Anh
Vũ -
RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng
ngày: 27/07/2020 - 15:48
Các báo Pháp số ra ngày đầu tuần này vẫn chủ yếu
bám theo các chủ đề liên quan đại dịch Covid-19 và những hệ lụy kinh tế xã hội
đang tác động ở khắp nơi trên thế giới. Trang kinh tế của nhật báo La Croix có
bài đáng chú ý đề cập đến vấn đề tổ chức di dời sản xuất của các công
ty quốc tế sau khủng hoảng dịch với tiêu đề: « Di dời lại sản xuất,
nước nào sẽ thay thế Trung Quốc ? »
La Croix giới thiệu hai
nghiên cứu mới đây của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface và viện
nghiên cứu kinh tế Rexecode của Pháp nhằm thử phác họa tấm bản đồ kinh tế thế
giới, hiện bị cuộc khủng hoảng y tế làm xáo trộn.
Trận đại dịch virus
corona bùng lên từ Trung Quốc rồi lan ra khắp thế giới đã làm lộ rõ sự lệ thuộc
của các hoạt động kinh tế thế giới, nhất là của các nước phát triển, vào
« công xưởng thế giới » Trung Quốc. Giờ đây nhiều nước đã ý thức được
là phải thu xếp di dời sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc hồi hương các hoạt động sản
xuất chiến lược. Vấn đề đang trở nên cấp bách, ít ra là để đa dạng hóa nguồn
cung ứng, tạo thế chủ động để đề phòng một cú sốc kinh tế mới.
Nhưng theo La Croix, một
câu hỏi đặt ra là, di dời đến đâu, nước nào có thể thay thế Trung Quốc ?
Các chuyên gia kinh tế của Coface và Rexecode đã cố gắng giải đáp bằng một bức
tranh tương phản của kinh tế thế giới sắp tới.
Rời Trung Quốc đến nơi khác
Các nghiên cứu của cả hai
cơ quan Pháp đều có chung một điểm: Viễn cảnh các công ty ồ ạt « vu hồi »
các hoạt động về quê nhà là ít có khả năng xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ có các
quy hoạch lại nguồn cung ứng.
Nhà kinh tế trưởng của Coface, Julien Marcilly, được La Croix trích dẫn, nhận định: «
Một doanh nghiệp đóng ở nước ngoài là để giảm giá thành sản xuất, chủ yếu tận dụng
giá nhân công thấp. Lý do để giải thích cho quá trình toàn cầu hóa đó vẫn còn
mang tính thời sự ». Còn Cynthia Kalasopatan, chuyên gia
về các nước mới trỗi dậy của viện Rexecode, nhấn mạnh « trước các nguy cơ
chuỗi cung ứng bị vỡ, một số doanh nghiệp chắc chắn sẽ thấy cần phải đa dạng
hóa các nhà cung cấp ».
Ở khía cạnh
này, các nước Trung và Đông Âu có vị trí tốt để có thể làm điểm luân
chuyển cho các doanh nghiệp không còn muốn « đặt hết trứng vào cái rổ
Trung Quốc ». Thế mạnh của các nước
này là đã đi vào kinh tế thị trường thực sự từ ba chục năm qua và cũng có giá
nhân công thấp. Thí dụ như ở Ba Lan, lương trung bình vẫn thấp hơn 3 lần so với
các nước Tây Âu. Thêm vào đó, các nước Trung và Đông Âu có mạng lưới cơ sở hạ tầng
hiện đại, môi trường kinh doanh ổn định, trình độ kỹ thuật đã tiến bộ nhiều từ
khi hội nhập với Liên Hiệp Châu Âu.
Theo La Croix, từ khi có
khủng hoảng y tế, nhiều công ty Pháp đã nhắm đến Ba Lan làm điểm di dời sản xuất
từ Trung Quốc về, hoặc thay thế vai trò cung ứng các chi tiết thiết bị. Tuy thế,
các nước Đông Âu vẫn vấp phải cạnh tranh gay gắt với các nước đang trỗi dậy.
Nghiên cứu của viện Rexecode đã phân tích 26 nước có thể sẽ là đối thủ tiềm
năng của Trung Quốc. Dựa trên 7 tiêu chí, từ tiến bộ trong lĩnh vực gia công chế
biến trong vòng 10 năm qua cho đến môi trường kinh doanh, giá nhân công, hay mức
độ mở cửa thương mại ở từng nước, nghiên cứu xác định mức độ hấp dẫn các nhà đầu
tư nước ngoài.
Kết quả bất ngờ là Việt Nam và Cam Bốt dẫn đầu danh sách, bỏ xa Ba Lan (đứng hàng thứ 8), trong khi đó Hungary,
Rumani ở cuối bảng. La Croix nhấn mạnh là kịch bản hay xếp hạng của Coface và
Rexecode hiện vẫn chỉ là giả định. Tất cả còn phụ thuộc vào chiến lược của từng
nước công nghiệp. Và có một điều nữa là Trung Quốc sẽ không sẵn sàng từ bỏ vị
trí « công xưởng thế giới ».
Trung Quốc: Trấn áp để bóc lột
người Duy Ngô Nhĩ
Vẫn là hoạt động kinh tế ở
Trung Quốc nhưng liên quan đến vấn đề nhân quyền đang được báo chí
quan tâm là tình trạng ngược đãi với sắc tộc theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ.
Nhật báo Libération có
bài phóng sự : « Người Duy Ngô Nhĩ, lao động cưỡng bức cho các nhãn hiệu
». Tờ báo nêu thực trạng chế độ Bắc Kinh khai thác nguồn lực tài nguyên ở
tỉnh Tân Cương bằng lao động cưỡng bức sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ qua chương
trình « cải tạo ». Việc này có dính dáng đến hàng chục công ty đa quốc
gia. Họ đã vô tình tiếp tay cho việc làm đó của chính quyền Trung Quốc.
Theo Libération, những
tháng qua, nhiều điều tra được công bố ở các nước phương Tây đã phơi bày
tình trạng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức là những người Duy Ngô Nhĩ
trong các lĩnh vực nông nghiệp cũng như công nghiệp ở Tân Cương. Mới đây, 180 tổ
chức phi chính phủ ở 36 nước đã ra lời kêu gọi chấm dứt việc làm này.
Từ ba năm nay, 11 triệu
người Duy Ngô Nhĩ đã bị chính quyền Bắc Kinh thực thi chính sách hà hiếp để phục
vụ mục đích chính trị và kinh tế. Theo nhật báo Pháp, đó là các vụ bắt giữ ồ ạt,
chia rẽ gia đình, cưỡng chế tịch thu đất đai nhà cửa, triệt sản, xóa bỏ ngôn ngữ,
văn hóa và tôn giáo và cả lao động cưỡng bức ở bên trong cũng như bên ngoài
các trại cải tạo tập trung.
Là một tỉnh lớn, rộng gấp
ba lần nước Pháp, có biên giới với 8 quốc gia, Tân Cương nằm ở vị trí đắc địa
trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Việc khống chế người dân ở
vùng này cho phép chế độ Bắc Kinh khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên
của vùng đất như dầu mỏ, khí đốt, đất hiếm, hay cả năng lượng mặt trời. Đặt
các nhà máy ở ngã tư trục đường thương mại Trung Á sẽ mang lại nguồn lợi lớn.
Các công ty nước ngoài vô tình
tiếp tay cho Bắc Kinh
Để thu hút nhân lực chính
quyền đưa ra các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người Hán, như hứa hẹn trả
lương cao, nhà ở được miễn tiền thuế trong 4 năm. Nhưng những nơi ở để thu
hút người Hán đến lại chính là nhà cửa của những người Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù hay
bị đưa đi tập trung cải tạo .
Bên cạnh đó, từ năm 2017,
chính quyền Trung Quốc thực thi chương trình cải tạo tập trung đồng loạt dân
Duy Ngô Nhĩ, mà họ gọi là các trại huấn nghiệp. Tại đó người Duy Ngô Nhĩ được
đào tạo nghề để phục vụ trong các công xưởng của Trung Quốc đang được di dời
ngày càng đông đến Tân Cương.
Tờ báo dẫn ra con số, hơn
80% sản lượng bông của Trung được trồng ở Tân Cương, tức chiếm 20% sản lượng thế
giới. Hầu hết tất cả các
nhãn hiệu lớn và các nhà phân phối hàng dệt may trên thế giới đều dính dáng đến
các sản phẩm bông Tân Cương. Chính quyền Bắc Kinh đang có kế hoạch biến
miền bắc Tân Cương thành trung tâm công nghiệp dệt may lớn nhất Trung Quốc, và
cũng là lớn nhất thế giới.
Trong một báo cáo mang
tiêu đề « Người Duy Ngô Nhĩ để bán » công bố tháng 3, trung
tâm tham vấn Úc ASPI (Australian Strategic Policy Institute) khẳng định
« ít nhất có 83 nhãn mác sản phẩm tầm quốc tế đã sử dụng nguồn nhân
lực cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ trong dây chuyền sản xuất.» Các tập đoàn tên tuổi như Amazon, Apple,
Bombardier, BMW, Jaguar, Nokia, Zara và hàng chục tập đoàn khác trong thương mại
thế giới ít nhiều đều có liên quan.
Rồi đến khi dịch virus
corona xuất hiện, nhu cầu khẩu trang và thiết bị y tế của cả thế giới bùng nổ.
Nhật báo Mỹ New York Times hôm 19/07 tiết lộ, trước đại dịch Tân Cương chỉ có 4
nhà máy sản xuất thiết bị y tế, giờ đây con số này là 51, trong đó 17 nhà máy
tham gia trong chương trình « cải tạo lao động » người Duy Ngô Nhĩ.
Một số nhà máy đặc biệt dành cho hàng xuất khẩu sang các nước phương Tây.
Donald Trump: 100 ngày để đảo
ngược tình thế
Nhiều ờ báo Pháp đều chú
ý tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với cùng một góc nhìn: chỉ còn 100 ngày
trước cuộc bầu cử tháng 11, tổng thống Donald Trump đang cố gắng xoay chuyển
tình thế, khi mọi cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Mỹ đang dần quay lưng lại
với ông. Le Monde ghi nhận : « Trump đi tìm thế để cứu chiến dịch
tranh cử ». Tương tự, La Croix nhận xét : « Bầu cử tổng thống
trước 100 ngày, Trump xem lại chiến lược ».
Các báo đều ghi nhận,
tính từ ngày 26/7 đến ngày bầu cử, thời gian là rất quý. Ông Donald Trump chỉ
còn có 100 ngày để khôi phục hình ảnh và duy trì hy vọng sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ
thứ 2. Nhiệm vụ dự kiến sẽ rất khó khăn. Không chỉ có dịch virus corona mà bản
thân hoàn cảnh của ông cũng « đáng tiếc là càng tồi tệ hơn trước khi được cải
thiện », theo như ngôn từ của ông khi nói về tình hình dịch ở Mỹ trong cuộc
họp báo hôm 21/07 vừa qua.
Nguyên nhân chính khiến cử
tri Mỹ ngày càng bỏ rơi ông thêm chính là cách xử lý khủng hoảng y tế của tổng
thống, cùng những phát biểu gây rối thêm tình hình 4 triệu người nhiễm và hơn
146 nghìn người chết vì Covid-19 tại Mỹ. Hiện tại ông Trump đang bị đối thủ Joe Biden qua mặt đến
gần 10 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận về dự định bầu.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
.
.
No comments:
Post a Comment