Monday, 27 July 2020

Cây đa cậy thần, THẦN cậy CÂY ĐA? (Lê Thiếu Nhơn)





Tại một khách sạn sang trọng ở TPHCM, mới diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của một nhà văn. Người được nhớ đến là một tác giả lớn chăng? Không phải, tuy tác giả có quá trình cầm bút lâu năm, nhưng giá trị sáng tạo không nhiều. Chính tác giả khi còn sống cũng thừa nhận cả đời ông chỉ viết ký sự.

Nhiều người chứng kiến lễ kỷ niệm ấy, không khỏi băn khoăn: Sao giới văn chương lại có nhiều tiền thế, và đối đãi với người đã khuất trọng thị thế? Thực tế, Hội Nhà văn VN chỉ đứng ké tên tổ chức, còn mọi thứ do gia đình tác giả trực tiếp thu xếp. Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm cho những danh sư như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân… cũng chỉ trưng dụng cái hội trường bé xíu, chứ làm gì có nguồn tài chính mà thuê sảnh to ở khách sạn đắt đỏ.

Sự thật là tác giả vừa được kỷ niệm kia, có con trai buôn bán thành đạt, nên làm lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình theo tiêu chuẩn 5 sao. Ngay cả kinh phí đi lại và ăn ở của một đại diện Hội Nhà văn VN từ Hà Nội và TPHCM tham dự, cũng do phía gia đình tác giả đài thọ toàn bộ.

Ăn đã vậy, múa gậy làm sao? Cũng thừa hiểu biết để đánh giá đẳng cấp của tác giả được kỷ niệm, nên vị đại diện Hội Nhà văn VN đã đắn đo khi phát biểu chào mừng “ông là một nhà văn vạm vỡ”. Hai chữ “vạm vỡ” khiến không ít cử tọa bên dưới phải phì cười. “Vạm vỡ” chứ không phải “tài năng”, và càng không phải “xuất sắc”.

Có cha là nhà văn, cũng đáng tự hào lắm chứ. Tuy nhiên, không phải người con nào cũng có thể dễ dàng nhận diện được vị trí của cha mình trên văn đàn. Nhất là những người con không có hứng thú chữ nghĩa, mà chỉ chuyên tâm lĩnh vực kinh tế. Khi rủng rỉnh tiền bạc, những người con muốn đền đáp cho cha mình, cũng là chuyện hiếu thảo. Chỉ tiếc rằng, trông cậy hoàn toàn vào tiền bạc, thì đôi khi gây tác dụng ngược cho người quá cố. Có những nhà văn luôn khiêm tốn và giản dị, nên họ cũng không muốn con cái lại bày vẽ phô trương để tưởng nhớ mình.

Không chỉ tổ chức lễ kỷ niệm hoành tráng, nhiều con cái của các nhà văn đã khuất còn in lại tác phẩm cha mình rất đồ sộ. Con cái cứ sưu tầm và gom góp hết tác phẩm đã viết của cha mình, để in thành tuyển tập nghìn trang, mà không cần mời chuyên gia thẩm định. Độ lùi của thời gian, không thể biến tất cả trang viết dĩ vãng thành vưu vật nhân gian. Tuyển tập nghìn trang mà không ai đọc, không ai biết thì cũng quá lãng phí.

Hơn nữa, mỗi nhà văn nếu có thể để lại một cuốn sách cho đời, đã là quý báu. Thậm chí, trong một cuốn sách để lại kia, chỉ cần 10 trang văn nặng trĩu tâm tư hoặc vài câu thơ cháy bỏng, đã đủ người khuất mặt cảm thấy mãn nguyện và thế hệ sau phải biết ơn. Tốn hàng trăm triệu đồng in tuyển tập nghìn trang chỉ có ý nghĩa trưng bày, thì càng khắc khoải nỗi niềm “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Trái ngược với những nhà văn có con cái thành đạt, thì có những tác giả mà hậu sinh của họ đã lưu lạc hoặc đang nghèo khó. Lừng lẫy như nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) mà nhà lưu niệm của tác giả “Số đỏ” cũng không duy trì được. Tương tự, nhà văn Nam Cao (1917-1951) có di sản tầm cỡ, nhưng con cháu cũng không thể làm cho ông được lễ kỷ niệm nhộn nhịp nào.

Ở đời, đã là ánh sáng thì nhất định lấp lánh. Con cháu của nhà văn không dư dả để tôn vinh nhân vật đã yên nghỉ, thì công chúng sẽ làm điều ấy. Ví dụ, trường hợp nhà thơ Quang Dũng (1921-1988). Tại quê hương của nhà thơ Quang Dũng, không chỉ có bức tượng của ông được đặt trang trọng ở Trường tiểu học thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội mà bài thơ “Tây Tiến” còn được tổ chức kỷ niệm ngày ra đời khá tưng bừng.

Hành trình văn chương là một con đường cực nhọc. Nhà văn cũng không cần bề ngoài hình thức, kể cả xiêm áo lẫn nghi lễ. Giá trị mà nhà văn để lại cho cuộc đời, chính là tác phẩm. Do đó, con cháu dẫu vàng kho bạc đống cũng nên cân nhắc khi tự tổ chức kỷ niệm cho nhà văn, mà không quan tâm yếu tố “y phục bất xứng kỳ đức”.

Và càng đáng buồn hơn, nếu con cháu vì sốt ruột danh phận của cha ông mình mà chạy giải thưởng, chạy danh hiệu cho nhà văn. Nhiều tiền bạc hơn và quan hệ lớn hơn, còn chạy đặt tên đường, chạy đặt tên trường cho nhà văn.

Con cháu thành đạt tổ chức kỷ niệm hoành tráng cho nhà văn quá cố, đôi khi cũng có toan tính “cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”. Cho nên, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) từng cảnh tỉnh: “Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn/ Chẳng qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng/ Ông đã hoá mây trắng ngang trời hoài niệm/ Hoá ra Kiều cao gấp mấy đời ông”.







No comments:

Post a Comment

View My Stats