Monday 15 July 2019

'ĐẠI CỤC' TO CỠ NÀO ? (Trân Văn)




15/07/2019

Ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vừa nhắc nhở bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phải chú trọng tới… “đại cục”, khi tiếp bà Ngân nhân dịp bà dẫn một phái đoàn sang thăm Trung Quốc từ 8/7/2019 đến 12/7/2019 (1).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: TTXVN)

Vào ngày bà Ngân cùng phái đoàn Việt Nam rời Trung Quốc, South China Morning Post (SCMP) dẫn nhiều nguồn khác nhau loan báo: Do tàu Haiyang Dizhi 8 tiến hành thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, các tàu có vũ trang của Việt Nam đã đối đầu với các tàu cùng loại của Trung Quốc suốt từ 3/7/2019 đến nay (2)…

***

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), sau “nội thủy” (tính từ bờ biển đến đường cơ sở - đường thẳng nối hai điểm xa bờ nhất khi thủy triều ở mức thấp nhất) là “lãnh hải” (vùng biển lấy đường cơ sở làm gốc cộng thêm 12 hải lý), “tiếp giáp lãnh hải” (vùng biển lấy rìa lãnh hãi làm gốc cộng thêm 12 hải lý nữa), EEZ (từ rìa vùng tiếp giáp lãnh hải đến thềm lục địa, với EEZ, đường cơ sở sẽ được dùng làm gốc để giới hạn phạm vi của EEZ không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở). Bên ngoài EEZ là “thềm lục địa” (phụ thuộc vào đặc điểm của rìa lục địa và độ sâu của đáy biển nhưng không được vượt quá giới hạn 350 hải lý tính từ đường cơ sở).

Với các qui định của UNCLOS, EEZ của một quốc gia là vùng biển mà quốc gia đó có những hạn chế nhất định về chủ quyền (phải tôn trọng tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt các ống dẫn ngầm và cáp) nhưng có quyền chủ quyền (toàn quyền trong đặt định các biện pháp bảo tồn, quản lý tất cả tài nguyên biển và được hưởng đặc quyền khai thác các tài nguyên trên mặt biển, trong lòng biển, dưới đáy biển, kể cả tài nguyên trong lòng đất bên dưới đáy biển). Nói cách khác Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc không có quyền thăm dò địa chấn (sử dụng nguồn thu - phát sóng để giải đoán cấu trúc, tính chất, thành phần địa chất bên dưới đáy biển thuộc phạm vi EEZ của Việt Nam).

***
Cho tới giờ này (cuối ngày 14 tháng 7), từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tới hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam vẫn đang… ngậm tăm. Sự kiến Haiyang Dizhi 8 được hai tàu có vũ trang hộ tống, xâm nhập EEZ của Việt Nam để thăm dò dịa chấn chỉ xuất hiện trên hệ thống truyền thông quốc tế.

Khá nhiều người Việt đã dịch, dẫn lại những nguồn này để cảnh báo trên mạng xã hội. Ông Bùi Thanh – Phó Tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ - một trong những nhà báo trước nay luôn dành cho biển Đông sự quan tâm đặc biệt trong hoạt động nghề nghiệp của mình, cũng chỉ dùng mạng xã hội để bác bỏ tin Haiyang Dizhi 8 hoạt động tại bãi Tư Chính.

Qua trang facebook của mình, ông Bùi Thanh xác nhận Haiyang Dizhi 8 đã xâm nhập EEZ của Việt Nam từ 3/7/2019. Hai tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam (KN 272 và KN 468) đã bám sát Haiyang Dizhi 8 cũng như các “hộ tống hạm” Trung Quốc nhưng Haiyang Dizhi 8 chưa léo hánh đến bãi Tư Chính như SCMP đưa tin (3).

Phó Tổng biên tập của một trong những tờ báo vẫn được xem là nhiều độc giả nhất, chuyên nghiệp nhất ở Việt Nam cũng phải mượn mạng xã hội để chia sẻ điều mình biết! Cho đến giờ này, trên hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam chỉ có những thông tin liên quan đến việc bà Ngân dẫn một phái đoàn sang thăm Trung Quốc.

Tuy chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của bà Ngân trong vai trò Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bắt đầu sau khi Haiyang Dizhi 8 được các tàu có vũ trang “hộ tống” đã xâm nhập EEZ của Việt Nam năm ngày, song thông qua hệ thống truyền thông chính chức, các viên chức hữu trách của Việt Nam vẫn khẳng định với dân chúng Việt Nam rằng: Quan hệ Việt - Trung đang trên đà phát triển tốt đẹp!

Việc bà Ngân sang thăm Trung Quốc được giải thích là để: Duy trì giao lưu cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thiết thực và hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới (4).

Đâu phải tự nhiên mà nhiều người sử dụng mạng xã hội phẫn nộ, chỉ trích kịch liệt việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam cùng… ngậm tăm khi Haiyang Dizhi 8 cùng với các tàu có vũ trang của Trung Quốc đã thăm dò địa chấn trong EEZ của Việt Nam suốt 12 ngày vừa qua.

Rất nhiều facebooker nêu ý kiến như Nguyễn Thiện: Tôi muốn chính phủ là nơi đầu tiên cung cấp cho tôi thông tin về tình hình đất nước chứ không cần phải tìm biết qua VOA,BBC (5)... Có facebooker như Tho Nguyen thì nhận định: Bị đánh đau mà không dám rên là nỗi nhục lớn! Hèn (6)!

***

Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lờ đi sự kiện Haiyang Dizhi 8 cùng với các tàu có vũ trang của Trung Quốc đang thăm dò địa chấn trong EEZ của Việt Nam? Có thể vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam muốn chuyến công du của bà Ngân diễn ra êm thắm.

Cũng có thể vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sợ biểu tình sẽ lại bùng phát trên diện rộng, thậm chí có thể trở thành bạo động như đã từng xảy ra vào tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa để khoan thăm dò các giếng dầu tại đó. Hoặc vào tháng 6 năm ngoái khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bất chấp dân ý, vẫn khẳng định sẽ thông qua Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Đặc khu).

Hai đợt biểu tình - bạo động vừa kể cho thấy một điều đau lòng: Dân chúng Việt Nam vừa căm phẫn với thái độ, cách hành xử ngược ngạo của Trung Quốc, vừa nghi ngại hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “nối giáo cho giặc”, bán rẻ quốc gia, đồng bào.
Đáng tiếc là cho đến giờ này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa thực hiện bất kỳ động tác nào để xóa bỏ sự nghi ngại càng ngày, càng lớn đó, cho dù sự nghi ngại ấy không chỉ đe dọa cả tham vọng duy trì đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN lẫn vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc.

Những cá nhân như ông Nguyễn Chí Vịnh, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng, từng lớn giọng “quán triệt toàn đảng, toàn quân, toàn dân” rằng: Việt Nam và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”. “Đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một đảng cộng sản lãnh đạo” và “điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”, “chi phối cách ứng xử của hai nước”, thành ra “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” – vẫn còn chỗ đứng thì ai tin đảng “không quên lợi ích quốc gia, dân tộc” (7)?

Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố hủy chuyến thăm Trung Quốc của bà Ngân, bất kể lãnh đạo Trung Quốc đã ngỏ lời mời và hai bên đã sắp đặt xong mọi thứ, vì Haiyang Dizhi 8 cùng với các tàu có vũ trang của Trung Quốc xâm nhập EEZ của Việt Nam,… sự nghi ngại của dân chúng Việt Nam đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam về quản lý – điều hành quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc có giảm không? Ai dám bảo là không?

Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không làm như vậy? Tại sao sự kiện Haiyang Dizhi 8 cùng với các tàu có vũ trang của Trung Quốc xâm nhập EEZ của Việt Nam đã diễn ra cả tuần mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn dùng hệ thống truyền thông chính thức, chuyển cho đồng bào mình thông điệp: Quan hệ Việt Trung đang trên đà phát triển tốt đẹp?

Trung Quốc liên tục nhắc nhở hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam phải quan tâm đến “đại cục”. Các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng liên tục “quán triệt toàn đảng, toàn quân, toàn dân” rằng trong quan hệ với Trung Quốc phải chú trọng đến “đại cục”.

Đến giờ, nội dung “đại cục” vẫn chỉ là những lợi ích thu lượm được từ nỗ lực duy trì sự hữu hảo trong quan hệ giữa đảng ta với đảng cộng sản Trung Quốc, nhà nước của đảng ta với nhà nước của đảng cộng sản Trung Quốc. Chừng nào người Việt chưa nhìn thấy sự tôn trọng lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc trong phạm trù “đại cục”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ còn mất ăn, mất ngủ với đồng bào của mình. Mọi thứ đều có giới hạn, sự kiên nhẫn cũng thế. Sau mất ăn, mất ngủ sẽ là mất hết!

-------------------

Chú thích







      

------------------------

CÙNG CHỦ ĐỀ

15/07/2019

Câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981 đang được lập lại, và không ai biết nó sẽ còn lập lại bao nhiêu lần nữa, ngoại trừ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Sau 75 ngày khiêu khích và gặp sự chống đối của Việt Nam cũng như quốc tế, ngày 16 tháng 7 giàn khoan này đã buộc phải rút khỏi khu vực mà nó chiếm đóng trái phép để di chuyển sang một địa điềm khác.

Ngày 12 tháng 7 năm 2019, theo tin từ South China Morning Post (SCMP), có ít nhất 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.

Người đầu tiên tiết lộ thông tin là ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Naval War College. Trong một tin nhắn Twitter ông cho biết vào ngày 03/07, chiếc tàu khảo sát dầu khí Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất) của Trung Quốc đã “tiến hành khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại một vùng biển ở ngay phía Tây quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát”.

Theo báo SCMP tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Hải cảnh bảo vệ tàu Haiyang Dizhi của Trung Quốc đã đối mặt với nhau suốt hơn 10 ngày qua. Mặc dù chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nhưng không ai dám chắc lần này có khác với lần trước hay không bởi sự ngông cuồng của Trung Quốc ngày một leo thang và bất chấp mọi phản ứng của quốc tế, kể cả Mỹ là cường quốc hải quân đã công khai lên tiếng phủ nhận mọi ý đồ thống trị Biển Đông bằng đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ ra rồi áp đặt các nước trong khu vực phải nhìn nhận.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung quốc và Mỹ, có lẽ Bắc kinh muốn dùng sự kiện này làm lu mờ tầm quan trọng của cuộc bao vây kinh tế mà Washington phát động nhằm lái sự bất an của người dân trong nước sang một điểm khác qua chiến lược thôn tính Biển Đông. Bắc Kinh có quyền nghi ngờ sự cương quyết của Việt Nam do những kinh nghiệm trước đây và họ tin rằng kéo dài cuộc căng thẳng này sẽ có lợi hơn là có hại, mặc dù Trung Quốc cũng biết rất rõ nếu không nhượng bộ như lần trước thì nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra.

Chọn lựa chiến tranh với Việt Nam không phải là mục tiêu tối hậu của Trung Quốc mà dùng áp lực, đe dọa bằng khí tài quân sự, bao vây kinh tế cũng như giúp Việt Nam ổn định chính trị bằng phương châm 4 chữ vàng mới là con bài mà Trung Quốc đang nắm chặt. Họ không có lý do gì phải lo ngại sự phản kháng mạnh mẽ của Hà Nội nếu con tàu Haiyang Dizhi tiếp tục thả neo tại bãi Tư Chính thêm vài tháng nhằm răn đe, hay chí ít làm cho các công ty đang có hợp đồng khai thác dầu với Việt Nam nghi ngờ sự an toàn mà Việt Nam có thể bảo đảm cho họ vì khu vực mà tàu Haiyang Dizhi đang khiêu khích có hàng chực công ty quốc tế đang khai thác dầu tại đây.

Điều trớ trêu nhất và cũng làm cho Bộ Chính trị Việt Nam bẽ bàng nhất là thái độ trở mặt một cách nhanh chóng mà Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Khi bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn đang hạnh phúc với những gì được hứa tại Bắc Kinh, nhất là lời phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam “nhìn vào đại cục” và đưa quan hệ hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới nhưng khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài bà mới giật mình khi biết mình và cả Đảng bị lừa một lần nữa.

Lần trước, vào sáng 6/11/2015 cũng ông Tập đã tha thiết đứng trước Quốc hội Việt Nam phát biểu rằng láng giềng khó tránh va chạm nhưng hai bên cần xuất phát từ đại cục để xử lý bất đồng.

Mặc dù báo chí đồng loạt im lặng nhưng lại vô tình tiết lộ rằng sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Nếu đây không phải là chuyến đi tình cờ mà là phản ứng có điều kiện thì chắc là Bộ Chính trị đã có quyết sách đối phó, còn đối phó cách nào thì rất khó đoán , kề cả yếu tố sắp tới vào chuyến đi Mỹ của TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như đã được sắp xếp trước đây nhiều tháng.

Nhiều người cho rằng bà Kim Ngân sang Bắc Kinh lần này là vì sự tránh mặt của ông Trọng trước chuyến đi, và cũng có người còn suy ra vụ tàu Haiyang Dizhi là một thông điệp từ Bắc Kinh nhằm đưa ra với ông Trọng. Nếu cả hai đều đúng thì vụ này chỉ là việc nhỏ, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy và Việt Nam có dám phá vỡ “đại cục” để dành lấy sự độc lập và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay không?

Mỹ sẽ khó lòng can thiệp vì không có bên nào nổ súng. Mỹ sẽ lên tiếng hay tăng thêm lực lượng tuần hành tại Biển Đông thì cũng không đủ để làm Bắc Kinh sợ hãi. Một vài đơn hàng mua nông phẩm của Mỹ đủ làm cơn thị phi của Washington hạ nhiệt, và Việt Nam tiếp tục bị lấn lướt, hạnh họe như đã từng bị nhiều lần trước đây.

Tờ South China Morning Post tiên đoán rằng sẽ có làn sóng biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam như vụ giàn khoan Hải Dương năm 2014. Đó là chuyện của Hà Nội chứ không phải chuyện của Bắc Kinh vì họ biết người dân càng biểu tình thì lãnh đạo Việt Nam càng gắn bó với Trung Quốc.

Năm 2014 lòng dân còn có vẻ tha thiết tới chủ quyền biển đảo nhưng đến năm 2019 thì sự tha thiết ấy ít nhiều phai nhạt. Có nhiều lý do nhưng lý do dễ thấy nhất là sự không vừa lòng của chính quyền khi người dân ra mặt chống Trung Quốc. Sự không vừa lòng ấy ngày càng tăng và rất nhiều người vẫn đang còn trong trại giam vì chống Trung Quốc. Do đó, nói theo ngôn ngữ tòa án, yếu tố biểu tình không được thành lập.

Thay vì biểu tình giành lấy đất nước cho chính quyền tiếp tục cai trị, người dân tỏ ra điềm tĩnh hơn khi im lặng ngồi xem TV chờ nhà nước trực tiếp truyền hình cuộc đấu pháo giữa hai lực lượng cảnh sát biển như xem bóng đá, và biết đâu sẽ có hàng trăm ngàn người đi bão nếu cảnh sát biển Việt Nam hạ gục một trong những chiếc tàu hộ tống của đối phương?












No comments:

Post a Comment

View My Stats