách Ukraina của mình. Những tháng gần đây, tổng thống Emmanuel Macron đã vượt qua lằn ranh đỏ phương Tây với việc cho phép dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, gởi các phi cơ tiêm kích, đưa cố vấn quân sự sang…Một làn gió hy vọng cho Kiev sau một mùa đông bị Nga oanh kích dữ dội. Một nhà ngoại giao châu Âu thổ lộ : « Từ hai năm qua, chúng tôi chờ đợi một nhà lãnh đạo dám đối đầu với Putin và kéo theo phương Tây phía sau. Macron đã trở thành một thủ lãnh như thế, nhưng nay lại bị tê liệt ».

 

Đã hẳn nguyên thủ trong nền đệ ngũ cộng hòa có toàn quyền về đối ngoại, tổng thống đại diện nước Pháp trên trường quốc tế và duy trì mối liên hệ trực tiếp với các nguyên thủ khác. Dù kết quả bầu cử Quốc Hội ra sao đi nữa, Emmanuel Macron vẫn là tổng thống đến năm 2027, có quyền bổ nhiệm các đại sứ, ký các hiệp ước quốc tế. Được hỏi ý kiến hôm 17/06, Volodymyr Zelensky trả lời một cách ngoại giao là vẫn tin sẽ không có gì thay đổi nhưng trong hậu trường, những xáo trộn nơi chính trường Pháp là tin xấu cho Kiev.

 

 

Cực hữu ủng hộ Nga, cực tả làm ngơ, Ukraina thiệt thòi

 

Một chính phủ đối nghịch với Emmanuel Macron sẽ gây xung đột trong nội bộ về vấn đề Gaza, Liên Hiệp Châu Âu, NATO và tất nhiên về Ukraina. Phía cực hữu RN, ai có thể tin một đảng trước đây đi vay nợ của một ngân hàng Nga, chủ tịch Marine Le Pen chờ chực để được Putin tiếp trong thời gian tranh cử tổng thống năm 2017, sẽ sát cánh với Volodymyr Zelensky ? Một đảng mà trong chương trình hành động năm 2022 muốn hợp tác an ninh với Nga - và kỳ lạ thay, chi tiết này đã biến mất trên mạng kể từ hôm thứ Ba 18/06. Đồng lõa với Kremlin, kẻ thù bên trong của NATO, một chính phủ Bardella sẽ phá hoại liên minh phương Tây.

 

Về phía cánh tả, nếu đảng Xã Hội và đảng Xanh ngay từ đầu đã dứt khoát bênh vực Ukraina, thì đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) và đảng Cộng Sản phản đối việc chuyển giao vũ khí, chống lại thỏa thuận an ninh song phương với Kiev. Cái cớ chính thức là lo ngại « leo thang », kêu gọi « hòa bình » … Đóng vai bồ câu, cực tả làm ngơ trước nỗi đau của hàng ngàn thường dân Ukraina sống trong các lãnh thổ bị chiếm đóng dưới ách quân Nga, chịu đựng tra tấn, hãm hiếp…

 

Từ hai năm qua, những vùng được quân đội Ukraina giải phóng, từ Bucha đến Kherson đã cho thấy cùng những hình ảnh tội ác của lực lượng Putin. Không cung cấp vũ khí có nghĩa là bỏ rơi Ukraina. Ngay từ đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02/2022, Vladimir Putin trông cậy vào sự hụt hơi của các xã hội phương Tây, thu mình vào những tiện nghi lâu nay, để giành thắng lợi trong một cuộc chiến kéo dài. L’Express cho rằng, những nạn nhân của ông ta, Ukraina cũng như nền dân chủ xứng đáng có được số phận tốt đẹp hơn.

 

 

Tội ác mới của Nga ở Mariupol : Cướp nhà của người di tản

 

Cũng liên quan đến Ukraina, The Economist nêu ra « Tội ác mới nhất của Nga ở Mariupol : Cưỡng đoạt tài sản ». Nhà cửa của người dân Ukraina di tản sắp bị cướp một cách trắng trợn.Từ vài tháng qua, xuất hiện những tờ thông cáo màu trắng dán trước cửa các tòa nhà dân cư ở Mariupol, thành phố bị bao vây, phá hủy và bị quân Nga chiếm đóng tháng 5/2022. Theo đó sẽ tổ chức kiểm kê, sở hữu chủ căn hộ phải ở tại nhà với giấy tờ chứng minh và hộ chiếu Nga. Nếu không sẽ bị xếp loại nhà vắng chủ và đem bán.

 

Petro Andryushchenko, cố vấn chính quyền Mariupol lưu vong cho biết nhà của ông đã bị xâm nhập cướp hết tài sản, nhưng tất nhiên ông không thể mạo hiểm trở về đăng ký.Một video quảng cáo cho thấy một nữ nhân viên hướng dẫn người mua đi thăm một căn hộ ba phòng, lưu ý là « đồ đạc sang trọng », và phòng trẻ em có diện tích lớn, những món đồ chơi bị bỏ lại còn nằm rải rác.

 

Ông Andryushchenko ước tính khoảng 80.000 người dân Mariupol đang phải sống cạnh các di dân mới, tất cả đều là người Nga, người Ukraina bị đuổi ra khỏi khu trung tâm.

 

Andryushchenko nhấn mạnh, việc mua bán này là bất hợp pháp cả theo luật pháp Ukraina lẫn luật quốc tế. Một số người Mariupol đã di tản định trở về nhận hộ chiếu Nga, đăng ký nhà và bán. Nhưng những ai mang hộ chiếu Ukraina bị kiểm soát chặt chẽ tại phi trường Chérémétiévo ở Matxcơva, bị chất vấn về « chiến dịch quân sự đặc biệt », nhiều người đã bị từ chối.

 

 

Sở thú Mykolaiv, biểu tượng kháng chiến

 

Từ hai năm rưỡi qua, trong khi quân Nga vẫn đóng cách 60 kilomet, những con thú vẫn sống sót nhờ sự tận tụy của nhân viên và sự hỗ trợ của cư dân. Sở thú Mykolaiv là một trong những sở thú lớn nhất và lâu đời nhất của Ukraina, đã tồn tại qua hai trận đại chiến thế giới. Vào đầu cuộc xâm lăng, trước hết Mykolaiv bị oanh tạc, rồi đến hỏa tiễn, xe tăng tiến vào trung tâm sau đó phải rút ra ngoại ô. Thành phố nằm ở vị trí chiến lược trên đường đến Odessa, cho đến nay vẫn là một trong những mục tiêu của quân Nga.

 

Sư tử, cọp, chó sói, gấu Bắc cực, voi, hà mã, hươu cao cổ…di tản một sở thú lớn như vậy với trên 4.000 con thú đủ loại là bất khả. Sau khi quân Nga tràn sang, đường sá rất nguy hiểm, và nhiều nhà cung cấp nay ở trong vùng chiếm đóng. Người dân địa phương mang đến những gì họ có : khoai tây, các loại hạt, trứng, rơm…Và nay sự tương trợ còn đến từ bên ngoài biên giới. Nhiều sở thú châu Âu như Praha, Berlin, Vacxava gởi hàng hóa trợ giúp, sửa chữa hệ thống cung cấp nước, sưởi ấm…

 

Dù chiến tranh gây khủng hoảng cho các con thú, cũng đã có những chú khỉ con, beo gấm…ra đời. Sở thú Mykolaiv trở thành biểu tượng kháng chiến, một số nhân viên còn ở lại luôn trong khuôn viên để bảo đảm hoạt động tuy không hề là nơi an toàn. Hỏa tiễn đầu tiên rơi xuống chỉ cách một chú gấu Bắc cực 2 mét, nhưng con thú may mắn sống sót. Sở thú vẫn đón khách nhưng chỉ từng cá nhân chứ không nhận khách đi theo nhóm, lại càng không nhận các nhóm trẻ em.

 

 

Giam giữ con tin ở tư gia, Hamas biến nhà dân thành mục tiêu quân sự

 

Nhìn sang Trung Đông, Le Point giải thích « Hamas thao túng phương Tây như thế nào ». Mới đây Hamas đã bác bỏ các đề nghị ngưng bắn của hai trung gian hòa giải Mỹ và Qatar, dù họ đã chấp nhận hầu hết yêu sách của phe này.

 

Người ta cũng được biết rằng các con tin Israel bị giữ trong các gia đình ở Gaza, kể cả trong nhà của một người tự xưng là « nhà báo » thường viết cho tờ The Palestine Chronicle để tố cáo số phận các nạn nhân Palestine. Phong trào Hồi giáo chi tiền cho thường dân để họ giữ mấy chục người Israel bị bắt cóc trong vụ tấn công đẫm máu ngày 07/10. Hamas không thể không biết rằng giam giữ con tin trong các căn hộ tư nhân là biến những nơi này thành mục tiêu quân sự hợp pháp.

 

Sau khi Yahya Sinwar, thủ lãnh Hamas ở Gaza bác bỏ kế hoạch ngưng bắn, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đặt câu hỏi liệu ông ta có thực sự muốn đàm phán hay không. Sinwar, 61 tuổi, từng trải qua 22 năm trong nhà tù Israel vì khủng bố, mới là nhân vật chính của cuộc xung đột này chứ không phải Benjamin Netanyahou. Chính ông ta đã tổ chức vụ thảm sát man rợ Israel, cho tấn công ở gần thường dân để dùng họ làm bia đỡ đạn, còn mình thì chui sâu dưới nhiều lớp đất trong mạng lưới địa đạo, chẳng sợ bom Israel.

 

 

« Israel cần vũ khí để bảo vệ dân, Hamas cần dân để bảo vệ vũ khí »

 

Như giải Nobel văn chương Herta Müller đã nói : « Israel cần vũ khí để bảo vệ người dân, Hamas cần người dân để bảo vệ vũ khí của họ ». Cần hiểu logic tàn ác của Sinwar : mục tiêu của ông ta không phải là hòa bình, mà gây hỗn loạn càng nhiều càng tốt, hoàn toàn không quan tâm đến mạng sống đồng bào mình. Sinwar biết rằng Israel không bao giờ bỏ rơi các con tin, nên giăng ra chiếc bẫy Gaza chờ đón quân đội Israel. Rằng dư luận phương Tây sẽ tức giận trước những hình ảnh trên mạng xã hội và rốt cuộc đổ mọi trách nhiệm cuộc chiến cho Israel.

 

Phương Tây cũng bị Hamas lôi vào trò chơi với lời tuyên truyền họ là phong trào « kháng chiến » đấu tranh cho người Palestine « bị đàn áp », tuy từ khi lên nắm quyền ở Dải Gaza, chính Hamas mới là kẻ đàn áp : Những người đối lập bị trói tay chân quẳng xuống từ tòa nhà 15 tầng. Hamas thành công trong việc thao túng công luận phương Tây. Việc các chính khách trung tả Pháp chấp nhận liên minh với phe cực tả sau một chiến dịch bài Do Thái cực đoan của Jean-Luc Mélenchon là một bằng chứng.

 

.

 

Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ

Đỗ Kim Thêm

22/06/2024

https://baotiengdan.com/2024/06/22/hoi-nghi-thuong-dinh-ve-hoa-binh-cho-ukraine-tai-thuy-si/

 

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Bürgenstock, Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2024 được coi là một thành công khiêm nhường cho Ukraine. 80 nước đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho chính nghĩa đấu tranh của Ukraine, nhưng tiếp tục phát huy thành quả này sẽ là không chắc chắn.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/06/1-65-768x432.jpg

Ảnh Hội nghị thương đỉnh Thuỵ Sĩ, nguồn: Picture alliance/ AP/ Laurent Cipriani

 

Bối cảnh

 

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, quân đội Nga xâm lăng Ukraine, hiện chiếm giữ một số khu vực ở đông nam và còn đang tiếp tục tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng khác.

 

Từ đầu năm 2023, chiến sự ở tiền tuyến hầu như không có những chuyển biến nào đáng kể mà trở thành việc tranh giành các vị trí chiến lược, gây nhiều tiêu hao cho hai bên.

 

Cho đến nay, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn và cộng đồng quốc tế đã bắt đầu thảo luận về nhu cầu tái thiết hậu chiến cho Ukraine.

 

Nhưng diễn biến gần đây nhất là cuộc họp tại Bürgenstock, Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2024, được mệnh danh là hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine. Nhằm mục đích tạo ra bước mở đường hướng tới một nền hòa bình lâu dài, lần đầu tiên, một cuộc họp với 100 phái đoàn thuộc các nước tham gia. Vì Nga không có mặt, nên hội nghị chỉ đạt được những thành công khiêm nhường và các diễn tiến trong tương lai rất khó tiên đoán.

 

 

Mục tiêu

 

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Bürgenstock, Thuỵ Sĩ không nhằm đạt được một thoả thuận cụ thể nào. Mục tiêu chính của Ukraine là muốn giành thắng lợi chính trị của nhiều quốc gia thuộc Nam bán cầu, mà cho đến nay thái độ chính thức là trung lập. Đã đến lúc, các nước này cũng muốn tìm cách gia tăng áp lực Nga tham gia hội nghị, tạo cơ sở cho việc đàm phán.

 

Cộng đồng quốc tế luôn chủ trương, giải pháp cho chiến tranh Ukraine không bao giờ dựa trên thành tích của bạo lực súng đạn mà phải thông qua phương sách ngoại giao. Nhưng với một cuộc chiến tranh toàn diện làm phương tiện khởi đầu, Vladimir Putin đã công nhiên bác bỏ mọi giải pháp ngoại giao. Do đó, cộng đồng thế giới thấy rằng cần thống nhất cách đối phó trước các thách thức nghiêm trọng này.

 

Trước tình thế mới, vào ngày 6 tháng 6 năm 2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky đề ra kế hoạch mười điểm cho các cuộc hòa đàm, đòi hỏi chính là quân đội Nga phải hoàn toàn rút khỏi Ukraine, kể cả khỏi bán đảo Crimea. Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh và bồi thường.

 

Vì những yêu cầu này của Ukraine chỉ được các nước đồng minh thân cận ủng hộ, nên những người khởi xướng hội nghị Thuỹ Sĩ cho rằng chỉ nên tập trung vào ba điểm chính ít gây tranh cãi và dễ thực thi hơn.

 

Một là vấn đề an ninh hạt nhân. Hiện nay Nga kiểm soát một nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Zaporizhzhia. Hai là việc trao đổi tù nhân chiến tranh và trao trả trẻ em bị trục xuất bất hợp pháp khỏi Ukraine. Ba là là tìm cách bảo đảm nguồn cung lương thực thế giới thông qua xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

 

 

Thụy Sĩ: Địa điểm hội nghị

 

Đối với Ukraine, Thụy Sĩ có thuận lợi với vị thế trung lập. Trong cuộc chiến, Thụy Sĩ tuyệt nhiên không viện trợ vũ khí hoặc đạn dược cho Ukraine mà chỉ ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga, cung cấp viện trợ nhân đạo, tiếp nhận người tỵ nạn và tài trợ cho các công trình tái thiết hậu chiến với kinh phí khoảng 5,1 tỷ euro. Đó cũng là tất cả các lý do mà Ukraine yêu cầu Thuỵ Sĩ đứng ra tổ chức hội nghị này.

 

 

Thành phần tham gia

 

Hơn 160 phái đoàn được mời, bao gồm các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và đại diện các tôn giáo. Tổng cộng có các phái đoàn từ 100 quốc gia và tổ chức có mặt.

 

Nga không được mời tham gia. Để biện minh cho quyết định này, Zelensky cho rằng, trong cuộc hòa đàm vào mùa xuân năm 2022, Nga chưa bao giờ tỏ ra nghiêm túc đàm phán và không chịu nhượng bộ những yêu cầu tối đa. Do đó, thái độ của Nga là không đáng tin cậy và đã gây ra nhiều thất bại.

 

Nhiều chính trị gia phương Tây hy vọng, Bắc Kinh sẽ gây áp lực lên đồng minh Nga để chấm dứt chiến tranh. Nếu Trung Quốc tham gia hội nghị, có thể đó là một dấu hiệu bày tỏ thiện chí. Nhưng cuối cùng, Trung Quốc cũng không gởi đại diện tới hội nghị Thụy Sĩ.

 

 

Quan điểm của Nga

 

Trước cuộc họp thượng đỉnh Thụy Sĩ, đài truyền hình trực thuộc điện Kremlin đưa tin chi tiết về việc các nguyên thủ quốc gia từ chối tham dự, lại còn tuyên truyền sự kiện này là “Cuộc khiêu vũ của những tên Satan”. Nga nhấn mạnh rằng, nếu được mời, Vladimir Putin cũng sẽ không tham dự.

 

Đồng thời, Nga cố tìm cách tung tin giả mạo, thí dụ như nhiệm kỳ của Zelensky đã hết nên không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine. Ngoài ra, Nga và Ukraine đã đồng thuận về một hòa ước vào mùa xuân năm 2022 và Nga có thiện chí sẵn sàng ngừng bắn, nhưng Ukraine luôn từ chối.

 

Ngay trước khi hội nghị bắt đầu, Putin công bố các điều kiện chính cho hòa đàm: Quân Ukraine phải hoàn toàn rút khỏi các khu vực Kherson, Donetsk, Luhansk và Zaporizhia, vì đây là các khu vực của riêng Nga – cũng như Crimea, nơi đã được Nga sáp nhập từ năm 2014. Các nước phương Tây bác bỏ yêu cầu này của Putin, vì cho rằng “hòa bình chỉ do Putin quyết định”.

 

Thực tế ngược lại, cho đến nay, quân đội Nga chỉ kiểm soát được một phần trong các khu vực này.

 

Sau hội nghị, Nga đã có phản ứng rằng, sẽ liên hệ với các quốc gia hợp tác với Ukraine và ký tuyên bố tại Thụy Sĩ để giải quyết. Đây có phải là mối đe dọa đối với Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ hay Serbia không, hiện nay vẫn chưa rõ.

 

 

Kết quả hội nghị

 

Như đã tiên liệu, không có một giải pháp cụ thể nào để chấm dứt chiến tranh Ukraine được công bố sau hội nghị. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị cũng không lên án Nga về vụ tấn công Ukraine mà chỉ tái khẳng định “các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine”.

 

Tuy nhiên, một số cường quốc kinh tế đã từ chối ký Tuyên bố chung là Brazil, Mexico, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Ấn Độ và Indonesia vì họ muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nga. Armenia, Bahrain, Thái Lan, Libya và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Colombia và Vatican cũng không tham gia đầu phiếu.

 

Lời tuyên bố xác minh gồm ba đỉểm chính. Một là, mọi hoạt động sử dụng năng lượng hạt nhân và cơ sở hạt nhân phải an toàn, bảo mật, được giám sát và thân thiện với môi trường. Các cơ sở hạt nhân của Ukraine sẽ phải hoạt động an toàn và bảo đảm dưới sự kiểm soát của Ukraine, phù hợp với các nguyên tắc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), được đặt dưới sự giám sát của cơ quan này.

 

Hai là, vấn đề an ninh lương thực không được sử dụng làm một loại vũ khí dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, phải có vận tải thương mại tự do, an toàn và khả năng tiếp cận tại các cảng biển ở Biển Đen và Biển Azov.

 

Cuối cùng, tất cả các tù binh chiến tranh sẽ được trả tự do thông qua lịch trình trao đổi. Tất cả trẻ em Ukraine bị bắt cóc và di dời bất hợp pháp, cũng như tất cả thường dân Ukraine khác bị giam giữ bất hợp pháp phải được trả về Ukraine.

 

Lời tuyên bố này còn nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên là cần thiết để đạt được hòa bình”; do đó, cũng nên được hiểu là, ngầm ủng hộ Nga tham gia các cuộc tham vấn trong tương lai, nhưng không cập đến việc tổ chức cuộc hội nghị tiếp theo.

 

 

Thách thức còn lại

 

Sau khi hội nghị kết thúc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, đã đồng ý “làm việc trong các nhóm đặc biệt sau hội nghị về những ý tưởng đề xuất và sự phát triển cụ thể để có thể khôi phục nền an ninh ở nhiều khía cạnh khác nhau”. Khi “kế hoạch hành động vì hòa bình” được thực hiện, con đường dẫn tới hội nghị lần thứ hai sẽ rộng mở.

 

Như một điều kiện khởi đầu cho hòa đàm, Zelensky kêu gọi Nga rút khỏi lãnh thổ hợp pháp của Ukraine. Sau đó, các cuộc đàm phán với Nga có thể bắt đầu.

 

 

Kết quả

 

Nhìn chung, với số lượng các quốc gia tham gia và nội dung tuyên bố, hội nghị Thuỵ Sĩ là bước đầu tiên rất chậm hướng tới việc xây dựng hòa bình cho Ukraine.

 

Ngay cả Ukraine cũng không xem cuộc họp thượng đỉnh này thành công vượt bực. Tương tự như vậy, các nhà quan sát độc lập cũng nhận định, kết quả đạt được không nhiều hơn mức tối thiểu.

 

Điểm tích cực nhất là, 80 quốc gia lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga và mong muốn hòa bình cho Ukraine trên cơ sở của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

 

Ngược lại với các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc, nơi chỉ có các đại sứ có liên hệ; nhưng lần này, ở hội nghị Thụy Sĩ, các tổng thống và các nhà lãnh đạo khác đã thể hiện quan điểm ủng hộ công khai Ukraine bằng sự hiện diện của họ. Khi làm như vậy, Ukraine đã đặt ra được những giới hạn nhất định mà không còn ai có thể phủ nhận.

 

Nhưng liệu Nga có đồng ý tham gia hòa đàm hay không và với điều kiện nào, là vấn đề then chốt. Tình hình chung cho thấy, con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine, vì nhiều lý do khác nhau, thực sự vẫn còn rất xa vời và không ai có thể xác định được tương lai.

__________

 

Bài liên quan: 

 

Ukraine và vấn đề tái thiết hậu chiến 

 

Chiến tranh Nga-Ukraine: Hiện tình, nguyên nhân, giải pháp và lịch sử 

 

Kỷ niệm hai năm ngày Nga xâm lược Ukraine: Hiện trạng và triển vọng

 

Kỷ niệm 10 năm ngày Nga sáp nhập Crimea (18/3/2014 — 18/3/2024)

 

.

 

Nga chấp nhận đối thoại với Mỹ nhưng phải gộp cả chủ đề Ukraina  

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 22/06/2024 - 11:52

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240622-nga-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-nh%C6%B0ng-ph%E1%BA%A3i-g%E1%BB%99p-c%E1%BA%A3-ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%81-ukraina

 

Nga khẳng định « sẵn sàng đối thoại » về an ninh với Hoa Kỳ, nhưng với điều kiện phải gồm cả chủ đề Ukraina. Ngày 21/06/2024, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh rằng vai trò của Mỹ trong cuộc chiến ở Ukraina cũng phải được đề cập trong các cuộc thảo luận. Cùng lúc với thông báo trên, Nga tiếp tục oanh kích nhiều công trình năng lượng ở Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/33195b54-d561-11ee-b203-005056a97e36/w:980/p:16x9/2024-02-22T084625Z_1680744679_RC2J76A1FQHX_RTRMADP_3_USA-BIDEN-PUTIN-KREMLIN.webp

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tại Matxcơva, Nga, ngày 07/12/2023. via REUTERS - SPUTNIK

 

 Theo Reuters, khi được hỏi về khả năng thảo luận với Mỹ về nguy cơ hạt nhân, ông Dmitri Peskov khẳng định Matxcơva « sẵn sàng đối thoại, nhưng ở quy mô rộng hơn, gồm tất cả các khía cạnh », kể cả « sự can dự trực tiếp của Hoa Kỳ vào cuộc xung đột này ». Tuy nhiên, Washington bác bỏ lập luận của Matxcơva rằng Mỹ trở thành một bên tham chiến trực tiếp khi trang bị vũ khí cho Ukraina nhằm gây « thất bại chiến lược » nặng nề cho Nga. Mỹ khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán nào về cuộc chiến đều thuộc thẩm quyền của Ukraina.

Hãng tin Anh nhận định lập trường của Matxcơva không phải là mới, nhưng theo người phát ngôn điện Kremlin, « vấn đề ngày càng chồng chất », trong đó có nhiều chủ đề liên quan đến cấu trúc an ninh thế giới mà Nga và Mỹ cần trao đổi, cho nên « một cuộc đối thoại là điều vô cùng cần thiết ». Còn theo Washington, chính tổng thống Putin vừa mới đưa thêm vào danh sách một vấn đề về an ninh khi tăng cường hợp tác với Bắc Triều Tiên để duy trì cuộc chiến ở Ukraina kéo dài đã 3 năm.

Sáng sớm 22/06, Nga đã tấn công vào nhiều nhà máy điện của Ukrenergo ở vùng Zaporijjia (miền nam) và Lviv (miền tây) Ukraina. Bộ Quốc Phòng Ukraina cho biết đây là vụ tấn công « ồ ạt » thứ 8 trong ba tháng gần đây, khiến hai người bị thương. Trước nguy cơ bị thiếu điện vào mùa đông, tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi lắp pin mặt trời, « lập trạm trữ điện ở mỗi trường học, bệnh viện ngay khi có thể ».

Vụ tấn công của Nga diễn ra ngay sau khi Ukraina thông báo trên mạng Telegram hôm 21/06 là đã « dùng drone tấn công 4 nhà máy lọc dầu của Nga ở Afipsky, Ilsky, Krasnodar và Astrakhan ». Những thiệt hại này sẽ « gây khó khăn đáng kể cho công tác hậu cần », khiến việc « cung cấp nhiên liệu trở nên đắt đỏ và tốn thời gian hơn vì phải chờ được các nhà máy lọc dầu khác cung cấp ».






No comments:

Post a Comment

View My Stats