Tuesday 14 July 2020

NHÀ NƯỚC TA KHÔNG TAM QUYỀN PHÂN LẬP (Nghiêm Huấn Từ - Báo Tiếng Dân)




Nghiêm Huấn Từ
08/07/2020

LTS: Chúng tôi nhận được bài viết sau đây của tác giả Nghiêm Huấn Từ,  viết nhân dịp Việt Nam sắp diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, cũng như qua câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Phú Trọng, phát biểu năm 2012: “Nhà nước ta không tam quyền phân lập“. Bài viết dài hơn 11.500 từ, được chia làm nhiều phần.

Sau đây là phần đầu của bài viết:

I. Kiên định

Trải ngàn năm tồn tại hợp lý, chế độ phong kiến (đặc trưng bằng sự tập quyền vào tay vua) bước vào thời kỳ cáo chung. Thời điểm là từ năm 1789 ở châu Âu và từ 1911 ở châu Á. Tuy nhiên, ở mỗi nước, quá trình chuyển đổi từ tập quyền sang phân quyền diễn ra sớm hay muộn, nhanh hay chậm, tùy thuộc vào dân trí (do tốc độ công nghiệp hóa chi phối). Dẫu vậy, bước vào thế kỷ XXI, thời gian đã đủ dài để hầu hết các nước xóa bỏ chế độ tập quyền, thiết lập thể chế phân quyền – đồng nghĩa với chuyển từ phong kiến, độc tài sang dân chủ, đa nguyên.

Rủi thay, Việt Nam và số ít quốc gia khác cho tới nay vẫn thuộc nhóm còn rơi rớt, lạc lõng. Tới tận năm 2012, trước thế giới và 100 triệu đồng bào, mà giới cầm quyền Việt Nam vẫn chính thức đưa ra Tuyên Ngôn (nguyên văn): “Nhà Nước ta không tam quyền phân lập“. Đây là một thông điệp nói lên sự kiên quyết, kiên định, kiên trì một chế độ chỉ còn thích hợp với quá khứ từ vài thế kỷ trước.


II. Không tam quyền phân lập: Đó là phong kiến, độc tài
Nghĩa là vua nắm mọi quyền, từ đó vua chiếm giữ mọi tài sản của đất nước, kể cả đất đai và mạng sống của toàn dân.

1- Xin kể những quyền cụ thể của vua
Quyền vua cô đọng trong 5 chữ, rất quen thuộc với chúng ta: “Toàn diện và tuyệt đối”. Câu nói “độc tài như vua”, do vậy, ai cũng có thể kể vua có hàng chục quyền; ví dụ, quyền áp lệnh, quyền sinh-sát, quyền chiếm đoạt, quyền thưởng-phạt theo ý riêng…
Chi tiết hơn chút nữa, có thể kể thêm: Quyền có vô số vợ, quyền bắt cả nước kiêng “húy”, quyền đặt ra phong tục, lễ lạt, quyền hỏi tội nước khác…
Vua có toàn quyền cai trị, kể cả… tùy hứng. Ví dụ, cùng một tội, có khi bị giam, có khi bị giết, tùy theo mức độ giận dữ của vua. Dám can vua là hành vi can đảm, nhưng cũng nguy hiểm nếu vua không hài lòng…

2- Xin hãy nói gọn: Quyền vua gồm những gì?
– Có hai nhà khoa học từ thế kỷ 18, được hậu thế tôn xưng hiền triết và được nhân loại biết ơn, nhưng bị vua chúa (và sau này là đám độc tài) căm ghét, sợ hãi. Đó là cụ John Locke (tìm ra vua có 2 quyền cơ bản); và cụ Montesquieu (tìm nốt ra quyền thứ ba của vua, cả thảy tam quyền).
Đến nay, từ kết quả nghiên cứu của hai Cụ, chúng ta có thể dùng lời lẽ thông thường, dễ hiểu, để trả lời vắn tắt: Vua có trăm quyền cụ thể, nhưng tất cả có thể gói gọn vào tam quyền cơ bản: Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp.
– Nói rõ hơn: Vua có quyền đặt ra pháp luật (để phục vụ lợi ích riêng), thi hành pháp luật (theo ý mình) và trừng trị bất cứ ai không tuân theo pháp luật. Tóm lại, khi cai trị dân, vua nắm cả 3 quyền, chính nhờ vậy mà một triều đại có thể tồn tại lâu dài, cha truyền, con nối.
– Hỏi: Một người (một nhóm) đang cầm quyền, muốn trở thành vua, phải làm gì? Dễ ợt! Chỉ cần thâu tóm được cả ba quyền cơ bản, sẽ thành vua.

4- Vua tập thể thời nay
Thông thường, vua là những cá nhân. Thời nay, đa phần là vua tập thể. Thường, đó là nhóm chóp bu trong một đảng chính trị đang độc quyền cai trị cả nước. Ba quyền cơ bản rơi vào tay nhóm này.
Hiếm gặp, nhưng “vua tập thể” đã từng xuất hiện trong lịch sử và ngay ở nước ta. Ví dụ, anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng làm vua được 6 năm. Hai Bà Trưng cũng vậy “ba năm gánh vác sơn hà”. Thời Trần, hai cha con cùng làm vua. Nghe nói, dưới âm phủ có 10 vua cùng cai trị (Thập Điện Diêm Vương).
– Cũng thời nay, ông Nguyễn Văn An – nguyên là chủ tịch quốc hội – nói (ý) rằng: Cần đề phòng sự xuất hiện “vua tập thể“…
Tuy nhiên, tới lúc này, chúng ta đủ hiểu biết để trả lời bằng ba chữ “nếu”:
– Nếu Nhà Nước ta đúng là tam quyền phân lập, chẳng cần đề phòng gì…
– Nếu xuất hiện dấu hiệu tập quyền: Cần đề phòng âm mưu làm vua.
– Nếu “Nhà Nước ta KHÔNG tam quyền phân lập”: Dân ta đang sống dưới chế độ độc tài trá hình.

III. Cách mạng triệt để nhất là cách mạng xóa bỏ tập quyền

1- Nổi dậy chưa phải là cách mạng
Trong xã hội bị áp bức, không thiếu các cuộc nổi dậy. Một cuộc nổi dậy có thể phế bỏ một ông vua, hoặc một nhà độc tài cụ thể; nhưng chưa thể gọi là xóa đi một chế độ độc đoán.
Trong lịch sử nước ta, nhiều triều đại bị lật đổ, nhưng sau đó vẫn là chế độ phong kiến. Các nhà sử học macxit nước ta gán cho cuộc nổi dậy Tây Sơn là “cách mạng nông dân”, thực ra, vẫn chỉ là các thế lực phong kiến giành giật nhau quyền cai trị. Quang Trung vẫn là vị vua, nếu ngồi lâu trên ngôi báu vẫn cai trị bằng tập quyền.
Việc cần làm và phải làm để một chế độ phong kiến, độc tài, chết tiệt nọc, không thể tái sinh, tái lập, là tách bạch ba quyền nói trên, giao cho 3 cơ quan độc lập phụ trách. Ba quyền cân bằng nhau (đối trọng) và kiềm chế nhau. Đó chính là nội dung cốt lõi của tam quyền phân lập – rất dễ tìm hiểu trên mạng.

2- Cuộc nối dậy năm 1789 ở Pháp
– Nếu nó không xóa bỏ tập quyền, thiết lập phân quyền, thì vẫn chỉ là cuộc “nổi dậy lật đổ vua”. Nay, nó vinh dự được lịch sử nhân loại coi là cuộc cách mạng mở đầu kỷ nguyên xóa bỏ chế độ phong kiến trên toàn cầu… chính là vì nó xóa bỏ tập quyền, thực hiện phân quyền. Tại châu Âu, trình độ phát triển cao giúp dân trí cao, do vậy, ảnh hưởng của cách mạng Pháp lan nhanh. Các cuộc nổi dậy ở đây hầu hết lập ra Nhà nước phân quyền.
Ở các nước lạc hậu, thường không như vậy. Đó là ở châu Á, như Nga, Trung, Việt… Cũng do vậy, ảnh hưởng của cách mạng Tân Hợi (1911) không thể lớn, vì nó không thể thành công ngay ở chính quốc. Tại châu Á, hóa ra, cách mạng 1789 có ảnh hưởng sâu sắc hơn.
– Cách mạng “vô sản” 1917 là ví dụ. Nó cũng lật đổ chế độ phong kiến ở Nga, nhưng nó vẫn tái lập chế độ “không tam quyền phân lập”. Cứ đọc lại Hiến pháp Xô Viết (điều 6: khẳng định ĐCS cầm quyền vĩnh viễn), đủ rõ. Đánh giá nó, chỉ nên nói rằng nó lập đổ một chế độ phong kiến đặc trưng, để thay bằng một chế độ độc tài khoác áo dân chủ.
– Cách mạng ở Việt Nam (1945) chủ yếu là giành độc lập từ tay Pháp (vì triều Nguyễn chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa). Năm sau, VN có Quốc Hội đa đảng và Hiến Pháp đa nguyên (1946) cho thấy ban đầu nó có xu hướng tam quyền phân lập, nhưng điều này không thể thành hiện thực, vì từ năm 1951 ĐCS trở lại nắm quyền.
Hiến pháp đầu tiên (1945) ghi “đoàn kết toàn dân không phân biệt giai cấp, tôn giáo”, nhưng cái thứ hai (1960) đã coi Công, Nông là nền tảng của xã hội. Đó là xu hướng chung của mọi cuộc “cách mạng vô sản” dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác.

(Còn tiếp)

--------------------------------------------------------------------
.
Nghiêm Huấn Từ
09/07/2020

Tiếp theo phần 1

IV. Tam quyền phân lập: Nhà nước của thời đại

1- Sự hoàn chỉnh và phổ biên
Học thuyết phân quyền do những bộ óc lớn xây dựng và phát triển từ 2-3 thế kỷ trước, trong đó cao nhất và hoàn chỉnh nhất, là lý thuyết tam quyền phân lập – đã và đang được áp dụng thành công ở hầu hết các nước trên khắp thế giới. Đó là những nước dân chủ, văn minh, giàu có.
Một hình thức khác, gọi là chế độ đại nghị, thực chất cũng là phân quyền, đang được áp dụng ở Anh, Đức…, cũng là những nước thịnh vượng và dân chủ bậc nhất địa cầu.
Ngược lại, chế độ tập quyền trở thành cực kỳ thiểu số và bị chính nhân dân mình phản kháng. Do vậy, để tiếp tục độc tài, giới cầm quyền ở đây buộc phải giả danh phân quyền, đeo cái mặt nạ dân chủ.

2- Xã hội được quản lý bằng 3 quyền và chỉ cần 3 quyền
Tuy vậy, những gì nói ở trên chỉ là cách diễn đạt giản đơn cho dễ hiểu về tam quyền cơ bản. Google cung cấp vô số tư liệu (tiếng Việt, rất dễ tìm kiếm) giúp ta hiểu một cách có hệ thống hơn và sâu sắc hơn về Tam quyền, với hai dạng: Tập quyền và phân quyền, khác nhau như đen và trắng, như độc tài và dân chủ. Xin mời mọi người tìm đọc, vì rất thú vị, bổ ích.
– Bất kỳ một xã hội nào (dù sơ khai hay văn minh), thì Nhà nước (độc tài hay dân chủ) cũng phải có đủ ba quyền để quản lý. Và chỉ cần 3 quyền là đủ. Ngay ở xã hội “con ong, cái kiến” cũng như vậy.
Trước hết, đó là quyền làm ra Luật. Điều này dễ hiểu (đã nói ở trên). Chỉ cần nhớ rằng: Người có quyền làm luật tất nhiên sẽ dùng luật để tạo ra mọi quyền cho mình, càng nhiều càng tốt. Không đời thuở nào, vua làm ra luật để hạn chế lợi ích của chính mình.
– Khi dân giành được quyền làm luật cũng phải như vậy. Lúc này, câu “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân” tuy đúng tuyệt đối, nhưng sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu không có cách biến nó thành hiện thực. Do vậy, nhân dân phải chọn ra những đại diện giỏi nhất (về khả năng soạn luật và rà soát luật) để làm việc này. Họ chính là những đại biểu quốc hội (nghị sĩ). Cũng do vậy, sợ nhất là chọn lầm những người không xứng đáng, đưa vào quốc hội. Chế độ độc tài giấu mặt cũng có quốc hội (như ai) nhưng chứa tay chân của giới độc tài.
Thứ hai, Luật phải được ban hành và thực thi (nó không phải mớ giấy nháp). Đây chính là cách biến lợi ích ghi trên giấy thành lợi ích hiện thực. Dưới chế độ phân quyền, việc này giao cho chính phủ. Đây là cơ quan hành pháp.
Thứ ba, mọi hành vi trái Luật phải bị tòa án trừng trị (đừng đùa với Luật). Đó là cơ quan tư pháp.

3- Phát hiện vĩ đại
Ngày nay, những điều nói trên là đơn giản, dễ hiểu, cứ như đương nhiên là thế. Nhưng cách nay 2-3 thế kỷ lại là phát hiện vĩ đại. Và, hệ quả rút ra cũng vĩ đại không kém. Nếu một người (một nhóm người) nắm cả ba quyền sẽ thành độc tài, thì cách duy nhất xóa bỏ độc tài là thay thế tập quyền bằng phân quyền. Đồng nghĩa với thiết lập nền dân chủ.

4- Công trình hoàn chỉnh nhất của tiền bối
Đó là lý thuyết tam quyền phân lập.
Cụ Lock chỉ nói tới 2 quyền, cụ Montesquieu (sinh sau) nhận ra quyền thứ ba. Và những người kế tục đã nghiên cứu và áp dụng lý thuyết, khiến nó được nâng cao và hoàn chỉnh thêm. Đến nay thể chế tam quyền phân lập là phổ biến trên thế giới, khiến những quốc gia nào nghiêm chỉnh ứng dụng sáng tạo thuyết này đều trở thành thịnh vượng và văn minh.

Ba quyền được tách ra, trao cho 3 cơ quan hoạt động độc lập với nhau:
Xin nhắc lại điều đã nói ở trên:
– Quốc hội: Soạn luật, rà soát luật và kiểm tra sự nghiêm chỉnh thi hành luật. Sản phẩm bao trùm nhất của Quốc hội là bản Hiến Pháp (luật mẹ). Như vậy, QH là cơ quan Lập Pháp; cũng là cơ quan thay mặt dân, soạn ra luật để “mọi quyền lực thuộc về nhân dân“.
– Chính phủ: Thi hành mọi luật do QH soạn ra. Có thời ở nước ta, chính phủ được ví như “đầy tớ” của dân (chữ gốc là công bộc = đầy tớ công).
– Tòa Án: Xét xử, kết tội những hành động phạm luật.
Như vậy, các cơ quan nói trên hoạt động độc lập, cân bằng nhau (đối trọng), kiềm chế nhau. Đó là nội dung cốt lõi của tam quyền phân lập.
Hiến pháp tam quyền phân lập của Hoa Kỳ từ khi ban hành tới nay không cần viết lại; sự thay đổi chỉ ở mức “tu chính”. Ở thái cực ngược lại, có những nước soành soạch thay hiến pháp, nhưng vẫn cứ nghèo và thiếu dân chủ. Đó là do thay Hiến Pháp, nhưng hiến pháp “mới” vẫn không phân quyền.

5- Những câu nói sáng tỏ thêm tam quyền phân lập
Kế tiếp và phát triển tư tưởng của hai cụ (nói trên) nhiều nhà lý luận tiến bộ từ các thế kỷ trước cũng tổng kết công trình của mình bằng những câu nổi tiếng, làm sáng tỏ thêm thuyết tam quyền phân lập.
Ví dụ: Xu hướng của quyền lực là lạm quyền, nếu không bị kiềm chế.
Ví dụ khác: Quyền lực có xu hướng tha hóa (thối nát). Quyền lực tuyệt đối, tha hóa cũng tuyệt đối. Suy ra: Quyền lực “toàn diện và tuyệt đối” chắc chắn dẫn tới tha hóa.
Còn rất nhiều câu khác nói về quyền lực để chúng ta tham khảo (và tự đánh giá mức độ cách mạng của chúng). Xem ở trang này.

6- Những câu nói trái chiều: thể hiện sự độc tài
– Khó hiểu, vì những câu phát ngôn muộn hơn, nhưng lại lạc hậu hơn. Nhưng dễ hiểu, ở chỗ chúng dùng để biện minh cho chế độ độc tài thời nay (thế kỷ XX và XXI). Việt Nam vinh dự, vì có đóng góp một số câu. Ví dụ: khi nói về quyền của Đảng (tức sự lãnh đạo), người ta sử dụng các tính từ không úp mở: Toàn diện, Tuyệt đối; hoặc câu: “Nhà nước ta (dứt khoát) không tam quyền phân lập“; hoặc câu: Đảng lãnh đạo (dân), Nhà nước quản lý (dân); dân làm chủ

7 – Chỉ cần 60 phút
Là đủ để môn Giáo Dục Công Dân dạy cho học sinh phổ thông những hiểu biết tối thiểu về tam quyền phân lập. Do vậy, có dạy hay cố ý không dạy… là tiêu chuẩn để biết một nền giáo dục là khai trí hay ngu dân.

V. Dân trí thấp là miếng đất màu mỡ của độc tài

1- Cơ sở để độc tài ra đời và tồn tại lâu dài là dân trí thấp
Điều này giải thích vì sao cách mạng phân quyền ở châu Á muộn hơn châu Âu. Đó là vì dân trí ở châu Á thấp hơn. Vắn tắt, dân trí là trình độ hiểu biết của người dân trong một vùng, một nước. Về mặt chính trị, dân trí là sự hiểu biết thấu đáo về quyền hạn hợp pháp của mình, tới mức tự tin và dám sử dụng nó.
Một Hiến Pháp (trá hình dân chủ) cũng phải nói “dân có quyền tự do ứng cử”, nhưng dân vẫn rất ngại ngùng và lo sợ sử dụng quyền này… Đó là dân trí chưa cao. Chính do vậy, nâng cao dân trí (về chính trị) là cách cơ bản để người dân dám đứng lên sử dụng quyền, nếu bị ngăn cán, dám phản đối. Nói cách khác, dân trí cao tới đâu, dân khí sẽ mạnh đến đấy.
Để thay đổi một chế độ độc tài, sự nghiệp nâng cao dân trí cần kiên nhẫn, bền bỉ, ôn hòa… để “mưa nhỏ, thấm sâu” và để tránh bị đàn áp. Ngu dân và đàn áp là chính sách đặc trưng của mọi chế độ độc tài.
Mới thấy, Phan Châu Trinh đi trước thời đại, khi cụ chủ trương ôn hòa nâng cao dân trí. Cụ nói: Dẫu giành được độc lập nhưng dân trí vẫn thấp, thì nhân dân vẫn là cái lưng của con ngựa để tên chủ mới cưỡi lên.

2- Nếu dân trí chưa đủ cao, một chế độ ban đầu “không độc tài” cũng rất dễ biến thành độc tài. Có thể gặp điều này trong hai trường hợp:
– Nếu chế độ rơi vào tay kẻ tham vọng. Ví dụ: Chế độ phát xít của Hitler;
– Do những người cách mạng theo đuổi những chủ thuyết sai lầm. Ví dụ: Khi cụ Trần Phú phế bỏ Cương Lĩnh tháng 2-1930 thay bằng Cương Lĩnh tháng 10-1930 do chính cụ soạn ra (mới tìm hiểu trên mạng internet).

3- Sự thích nghi của chế độ độc tài khi nó bị chán ngấy
– Ngu dân, đàn áp là chính sách đương nhiên của chế độ độc tài, trên đã nói. Mục tiêu chung vẫn chỉ là kìm hãm dân trí. Nếu không kết quả, chế độ độc tài buộc phải phải trá hình dân chủ, tự ngụy trang bằng bộ mặt (ra vẻ) pháp quyền và phân quyền, nhưng vẫn không thể từ bỏ chính sách ngu dân và đàn áp.
– Không khó để lột cái mặt nạ. Ví dụ, chế độ này vẫn có bầu cử, nhưng cấm cản đến cùng quyền tự do ứng cử. Nó vẫn có quốc hội, nhưng rặt những đảng viên và hẩu lốn cả 3 quyền trong đó (không phân quyền). Trong chương trình phổ thông, vẫn có môn Giáo Dục Công Dân, nhưng không dạy về tam quyền phân lập, mà nhấn mạnh sứ mạng lịch sử của đảng, “công ơn” của giới cầm quyền và nhấn mạnh “nghĩa vụ” người dân. Cả một “đội ngũ” trí thức được dùng để phục vụ chính sách ngu dân. Vô xiết kể các ví dụ.

4- Nước nông nghiệp, càng khó nâng cao dân trí
– Khi nông dân chiếm đa số, dân trí càng thấp và càng khó nâng cao. Do vậy, sẽ tới lúc (khi bị thế giới chỉ trích, cô lập) chế độ độc tài chẳng cần ngụy trang lâu, mà lộ diện trắng trợn.
Ví dụ, nó công khai đưa đảng viên của nó nắm giữ mọi chức vụ trong cả ba nhánh quyền lực. Ngay cơ quan (danh nghĩa là) đại diện của dân, cũng rặt những đảng viên là đảng viên. Tình trạng này xảy ra ở Liên Xô khi cụ Stalin nắm quyền “toàn diện và tuyệt đối”; ở Trung Quốc khi cụ Mao phế bỏ thành công chức chủ tịch nước của cụ Lưu Thiếu Kỳ.
– Ở nước ta, khá ngoạn mục khi quan sát sự hoán đổi giữa hai con số 4% và 96%. Ngoài xã hội, dân thường chiếm 96%; đảng viên vẻn vẹn 4% dân số. Nhưng trong Quốc Hội (cơ quan đại diện dân) thì ngược lại, đảng viên chiếm 96%, dân được bố thí 4% số ghế đại biểu. Đó là con số tồn tại từ 2016 tới nay. Câu hỏi: Liệu cuộc bầu QH khóa 15 (2021) tỷ lệ này thay đổi?
Thậm chí, ĐCS nói công khai: Đòi tam quyền phân lập là phản động (!). Với loại trí thức dở dở, ương ương, cũng có những bài thích hợp để giáo dục. Tác giả của bài cũng khoe học hàm học vị… như ai. Ví dụ, bài: Nhập khẩu thuyết “Tam quyền phân lập” hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực (Tạp chí Cộng sản năm 2019).
Nhưng công khai nhất, là lời Tuyên Ngôn từ cấp cao nhất: Nhà nước ta KHÔNG tam quyền phân lập. Dân trí phải thế nào, mới dám tuyên bố như vậy.

(Còn tiếp)

----------------------------------------------------
.
Nghiêm Huấn Từ
10/07/2020

Tiếp theo phần 1 và phần 2

VI. Chế độ ta sống sót sau chiến tranh lạnh

1- Từ sau năm 1945 không thể xảy ra chiến tranh nóng
Đại chiến II kết thúc năm 1945, để lại sự tàn phá khủng khiếp. Do vậy, mặc dù thế giới chia làm hai phe đối địch TBCN và XHCN, nhưng không bên nào dám gây chiến tranh nóng, vì đó là sự tự hủy của chính mình.
Trong hoàn cảnh Việt Nam bị chia cắt khi đó, miền Bắc XHCN chủ động tiến hành chiến tranh nóng để chiếm miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sứ mạng được phe XHCN trao. Cả hai miền ở VN được hai phe hỗ trợ mọi kinh phí, chỉ phải đóng góp bằng xương máu lấy từ 30 triệu dân (dân số lúc ấy).
Có quan điểm cho rằng, đây là cuộc nội chiến, trong đó hai phe đem vũ khí hiện đại ra thử nghiệm trên đầu dân Việt. Kết thúc bằng thắng lợi của miền Bắc XHCN năm 1975. Miền Bắc vinh dự là tiền đồn, xung kích của phe ta. Cả phe ta hân hoan, phấn khởi. Cả nước đi lên CNXH. Những tưởng phen này CNXH sẽ lan tỏa toàn cầu.

2- Chiến tranh lạnh kết thúc theo chiều ngược lại
Không lâu sau thắng lợi của chiến tranh nóng ở vùng đất hẹp, chiến tranh lạnh giữa hai phe đã kết thúc theo chiều ngược lại: Đó là sụp đổ của cả phe XHCN rộng lớn (kể cả thành trì là Liên Xô) với hàng tỷ dân. Té ra, nếu cọ sát lý luận và thi đua hòa bình, sự diễn biến sẽ tất yếu dẫn đến sụp đổ của các chế độ độc tài.
Cuộc sống phải diễn biến, không thể cứ đứng yên tại chỗ. Cũng do vậy, bốn chữ “diễn biến hòa bình” là cái rất đáng sợ với những nước phe ta may mắn sống sót sau chiến tranh lạnh. Khốn nỗi, toàn thế giới lại thấy “diễn biến không hòa bình” mới thật đáng sợ.

3- Vì sao sống sót sau chiến tranh lạnh?
Những nước XHCN dân trí càng cao, càng sớm diễn biến để chuyển sang chế độ dân chủ. Nhờ dân trí cao, khi CHXN lâm vào khủng hoảng (cả lý luận và kinh tế) người dân rất sớm nhận ra, sớm tỏ thái độ và sớm phản kháng “con đường đi lên CNXH”.
Sự thực hiện tam quyền phân lập khiến ĐCS ở các nước này không thể trở lại cầm quyền qua bầu cử. Số đảng viên giảm nhanh, chủ yếu chỉ còn người già, nhiều đảng thoi thóp, kể cả tự giải thể, vì đảng phí không thể nuôi đảng. Đó là ở châu Âu.
Những nước XHCN sống sót là nhờ dân trí thấp (nông dân chiếm đa số). Dễ hiểu, vì sao đó là ba nước ở châu Á.

4- Việt Nam khi đó
Liên Xô sụp đổ năm 1991. Lúc này nước ta mới ra khỏi chiến tranh được 16 năm, ra khỏi sai lầm kinh tế được 5 năm; nông dân vẫn chiếm tới 80% dân số. Khủng hoảng kinh tế khiến đời sống đi xuống, nhưng so với thời chiến tranh vẫn là cao, hoặc vẫn trong khả năng chịu đựng. Do vậy, sự bất mãn chưa đủ cao.
Đa số trí thức vẫn tin tưởng chủ nghĩa Mac-Lenin; nhất là vẫn thấy “quyền làm chủ tập thể” là đầy hứa hẹn; vẫn công nhận việc thống nhất đất nước là công lao và thấy số đảng viên hy sinh trong chiến tranh chiếm tỷ lệ cao và thật sự là những tấm gương. Nông dân là lực lượng hy sinh nhiều nhất trong chiến tranh, do vậy hàng triệu gia đình được cấp bằng Gia Đình Liệt Sĩ, đầy vinh dự, cha mẹ hoặc con cái được hưởng trợ cấp… CHXH vẫn còn rất hứa hẹn. Trong hoàn cảnh đó, Nhà nước VN chao đảo, nhưng không thể sụp đổ.

5- Buộc phải hòa nhập vào thế giới tư bản
Điều tréo ngoe: Thoát chết trong chiến tranh lạnh, nhưng sau đó để khỏi chết thật, chết vì cô lập, lạc lõng, nghèo đói… Việt Nam chúng ta miễn cưỡng phải hòa nhập vào sân chơi thế giới tư bản. Ví dụ, phải thực hiện kinh tế thị trường, phải giải thể hợp tác xã…
Thời đó, cái câu: Hòa nhập chứ không hòa tan; đổi mới mà không đổi màu nói lên sự lo lắng, chần chừ. Hơn nữa, thời đó hai chữ “tư bản” vẫn mang khái niệm đe dọa, đối địch. Do vậy, hòa nhập của VN khác xa hòa nhập của Nhật ở thời Minh Trị. Tức là càng sớm, càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. VN thì ngược lại.
Phe XHCN sụp đổ tới nay đã được gần 30 năm, nhưng VN vẫn đang… hòa nhập.
Ngay sự hòa nhập về mặt khái niệm đã rất khó, do ý thức hệ ngăn trở. Ví dụ, “tự do” là từ ngữ chúng ta nhập nội về dùng; lẽ ra, nếu lương thiện, phải tôn trọng nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta vay mượn. Nhưng ở Việt Nam, người ta phân biệt tới mức đối địch “tự do kiểu tư sản” với “tự do XHCN”.
Nói gì nói, Việt Nam dứt khoát KHÔNG TAM QUYỀN PHÂN LẬP.

VII. Một câu nói… để đời

1- Vì nó “lạ lẫm”
Đó là cái câu 8 chữ, được dùng làm nhan đề cho bài này: “Nhà nước ta không tam quyền phân lập“. Nó như một Tuyên Ngôn, thể hiện ý chí “thà chết” và phải được một nhân vật quan trọng phát ngôn chính thức, trong một không khí long trọng, trang nghiêm tối đa.
Tuy nhiên, nó lạc lõng, chính vì thời điểm ra đời của nó: Năm 2012, khi nhân loại đã bước sâu vào thế kỷ XXI, thế giới đã “phẳng” ra rất nhiều (toàn cầu hóa). Các nước giống ta thời xưa đã hóa rồng, hóa hổ. Các chế độ độc tài bị thế giới soi chiếu, chỉ còn cách bưng bít, trá hình, để dân mình ở quốc nội chấp nhận. Chấp nhận trong bao lâu, tùy thuộc dân trí.

2- Khẳng định, sau vài dòng biện minh
Cái câu 8 chữ này nhằm để “tóm lại” nội dung một đoạn văn – khoảng trăm chữ (nằm trong một bài quan trọng, mà các báo lớn phải đăng đầy đủ, dài tới nhiều ngàn chữ). Đây là đoạn văn mang tính giãi bầy, cắt nghĩa (cũng ra vẻ “phân quyền”) để biện minh cho sự tập quyền.

Mời đọc để thấy trình độ, tâm trạng và ý đồ của tác giả đoạn văn này:
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp; các cơ quan nhà nước khác do Quốc hội lập ra, có trách nhiệm báo cáo công tác và chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội. Nhà nước ta không tam quyền phân lập.


3- Chỉ xin có vài ý nhận xét về đoạn trên
a- Câu đầu (Quyền lực nhà nước là thống nhất) hàm ý không phân quyền. Câu cuối (Nhà nước ta không tam quyền phân lập) là khẳng định.
b- Những câu ở giữa: có nhiệm vụ vòng vo cắt nghĩa. Nhưng rốt cuộc là: Đảng nắm Lập Pháp (đảng đẻ ra Quốc Hội, gồm 96% đại biểu là đảng viên). Quốc Hội đẻ ra Chính Phủ (Hành Pháp) và đẻ ra nốt Tòa Án (Tư Pháp). Thể hiện ở cái câu các cơ quan nhà nước khác do Quốc hội lập ra.
c- Nực cười: Cái này đẻ ra cái kia, thì làm gì có chuyện chúng ngang nhau (trong câu có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực…) về địa vị, để mà cân bằng quyền lực, kiềm chế và kiểm soát lẫn nhau?
d- Cách biện bạch quanh co chứng tỏ tác giả biết rõ dân trí VN thấp mức nào.
đ- Đoạn văn trên “yếu” tới mức, sau đó phải xuất hiện vô số bài (đều do GS, TS viết ra) để chứng minh, giảng giải và ca ngợi nó.
Ai quan tâm, hoặc quá rảnh rỗi, nên tìm đọc các bài ca ngợi này (đầy rẫy trên internet).

4- Để đời, lưu danh
Hậu thế khi viết Lịch Sử về chế độ chính trị cận đại ở VN nhất định phải trích dẫn và bàn luận câu danh ngôn 8 chữ này. Xin không dài dòng.

(Còn tiếp)

-----------------------------------------------------------------------------
.
Nghiêm Huấn Từ
11/07/2020

Tiếp theo phần 1 — phần 2 và phần 3

VIII. Một câu nói về địa vị mới của người dân

Trước năm 1945, rất phổ biến câu nói “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) để chỉ vai trò của các quan – tức là công chức của chế độ phong kiến – đối với người dân. Dù đã cao tuổi, nhưng mỗi khi dân tới gặp một vị quan, vẫn phải xưng “con”. Do vậy, quả là rất mới mẽ khi xuất hiện câu nói ngược lại (ý): Công chức của chế độ mới có nhiệm vụ hầu hạ dân.

1- Dân chủ, là người dân trở thành ông chủ
Cách cắt nghĩa “dân chủ là dân làm chủ” như trên chẳng có gì cao siêu, mới mẽ, dù đó là câu do cụ Hồ phát ra. Nhưng hai câu tiếp sau của cụ mới thật gây ấn tượng: “Nếu dân là chủ thì chính phủ là đầy tớ của dân”. Tiếp nữa: “Chính phủ làm hại dân, dân có thể đuổi chính phủ” (như ông chủ đuổi đầy tớ, nếu làm hại mình).
Càng ấn tượng, khi chính người đứng đầu chính phủ lại đặt chính phủ của mình vào địa vị đầy tớ. Trong nguyên văn, cụ Hồ dùng “công bộc” (nghĩa là “đầy tớ công”), do vậy, không thể hiểu đơn giản rằng, nhân viên chính phủ sẽ trở thành “kẻ ăn, đứa ở” của dân. Dẫu vậy, dưới đây vẫn sử dụng quan hệ Ông Chủ – Đầy Tớ để bàn tiếp.

2- Có thể suy ra từ quan hệ Chủ – Tớ nói trên
Dân có quyền quản lý và giám sát chính phủ – giống như ông chủ quản lý và giám sát đầy tớ của mình. Điều này rất gần gũi với những ý tưởng có trong thuyết tam quyền phân lập.
Không thể có chuyện ngược đời “đầy tớ quản lý ông chủ” như sau này cụ Lê Duẩn xác lập. Câu nổi tiếng của cụ Lê Duẩn, lịch sử phải ghi nhớ, là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ.
Thân phận người dân khi đã bị lãnh đạo và bị quản lý, làm sao có thể làm chủ? Sự đảo lộn tùng phèo này là do ĐCS chuyển từ mục tiêu giành độc lập (1945-46) và sau khi đã có độc lập cả nước (1975), lập tức chuyển nhanh sang mục tiêu mới: Tiến lên CNXH.

– Nhận xét câu của cụ Lê Duẩn: Dưới thời cụ Lê Duẩn là tổng bí thư, tên nước đổi phắt sang XHCN; còn đảng Lao Động cũng đổi tắp lự thành ĐCS.
Cụ Duẩn coi chế độ XHCN có 3 thực thể tạo nên hệ thống chính trị (Đảng – Nhà nước và Dân) và chức năng của mỗi thực thể được cụ phân định rõ ràng. Kể từ 1986, đây là phương thức vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta (!). Phương thức này sẽ tồn tạị cho tới tận khi nào xây dựng thành công CNXH (!).

IX– Quốc hội: Cơ quan làm luật
(Tiếp tục dòng suy nghĩ “Chủ-Tớ” ở trên – dtheo quan niệm cụ Hồ).

1- Quốc hội nước ta có “ra Quốc hội”?
– Trong tam quyền, Quốc hội thuộc nhánh Lập Pháp, tức soạn ra Luật, kể cả soạn thảo Hiến Pháp (luật mẹ). Nhưng hiện tại ở nước ta, các vị đại biểu QH có năng lực làm luật hay không? Thực tế, hiện nay QH (ông chủ) toàn nhờ Chính phủ (đầy tớ) soạn luật.
Ví dụ, bộ Công An đang soạn Luật Biểu Tình. Thật nguy hiểm. Đây là cái bộ rất thành thạo nghiệp vụ trấn áp đám đông, họ rất giỏi dùng bạo lực dẹp đám dân bị thu hồi đất. Trách gì cái bộ này chẳng lần lữa việc trình luật. Điều lo xa là trong Luật Biểu Tình sẽ bị cài cắm những điều bất lợi cho ông chủ. Vấn đề là các ông chủ (tức đại biểu QH) có đủ trình độ để rà soát trước khi ban hành?
– QH cũng là cơ quan đại diện của ông chủ. Nhưng nó là đại diện “thật” hay “giả” (trên danh nghĩa) còn tùy thuộc chế độ phân quyền là “thật” hay “giả”. Vậy, kiểm nghiệm thế nào để biết thật-giả? Không khó.
– Cái câu “dưới chế độ ta, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân” thì giới cai trị dân chủ hay độc tài đều nhấn mạnh, thi nhau nói. Kiểm định ra sao để biết ai nói thật, ai mị dân? Không khó.

2- Mục tiêu duy nhất của Luật
– Quốc hội là cơ quan đại diện quyền dân. Nếu đúng như câu nói “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân” thì nguyên tắc số 1 để soạn luật là: Luật phải khẳng định quyền dân.
Nếu trong Luật có những điều cấm, thì đó là cấm xâm phạm quyền dân. Nói khác, nếu có những điều cấm trong Luật chính là để các vị đầy tớ không thể xâm phạm quyền dân, khi nhiệm vụ của họ là thi hành luật (hành pháp).

3- Quyền dân bao la: Lẽ ra phải thế
Rất đúng: Quyền dân bao la, được khẳng định bằng luật hẳn hoi. Thế thì phải có cả một rừng luật, mới đủ. Dân có bao nhiêu quyền, phải có (ít nhất) ngần ấy luật xác định quyền dân. Nào là, quyền bầu cử và ứng cử, quyền ra báo, quyền đất đai, quyền cư trú và đi lại… Làm sao kể hết?
Lại còn phải có những luật cấm vi phạm luật (tức vi phạm quyền dân. Ví dụ bộ Luật Hình Sự. Bởi vì, dân có quyền sở hữu (của cải, nhà cửa, đất đai…). Hành vi xâm phạm quyền sở hữu (trộm, cắp, cướp, cưỡng chế) phải bị chế tài. Nghĩa là phải có các điều khoản thích hợp trong luật Hình Sự.
Lẽ ra, khi dân đã (thật sự) là ông chủ, thì quyền dân nhiều tới mức không thể kể ra cho đủ. Dân có mọi quyền, do vậy, người ta đành thể hiện bằng câu: Người dân được quyền làm mọi thứ, trừ những gì bị pháp luật cấm. Pháp luật cấm gì? Đó là ‘cấm vi phạm quyền tự do của người khác’. Câu hỏi: Học sinh nước ta có được dạy câu này hay không? Cứ thử hỏi các cháu, sẽ rõ.
– Tiện đây, chúng ta thử so sánh (cái chơi) hai cách định nghĩa Tự Do. Cả hai đều đúng, nhưng khẩu khí ngược nhau. Một câu lưu hành phổ biến ở xã hội dân chủ, câu thứ hai cũng luôn luôn được nhắc nhở ở xã hội trá hình dân chủ.
Câu 1: Tự do là được quyền làm mọi điều, chỉ cần không xâm phạm quyền tự do của người khác.
Câu 2: Tự do nào cũng phải có giới hạn.

4- Mất quyền dưới chế độ dân chủ giả hiệu. Quốc hội phản dân
Dưới đây nêu những điều “lẽ ra” phải thế, nhưng thực tế lại không như thế. Do vậy, sẽ phải sử dụng nhiều chữ “nếu”…
– Một ví dụ: Ông Chủ có quyền phê phán đầy tớ; kể cả mắng mỏ. Cụ Hồ đã dạy, và 40 năm nay có phong trào học tấm gương cụ. Nhưng “nếu”… mỗi khi người dân (ông chủ) phê phán chính quyền (đầy tớ) lại bị đầy tớ sai đầy tớ (công an) gô cổ lại.
Dựa vào đâu? Té ra, trong Luật Hình Sự có điều khoản về “tội nói xấu chính quyền”. Nếu trong QH ta đầy tớ chiếm đa số, chúng sẽ lộng quyền tới mức đưa vào luật những điều khoản phản chủ để trừng trị chính những ông chủ (tưởng mình là chủ) dám phê phán chúng.
Đủ thấy, tai họa mức nào khi bầu nhầm đầy tớ vào Quốc hội. Vào được QH, nếu số lượng các đấng đầy tớ đủ nhiều, họ cài vào Luật Bầu Cử cái ý “không cấm đầy tớ ứng cử QH”, thì… (đến nước này) QH (lẽ ra) của dân, lại thành phản dân. Các ông chủ thành nô lệ cho những kẻ (danh nghĩa) là đầy tớ của mình.
Câu chốt lại: Hiện nay các đấng đầy tớ (hành pháp, tư pháp) chiếm khoảng 70% số ghế của ông chủ.

4- Quyền đầy tớ bị hạn chế tối đa: Lẽ ra phải thế
– Ông chủ tất bật làm lụng để nuôi thân, nuôi gia đình (cụ già, trẻ nhỏ) và nuôi đầy tớ. Trẻ em cần học hành, nhưng ông chủ không thể tự đảm đương, mà phải giao cho một nhóm đầy tớ thực hiện (đứng đầu là bộ trưởng Giáo Dục). Do vậy đầy tớ cũng phải có một số quyền.
Số quyền của đầy tớ rất hạn chế, do vậy có thể kê ra đầy đủ. Câu dành cho họ là: Công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép (gồm có: …)
– Để nước ta có những công dân đúng nghĩa (không phải thần dân) môn Giáo Dục công dân chỉ cần 30 phút để nói về nghĩa vụ đầy tớ: Họ bị cấm những gì, và có quyền làm gì.

5- Đầy tớ lộng quyền
Chỉ xin thử soi chiếu vào 2 luật đang rất thời sự: Lập Hội và Đất Đai, để thấy QH ta có “ra Quốc hội” hay đang bị đám đầy tớ chi phối.
– Luật Lập Hội: Dự thảo luật này được các nhà khoa học đưa ra (Liên hiệp Hội Khoa học), quyết liệt đề nghị QH thảo luận từ trên chục năm nay. Đã đủ lâu chưa? Nhưng QH không thèm biết; do vậy bị trì hoãn vô thời hạn. Trên đời này làm gì có “ông chủ” nào ngu tới mức tự hoãn lại một quyền rất thiết thực của mình? Liệu có phải do đầy tớ đã chiếm quá nhiều ghế của ông chủ trong QH khiến chúng ngăn chặn những luật bất lợi cho chúng?
Sau này, nếu các đấng đầy tớ (Bộ Nội Vụ) miễn cưỡng phải trình dự thảo Luật này trước QH, người dân vẫn phải cảnh giác những điều khoản hạn chế quyền ông chủ được cài cắm trong đó.
– Luật Đất Đai: Ngày nay, quyền sở hữu không chỉ là quyền công dân (trong phạm vi một nước) mà còn là quyền con người (phạm vi toàn cầu). Do vậy, nếu công dân VN (được coi là “người”) phải có quyền sở hữu đất đai.
Hỏi Google về “quyền sở hữu”, ta sẽ thấy quyền này gồm 3 quyền nhánh: Quyền nắm giữ, quyền sử dụng và quyền quyết định.
Hiện nay toàn dân Việt (gần trăm triệu người) chỉ có quyền sử dụng đất, mà mất đứt hai quyền còn lại (nắm giữ và quyết định). Thế thì xã hội này giống y hệt xã hội phong kiến ngày xưa. “Đất đai ngàn dặm là sở hữu của ‘trẫm’, nay giao cho thần dân sử dụng, nộp thuế, sẽ bị thu hồi bất cứ khi nào ‘trẫm’ muốn…” Toàn dân bỗng thành tá điền, giới cầm quyền thành vua.
Thứ Quốc hội nào soạn ra cái Luật Đất Đai này? Gọi luật này là phản động, có oan?

(Còn tiếp)

------------------------------------------------------------------------------
.
Nghiêm Huấn Từ
12/07/2020

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 và phần 4

X. Quốc hội: Cơ quan đại diện cho Ông Chủ

1. Giám sát, hạch hỏi đầy tớ
Các ông chủ trong độ tuổi (khoảng 50 triệu người) phải lao động cật lực để có đủ tiền chi dùng mọi nhu cầu bản thân, nhu cầu gia đình (người già, trẻ nhỏ) và nuôi đầy tớ – như trên đã ví. Và còn phải dành dụm để phát triển cơ nghiệp.
Nếu đầy tớ thạo việc, chăm chỉ và tận tâm, sẽ được ông chủ trọng thị, tin cẩn và ưu đãi. Nếu ngược lại (lười, dốt) phải mắng mỏ. Nếu tới mức xà xẻo (tham nhũng): phải đuổi cổ. Nếu phản chủ: phải trừng trị. Tóm lại, nhất thiết ông chủ phải giám sát và đánh giá đầy tớ.
Chuyện chất vấn (đầy tớ) ở QH lẽ ra phải làm đúng thực chất, có đề bạt và có xử lý. Phải loại bỏ được những vị đầy tớ vi phạm nặng nề quyền dân. Vâng, phải thế này, phải thế kia, phải thế khác… Nhưng QH ta hẩu lốn 3 quyền, do vậy nếu một vị đầy tớ (ví dụ, vụ trưởng) lọt vào quốc hội liệu có dám chất vấn bộ trưởng của mình hay không?

2- Đại diện dân, nhưng…
Không thể có chuyện cả 50 triệu ông chủ cùng giám sát đầy tớ (lấy ai lao động kiếm sống?). Do vậy, các ông chủ chọn (từ nội bộ mình) ra 500 ông, đáng tin cẩn nhất để làm việc này. Đó là cuộc bầu Quốc hội. Đây là điều rất lo các đấng đầy tớ tìm ra kẽ hở để lọt vào danh sách ứng cử. Nhưng lo nhất là họ được phép (ngang nhiên) ứng cử. Nếu vậy, QH sẽ nhan nhản đầy tớ, tránh sao được chuyện lũng đoạn?
Các Luật do thứ QH này soạn ra sẽ bất chấp quyền ông chủ, mà phục vụ quyền đầy tớ. Mức lộng quyền lớn nhất hiện nay, là đám Đầy Tớ (tự xưng Nhà nước, tự xưng toàn dân) nhằm tự cho mình cái quyền sở hữu toàn bộ đất đai, chỉ ban cho ông chủ “quyền sử dụng”.
Xin tìm đọc câu nguyên văn trong Hiến Pháp: “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Do vậy, phải có tiêu chuẩn cho đại biểu quốc hội. Tiêu chuẩn này lẽ ra phải được dạy trước khi các cháu học sinh trở thành công dân (đủ tuổi đi bầu). Nhưng ở nước ta thì chưa hề, kể từ khi “đời ta có đảng”.

3- Phải có tiêu chuẩn cứng cho đại biểu Quốc hội
Giám sát đầy tớ cũng vẫn là lao động, nhưng đây là thứ rất chuyên nghiệp; do vậy, cần tuyển đúng người (chớ để đầy tớ lọt vào QH) và đúng năng lực (chuyên nghiệp). Nói khác, đại biểu QH phải là nhà hoạt động chính trị, không thể nghiệp dư.
Như vậy, tiêu chuẩn để được vinh dự làm đại diện ông chủ (tức là đại biểu QH) đương nhiên phải là:
a) Khả năng làm Luật, và đánh giá Luật (câu hỏi số 1: Luật này có vì quyền lợi Ông Chủ hay không; và có điều khoản nào mơ hồ hoặc xâm phạm quyền dân hay không). Hiểu thì dễ, nhưng không dễ chọn người phù hợp.
b) Khả năng giám sát đầy tớ, tức là nhận ra sớm nhất các hành vi của đầy tớ xâm phạm lợi ích của chủ. Để chất vấn kịp thời (không để hành vi kéo dài), và để… mắng mỏ. Nếu vi phạm nặng nề, hoặc nhiều lần: Đuổi cổ thẳng cánh.

4- Vài ví dụ chọn sai đại biểu Quốc hội
Đã có 14 khóa Quốc hội. Nếu tìm hiểu kỹ, có thể phát hiện cả… ngàn trường hợp đã chọn sai. Nguyên nhân: Đã không tam quyền phân lập thì Quốc hội chỉ là danh nghĩa. Lúc nhúc những công chức (hành pháp, tư pháp) kiêm luôn đại biểu Quốc hội: Đó đều là chọn sai. Do vậy, ở đây chỉ xin nêu vài ví dụ gần đây nhất, ai cũng thấy hoặc tra cứu được.
a) Trường hợp bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (vị công bộc cao cấp của dân): Ông này có hai tội:
– Tội trà trộn. Được đưa vào danh sách ứng cử QH, lẽ ra “vị đầy tớ loại gộc” này phải xin rút; nhưng muối mặt, không chịu rút – vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập.
– Tội bênh vực sự chậm chễ ra đời Luật Biểu Tình; đã vậy, còn trơ trẽn nói rằng “cứ thay Luật Biểu Tình bằng cái Nghị Định “cấm tụ tập đông người” (thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành).
b) Trường hợp ông TS Luật Đỗ Văn Đương: Xuất xứ Tư Pháp, lọt vào Quốc hội (Lập Pháp). Quả nhiên, ông này nằng nặc phủ định Quyền im lặng khi bàn về Luật hình sự mới.
Chỉ xin nói thêm, khi “Nhà nước ta không tam quyền phân lập” thì trong Quốc hội ta nhan nhản đầy tớ (chiếm 70% số ghế) là tất nhiên. Đáng trách là những cá nhân này thiếu liêm sỉ, lẽ ra phải tự thấy ngượng vì ngồi tiếm chỗ.

XI. Cách thức bầu Quốc hội chúng ta từng trải nghiệm

Nói chung, giống như bầu ở các nước phe XHCN (ba quyền không tách). Trên lý thuyết và danh nghĩa, Quốc hội ở các nước XHCN cũng quyền lực tối cao (như ai), cũng làm Luật và cũng đại diện dân (như ai). Nhưng Luật Bầu Cử, cách thức bầu Quốc hội và kết quả bầu khiến QH hết là đại diện dân, thậm chí… chống dân.

1- Tuổi trải nghiệm
Quốc hội khóa I bầu năm 1946 soạn ngay được bản Hiến Pháp (cũng năm 1946) với Lời Nói Đầu ngắn nhất, nhưng có nhưng câu giá trị nhất, ví dụ: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo… nghĩa là hoàn toàn không theo hình mẫu của Hiến Pháp Xô-viết.
Chiến tranh xảy ra ngay sau đó (cũng năm 1946) khiến Hiến Pháp 1946 chưa được thi hành. Nhưng Quốc hội khóa II bầu năm 1960 đã đặc sệt đường lối giai cấp và chứa hổ lốn cả 3 quyền. Nó thể hiện ngay trong Danh sách trúng cử: Công nhân: 50, Nông dân: 47, Cán bộ chính trị: 129, Quân đội: 20, Ðảng viên: 298, Ngoài Ðảng: 64…
Do vậy, những người sinh từ sau năm 1946 tới nay (đang chiếm trên 90% dân số đều đã trải nghiệm ít nhất một lần cách thức bầu Quốc hội dưới chế độ KHÔNG tam quyền phân lập. Vì vừa sinh ra đã thấy như vậy, nên tuyệt đa số dân ta đã quá quen thuộc cách bầu cử XHCN, và quan niệm rằng “trời sinh ra đã như vậy”. Và chấp nhận.
Dưới đây xin nêu những chuyện mọi người đã trải nghiệm, để thấy sự trái khoáy, mà “lẽ ra phải khác”.

1- Lẽ ra phải chọn được những người “sống chết vì quyền dân”
a- Bầu QH bao giờ cũng là cuộc bầu cử lớn nhất, vì toàn bộ cử tri cả nước tham gia. Nói riêng ở Việt Nam, khoảng 70 triệu cử tri có tên trong danh sách trong cuộc bầu QH khóa XIV (2016). Tốn kém cũng lớn nhất, nhưng nếu đạt được các mục tiêu thì lợi ích mọi mặt mang lại cho đất nước là khổng lồ, rất bõ công sức và tiền bạc.
Tổng quát, mục tiêu của bất cứ cuộc bầu nào đều là chọn ra được những người phù hợp cho nhiệm vụ sắp tới. Ở đây, điều đang bàn là phải chọn được những đại biểu QH đúng nghĩa, xứng đáng.
b- Lẽ ra, đây phải là cuộc bầu quan trọng nhất, nghiêm chỉnh nhất, vì đây là cuộc tuyển chọn những người đủ năng lực soạn ra hiến pháp – văn bản quyết định đất nước theo chế độ nào, từ đó quyền của dân sẽ là “thật” hay “giả”.
Tiếp nữa, QH quyết định con đường phát triển lâu dài của một quốc gia bằng cách ban hành các bộ luật để Hiến Pháp được cụ thể hóa, được đi vào cuộc sống. QH thay mặt ông chủ chất vấn cơ quan hành pháp và tư pháp (được ví như đầy tớ) để các luật được thực thi nghiêm chỉnh. Đủ thấy, việc chọn được những đại biểu phù hợp với nhiệm vụ thật là quan trọng.
Trên thực tế (ai cũng trải nghiệm) rất phổ biến chuyện bầu thay, không quan tâm ai ứng cử, ai được chọn…
Nói khác, chính các ông chủ coi việc bầu ra đại diện của chính mình… chẳng qua chỉ là chuyện tào lao, vô bổ. Mà quả là nó tào lao, vô bổ thật.
– Do đó, lẽ ra, ngay từ khi đang đi học ở bậc phổ thông, các cử tri tương lai đã phải được dạy (trong môn Giáo Dục Công Dân) về chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội và tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. Khi đủ tuổi đi bầu, họ đủ khả năng đánh giá ai đủ tiêu chuẩn, ai không đủ. Ít nhất, họ đủ hiểu để phản đối hiện tượng đầy tớ lọt vào danh sách ứng cử.

2- Bầu Quốc hội lẽ ra phải là một cuộc sát hạch
Cách làm này để bảo đảm cuộc bầu thêm nghiêm chỉnh, tức là cử tri hiểu rõ mình có quyền rất lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề.
a- Nói khác, lẽ ra cử tri phải là giám khảo; ứng viên đúng là thí sinh
Đã là cuộc thi, giám khảo phải đủ trình độ chấm thi và biết rõ: nếu được tuyển chọn, các ứng viên sẽ làm nhiệm vụ gì trong tương lai. Ví dụ, thi để tuyển nhân viên y tế hoặc chọn diễn viên; giám khảo phải là chuyên gia đúng chuyên ngành và giỏi hơn thí sinh “một cái đầu”. Giám khảo phải đưa ra nhưng câu hỏi để chọn được đúng người cần chọn.
b- Thông thường, trong các cuộc thi, số giám khảo ít hơn số thí sinh. Ví dụ, cuộc thi lên lớp hoặc thi tốt nghiệp bậc học phổ thông. Tuy nhiên, để cấp bằng tiến sĩ, cần thành lập cả một hội đồng giám khảo mà chỉ để chấm thi cho một ứng viên. Vậy thì, trong bầu cử QH, tới hàng chục-ngàn người chấm cho mỗi ứng viên.
Điều này nói lên tầm vóc và ý nghĩa của bầu QH; bởi vì, bầu được một đại biểu QH xứng đáng, đúng chuẩn, phải được coi là quan trọng hơn đào tạo một tiến sĩ. Với QH khóa XIV ở VN, 69 triệu giám khảo tập hợp trong một ngày để tuyển chọn 496 người trong số 870 thí sinh. Vấn đề là đã chọn được bao nhiều người xứng đáng…
c- Bầu QH: Trình độ giám khảo không cần cao như thí sinh
– Thì cũng giống chọn giải vô địch cử tạ, người chấm thi không cần cơ bắp cuồn cuộn. Hoặc, người chấm thi hoa hậu không cần đẹp hơn hoa hậu. Chỉ cần mỗi người trong ban giám khảo nắm chắc tiêu chuẩn lựa chọn “thế nào là đẹp”. Ngoài ra, còn phải tham khảo nhận định của số đông: ví dụ, phiếu thăm dò ý kiến của đông đảo khán giả đang có mặt trong cuộc thi hoa hậu.
– Bầu QH cũng vậy. Trước khi bầu, các giám khảo (cử tri) đã được dạy (từ khi còn là học sinh) các tiêu chuẩn mà một đại biểu quốc hội phải đạt. Sau khi bầu, cử tri còn tiếp tục theo dõi sự hoạt động của đại biểu trong suốt một nhiệm kỳ 5 năm để thấy ai xứng đáng tái cử. Ngoài ra, bầu cử QH còn có yếu tố “đánh giá của số đông”. Chỉ cần số đông này (số cử tri) đều hiểu tiêu chuẩn để trúng cử và họ được tự do trao đổi trước khi tự mình quyết định bầu cho ai. Tuy nhiên, đây là chuyện “lẽ ra phải thế”.
d- Một học sinh phổ thông nếu được dạy, sẽ thừa sức biết đại biểu quốc hội phải có tiêu chuẩn gì. Khi thành cử tri, họ biết tham khảo tiểu sử và đọc bản Chương trình hành động của ứng cử viên. Quan trọng nhất là họ biết phải hỏi ứng cử viên những gì trước khi quyết định bầu cho ai.
Một cử tri (kiêm dân oan) có thể hỏi ứng cử viên: Nếu trúng cử, quý vị có đấu tranh đòi sửa Luật Đất đai hay không? Lẽ ra phải thế, nhưng thực tế là cử tri (ông chủ) không biết làm như thế, hoặc không dám làm như thế. Do gì? Liệu có phải do thắng lợi của chính sách ngu dân và đàn áp?

3- Lẽ ra phải là cuộc sát hạch quan trọng nhất
Sẽ là cuộc sát hạch bôi bác – thậm chí gian dối, lừa đảo – nếu giám khảo và thí sinh không đủ trình độ, không hiểu tiêu chuẩn. Lẽ ra, cử tri phải hiểu rằng kết quả sát hạch sẽ quyết định: Họ thật sự là ông chủ, hay chỉ trên danh nghĩa.
Thực tế, ngày càng nhiều “ông chủ” thấy rằng đi bầu QH chỉ tốn thời gian, công sức. Thế là, bầu hộ, bầu thay, một người bỏ phiếu cho cả nhà… Hiện nay, cái câu “đứa nào trúng cử thì… cũng thế” đang là nhận định chung. Trách gì, bầu QH ngày càng bôi bác. Xin không dài dòng, vì toàn dân đã trải nghiệm.

(Còn nữa)

----------------------------------------------------------------------------------
.
Nghiêm Huấn Từ
13/07/2020

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 và phần 5

XI. Cách thức bầu Quốc hội chúng ta từng trải nghiệm

4- Lẽ ra thí sinh phải trình trước ban giám khảo 2 hồ sơ
Đó là hai văn bản: 1) bản Tiểu sử cá nhân và 2) bản Chương trình hành động. Cả hai phải được công bố sớm (dán lên tường, in trên báo, đưa lên mạng, phát tay cho cử tri…)
– Tiểu sử cá nhân để các giám khảo (tức là cử tri) đánh giá chung về quá trình, học vấn, nghề nghiệp, tín nhiệm xã hội… Một vi phạm phải lập tức bị cử tri xóa tên trong lá phiếu: Đó là đang ăn lương đầy tớ, lại toan chiếm ghế của ông chủ trong Quốc hội. Ví dụ, phải gạch bỏ ngay, nếu danh sách ứng cử có bộ trưởng, thủ tướng, giám đốc sở, công an, sĩ quan… (thuộc hành pháp), quan tòa, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (thuộc tư pháp). Quốc hội không phải chỗ của quý vị, vì vi phạm nguyên tắc Tam quyền phân lập. Nhưng ở VN, từ 1960 tới nay lại là chuyện “lẽ ra”.
– Chương trình hành động (lẽ ra) nhất thiết phải có.
Trên đời không có cuộc sát hạch nào mà thí sinh chỉ đưa ra vài dòng tiểu sử. Sao dám hỗn như vậy? Nhưng ở nước CHXHCNVN chúng ta, những người tập tễnh bước vào cơ quan quyền lực cao nhất lại được Luật Bầu Cử cho phép vô lễ với 70 triệu người trưởng thành đang sử dụng quyền công dân của mình. Trách gì Quốc hội chẳng ra Luật Đất Đai, tước quyền sở hữu của ông chủ.

5- Ứng viên coi cử tri như mẻ
Đây là một thái độ cụ thể nằm trong khái niệm “hỗn láo”. Lẽ ra, thí sinh không dám coi thường các vị giám khảo. Nhưng ở VN thì khác. Lẽ thường ở đời, nếu dự thi để được chọn làm ca sĩ thì phải cất giọng hát thử.
Nếu muốn làm thầy giáo thì phải chứng minh năng lực sư phạm… Liệu hai loại thí sinh nói trên có ai dám cả gan không thèm hát thử, không thèm dạy thử, mà chỉ ấn vào mặt Ban Giám Khảo một bản tiểu sử “con ông, cháu cha”… (đã nói trên) mà vẫn ung dung cứ trúng tuyển?
Thí sinh thì thế. Nhưng giám khảo cũng chẳng có tư cách và hiểu biết gì hơn. Vì họ là sản phẩm của một nền giáo dục không muốn đào tạo ra những công dân đúng nghĩa. Ví dụ, đáng lẽ gạch bỏ tên những ông đầy tớ trong là phiếu, thì có những cử tri hễ thấy ứng viên “kiêm công chức cao cấp” là… bầu.

6- Coi cử tri như robot
Cách thức bầu hiện nay khiến hầu hết ứng cử viên thấy cử tri là vậy. Bởi vì, tuyệt đa số ứng viên chắc mẩm khả năng trúng cử. Điều này khiến họ ít sợ cử tri, thậm chí coi thường. Nhất là các đấng đầy tớ kễnh. Đó là họ thấy trước tỷ lệ trúng cử sẽ rất cao (không bao giờ phải bầu lại, lần 2), vì danh sách ứng cử có số dư rất thấp.
Ví dụ, cuộc bầu năm 1960: Số người ứng cử là ấn định là 455, sẽ chọn ra tới 362 đại biểu. Nếu vậy, tỷ lệ trúng cử lên tới 80%. Do vậy, một đơn vị bầu cử có 5 ứng cử viên, sẽ trúng cử 4. Và mọi người rất dễ nhận ra một vị đóng vai “quân xanh”. Do vậy, 4 vị còn lại (trong thâm tâm) coi cử tri như đám robot.
Từng có trường hợp, một ông được “vinh dự” giới thiệu ứng cử Quốc hội. Nhưng khi lập xong danh sách, ông ta tự thấy mình chỉ là cái bung xung (quân xanh) liền xin rút. Khốn nỗi, danh sách đã công bố thì hết quyền xin rút.

7- Vừa bầu xong, đã quên béng cả lũ…
Đó là cách ứng xử khi mình bị coi như mẻ và như robot.
Vừa bầu xong, đã rất khó nhớ mình đã “gạch ai, để ai” (vì gạch bừa, hoặc gạch chéo cho nhanh). Hôm sau, quên tuốt. Đây cũng là câu trả lời phù hợp cho cái khẩu hiệu nhắc nhở cử tri “sáng suốt lựa chọn…”
Lẽ ra (lại “lẽ ra”) muốn ứng cử ở vùng nào, ứng viên phải hoạt động ở vùng đó, được dân “nhẵn mặt”; vì đã lăn lộn trong dân để chứng minh sự tận tâm vì quyền lợi của dân. Lẽ ra, phải quy định ứng viên cần thu thập “càng nhiều càng tốt” số chữ ký thể hiện người dân nơi đó “tán thành ông này ra ứng cử”.
Lẽ ra, nếu làm như trên, mỗi đại biểu QH chỉ đại diện cho một vùng dân cư nhất định (vẫn đồng thời đại diện cả nước). Có chuyện gì trái ý, dân có địa chỉ cụ thể để phàn nàn, kêu cứu. Một thực tế là, có ứng cử viên sống ở Thái Nguyên, được giới thiệu vào tận Tây Nguyên ứng cử, vẫn cứ lọt vào QH (!).
Một thực tế khác là khi bị oan trái, dân rất ít tìm đến đại biểu quốc hội, mà chủ yếu lạy lục đám đầy tớ. Sao vậy?

8– Đầu vào, khúc giữa và đầu ra
– Trong bầu cử Quốc hội, giới cầm quyền (danh nghĩa là cõng dân, thực chất cưỡi dân) kiểm soát rất chặt đầu vào – tức là rà soát để chọn danh sách ứng cử vừa ý.
Quyền ứng cử tuy được khẳng định trong mọi bản Hiến Pháp, nhưng thực tế bị hạn chế tối đa. Có cuộc bầu cử dường như không ai ứng cử. Thật ra, nếu có ai tự ứng cử đều bị vận động hoặc đe dọa, để phải rút. Vì đây là những trí thức đã nhìn ra chân tướng chế độ tập quyền. Ngay những đảng viên cũng bị đảng CS cấm tự ứng cử.
Nhưng xã hội thời internet không còn ngoan và lép như xưa. Trong cuộc bầu gần đây nhất (năm 2016) có tới 162 đơn xin tự ứng cử. Cao vọt so với những lần trước đó, mà nguyên nhân là “tưởng bở”. Chế độ tập quyền buộc phải lộ diện, tìm đủ cách loại bỏ tới 94%, chỉ còn 11 vị được đưa vào danh sách ứng cử. Nhưng sau khi bầu, chỉ có 2 vị trúng cử, và… đều là đảng viên. Dư luận nói rằng, hai vị này được phép giả vờ đóng vai ứng viên tự do; không hiểu đúng đến đâu. Dư luận còn nghi ngờ số phiếu của hai vị này; vì việc kiểm phiếu không công khai.
– Khi đã có danh sách “đầu vào” vừa ý – nghĩa là bất cứ ai trúng cử đều có thể được OK – dân chúng (danh nghĩa là “ông chủ”) bị lùa đi bầu, đông đảo tới mức thế giới ngạc nhiên. Một khẩu hiệu nhằm buộc người dân phải tới hòm phiếu mà chúng ta đều từng đọc, là “Đi bầu vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của công dân“. Đúng ra, bầu cử là quyền, thích thì sử dụng – nếu thấy đó là thực quyền; còn nếu thấy đó chỉ là thứ hư quyền thì… vứt. Nay, bầu cử là nghĩa vụ (?), chả lẽ đầy tớ có quyền “điệu” ông chủ tới hòm phiếu?
– Đã đến vậy, mà giới cầm quyền còn nắm nốt đầu ra. Tức là độc quyền kiểm phiếu.

9- Tuyên truyền rùm beng
Xin khỏi nói dài, vì ai cũng từng trải nghiệm ít nhất 1 lần trong đời, trừ những cháu từ 5 tuổi (trở xuống). Cuộc bầu năm 2016, những đứa trẻ sinh ra sau thời điểm này, đến nay chỉ 5 tuổi.
Tuyên truyền diễn ra khá sớm trước bầu cử và khá muộn sau bầu cử. Sớm nhất và muộn nhất là báo chí. Sau đó là khẩu hiệu đỏ-vàng rợp trời, ca ngợi ý nghĩa, công ơn và cổ động toàn dân đi bỏ phiếu. Câu hỏi: Những ai thật sự chú ý tới chúng (?), mọi người đều có thể tự trả lời.
Báo chí được dịp thực hiện nhiệm vụ chính trị, đã viết rất nhiều bài. Bạn đọc có thể tự vấn: Chúng tạo được bao nhiêu ảnh hưởng tới cá nhân mình? Cờ, đèn, kèn, trống ầm ỹ và lóa mắt hơn bao giờ hết. Chúng làm được bao nhiêu người vui?

10- Đánh giá: Đại thắng lợi. Ai thắng lợi?
Chúng ta không thể nhớ hoặc lưu lại bất cứ ấn tượng nào, mặc dù báo chí ca ngợi và đánh giá cuộc bầu là đại thắng lợi. Ai thắng lợi?
Xin đọc đoạn dưới đây (nguyên văn) trong một bài đăng trên báo Nhân Dân để trả lời câu hỏi trên: Ai thắng lợi?

Kính thưa…
Cách đây gần hai tháng, ngày 22-5-2016, trên đất nước ta đã diễn ra một sự kiện chính trị trọng đại; đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Hơn 67 triệu cử tri khắp mọi miền Tổ quốc đã nô nức đi bầu cử, sáng suốt lựa chọn, bầu được 494 đại biểu Quốc hội và 321.392 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp – những người thay mặt nhân dân gánh vác trọng trách ở cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân từ Trung ương đến địa phương. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt chào mừng thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021…

XII. Sản phẩm của cách thức bầu: Một quốc hội hổ lốn

Quốc hội ta xứng đáng là bản minh họa rất sát sao và… trắng trợn cho câu Tuyên Ngôn 8 chữ: Nhà nước ta không tam quyền phân lập. Xin nêu vài điều ai cũng thấy.

1- Cương lĩnh và Hiến Pháp, lẽ ra…
Ở nước ta, Hiến Pháp – sản phẩm của Quốc hội (thay mặt 100 triệu dân, gần 70 triệu cử tri, làm ra) lẽ ra phải là văn bản quan trọng nhất, nhưng thực tế, nó chẳng qua chỉ là sự thể chế hóa và cụ thể hóa Cương Lĩnh của một đảng cầm quyền chỉ có nhõn 4 triệu thành viên. Cái câu nhiều người còn nhớ, được vị đầu đảng sưng sưng nói ra, chẳng cần lựa lời: Hiến pháp là văn kiện quan trọng của quốc gia, chỉ đứng sau Cương Lĩnh.

2- Chắc chắn điều trên sai bét đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới
Ở các quốc gia này, đảng chính trị nào cũng phải có cương lĩnh – để lấy lòng dân, chứ không phải để áp đặt lên đầu, lên cổ nhân dân. Giả sử một nước có chục đảng hoạt động, dẫu có gộp cả 10 cương lĩnh lại vẫn không dám sánh với Hiến Pháp. Cả gan so sánh như vậy sẽ chết mất ngáp. Bởi vì, Hiến Pháp là “luật của luật”, phải được toàn dân thông qua mới chính thức được coi là luật “mẹ”, tối cao. Trong Hiến Pháp có những điều khoản quy định khuôn khổ cho các đảng chính trị hoạt động. Không có chuyện lộn tùng phèo như ở các nước đảng trị.
Do vậy, đảng tây nào cũng rất biết điều, nhưng đảng ta không thế.

2- Cũng chẳng oan
Khốn nỗi, một quốc hội được nặn ra, để gọi là “có” làm sao nó không méo mó, như hàng second hand?

3- Quốc hội có địa vị nào, Hiến Pháp có vai trò ấy
– Để Quốc hội nhanh nhẹn thông qua Luật Đặc Khu, vị chủ tịch nói thẳng (ý): Việc này, Bộ Chính trị đã quyết rồi…
– Có thể diễn ý câu này theo cách khác, đầy đủ hơn và bản chất hơn.
Ví dụ, 20 người do đảng bầu ra “đã quyết rồi”. Vậy thì 500 người do toàn dân bầu ra phải coi đó là lệnh…
Hoặc: Chiếu chỉ đã ban, triều thần hãy bàn cách thực hiện…

4- Hẩu lốn
Về hình thức, tam quyền quy tụ vào Quốc hội, nhưng Quốc hội là con đẻ của đảng (rặt đảng viên) và tất nhiên nằm dưới đảng. Quốc hội lại đẻ ra chính phủ (rặt đảng viên) và tòa án (cũng rặt đảng viên). Mời quý bạn đọc vẽ một mô hình để minh họa.
Và chú thích của mô hình phải là: Nhà nước ta không tam quyền phân lập

5- Đầy tớ lũng đoạn Quốc hội
Nhưng muốn làm đầy tớ, phải là đảng viên cái đã. Người ngoài đảng không thể lũng đoạn Quốc hội.

6- Đầy tớ, nhưng không phải của dân, mà là của Đảng
Tất nhiên. Vì đầy tớ là đảng viên, khiến dân chỉ là ông chủ danh nghĩa, số phận được quy định cứng nhắc trong câu:
Đảng lãnh đạo tuốt (tất nhiên gồm toàn đảng viên).
Nhà nước quản lý tuốt (rặt đảng viên).
Còn chỗ nào trống, dân cứ tha hồ làm chủ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats