Wednesday, 29 July 2020

6 CỬA TIỆM DO NGƯỜI VIỆT LÀM CHỦ Ở KHU EDEN (VIRGINIA), BỊ KẺ GIAN ĐẬP PHÁ (Cát Linh / Người Việt)




Cát Linh/Người Việt
July 28, 2020

FALLS CHURCH, Virginia (NV) – Sáu cửa tiệm do người Việt làm chủ ở trung tâm thương mại Eden, thành phố Falls Church, Virginia, là nhà hàng Hương Việt, Mì Lacai, Four Season, tiệm bánh Hương Bình, tiệm Tofu Thanh Sơn, Kim Phụng đã bị kẻ gian đập cửa kiếng, đột nhập, phá vỡ đồ đạc và lấy đi một số tiền bạc.

Sự việc xảy ra vào lúc 2 giờ 50 phút sáng Thứ Ba, 28 Tháng Bảy. Trong số này, nhà hàng Hương Việt và Four Season vẫn còn đóng cửa kể từ lúc tiểu bang Virginia có lệnh “shut down” từ Tháng Ba.

Eden là trung tâm thương mại văn hóa và chính trị của người Việt vùng Virginia, Washington D.C và Maryland. Nơi này có khoảng 100 cửa tiệm, nhà hàng do người Việt làm chủ.

Khó nhận diện

Bà Huệ Tô, chủ tiệm Mì Lacai, nói với phóng viên nhật báo Người Việt về sự việc đáng tiếc vừa xảy ra: “Hơn 3 giờ sáng, có một cuộc điện thoại của người bạn, là chủ tiệm vàng Kim Liên gần đây gọi cho tôi hay tiệm bị người ta đập. Lúc đó, tôi còn đang ngủ say. Có sáu tiệm đều bị đập kính. Vì nhà ở xa nên tôi nhờ người chị ở gần đây chạy đến ngay. Khi đến thì cảnh sát đã có mặt.”

Theo lời bà Huệ kể lại, gia đình của chủ nhà hàng Hương Việt có gắn máy thu hình an ninh theo dõi được sự việc xảy ra ngoài cửa tiệm.

“Gần sáng, bà chủ Hương Việt thức dậy đi vệ sinh, bà ấy nhìn vào camera thì thấy ở trong tiệm có ba người cao to, lực lưỡng thì bà biết tiệm bị kẻ gian xâm nhập. Bà ấy gọi mấy đứa con báo cảnh sát,” bà Huệ kể.

Cửa chính đi vào tiệm Mì Lacai làm bằng kính, bị đập vỡ nát vụn. Sự việc này xảy ra tương tự với năm cửa tiệm, nhà hàng còn lại. Bà Huệ Tô cho biết tiệm của bà bị lục tung, một số tiền lẻ còn để lại trong máy tính tiền vẫn còn nguyên do kẻ gian không mở khóa được.

“Có lẽ họ không biết bật đèn ở chỗ nào nên họ lục tung, tất cả xáo trộn. Chúng tôi bị mất một máy quay phim nhỏ, là của người chị để lại trong tiệm,” bà Huệ cho biết.

Bà Huệ Tô, chủ tiệm Mì Lacai, trả lời phỏng vấn Người Việt. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Sát bên tiệm Mì Lacai là cửa tiệm Tofu Thanh Sơn nổi tiếng vùng Đông Bắc. Tiệm này thiết kế có hai lối vào và ra riêng biệt, đều bằng cửa kính. Kẻ gian đã đập vỡ cánh cửa lối ra. Chủ tiệm Tofu Thanh Sơn cho biết: “Người đột nhập đã mở được máy tính tiền, trong đó chỉ có tiền lẻ và tiền xu. Họ không lấy đi.”

Cách đó vài căn là tiệm bánh Hương Bình. Đây là cửa tiệm bán thức ăn “to go” và nước uống. Theo lời một người trong tiệm nói với nhật báo Người Việt, máy thu hình ghi lại được hình ảnh của kẻ gian và đã gửi cho cảnh sát.

“Tuy nhiên, khó mà nhận dạng được vì họ bịt kín mặt, đội mũ, toàn bộ quần áo màu đen,” người này nói.

Phía bên trong, ông Quảng Lê, chủ cửa tiệm Hương Bình, đang ngồi sửa lại cánh cửa dẫn vào phòng riêng của tiệm, cho biết: “Tôi hay tin và có mặt ở đây khoảng 8 giờ sáng. Tôi vẫn để nhân viên vào làm việc bình thường. Trong lúc đó thì cảnh sát làm công việc của họ. Tiệm cũng bị mất một số đồ vì kẻ gian đập cửa kiếng và đập cả cánh cửa dẫn vào phòng để đồ đạc quan trọng.”

“Có thể do băng đảng ngoài tiểu bang”

Chủ cửa tiệm Hương Bình nhấn mạnh, ông không nghĩ rằng đây là những nhóm người có mục đích đập phá như từng xảy ra ở các tiểu bang khác sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd – 46 tuổi, bị cảnh sát viên da trắng ở Minneapolis, Minnesota, dùng đầu gối chèn cổ đến chết – mà theo ông, đây là “đột nhập có tổ chức.”

“Tôi nghĩ họ là những băng nhóm (gangs) ở tiểu bang khác. Vì, tôi chỉ suy đoán thôi, tiệm Hương Việt và Four Season vẫn đóng cửa suốt mấy tháng nay, thì làm sao có tiền trong máy để họ cướp? Thêm nữa, họ làm rất nhanh, sáu tiệm, mỗi tiệm khoảng 5 phút,” ông Quảng Lê nói.

Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, và kể cả thời gian nước Mỹ xảy ra các cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc, dẫn đến hàng loạt hành động “hôi của” ở một số tiểu bang, thì đây là lần đầu tiên, sáu cửa tiệm của người Việt làm chủ ở trung tâm Eden đồng loạt bị kẻ gian đột nhập. Tuy vậy, ông Thìn Nguyễn, cư dân thành phố Falls Church, cho biết những hoạt động sau đó đã trở lại bình thường.

“Họ cũng có một phần dao động, hơi buồn nhưng sau khi ông chủ khu này đến gặp, nói chuyện và các tiệm đã sửa sang lại tốt đẹp thì mọi người cũng vui vẻ, sinh hoạt cũng bình thường,” ông Thìn nói.

Nhà hàng Hương Việt cho sửa lại cánh cửa bị đập. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Cho đến khoảng 4 giờ chiều, tất cả cửa tiệm bị đập phá đã sửa chữa. Tiệm Mì Lacai, Tofu Thanh Sơn đã gắn lại cửa kiếng mới. Nhà hàng Hương Việt tạm thời dùng ván gỗ để che chắn. Ông Quảng Lê cho biết sự việc đang được cảnh sát điều tra và những cửa tiệm có máy thu hình, trong đó có tiệm của ông, đã cung cấp toàn bộ băng ghi hình cho nhà chức trách.

Theo lời bà Huệ Tô, nhật báo Người Việt liên lạc với một cảnh sát viên gốc Việt có tên Tuyến, người trực tiếp nói chuyện với các nạn nhân là chủ tiệm, nhưng không nhận được hồi âm.

Sau hai tháng tiểu bang Virginia có lệnh đóng cửa toàn bộ các thành phố vì đại dịch COVID-19, một số nhà hàng đã mở lại với hình thức “to go” và phục vụ ngoài trời. Tuy đã được phép hoạt động trở lại, nhưng chỉ được 50% số khách trong tiệm. Do đó, như lời bà Huệ Tô: “Khó khăn này chưa qua, cái xui khác lại đến.”

Còn với ông Quảng Lê thì: “Tôi mong cộng đồng hãy cùng nhau giữ ý thức an toàn sức khỏe thật cao, đừng để lệnh ‘shut down’ tiểu bang xảy ra một lần nữa. Và đặc biệt, cho tôi nói với các khách hàng, chúng tôi vẫn kinh doanh bình thường, không vì những khó khăn này mà đóng cửa.” [qd]

-------------------------------------

XEM THÊM

Hiệu Minh
18/09/2011

Lang thang trong Eden, bỗng nghe lời hát của Lam Phương văng vẳng bên tai “Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu. Còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ…”, mình cứ tưởng đang đi giữa Chợ Lớn. Hóa ra, đó chỉ là cơn mộng giữa ban ngày.

Dù ngoài đời không buồn da diết như lời hát, nhưng một sự kiện  mới xảy ra tại Eden, làm đau lòng lữ khách.

Eden – thiên đường mua bán của người Việt

Người Việt đến thủ đô Washington DC thường thăm Eden Center (thiên đường) như một điểm hẹn du lịch, với khoảng 100 cửa hàng bán lẻ, từ đồ trang sức đắt tiền, đồ gia dụng, đến thực phẩm, café, nước giải khát, phở và các món ăn khá lạ như nem nướng Ninh Hòa 4 chiếc (7$), có nước chấm ngon tuyệt.

Một góc Eden. Ảnh: HM

Người Sài Gòn sang sau 1975 đã mang tên khu Eden đặt cho shopping mall này để nhớ mãi quê hương. Tên chính thức được đặt từ năm 1984 lấy từ Plaza Seven Shopping Center – nơi có seven corners – ngã bảy ở quận Falls Church. Ở vùng DC, người Hoa có China town thì mấy chục ngàn người Việt có Eden Center như một Viet Town.

Khu buôn bán này như một Sài Gòn thu nhỏ. Người dân đi lại, dép guốc loẹt quẹt, pha lẫn tiếng Nam thân thương, ca nhạc tân cổ giao duyên vang lên từ những thùng loa treo phía ngoài của những cửa hàng băng đĩa hay quán café, du khách ngỡ mình đang ở đâu đó trong miệt vườn Nam Bộ. Chẳng ai nghĩ mình đang bên xứ Mỹ.

Các đoàn du lịch dừng chân, thăm, mua bán, vào nhà hàng Viet Royal hưởng món ăn Việt-Tầu hữu nghị, rồi ra chụp ảnh cờ vàng sọc phấp phới cạnh cờ Hoa Kỳ. Có phố nhỏ mang tên các vị tướng Sài Gòn. Đến ngày 30-4 thường có khẩu hiệu về ngày Quốc hận, và gần đây lại có cả banner “chống thù..trong, giặc…ngoài”. Hình như có cả biểu tình nhưng Tổng Cua mải đi chơi không biết.

Những lá cờ trên Eden. Ảnh: HM

Bà con ta du lịch chụp ảnh Eden, cờ quạt phấp phới, nhưng chả ai đem khoe. Giống như các bác Mỹ về Hà Nội, chụp ảnh quảng trường Ba Đình có ảnh cờ đỏ sao vàng to tướng, nhưng sang đây cũng để trong máy tính làm kỷ niệm. Lạ lắm, dân ta sợ cờ…ta.

Eden Center là nơi làm ăn sinh sống của rất nhiều đồng bào ta tại Virginia. Thỉnh thoảng ra cắt tóc ở hiệu Hoàng Thơ, hỏi chuyện làm ăn. Bác thợ thở dài, dạo này hẻo quá, kinh tế đi xuống, bà con đi chợ ít hơn, nên ít ghé nơi đây.

Ví dụ, cửa hàng thuê với hàng 100$/trên một square foot (0.09 m2), cả tháng giá tới 4000-5000$. Giả sử một ngày có 30 ông vào cắt tóc, mỗi ông trả 15$ kể cả típ, mới được 450$, một tháng thu nhập 10-12000$, chỉ đủ lần hồi. Trả thuế, trả lương người làm, trả tiền điện… Biết bao loại hóa đơn. Tổng Cua tính trong lỗ thế cho vui, còn ngoài  thực tế được nhiều hay ít thì chịu.

Nói thế để biết, làm ăn xứ người không dễ. Bà con phải tằn tiện mới đủ tiền trả lãi ngân hàng mua nhà, mua xe, tiền cho con ăn học, mấy chục loại hóa đơn khác nhau. Chậm trả sẽ bị tính vào điểm credit score (điểm tín nhiệm), đôi khi bị phạt hay kể cả ra tòa, bị tịch thu nhà và thành vô gia cư.

Nếu về Việt Nam chơi thì coi như hết luôn cả phần tiết kiệm trong năm, thậm chí vài năm. Mua vé máy bay, thăm thú bà con, du lịch chút và chả lẽ không mua quà. Đi Mỹ đầy đô la, về VN lại bảo nghèo hơn trong nước, người ta cười cho. Nhưng đồng tiền có tiếng cười và có cả nước mắt lẫn vào trong.

Thôi thì cứ tâm sự thế, mong bà con cả hai bên bán cầu cùng hiểu, kiếm tiền chân chính ở đâu cũng khó, dù là đang ở Hoa Kỳ.

Sự kiện đáng tiếc vừa qua

Tối Chủ Nhật (18-09-2011),  Tổng Cua ra đó thấy vắng lặng khác thường. Mọi khi khá đông vui và nhộn nhịp khi cuối tuần. Hỏi ra mới biết, Eden Center vừa trải qua một cơn khủng hoảng chưa từng thấy.

Nhớ năm 1997 có vụ nổ súng nên cảnh sát đã lập một trạm ở Eden để trông coi shopping mall, camera an ninh đặt khắp nơi. Thỉnh thoảng có vụ lộn xộn, cảnh sát đến, im lặng một thời gian rồi lại có chuyện. Có lần xe ai đó bị cẩu, dân ta xô ra, suýt choảng cho công ty cẩu xe một trận, thế là công ty đó cạch luôn dân Eden.

Theo Washington Post đưa tin, từ hồi tháng 5, nhóm chống tội phạm có tổ chức của bang Virginia đã điều tra khu Eden vì những cáo buộc về đánh bạc không giấy phép. Họ dùng cả mật vụ và nội gián tham gia vào đánh bạc tại 13 quán giải khát. Chuyện thú vị là cảnh sát chìm chưa thua bao giờ, cánh này chơi bạc có hạng.

Bác X, (không tiện nêu tên ở đây) đã chứng kiến gần như từ đầu, kể lại. Vào chiều ngày 11-8, bỗng thấy từng nhóm 7-8 cảnh sát thường phục (chìm và nổi) ập vào 13 quán café. Họ túm được 1 triệu đô la tiền mặt trong một quán với 18 máy chơi bạc.

Các quán khác cũng bị tịch thu khá nhiều, tổng cộng lên tới 1,3 triệu đô la và 70 máy chơi bạc. 19 người đã bị “dính”. Tất cả máy đánh bạc bị đưa lên xe bịt bùng chở đi. Cảnh sát và phía chủ các quán phải làm việc tới 4:30 sáng hôm sau mới xong.

Sự “ra quân đồng loạt” (khá giống VN ta) của cảnh sát Falls Chủch đã làm Eden Center hoàn toàn bất ngờ. Nhưng thật ra, phía chống tội phạm đã do thám từ rất lâu. Đây chỉ là mẻ lưới quyết định đúng vào thời điểm mà thôi.

Chuyện bắt người chơi và tịch thu máy đánh bạc không giấy phép là hết sức bình thường của bộ máy bảo vệ nhà nước, ở đâu cũng vậy. Tuy nhiên, theo đồng bào ở đây, cách hành xử của phía công quyền đã gây nhiều tranh cãi.

Dân ta vô cùng bức xúc vì cuộc họp báo của phía cảnh sát nói rằng, một băng nhóm tên là Dragon Family (Gia đình Rồng) đang hoạt động tại khu vực này, gây ra các vụ nổ súng, đâm chém và tống tiền, làm tê liệt Eden.  

Họp báo của CS Falls Church. Ảnh: báo FC.

Nhiều bà con đã phản ứng dữ dội, nói không có Dragon Family nào cả, và cho rằng sự bôi nhọ này đã làm mất đi hình ảnh đẹp của khu buôn bán và ảnh hưởng rất nhiều đến sự làm ăn của bà con tại đây. Những người bị bắt đều nói là vào uống café, không tham gia đánh bạc.

Hội người bảo vệ Eden đã đến tận Tòa thị chính thành phố Falls Church để lên án những hành động thái quá của lực lượng cảnh sát và những thiệt hại mà cuộc truy quét này gây ra cho hoạt động kinh doanh. Họ nói rằng, phía cảnh sát đã có thái độ phân biệt chủng tộc, một cáo buộc hết sức nghiêm trọng bên Mỹ.

Sáng thứ 4 vừa qua (14/9), vụ xử đầu tiên đã có lợi cho người Việt. 5 người đều được trắng án vì cảnh sát không đưa ra được bất kỳ một chứng cứ nào là 5 người kia tham gia đánh bạc. Phía bên ngoài tòa có cả biểu tình của bà con.

Tiếp theo còn vài vụ xử trong những tuần tới. Ai có tội hay vô tội sẽ được tòa án xử công khai. Tòa án Mỹ không phải là tòa kangaroo, nền công lý khá tin cậy.

Phía công lực Hoa Kỳ cho rằng, mẻ lưới thu hơn 1 triệu đô la tiền mặt và 70 máy đánh bạc có giá từ 3000$ đến 7000$, chứng tỏ sự hiện hữu của thế lực ngầm là có thật. Rồi đây còn nhiều tình tiết thú vị sẽ được đưa lên báo chí.

Tuy nhiên có trắng án chăng nữa thì hình ảnh shopping mall Eden bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều bà con lo lắng cho các cửa hàng thuê bên trong dần vắng khách vì sự kiện đáng tiếc vừa qua.

Chính quyền Falls Church cũng lo sốt vó, vì Eden Center đóng góp khá nhiều tiền thuế cho chính phủ. Cuộc đấu tranh lấy lại danh tiếng cho Eden, một trung tâm thương mại phát triển mạnh, khá cam go đã bắt đầu.

Trong mọi cuộc chiến, người lương thiện bao giờ cũng thiệt nhất. Chiến tranh kết thúc, bao người tha phương ở góc biển chân trời. Sang Eden, bà con muốn yên bề làm ăn, thì bỗng đâu tai họa lại đến và sự mất mát về kinh tế sẽ không nhỏ, dù những người chí thú đâu có lỗi.

Rất mong bà con vùng Virginia và Eden Center vượt qua những ngày khó khăn này. Chúc cho Eden Center mãi là Thiên đường Việt ở xứ người.

Vài lời khuyên khi gặp cảnh sát

Mấy năm trước, Tổng Cua từng bị xe cảnh sát đuổi theo và bắt táp vào lề đường. Cứ tưởng như ở VN, lão mở cửa đi ra. Viên cảnh sát hét rất to “Return to your car – quay vào trong xe ngay” và tay đã nắm báng súng. Chút nữa là ăn phát đạn vào ngực.

Lão quên mất bài học lý thuyết. Nếu lái xe mà bị cảnh sát hụ còi, hãy tạt vào lề đường, ngồi trong xe, hạ kính hai bên xuống, hai tay để lên vô lăng, không cựa quậy, quan sát qua gương hậu, để nghe lệnh. Khách đi trong xe cũng phải làm tương tự. Thò tay trong túi quần là cảnh sát tưởng lôi vũ khí chống lai, bị đòm ngay.

Bên Việt Nam nếu gặp cảnh sát, phải ra khỏi xe, mang theo giấy tờ, khúm núm trước nhà công lực, như con gặp bố. Nhưng bên Mỹ, cứ ngồi trong xe, như bố đợi con đến, sướng lắm.

Nhưng “bố” phải ngoan ngoãn nghe theo mọi hiệu lệnh của “con”. Mọi hành động tỏ vẻ chống cự sẽ bị bắn chết, không cần cảnh cáo, mà người bắn vẫn vô tội. Cảnh sát ở Mỹ được dạy trong trường như thế và ngoài đời họ thực hành như cái máy, cứ nhằm ngực đối phương mà xả đạn, bắn chết chứ không bắn bị thương.

Còng tay. Ảnh: internet

Ai bị cảnh sát bắt đều bị còng tạy. Xem ông Tổng Giám đốc IMF chót ngủ với cô hầu phòng cũng bị khóa số 8 từ sân bay về, đưa lên hẳn tivi và báo chí. Họ làm thế để đảm bảo không ai có thể chống cự hay chạy trốn. Một phần vì rất nhiều dân Mỹ có súng cá nhân, nổi cơn là họ đòm bất kỳ lúc nào. Cảnh sát phải bảo vệ mình là vì thế.

Tòa án và Cảnh sát bên Mỹ hoạt động không phụ thuộc vào nhau. Cảnh sát ở đây có nhiệm vụ là bắt bớ, còn chuyện chứng minh có tội hay không thuộc về tòa án. Bên bắt cứ bắt, bên xử cứ xử. Tam quyền phân lập rất rõ ràng.

Cảnh sát bắt, kể cả phạt vi phạm giao thông, nhưng nếu có đủ chứng cứ không có lỗi, sẽ không bị tòa án phạt.

Ngày ra tòa, nhưng tay cảnh sát bắt mình hôm đó bận, ốm, vợ đẻ, người vi phạm tới tòa mà không có hắn buộc tội, sẽ được tha bổng. Bà con nào rỗi việc đến thử mà xem, đôi khi có lỗi hẳn hoi mà vẫn thoát tiền phạt.

Tuy nhiên thấy mình có lỗi, mà còn cố cãi thì sẽ bị phạt và nộp cả án phí.

Ở nước Mỹ tự do dân chủ này, chúng ta hãy sống cho đúng luật pháp. Họ có câu nổi tiếng “Don’t cross the line – đừng chạm vạch”.

Mọi thứ cứ tưởng thoải mái. Nhưng hôm nào lấn vạch, cảnh sát bỗng lù lù tới còng tay. Lúc đó, từ Eden đã sang địa ngục, chỉ còn lời hát Lam Phương như một ứng nghiệm của số phận “Thôi hết rồi, thôi hết rồi, thôi hết rồi”.

Hiệu Minh. 18-09-2011

Cùng chủ đề:
·         Cái bang Virginia






No comments:

Post a Comment

View My Stats