Saturday 29 April 2023

PHÁP TRỊ DÂN CHỦ, KINH TẾ TỰ DO và NHÂN QUYỀN TÔN TRỌNG - NỀN TẢNG TRONG DI SẢN CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HÒA (Quốc Phương, RFA)

 



Pháp trị dân chủ, kinh tế tự do và nhân quyền tôn trọng – nền tảng trong di sản chế độ VNCH

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
28-4-2023

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/republic-vn-3-pronges-04292023090739.html

 

Việt Nam Cộng Hòa trải qua hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa trong 21 năm lịch sử của mình, đã thiết lập được ba nền tảng nổi bật, làm bệ phóng cho nhiều nhiều thành tựu khác, ba nền tảng có giá trị như di sản đó là pháp trị dân chủ, tự do kinh tế và tôn trọng nhân quyền, trong đó có tôn trọng tự do tôn giáo và xã hội dân sự, theo một nhà quan sát chính trị, xã hội Việt Nam từ Anh quốc.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/republic-vn-3-pronges-04292023090739.html/@@images/cffd4a8b-a42c-4f52-9152-c1acab316647.jpeg

Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu duyệt quân đội trong một buổi lễ ở ấp chiến lược Củ Chi hôm 1/4/1962 (minh hoạ).  AP

 

Trao đổi trên quan điểm riêng với đài Á Châu Tự Do, hôm 24/4/2023, trong dịp đánh dấu 48 năm biến cố lịch sử 30/4/1975, từ London, ông Đoàn Xuân Kiên, cựu chủ biên trong 10 năm của trang mạng Thông Luận có trụ sở tại Pháp chuyên về các thảo luận chính trị, đa nguyên, trước hết nhấn mạnh thành tựu mà Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được về mặt pháp trị dân chủ, ông nói:

 

“Nhìn lại 21 năm của Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta thấy có chín năm tương đối không bị giày xéo vì chiến cuộc. Trong 9 năm xây dựng thể chế dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa, thì Đệ nhất Cộng hòa đã có một công lớn, đó là tạo được cơ chế tam quyền phân lập cho một cơ chế pháp quyền, cơ chế mà được cai trị trên pháp luật, cơ chế pháp trị ấy đã được thể hiện qua Quốc hội lập hiến, Quốc hội lập pháp, qua cơ chế hành chính là Tổng thống và nội các với tư cách hành pháp, và cơ chế tư pháp là hệ thống tòa án mà cao nhất là Tối cao Pháp viện.

Như vậy, Đệ nhất Cộng hòa đã hình thành cơ sở của một nền dân chủ pháp trị rất rõ ràng và từ đó có được điều kiện để xây dựng, hoàn chỉnh qua Đệ nhị Cộng hòa.”

 

Không hẳn hoàn thiện, nhưng người dân có thực quyền

 

Theo nhà quan sát chính trị, xã hội Việt Nam này, cơ chế chính trị như vậy đã tạo điều kiện cho sự giám sát lẫn nhau bên trong Việt Nam Cộng Hòa và khi có dấu hiệu một sự lạm quyền, chẳng hạn nếu có một sự lạm quyền ở nhánh hành pháp, thì các nhánh khác sẽ có thể phát huy vai trò của mình để giám sát, kiểm soát, đồng thời trong xã hội, cộng đồng, công dân dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa đều có thể có cơ sở và điều kiện để đấu tranh lập lại sự cân bằng, trật tự chính trị - xã hội, thông qua các hoạt động, sinh hoạt, phong trào chính trị, đoàn thể, xã hội mà nhờ nền dân chủ pháp trị đó, đã có thể thực thi thực sự các quyền của mình trong mọi tầng lớp, trên khắp các sinh hoạt chính trị ở trong xã hội. 

 

“Không hẳn tốt đẹp hết, nhưng đó là một điều kiện cơ bản cho các sinh hoạt xã hội dân sự, bởi vì khi công dân ý thức được quyền lợi của mình, và nếu hay khi bị nhà nước áp chế, thì họ có thể dùng quyền của mình để đáp lại lời kêu gọi của xã hội, của đất nước.”

 

Và ông Đoàn Xuân Kiên đưa ra ví dụ từ quan điểm cá nhân:

 

“Cuộc đảo chính năm 1960 và những biến động hồi năm 1962 cho thấy giới chính trị ở miền Nam Việt Nam khi đó đã có một ý thức công dân rất rõ, trong sự chế tài của sự lạm quyền của hành pháp dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.”

 

Theo góc nhìn của nhà quan sát chính trị, xã hội này, đây là một thành quả “tương đối tốt” cho sinh hoạt chính trị ở miền Nam Việt Nam trước tháng 4/1975, đề cập thêm về cơ chế tam quyền phân lập dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa, ông Đoàn Xuân Kiên nói:

 

“Tôi phải nói thêm rằng cơ chế này đã tạo điều kiện cho các sinh hoạt nói ở trên được cân bằng, cho dù ngày nay nhiều người đã nhìn ra những sơ sót của nó, nhưng ít nhất trên khung luật pháp, nền dân chủ pháp trị này đã có một sự hài hòa, hòa điệu rất tốt.

Nhờ đó mà các sinh hoạt chính trị, xã hội khác của xã hội cũng được phát triển. Thí dụ như các đảng đối lập, thí dụ như các mặt sinh hoạt tôn giáo, văn học nghệ thuật và xã hội.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vncha.jpeg/@@images/b1ee5caa-05fe-4e76-a024-0443948f245e.jpeg

Người tham gia lễ diễu hành dịp Tết với cờ của VNCH ở California hôm 4/2/2017. AP

 

 

Kinh tế tự do, nhân quyền được tôn trọng

 

Bên cạnh thành tựu ban đầu về mặt tổ chức nhà nước dân chủ pháp trị và thiết lập, vận hành trên thực tế thể chế với nguyên tắc tam quyền phân lập, ông Đoàn Xuân Kiên nhấn mạnh nền kinh tế và thị trường dưới thời Việt Nam Cộng Hòa tuy lúc đầu còn nhỏ bé về quy mô, tính chất, nhưng đã được hưởng ngay từ đầu cơ chế, điều kiện và tinh thần tự do.

Lấy mốc từ các thập niên năm mươi và sáu mươi của thế kỷ trước, về lĩnh vực kinh tế và khía cạnh sinh hoạt kinh tế dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhà quan sát nhận xét:

 

“Nói về mặt sinh hoạt kinh tế, không thể quên được rằng trong những năm 1950, 1960, kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa cũng không phải là một nền kinh tế mạnh, mặc dù nó đã có được một thời gian xã hội ổn định, nhưng sinh hoạt phát triển kinh tế vẫn còn mang tính chất của một nền kinh tế nhỏ.

Tuy vậy, người dân không bị những hạn chế gắt gao như là một số ngành nghề bị cấm đoán, hay là bị sự kiểm soát gắt gao của nhà nước đối với đời sống của nông dân, đời sống thương nghiệp, sinh hoạt thương nghiệp.

“Những cơ quan, tổ chức hay những công ty lớn trong sinh hoạt kinh tế ở miền Nam thí dụ như là công ty lúa gạo, công ty phát triển nông thôn, những sinh hoạt ngân hàng chẳng hạn, tất cả những cái đó đều được tự do điều hành và giám sát trong một sinh hoạt kinh tế mà chúng ta có thể gọi là tự do.”

 

Một khía cạnh khác được cựu chủ biên của trang mạng Thông Luận nhân dịp này đề cập và nhấn mạnh như một thành tựu có giá trị tích cực về mặt di sản của Việt Nam Cộng Hòa trải qua 21 năm lịch sử là về tôn trọng và đảm bảo tự do tôn giáo và nhân quyền, cũng như tạo không gian cho xã hội dân sự phát triển sớm và hoạt động, phát huy, bất chấp chính quyền có thể gặp thách thức, giám sát chính từ đó, nhà quan sát nói:

 

“Vì có một nền tảng về nhân văn, một nền tảng về dân chủ rõ ràng, nên các sinh hoạt trong xã hội được nảy nở, phát triển một cách hài hòa và xã hội dân sự đã hình thành trên nền tảng ấy.”

 

Theo ông Đoàn Xuân Kiên, đến lượt nó, nhờ xã hội dân sự được hình thành sớm, mà các quyền của người dân đã được đảm bảo và thực thi, và trên thực tế, nhiều phong trào của công dân, người dân trong xã hội giám sát, phản biện, thậm chí phản đối, thách thức hành pháp đã được diễn ra một cách khá mạnh mẽ, đôi khi quyết liệt, trong tinh thần và dưới chế độ có dân chủ.

 

Lấy ví dụ, vẫn từ quan điểm riêng của mình, trong liên hệ với tự do tôn giáo, nhà quan sát nói:

 

“Những đợt nổi dậy của quần chúng chống đối hành pháp trong Đệ nhất Cộng hòa, mà nổi bật là cuộc đấu tranh giành tự do tôn giáo năm 1963, mà năm nay là tròn 60 năm kỷ niệm cuộc đấu tranh về tự do tôn giáo của Phật giáo, thì đó là một điểm son rất lớn đáng ghi nhớ về mặt sinh hoạt xã hội dân sự ở miền Nam Việt Nam trước kia.”

Nếu chúng ta chỉ đóng khung riêng trong vấn đề tự do tôn giáo, thì miền Nam tương đối có tự do tôn giáo một cách đúng nghĩa, nghĩa là các tôn giáo đã được phát triển một cách hài hòa và tự do. Tuy vậy, bài học của Phật giáo sau năm 1963, một bài học khá bi tráng, đã có được những thành tựu đáng kể, mặc dù đồng thời cũng bị các thế lực chiến tranh dìm xóa cái tốt đẹp của nó, thế nhưng ít nhất, vẫn còn thấy là sau năm 1966, khi mà phong trào bị lắng xuống trong thời Đệ nhị Cộng hòa.

Nhưng khi họ rút về nhà chùa, rút về sinh hoạt học thuật, thì sinh hoạt tôn giáo vẫn được tôn trọng, vẫn được để yên, và các sinh hoạt tôn giáo, đồng thời cũng là những sinh hoạt học thuật của Phật giáo vẫn được phát triển song hành với sự phát triển của các hội đoàn của Công giáo, của Tin lành, của Cao Đài hay Hòa Hảo v.v…”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vnchb.jpeg/@@images/ffc2244a-8b5d-4769-aff2-dbb9b710ff9b.jpeg

Phụ nữ trong trang phục truyền thống mang cờ của VNCH trong một lễ diễu hành vào ngày 26/5/2013 ở Washington. AFP

 

 

Điều chính quyền tại VN hiện nay sau 48 năm cần xem lại

 

Nhìn vào sự thay đổi của đất nước Việt Nam sau biến cố 48 năm về trước, như một dấu ngoặc được mở từ góc độ tự do tôn giáo và nhân quyền, ông Đoàn Xuân Kiên chia sẻ quan sát:

 

“Thế nhưng sau biến cố ngày 30/4/1975, tôi thấy có những nét rất đáng buồn cho sinh hoạt tôn giáo của Việt Nam thống nhất. Vì sao? Bởi vì các giáo hội đã bị bàn tay kiểm soát của nhà nước một cách rất lộ liễu, nó làm cho sự phát triển của tự do tôn giáo mang một màu sắc khác.

Nghĩa là có thể được phát triển ‘tự do tôn giáo’ nhưng phải trong khuôn khổ kiểm soát của nhà nước và quá ngặt nghèo, và tôi cho rằng đó là một điểm không hay.

Họ (chính quyền Việt Nam) cần phải rút lại những kinh nghiệm trong việc đối xử với các nhà lãnh đạo Phật giáo, khi mà họ đã phân biệt và liệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất vào thành phần chống đối, thành phần li khai và cần phải khống chế, như là sau những năm 1981, khi mà họ thành lập ‘Giáo hội Phật giáo Việt Nam’, thầy Thích Quảng Độ và viện Hóa đạo và viện Tăng thống đã bị đàn áp như thế nào, thì quần chúng Việt Nam đều biết rất rõ.” Và đó là một điểm không tốt lành cho sinh hoạt tự do tôn giáo…

Nhưng những gì xảy ra với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất chỉ là một điển hình của việc kiểm soát chặt chẽ tôn giáo mà nhà nước cộng sản Việt Nam đã theo sát từ bao nhiêu năm nay, mà họ chưa xem lại điểm hay, điểm dở, điểm tốt, điểm xấu của chủ trương, chính sách như vậy. Tôi nghĩ rằng các tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành, các hệ phái khác của tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo đều cho thấy rằng sự kiểm soát mà nhà nước Việt Nam đề ra trong chủ trương sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam có rất nhiều vấn nạn, mà với Giáo hội Phật giáo Thống nhất của Việt Nam vốn được thành lập trước 4/1975 là một vấn nạn điển hình,” từ London, nhà quan sát chính trị, xã hội Việt Nam nói với đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.

 

Ông Đoàn Xuân Kiên, sinh năm 1948 tại tỉnh Hà Đông (cũ), miền bắc Việt Nam; ông tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (1970), từng dạy học tại Vĩnh Long và tiếp tục theo ban Cao Học Giáo Dục tại ĐHSP Sài Gòn. Trong thời gian dạy học, ông từng chủ biên hai tập san văn hoá Vượt Thoát (1972) và Khai Nguyên (1973). Sau 1975, định cư tại London, ông từng làm việc cho các tổ chức British Refugee Council, Refugee Action, Save The Children Fund, trước khi trở về ngành giáo dục tại Phòng Giáo Dục Lambeth (London). Ngoài công việc hằng ngày, ông cộng tác, từng cộng tác với một số báo, tạp chí tại Anh và hải ngoại: BBC, Làng Văn, Văn Học USA, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Định Hướng, Talawas. Ông cũng là Chủ bút trang báo mạng Thông Luận trong thời gian 2005-2011. Hiện nay, bên cạnh việc khảo cứu độc lập về ngữ học, tìm tòi nghiên cứu một lĩnh vực đề tài phong cách học trong văn học cổ điển Việt Nam, ông vẫn thường xuyên theo dõi các diễn biến, chuyển động chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội tại Việt Nam.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats