Trung
- Mỹ có thể nổ súng tại Biển Đông hay không?
29/07/2020
https://www.voatiengviet.com/a/trung-my-bien-dong-no-sung/5522123.html
Ngày 12 Tháng Bảy là kỷ
niệm bốn năm ngày Tòa án Quốc tế ở The Hague tuyên bố Đường Lưỡi Bò mà chính
quyền Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông nước ta hoàn toàn vô giá trị. Từ năm 2016 đến
nay, Bắc Kinh vẫn bất chấp phán quyết đó, và Philippines là nước đệ đơn kiện hầu
như cũng quên luôn!
Năm nay, Ngoại trưởng Mỹ
Mike Pompeo bỗng dưng nhắc nhở tất cả mọi người đừng quên bản án của Tòa Quốc tế!
Ông Pompeo nhấn mạnh việc Trung Cộng tiếm nhận 90 phần trăm vùng biển Đông Nam
Á là “hoàn toàn bất hợp pháp.” Ông nhắc đến tên nhiều hòn đảo của các nước từ
Việt Nam, Indonesia đến Malaysia đã bị Trung Cộng chiếm đóng phi pháp, trong đó
có Vanguard Bank (Bãi Tư Chính) của nước ta.
Trước khi ông Pompeo nói,
hai hàng không mẫu hạm USS
Nimitz và USS Ronald Reagan đã song song tiến vào vùng biển Đông Nam
Á, đem theo cả hạm đội đầy đủ vũ khí thao dượt tác chiến, liên tiếp hai tuần lễ.
Mẫu hạm Nimitz cũng tập trận cùng hải quân Ấn Độ, trong Vịnh Bengal, trước khi
qua Trung Đông. Quân Ấn Độ và quân Trung Cộng mới bắn nhau ở vùng biên giới
trên Hy Mã Lạp Sơn, mỗi bên chết mấy chục người.
Lần sau chót hai mẫu hạm
của hải quân Mỹ cùng đi vào Biển Đông diễn ra năm 2014, khi cựu Tổng thống
Obama tuyên bố “chuyển trục,” đưa lực lượng Mỹ từ vùng Địa Trung Hải qua Á
châu; đồng thời Mỹ cũng đang vận động với 11 quốc gia ở Thái Bình Dương ký một
hiệp ước thương mại tự do mà không cho Trung Cộng dự phần.
Sáu năm trước cũng như lần
này, các chiến hạm Mỹ đi sát gần các hòn đảo Trung Cộng chiếm của Việt Nam
trong quần đảo Trường Sa, mà không báo tin xin phép, để chứng tỏ nước Mỹ không
công nhận họ làm chủ, dù Trung Cộng đã thiết lập những căn cứ quân sự trên đó.
Trong vòng một tuần, Bắc
Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, đưa thêm chiến đấu cơ J-11B tới phi trường quân sự
trên Đảo Phú Lâm (Woody Island), hòn đảo rộng nhất trong Quần đảo Hoàng Sa, trước
năm 1974 vẫn thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Quân khu Miền Nam Trung
Quốc còn cho máy bay JH-7 tập trận hai ngày liên tiếp, bắn 3,000 phi đạn với chất
nổ thật, trên những mục tiêu di động trên mặt biển. JH-7 là loại máy bay thả
bom đặc biệt nhắm đánh các chiến hạm đang di chuyển. Lần chót oanh tạc cơ JH-7
được đem biểu diễn bắn hỏa tiễn thật ở Biển Đông là năm 2016, sau khi Tòa án quốc
tế ở The Hague xử Philippines thắng kiện Trung Quốc.
Năm nay Trung Cộng lại biểu
diễn đánh bom ở Biển Đông nước ta, trong khi hải quân Mỹ đang tập trận bất chấp
những tín hiệu cảnh cáo, xua đuổi của các tàu Hải Giám. Không ai đoán trước được
chuyện gì sẽ xẩy ra giữa hai cường quốc, trong lúc không khí ngày càng căng thẳng,
từ khi có bệnh dịch Covid 19.
Xung đột Mỹ - Trung đang
diễn ra trong nhiều lãnh vực: Cuộc chiến thuế quan, Huawei, Hồng Kông, nhân quyền
của người Uyghurs, rồi mới đóng cửa lãnh sự quán Trung Cộng ở Houston và Trung
Cộng trả đũa bằng tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô. Tổng thống Donald Trump đã gọi
Coronavirus là Vi khuẩn Vũ Hán (Wuhan virus) và gọi tên Kung Flu để chế nhạo,
còn nghĩ tới việc cấm vận cả 92 triệu đảng viên cộng sản Trung Quốc! Mỹ mới bán
$180 triệu đô la vũ khí cho Đài Loan dù Trung Cộng ồn ào phản đối. Trong Tháng
Bảy, người ta thấy một chiếc máy bay không người lái (spy drone) của Mỹ, được
trang bị các loại máy do thám, bay qua vùng Biển Đông rồi đi về hướng Đài Loan!
Trong thế kỷ 21, hai nước
Mỹ và Trung Quốc, làm chủ 40 phần trăm kinh tế thế giới, sẽ kình chống lẫn
nhau, không thể nào tránh được. Năm 2018, ông Kissinger, từng làm cố vấn an
ninh quốc gia cho mấy đời tổng thống Mỹ, đã nói, “Theo kinh nghiệm lịch sử thì
Trung Quốc và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ xung đột.” Cuộc thương chiến do Tổng thống
Trump khởi xướng sẽ còn tiếp tục, dù ông Trump tái đắc cử hay không. Cuộc chạy
đua làm chủ hệ thống viễn thông G5 cũng vậy.
Mọi người đồng ý rằng các
ông Tập Cận Bình và Donald Trump không muốn chiến tranh giữa hai nước. Tổng thống
Trump đã tỏ ra rất thân thiện, từng khen Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc
lớn nhất trong mấy thế kỷ – xác chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, nếu
nghe được, chắc phải giật mình cựa quậy! Sau đó ông Trump còn nâng cấp, gọi ông
Tập là nhà lãnh đạo số một trong suốt lịch sử Trung Quốc! Nói thế chắc đúng ý Tập
Cận Bình! Vì các ông vua đời trước như Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Minh Thành Tổ,
cho tới Càn Long chỉ lo bành trướng trên lục địa châu Á, còn Tập Cận Bình mở cả
Con đường Tơ Lụa trên mặt biển và đang đem tiền cùng các cố vấn, công nhân, đến
tận các nước châu Phi mua ảnh hưởng!
Nhưng một cuộc chiến tranh có thể bất ngờ bùng lên chỉ vì những biến cố
nhỏ. Năm 2001, một máy bay
tình báo Mỹ bị chiến đấu cơ Trung Cộng bám sát, tai nạn đã xẩy ra chỉ cách
Hoàng Sa 160km. Người phi công Trung Cộng tử nạn còn máy bay Mỹ thoát nạn nhờ hạ
cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Chính phủ hai nước đã giàn xếp ổn thỏa.
Năm 2018 có lúc chiến
thuyền hai bên đến sát gần nhau trong Biển Đông, chỉ cách 40 mét. Nếu vì trục
trặc kỹ thuật mà tàu đụng nhau, có người chết, thì không biết chuyện gì sẽ xẩy
ra!
Cuối năm 2018, Thiếu Tướng
hồi hưu La Viện (LuoYuan) thuyết trình tại Học Viện Khoa học Quân sự, đã nói thẳng
rằng Trung Quốc chỉ cần bắn hỏa tiễn vào một hay hai cái hàng không mẫu hạm là
đủ cho Mỹ sợ rồi. Khuynh hướng diều hâu trong quân đội Trung Cộng có thể đang
lên cao, và họ có thể tính toán liều lĩnh, khi muốn lợi dụng tình trạng nước Mỹ
đang lâm bệnh Covid nặng nhất thế giới – ngay các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản
cũng bị vi khuẩn đe dọa.
Điều đáng lo ngại trong
lúc này là hai nước đang tiến từ những xung đột cụ thể, như mậu dịch hay ăn cắp
sản phẩm trí óc, có thể thảo luận để giải quyết, sang những vấn đề không thể giải
quyết vì có tính cách chiến lược lâu dài, cho tới các vấn đề chính trị căn bản,
như cách tổ chức kinh tế của Cộng sản Trung Quốc,và việc Trung Cộng xâm lấn
vùng Biển Đông.
Nguy hiểm nhất là trong
khi tàu chiến và máy bay quân sự hai nước có thể đụng chạm ngoài ý muốn, thì mối
bang giao đang chuyển, từ xung khắc biến thành thù nghịch. Mỗi bên không còn
tin vào lời hứa hẹn của bên kia, và không ngần ngại nói công khai như vậy. Các
con đường ngoại giao có khả năng tháo gỡ các xung đột có thể bị tắc nghẽn. Khi
ông Mike Pompeo gặp ông Lưu Hạc ở Hawaii tháng trước, mà không hẹn gặp nhau lần
nữa, nhiều người đã nhắc tới biến cố Nhật Bản bất ngờ tấn công Pearl Harbor năm
1941; để nhắc nhở rằng cuộc chiến Thái Bình Dương đã xẩy ra dù trước đó không
ai tin Nhật Bản lại dại dột gây chiến với một nước lớn gấp bốn lần mình như thế!
Một yếu tố cũng đáng quan
tâm là năm nay dân Mỹ sắp đi bầu. Nếu trước ngày bỏ phiếu mà có một vụ xung đột
quân sự lớn thì, như kinh nghiệm cũ cho thấy, dân chúng Mỹ chắc chắn sẽ đoàn kết
ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm. Những cuộc tập trận của hai hàng không mẫu hạm
Mỹ cũng như các lời tuyên bố lên án Trung Cộng của Ngoại trưởng Mike Pompeo đều
có thể chuẩn bị cho một biến cố như vậy.
Tập Cận Bình và Donald
Trump sẽ không để cho chiến tranh lan rộng và kéo dài, nhưng một cuộc nổ súng ở
Biển Đông vẫn có thể xẩy ra bất ngờ.
No comments:
Post a Comment