Saturday 1 April 2023

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU ĐẶT LẬP TRƯỜNG VỀ CHIẾN TRANH NGA-UKRAINA LÀM ĐIỀU KIỆN CHO QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC (Anh Vũ / RFI)

 



EU đặt lập trường về chiến tranh Ukraina làm điều kiện cho quan hệ với Trung Quốc

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 31/03/2023 - 15:53

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230331-eu-%C4%91%E1%BA%B7t-l%E1%BA%ADp-tr%C6%B0%E1%BB%9Dn.....BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Trước chuyến công du Bắc Kinh cùng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hôm 30/03/2023, đã khẳng định vấn đề Ukraina phải là « nhân tố quyết định » cho tương lai quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) với Trung Quốc, trong khi « đối thủ có hệ thống » của Liên Âu vẫn duy trì lập trường không rõ ràng về cuộc xâm lược Ukraina của Nga.

 

https://s.rfi.fr/media/display/defd46fa-cfc3-11ed-802d-005056a90321/w:980/p:16x9/AP22091507469423.webp

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 01/04/2022. AP - Olivier Matthys

 

Chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc đề xuất một kế hoạch hòa bình cho Ukraina, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị bà Ursula von der Leyen cùng công du Bắc Kinh, dự kiến từ ngày 05 đến 08/04. Mục đích là để thảo luận với Bắc Kinh về việc giải quyết cuộc xung đột Ukraina, đồng thời cố gằng tìm ra một hướng mới cho quan hệ EU-Trung Quốc, giữa lúc tình hình địa chính trị thế giới nhiều biến động có thể làm thay đổi vai trò và vị thế của phương Tây trên trường quốc tế.

 

Liên Hiệp Châu Âu và các đồng minh phương Tây theo dõi với mối quan tâm đặc biệt những động thái ngoại giao của Trung Quốc gần đây liên quan đến các hồ sơ quốc tế, đặc biệt là chuyến thăm Matxcơva của ông Tập Cận Bình hôm 20/03 vừa qua và bản kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraina của Bắc Kinh, đã bị Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây chỉ trích mạnh mẽ.

 

Trong bối cảnh quan hệ EU – Trung Quốc vốn đã quá phức tạp, đặc biệt khi quan hệ Bắc Kinh-Matxcơva đang bước vào « kỷ nguyên mới », như lời tán dương của ông Tập Cận Bình với tổng thống Vladimir Putin trong chuyến công du Nga vừa rồi, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu đã chọn diễn đàn của cơ quan tư vấn châu Âu là Mercator Institute for China Studies và European Policy Center để bày tỏ lập trường của Bruxelles về Trung Quốc trước một chuyến đi quan trọng. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khẳng định rằng, « cách thức mà Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động trước cuộc chiến tranh của Putin sẽ là nhân tố quyết định tương lại các quan hệ giữa EU và Trung Quốc ».

 

Cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng cuộc chiến tranh Ukraina để lấn thêm ảnh hưởng địa chính trị, bà Ursula von der Leyen kêu gọi : « Trung quốc có nghĩa vụ phải đóng vai trò xây dựng trong việc cổ vũ một nền hòa bình công bằng. Nhưng nền hòa bình đó chỉ có thể chính đáng nếu dựa trên tôn trọng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».

 

Theo giới quan sát, chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn đóng vai trò là người trung gian hòa giải cuộc xung đột Ukraina, nhưng trong bản kế hoạch hòa bình 12 điểm của ông lại chỉ nhấn mạnh kêu gọi các bên «chấm dứt các hành động thù địch », không một từ nào đề cập đến những vùng lãnh thổ của Ukraina đang bị Nga chiếm đóng. Ông Tập vẫn duy trì quan điểm không rõ ràng về toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời yêu cầu chấm dứt các trừng phạt Matxcơva vì cuộc chiến tranh này. Tóm lại, kế hoạch của Bắc Kinh không thể nào đem lại hòa bình cho Ukraina mà chỉ là cái cớ để các bên liên quan nếu thấy đã đến lúc cần phải thương lượng thì cùng tìm đến một thỏa hiệp nào đó và tất nhiên với vai trò điều hành chính là Trung Quốc.

 

Điều mà các nhà phân tích đều nhất trí là dù thắt chặt quan hệ với Matxcơva, nhưng Bắc Kinh không trông cậy vào Nga cho các mục tiêu kinh tế. Trung Quốc vẫn cần duy trì quan hệ làm ăn với phương Tây và nhất là làm sao tạo được đối trọng để giảm áp lực của Hoa Kỳ. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cũng hiểu rõ là Bruxelles không thể để bị cuốn vào cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung để bỏ được các hợp tác làm ăn với Bắc Kinh. Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong quan hệ với Trung Quốc, Liên Âu cần « tập trung giảm rủi ro, chứ không rời xa »

 

Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về thương mại và đầu tư, nhưng quan điểm và thái độ của EU đối với cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới đã có nhiều biến động trong vài năm gần đây, do tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Năm 2019, EU bắt đầu coi Trung Quốc như là « đối thủ có hệ thống ». Năm 2020, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu ý thức được cần phải khẩn cấp bảo vệ những lợi ích chiến lược của mình trước các nỗ lực của Bắc Kinh muốn sở hữu nhiều hệ thống hạ tầng cơ sở chủ chốt của Liên Âu. Đại dịch Covid-19 bùng lên một năm sau đó đã lộ rõ sự lệ thuộc của Liên Hiệp Châu Âu trong nhiều lĩnh vực từ vật dụng ý tế đến thuốc men, nguyên vật liệu cơ bản vào Trung Quốc. Cuộc chiến tranh tại Ukraina nổ ra càng làm quan hệ hai bên xuống cấp hơn.

 

Quan hệ EU – Trung Quốc vốn quá phức tạp, chồng chéo những lợi ích không chỉ giữa hai bên mà còn phải tính đến nhân tố Hoa Kỳ. Trung bối cảnh như vậy, tổng thống Pháp cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đến Trung Quốc mà lấy hồ sơ Ukraina làm điều kiện thì e rằng cuộc thương lượng ở Bắc Kinh sẽ khó có hy vọng tìm được một lối ra cho cuộc xung đột tại Ukraina cũng như một hướng mới cho quan hệ EU-Trung Quốc trong nay mai, theo phần đông các nhà phân tích.

 

----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Khi hòa bình được « made in China »

 

Nhiều lãnh đạo châu Âu đến Trung Quốc bàn về “hòa bình” cho Ukraina

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats