Friday 21 April 2023

NGHỊCH LÝ TRONG CHIẾN TRANH UKRAINA (Phan Minh / RFI)

 



Nghịch lý trong chiến tranh Ukraina

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 21/04/2023 - 15:21

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230421-ngh%E1%BB%8Bch-l%C3%BD-trong-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina

 

Báo chí Pháp hôm nay 21/04/2023 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. Tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về những nghịch lý trong cuộc chiến tranh ở Ukraina. Người nhận giải thưởng văn học của Viện Hàn Lâm Pháp với tác phẩm Pháp sư điện Kremlin (Le Mage du Kremlin), Giuliano da Empoli nhấn mạnh rằng tổng thống Putin mặc dù bị phương Tây ruồng bỏ, thì đổi lại, chủ nhân điện Kremlin lại có một hình ảnh tích cực ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/55dfead4-e045-11ed-bb85-005056a90284/w:980/p:16x9/2023-03-26T095829Z_230782480_RC2IYZ9J7LHE_RTRMADP_3_RUSSIA-DEFENCE-CHINA.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ tiệc tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 21/03/2023. via REUTERS - SPUTNIK

 

Cuộc chiến tranh ở Ukraina không chỉ diễn ra trên thực địa. Cuộc chiến còn diễn ra trong tâm trí của đại đa số cư dân địa cầu. Khi chiến tranh diễn ra ở sát sườn, các nước châu Âu cảm thấy bị đe dọa và không ngừng lên án hành động của Matxcơva. Trong khi đó, các quốc gia châu Phi và Nam Mỹ lại thể hiện lập trường « bàng quan » về cuộc chiến. Tuy nhiên, nhật báo thiên tả nhấn mạnh đến những nghịch lý của cuộc chiến. Một mặt, quyết tâm phi thường của quân đội Ukraina đã cho phép họ khai thác và sử dụng những viện trợ của phương Tây để đối đầu với một quân đội Nga vô tổ chức, tinh thần suy yếu nhiều hơn dự kiến. Mặt khác, những nỗ lực của Hoa Kỳ và châu Âu nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế và biến Putin thành một nhân vật bị quốc tế ruồng bỏ đã không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí điều này còn phản tác dụng. 

 

Thời sự mấy tuần qua đã minh họa cho những nghịch lý này một cách cực kỳ rõ ràng. Một mặt, tin tức mặt trận đề cập đến một cuộc phản công ngày càng rõ rệt của Ukraina và kết quả trên chiến trường có thể sẽ rất khác so với những gì được dự báo cách đây một năm. Mặt khác, bất chấp việc Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye truy tố Vladimir Putin về tội ác chiến tranh, lãnh đạo một số quốc gia hùng mạnh và đông dân nhất thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ của Putin, hoặc ít nhất là không có cùng chung quan điểm với phương Tây, những nước « chán ngấy » việc bị phương Tây lên lớp và giảng giải đạo đức. Tóm lại, nghịch lý tột cùng của cuộc chiến là thất bại quân sự của Nga và chiến thắng chính trị của Vladimir Putin. 

 

Mayotte đối mặt với nạn nhập cư trái phép 

 

Về tình hình nhập cư, tờ Le Figaro dành trang nhất chú ý đến những cư dân không có giấy tờ tại lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Pháp. Trong các con hẻm của quận Majicavo Talus 2, ngoại ô Mamoudzou, 135 ngôi nhà bằng kim loại, sắp bị phá hủy, được đánh số thứ tự. Ở Mayotte, chiến dịch Wuambushu kéo dài 2 tháng kể từ ngày 24/04 đang ở khâu chuẩn bị cuối cùng. Mục đích của chiến dịch này nhằm phá hủy gần một ngàn ngồi nhà kim loại đang là nơi trú ẩn của khoảng 5.000 người, trục xuất ít nhất 10.000 người di cư không có giấy tờ hợp lệ sang các hòn đảo lân cận và bắt giữ những kẻ phạm tội mang tính bạo lực. 

 

Anrafa Bacar đã lớn lên tại khu dân cư này. Người phụ nữ 23 tuổi mang quốc tịch Pháp nuôi 4 người con ở đó, từ 8 tháng tuổi đến 6 tuổi, và chăm sóc cha mẹ, cả hai đều bị khuyết tật. Nhưng bố mẹ cô không có giấy tờ hợp lệ. Anrafa lo lắng cho biết : « Họ sẽ đến phá hủy ngôi nhà của chúng tôi và tôi không biết sau đó điều gì sẽ xảy ra. Nếu bố mẹ và em gái tôi bị trục xuất tới Comoros, tôi sẽ không thể ở lại đây một mình. » Hàng xóm của Anrafa là Rajanti Anli, cũng đang trong quá trình chờ đợi. Rajanti một mình nuôi 4 đứa con đều mắc chứng rối loạn tâm thần, cũng không có giấy phép cư trú, mặc dù cả đời cô sống ở Mayotte. Việc bị trục xuất sang Comoros khiến cô cảm thấy vô cùng bất an. Một số cư dân không đợi máy ủi đến, đã tự thu dọn đồ đạc đi lánh nạn ở nhà gia đình hoặc bạn bè. 

 

Để trục xuất những người di cư không có giấy tờ, Pháp huy động thêm 500 cảnh sát và hiến binh. 

 

Theo thống kê chính thức, trong số 300.000 cư dân của Mayotte, có tới gần một nửa không có giấy tờ hợp lệ. Tổng cộng, 1/3 dân số sống trong những điều kiện rất tệ hại, đôi khi không có nước hoặc điện. Theo viện thống kê, lãnh thổ hải ngoại này có tỷ lệ tội phạm cao gấp ba lần so với chính quốc Pháp, và có tỷ lệ nghèo đói lên đến 70%. Đối với một bộ phận dân chúng cũng như các dân biểu, những người không có giấy tờ là bộ phận chính gây ra bạo lực trên lãnh thổ. Mansour Kamardine, dân biểu đảng Những Người Cộng Hòa tại Mayotte nhận định : « ‘Dọn dẹp’ những khu vực này sẽ thúc đẩy việc củng cố an ninh. » Madi Madi Souf, chủ tịch Hiệp hội các thị trưởng Mayotte thì cho biết : « Những kẻ đến từ những khu ổ chuột đi khủng bố tinh thần người dân. Họ không chỉ chiếm đất bất hợp pháp mà còn tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Họ sống ở những những khu vực nguy hiểm, đôi khi có nguy cơ sạt lở đất. Do đó, cần phải khẩn trương cải thiện tình hình và giảm bớt tình trạng mất an ninh. » 

 

Tuy nhiên, nhật báo thiên hữu nhận định rằng chiến dịch Wuambushu sẽ khó có thể thành công trọn vẹn, bởi trong những ngôi nhà này cũng có rất nhiều người mang quốc tịch Pháp sinh sống. Daniel Gros, đại diện của Liên đoàn Nhân quyền (LDH) cho biết : « Nếu nhà nước cho rằng chỉ có những người nhập cư bất hợp pháp ở trong những ngôi nhà này, thì họ thực sự không biết mình đang làm gì. » Chưa kể đến việc theo luật pháp, không phải tất cả những di dân không có giấy tờ đều có thể bị trục xuất. Pauline Le Liard, thuộc hiệp hội Cimade, chuyên giúp đỡ người nước ngoài không có giấy tờ, nhấn mạnh : « Trẻ vị thành niên bị bắt mà không có người đại diện hợp pháp, những người đã kết hôn với một công dân Pháp trong vòng ít nhất 3 năm, những người tới Pháp trước 13 tuổi hoặc thậm chí những người bị ốm nặng không thể bị trục xuất khỏi Mayotte. » 

 

.

Sudan chìm trong khủng hoảng 

 

Nhìn sang châu Phi, nhật báo Le Monde dành bài xã luận nói về cuộc chiến sinh tử giữa hai vị tướng chia sẻ quyền lực ở Sudan kể từ cuộc đảo chính chung của họ vào năm 2021 đang là một ác mộng đối với 5 triệu cư dân của thành phố Khartoum. Hứng chịu những vụ đánh bom, bắn phá, điện và nước bị cắt, thủ đô của Sudan, một trong những nước nghèo nhất thế giới, đang là tâm điểm của cuộc giao tranh khiến hơn 270 người chết và hơn 1.800 người bị thương trong 5 ngày qua. 

 

Quân đội chính quy, do tướng Abdel Fattah Abdelrahman Al-Bourhane lãnh đạo, đối đầu với lực lượng bán quân sự của Lực lượng Phản ứng nhanh của tướng Mohammed Hamdan Daglo, được gọi là Hemetti, nhân vật số hai của chính quyền chuyển tiếp. Xung đột, gây ra bởi việc quân đội do tướng Daglo lãnh đạo từ chối hợp nhất với quân đội chính quy. Điều này đã phá hỏng hy vọng thành lập một chế độ dân sự, 4 năm sau cuộc nổi dậy của quần chúng chấm dứt triều đại của nhà độc tài Hồi Giáo Omar Al-Bashir. 

 

Cuộc xung đột này thực sự có nguy cơ biến thành một cuộc nội chiến, ở một đất nước mà lực lượng vũ trang là công cụ làm giàu để phục vụ cho các cá nhân và bộ tộc và là nơi cuộc chiến ở khu vực Darfur nằm phía Tây đất nước chưa bao giờ kết thúc, sau khi đã gây ra cái chết của 300.000 người trong vòng 20 năm. Trong khi tướng Al-Bourhane xuất thân từ giai cấp cai trị truyền thống của Sudan và được nguyên soái Al-Sissi của Ai Cập hậu thuẫn, thì đối thủ của ông, Hemetti, lại xuất thân từ các bộ lạc Darfur, những bộ tộc ít được đại diện trong chính quyền trung ương. Điều này không ngăn cản tướng Hemetti thực hiện các chiến dịch đàn áp và thanh trừng sắc tộc ở Darfur vào những năm 2000. Hemetti được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út hỗ trợ và duy trì quan hệ với Evgueni Prigojine, ông chủ nhóm lính đánh thuê Nga Wagner, nhóm kiểm soát mỏ vàng ở Sudan. 

 

Trong khi Liên Hiệp châu Phi đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ « leo thang thành một cuộc chiến tranh thực sự », thì Le Monde nhận định rằng điều này minh họa cho sự bất lực của các nền dân chủ trong việc hòa giải các quốc gia được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự, thông qua việc xóa bỏ các khoản nợ, đi kèm với hỗ trợ tài chính. 

 

Dường như không ai quan tâm đến việc chứng kiến Sudan tiếp tục sa vào địa ngục khi người dân ở Khartoum đang phải vật lộn trong một tình thế gần như thảm họa nhân đạo, « bị bắt làm con tin » trong cuộc chiến giữa hai viên tướng đầy tham vọng với những bất đồng không thể hòa giải. 

 

.

Trí tuệ nhân tạo, lợi hay hại ? 

 

Trí thông minh nhân tạo phát triển mạnh cũng là chủ đề chiếm trang nhất Libération. Điều gì sẽ xảy ra nếu mai sau, sách báo được viết bằng trí thông minh nhân tạo ? Hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu những bài báo của Libération cũng được viết bằng trí tuệ nhân tạo ? Đó là những lo ngại về sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT. Kể từ khi ứng dụng được công bố vào tháng 11/2022, mọi người chỉ nói về nó. ChatGPT có thể tự hào về những thành tích của mình : trong 6 tháng, ứng dụng đã thành công trong việc trở thành luật sư tại một tòa án ở Mỹ, trúng xổ số, phỏng vấn một bộ trưởng, tạo ra một công ty khởi nghiệp thành công. 

 

Tờ báo nhận định rằng đây có thể là một điều đáng xấu hổ đối với thế hệ đi trước, khi trí tuệ nhân tạo làm mọi công việc của con người. Nhưng các thế hệ tương lai chắc chắn sẽ có một góc nhìn khác. Có lẽ họ sẽ muốn thoát khỏi công việc biên tập thuần túy mà chỉ tập trung vào nội dung. Có lẽ họ sẽ tự hỏi làm thế nào vẫn làm mọi việc mà không cần phải động não. Giống như các nhà toán học ngày nay, không những không cảm thấy bị máy tính cướp mất công việc, mà thậm chí còn không thể làm gì nếu không có nó. 

 

Con người sau này có thể sẽ viết mọi thứ bằng ChatGPT thay vì viết bằng bút. 

 

---------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ĐIỂM TUẦN BÁO

Putin đối mặt lệnh truy nã quốc tế, trong lúc bằng hữu của Nga ngày càng ít

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats