Friday 14 April 2023

CHIẾN TRANH UKRAINA và THẾ TRUNG LẬP CHIẾN LƯỢC CỦA ẤN ĐỘ (Minh Anh / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina và thế trung lập chiến lược của Ấn Độ

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 13/04/2023 - 15:38

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20230413-chien-tranh-ukraina-trung-lap-chien-luoc-an-do

 

Khi xung đột Nga – Ukraina bùng nổ, Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia châu Phi, châu Á và Trung Đông đều tránh chọn phe. Sự phụ thuộc của Ấn Độ vào năng lượng và vũ khí của Nga, cùng với các vấn đề trong quá khứ với Mỹ, khiến nước này có một lựa chọn trung lập hấp dẫn.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d6f777bc-d9f2-11ed-acdf-005056a90321/w:980/p:16x9/AP22319238359626.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thượng đỉnh G20, Bali, Indonesia, ngày 15/11/2023. AP - Leon Neal

 

Đường lối « phi liên kết » truyền thống

 

Hầu hết giới phân tích đều có chung một nhận xét : Quy mô và sức mạnh của Ấn Độ khiến nước này trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất giữ thái độ trung lập sau một năm xảy ra cuộc chiến. Là quốc gia có dân số đông thứ hai thế giới, và là nền kinh tế thứ sáu, Ấn Độ sẽ tiếp tục giữ quan hệ với cả Nga với phương Tây khi duy trì thế « nước đôi chiến lược ». New Delhi một mặt tìm cách cưỡng lại sự thúc ép của Washington chống lại Matxcơva, và mặt khác kêu gọi « hòa bình » và hợp tác trên những gì có « điểm chung », mà không ủng hộ một quốc gia cụ thể nào.

 

Trước thế giới, khi nói về cuộc chiến tại Ukraina, các phát biểu của Ấn Độ chủ yếu dựa trên luật quốc tế. Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chủ quyền và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia nhằm bảo đảm duy trì trật tự thế giới. New Delhi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động bạo lực và thù nghịch, nhưng chưa bao giờ nêu đích danh trách nhiệm của Nga. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này lại viện trợ nhân đạo cho Ukraina. Cả hai lần New Delhi đều cung cấp thuốc men, thiết bị y tế và sơ cứu cho Kiev.

 

Trả lời trang mạng ABC News của Úc, ông Rick Russow, cố vấn cao cấp và chủ tịch nghiên cứu chính sách Hoa Kỳ - Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng với vị thế trung lập này, Ấn Độ là một trong số các quốc gia duy nhất trong cuộc chiến ở Ukraina có thể « nhấc điện thoại và nói chuyện với lãnh đạo của cả hai nước Mỹ và Nga trong cùng một ngày ».

 

Làm thế nào giải thích cho thế trung lập này của Ấn Độ ? Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Thượng Viện Pháp, ngày 05/04/2023, Christophe Jaffrelot, giám đốc nghiên cứu tại CERI-Sciences Po/CNRS, chủ tịch Hiệp hội Khoa học Pháp, trước hết nhắc lại lập trường « không liên kết » truyền thống của Ấn Độ trong các hồ sơ quốc tế.

 

« Đường lối phi liên kết của Ấn Độ được thể hiện qua việc không đứng về phía nào trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina. Đây là một quan điểm rất cũ, có từ thời hậu chiến, bởi vì ông Jawaharlal Nehru, thủ tướng Ấn Độ giai đoạn 1947-1964, là người đặt nền móng cho lập trường này : Từ chối chọn phe này hay phe kia vào giai đoạn Chiến Tranh Lạnh. Ở đó, ông ấy nhìn thấy bạo lực không thể chịu nổi, và do vậy đã hình thành một phong trào, đó là Phong Trào Không Liên Kết, mà tư tưởng vẫn còn rất kiên định ».  

 

Và sự kiên định này của Ấn Độ khiến các nước đồng minh phương Tây thất vọng. Năm 2023, New Delhin nắm chức chủ tịch luân phiên khối G20. Hoa Kỳ và các nước châu Âu trông đợi Ấn Độ có một thái độ rõ ràng hơn trong cuộc chiến Ukraina, nhưng đã hoài công. Tại cuộc họp các ngoại trưởng khối G20 trong tháng 3/2023, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ nêu bật các vấn đề trong nước và các ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ có liên quan đến Nam Bán cầu, tức nhóm các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, những nước có cùng quan điểm, đặc điểm kinh tế - xã hội.

 

Sự từ chối chọn phe của Ấn Độ trong các cơ chế đa phương chống lại Nga được thể hiện rõ qua những lần vắng mặt trong các lên án cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga, bỏ phiếu trắng gần như có hệ thống tại Hội Đồng Bảo An khi Ấn Độ còn là thành viên không thường trực cho đến tháng 12/2022, bỏ phiếu trắng gần như có hệ thống tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khi vấn đề Ukraina được đặt ra, cho dù đó chỉ là những câu hỏi vì lý do nhân đạo và điều đó không thay đổi được điều gì : Ấn Độ không ra mặt chống lại Nga hay phương Tây.

 

Phụ thuộc vũ khí Nga và mối quan hệ khó khăn với Mỹ trong quá khứ

 

Cũng trong phiên điều trần tại Thượng Viện, nhà nghiên cứu Christophe Jaffrelot cho rằng còn có một yếu tố giải thích rõ thái độ kiên quyết trên của chính quyền thủ tướng Modi : Sự phụ thuộc quân sự của Ấn Độ vào Nga.

 

« Hai phần ba vũ khí của Ấn Độ có nguồn gốc từ Liên Xô hoặc Nga. Điều này ít nhiều buộc Ấn Độ phải có thái độ và các phát biểu chừng mực. Đúng là Ấn Độ có các loại chiến đấu cơ Rafale và Mirage (Pháp) nhưng họ có rất nhiều tiêm kích Sukhoi và thậm chí cả MiG của Nga. Về điểm này, Nga rất thông minh, không bán quá đắt, chúng tôi nghĩ rất có thể là có sự bán phá giá, nhưng nhất là có sự hợp tác cùng phát triển (…)

 

Ngoài những thiết bị trên, Nga và Ấn Độ cùng chế tạo tên lửa tầm ngắn Bramos mà hai nước này đã bán cho Philippines. Ở đây, tôi xin lưu ý, Ấn Độ là một quốc gia không có ngành công nghiệp quốc phòng, họ đã thất bại trong việc xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng, vì vậy, họ cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Về điểm này, người Nga vốn dĩ kiệm lời nhưng lại rất hào phóng trong việc chuyển giao công nghệ. »

 

Nhưng sự phụ thuộc này vào Nga còn có một nguyên nhân lịch sử sâu xa. Harsh Pant, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách đối ngoại tại Observer Research Foundation, trả lời ABC News, nhận định đó còn là một phản ứng của Ấn Độ đối với cách hành xử của phương Tây trong quá khứ.

 

Năm 1998, để đối phó với một loạt vụ thử vũ khí hạt nhân mà Ấn Độ tiến hành gần nước láng giềng Pakistan, nhiều nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, đã áp đặt các lệnh trừng phạt, khiến Ấn Độ không thể tiếp cận các công nghệ cao mà theo quan chức các Ấn Độ thời đó là để tự vệ trước Pakistan.

 

Thay vào đó, New Delhi đã tìm thấy được sự hỗ trợ phòng thủ từ Nga thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh trên cơ sở một mối quan hệ lâu dài được hình thành từ thời Liên Xô. Trong những năm 1959 – 1960, vào thời điểm xảy ra xung đột biên giới Ấn – Trung, Liên Xô khi ấy, bất chấp mối quan hệ đồng minh Trung – Xô thiết lập trong những năm 1950, vì muốn giữ mối quan hệ hữu hảo với Ấn Độ, đã tuyên bố trung lập, khiến Trung Quốc tức giận.

 

Nhà nghiên cứu Harsh Pant khẳng định, hầu hết các nền tảng lớn của Ấn Độ như tầu sân bay, tầu ngầm hạt nhân, « tất cả đều thuộc Liên Xô, bởi vì Liên Xô sẵn sàng chia sẻ công nghệ với Ấn Độ ». Sự phụ thuộc đó càng quan trọng hơn vào lúc tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn dai dẳng.

 

Tầm nhìn thế giới mới : Phi liên kết hay đa liên kết ?

 

Nhưng thế phụ thuộc quân sự vào Nga này chưa đủ để giải thích lập trường trung lập của Ấn Độ. Tại phiên điều trần ở Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Thượng Viện Pháp, nhà chính trị học, chuyên gia về Ấn Độ Christophe Jaffrelot, nhận định còn có hai lý do khác để hiểu rõ vì sao New Delhi không lên án Matxcơva. Và những điểm này đã được ngoại trưởng Ấn Độ, ông Subrahmanyam Jaishankar, người định hình chính sách đối ngoại cho thủ tướng Modi hiện nay, trình bày rất rõ trong nhiều bài viết:

 

« Đầu tiên là chủ nghĩa chống phương Tây kế thừa từ chủ nghĩa chống đế quốc. Chúng ta hiện đang trong thời kỳ hậu thuộc địa, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát được trạng thái vốn là di sản của cuộc đấu tranh chống thực dân. Và chống chủ nghĩa đế quốc là từ chủ đạo, một điều gì đó dành cho Mỹ nói riêng và cả phương Tây nói chung.

 

Điều giải thích thứ hai, có lẽ còn quan trọng hơn, đó là một tầm nhìn thế giới mà Jaishankar mô tả là đa phương. Chủ nghĩa đa phương đó là gì ? Đó không hẳn là đa phương, không phải là song phương, mà cũng không là đơn phương. Đó là khả năng Ấn Độ có thể trao đổi với nhiều đối tác khác nhau, về những vấn đề khác biệt giữa bên này với bên kia. »

 

Tầm nhìn này của Ấn Độ được nhiều chuyên gia diễn giải như là đa liên kết. New Delhi hình thành các quan hệ đối tác và duy trì quan hệ hữu hảo với nhiều nước, và như vậy Ấn Độ sẽ rộng đường hành động, hơn là bị trói tay vào một mối quan hệ đồng minh, vốn dĩ bị cấm ở Ấn Độ. Nhà chính trị học Jaffrelot phân tích tiếp :

 

« Trong tầm nhìn thế giới đa phương này, càng có nhiều cực, càng có nhiều đối tác khả thi chừng nào càng tốt chừng ấy. Vì điều đó, Ấn Độ muốn có một nước Nga hùng mạnh bởi vì họ phụ thuộc vào Nga về vũ khí. Ấn Độ muốn Nga mạnh còn là để mở rộng các khả năng của mình. Tương tự, Ấn Độ muốn có một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh, điều đó cũng quan trọng cho Ấn Độ bởi vì đây là một cực quyền lực bổ sung trong cuộc chơi, bởi vì điều làm Ấn Độ lo lắng nhất là một thế giới lưỡng cực và nếu thiếu may mắn, đó sẽ là một cuộc chiến. Đây là một hướng đi mà thế giới từng trải qua. »

 

Dường như tầm nhìn thế giới này của Jaishankar trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ lúc ban đầu ít nhiều có được thành công. Nhiều cường quốc lớn liên tục gởi đặc sứ đến New Delhi nhằm lôi kéo Ấn Độ về phía mình khi cuộc xung đột Nga – Ukraina bùng phát. Tuy nhiên, trong xu hướng thế giới rơi vào thế lưỡng cực ngày càng lớn, việc kiên định không chọn phe nào cũng có thể khiến Ấn Độ bị cô lập và đặt nước này trong tình trạng khó xử lý.

 

Chuyên gia Jaffrelot lưu ý : « Nếu thế giới thực sự có sự phân chia quyền lực quốc tế thành hai nhóm, Ấn Độ và chủ nghĩa đa phương của nước này có nhiều nguy cơ gặp khó khăn việc xác định vị thế của mình. Đây sẽ là một thách thức lớn cho Ấn Độ trong tương lai ! »

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Ấn Độ giữ thế trung lập, nhưng kêu gọi đối thoại để chấm dứt chiến tranh Ukraina

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats