Wednesday, 24 July 2019

"THÙ TRONG GIẶC NGOÀI" - HỆ LỤY CHÍNH SÁCH THÂN TRUNG QUỐC CỦA CAMPUCHIA (Takahashi Toru - Nikkei)




Takahashi Toru  -   Nikkei
 Ánh Hiền  (Luật Khoa) dịch
 23/07/2019

·         Dịch từ bài “カンボジア「親中」がもたらす内憂外患” của nhà báo Takahashi Toru, đăng ngày 11/7/2019 trên Nikkei. 


Tập Cận Bình và Hun Sen trong một buổi lễ ký kết hợp tác giữa hai quốc gia. Ảnh: The Course Correction

Vào rạng sáng ngày 22/6, một tòa nhà bảy tầng đang thi công đã bị đổ sập ở bãi biển thành phố Sihanoukville, miền nam Campuchia, khiến 28 công nhân đang nằm ngủ trong toà nhà thiệt mạng. Thủ tướng Hun Sen, khi ấy đang có mặt tại Thái Lan trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngay lập tức đã trở về nước và đến thăm hiện trường.

Ngay sau vụ tai nạn, có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do “bớt xén” công trình của một công ty xây dựng có trụ sở tại Trung Quốc. Thủ tướng đã ngay lập tức bắt giữ hai người Trung Quốc có liên quan và cách chức thống đốc tỉnh Preah Sihanouk và Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý Thảm họa Quốc gia với lí do được cho là vì họ cố tình bao che sự việc.

“Chính phủ sẽ hỗ trợ 60.000 đô-la cho mỗi gia đình nạn nhân”. Ông nói thêm rằng bản thân sẽ dùng 10.000 đô-la từ tiền túi của mình để hỗ trợ.

Hành động của Hun Sen cho thấy ông luôn sẵn sàng đến các khu vực thảm họa và đến gần với dân chúng, như cái cách mà các nhà lãnh đạo chính trị ở phương Đông và phương Tây thường thể hiện từ xưa đến nay. Với Hun Sen nó còn mang thêm một ý nghĩa đặc biệt khác. Khi mà gần đây Campuchia đang phải đối mặt với lời châm chích, “giống như một thuộc địa của Trung Quốc”, và thành phố Sihanoukville – nơi xảy ra thảm hoạ [ND] – lại là biểu tượng cho lời mỉa mai đó.

Khu vực nghỉ mát yên tĩnh trên bãi biển này đã hoàn toàn thay đổi diện mạo khi Trung Quốc bắt đầu phát triển một đặc khu kinh tế vào năm 2008. Sau khi tiến vào đầu tư, khoảng 130 công ty Trung Quốc đã đưa nhân viên của mình từ Trung Quốc vào Campuchia. Người ta nói rằng tại thành phố với dân số 100.000 người này, hiện số người Trung Quốc đang cư trú ở đây, bao gồm cả những người tạm trú bất hợp pháp, đã đạt đến gần con số 10.000 người. 

Theo mạng truyền thông “Asia News”, các nhà tư bản Trung Quốc đang nắm giữ hơn 90% nền kinh tế của thành phố, và 150/156 khách sạn, 48/62 sòng bạc là do Trung Quốc điều hành. Tương tự, thành phố Koh Kong nằm ở phía Tây Nam, cũng đang “được” các công ty Trung Quốc xúc tiến phát triển đầu tư với quy mô lớn, thậm chí Trung Quốc còn đang cố gắng thiết lập một căn cứ quân sự ở đây.

Sihanoukville được cho là thành phố điển hình cho sự kiểm soát của Trung Quốc ở Campuchia. Hiện nay, người ta còn thấy rằng các công trường xây dựng cao tầng đang lần lượt mọc lên tại thủ đô Phnom Penh, với nhiều bảng hiệu bằng chữ Hán đập ngay vào mắt.
Bảy mươi phần trăm vốn đầu tư trực tiếp vào Campuchia (2,1 tỷ đô-la) vào năm 2017 là do Trung Quốc chiếm giữ. Rõ ràng, nền kinh tế của Campuchia đang tiếp tục tăng trưởng ở mức 7% trở lên mỗi năm là do tiền Trung Quốc hỗ trợ.

Tuy thế, phía người dân Campuchia lại rất bức xúc với những hành vi mang tính gây áp lực của người Trung Quốc. Sự gia tăng của giá bất động sản và tình hình an ninh ngày càng tồi tệ khiến việc phản đối chính sách “Trung Quốc hoá” của chính phủ ngày càng mạng mẽ. “Chúng ta sẽ không trao chủ quyền để đổi lấy hợp tác kinh tế.” Ông Hun Sen đã lặp lại điều này để thể hiện lập trường cứng rắn qua vụ tai nạn sập tòa nhà hôm 22/6.

Nhân viên cứu hộ Cambodia tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát.  Ảnh: Sun Rethy Kun/AFP/Getty Images.

Gốc rễ của việc chống Trung Quốc bao gồm cả những ký ức thê thảm của người Campuchia trong lịch sử hiện đại Campuchia

Với chủ trương đi theo chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ do bị ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Mao Trạch Đông vào những năm 1970, Trung Quốc là nước đã ủng hộ chế độ Pol Pot, chế độ đã tàn sát hai triệu dân Campuchia vào thời kỳ đó. 

Được sự giúp đỡ của nước láng giềng Việt Nam, Hun Sen đã loại bỏ chính quyền Pol Pot và trở thành thủ tướng vào năm 1985. Sau khi kết thúc nội chiến bằng Hiệp ước hoà bình Campuchia năm 1991, Hun Sen chỉ đạo việc tái thiết quốc gia bằng cách hợp tác với Nhật và Hoa Kì, tạo khoảng cách với Trung Quốc.

Bước ngoặt 10 năm trước

Vào tháng Bảy năm 2009, tộc người Ngô Duy Nhĩ (với phần nhiều dân số theo đạo Hồi) đã gây ra một vụ bạo loạn ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Vào tháng 12, khoảng 20 người đã nhập cư trái phép vào Campuchia và xin tị nạn tại Cao ủy Tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) tại Phnom Penh.

Hai tuần sau đó, khi vừa mới có cuộc hội kiến Thiên Hoàng Nhật Bản trong ngày đầu tiên của cuộc viếng thăm, Tập Cận Bình (Phó Chủ tịch nước khi đó) đã đến thăm Campuchia, viện trợ kinh tế cho Campuchia 1,2 tỷ đô-la. Một ngày trước khi ông đến, chính phủ Campuchia đã trao trả cho Trung Quốc những người Ngô Duy Nhĩ đang xin tị nạn. 

Kể từ đó, Campuchia nổi lên như là một nước thân Trung.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào tháng Bảy năm 2012, với tư cách là chủ tịch ASEAN, Campuchia đã từ chối đề cập đến những tranh chấp giữa các nước Đông Nam Á như Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông, khiến hiệp hội đã không thể đưa ra tuyên bố chung, một sự kiện bất thường lần đầu tiên xảy ra kể từ khi ASEAN được thành lập năm 1967.

Một nhân viên ngoại giao cao cấp của ASEAN cho biết rằng, Campuchia đã khăng khăng loại bỏ lĩnh vực “hàng hải” ra khỏi lĩnh vực hợp tác trong quá trình thảo luận về chương trình “Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng trước đó. “Campuchia luôn đóng vai người phát ngôn cho Trung Quốc. Tôi nghĩ tất cả các quốc gia khác đang gặp rắc rối” (nhân viên ngoại giao cao cấp của ASEAN này nói thêm).

Rõ ràng chính sách thân Trung đang biểu lộ nhiều hệ luỵ. Nhờ sự chống lưng đằng sau của Trung Quốc, đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen đã giành được tất cả các ghế của Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018, đẩy đảng đối lập lớn nhất của Campuchia vào tình thế phải giải thể. Đáp lại, Liên minh châu Âu (EU), chỉ trích Campuchia thụt lùi về dân chủ và coi nhẹ nhân quyền, và đang xem xét sẽ dừng chính sách ưu đãi về thuế quan đối với các sản phẩm của Campuchia. Càng gần với Trung Quốc, Campuchia ngày càng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hay nói một cách khác là “thù trong giặc ngoài”. 
Tuy nhiên, do phụ thuộc vào viện trợ và đầu tư, Campuchia khó có thể “thoát Trung” được.
Trong một tuyên bố về chính sách đối ngoại được công bố vào ngày 21/5, chính phủ Campuchia đã phát động chương trình hỗ trợ cho sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” do Nhật Bản và Hoa Kỳ chủ trì, cùng với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc .

Tuyên bố được công bố ở thời điểm sau khi Hun Sen tham gia vào Hội nghị quốc tế “Một vành đai – Một con đường” được tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tháng Tư, và trước khi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào cuối tháng Năm. “Thay vì chỉ trích Trung Quốc, chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh mối quan hệ với các nước khác và điều chỉnh cân bằng ngoại giao” (một viên chức ngoại giao cho biết).

Campuchia sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM), được tổ chức hai năm một lần với sự tham gia của 53 quốc gia và tổ chức vào năm 2020, và trở thành nước chủ tịch ASEAN lần thứ 2 vào năm 2022. Và vào năm 2023 tới đây, sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.
“Các vấn đề kinh tế và xã hội luôn là những tiêu điểm trong cuộc bầu cử ở nước chúng tôi. Cuộc bầu cử tiếp theo, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, chính sách đối ngoại sẽ trở thành vấn đề tranh cãi”, một nhà báo Campuchia dự đoán.

Nếu như thế, làm thế nào để cân bằng với Trung Quốc trong bốn năm tới, chẳng hạn như trên phương diện đàm phán quốc tế, sẽ là một yếu tố quan trọng để xác định tương lai của chính quyền. Ông Hun Sen, vào tháng Tám này sẽ tròn 67 tuổi, dù là thủ tướng suốt 34 năm qua, vẫn thể hiện mong muốn mạnh mẽ tiếp tục làm thủ tướng thêm 10 năm nữa, nhưng dường như tham vọng của ông đang trở nên ngày càng mong manh hơn.

--------------------------

XEM THÊM

BBC Tiếng Việt
22 Tháng 7, 2019

Trung Quốc sẽ có thể đặt lực lượng vũ trang tại một căn cứ hải quân của Campuchia theo một thỏa thuận bí mật giữa hai quốc gia, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 21/7

Động thái này nằm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trên toàn cầu, tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ và đồng minh nắm rõ vấn đề nà
Thỏa thuận không được công bố này cho phép Trung Quốc tiếp cận độc quyền một phần của Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan, theo bài báo của Wall Street Journal. Qua đó, giúp Trung Quốc tăng cường các yêu sách về lãnh thổ và lợi ích kinh tế đang tranh chấp ở Biển Đông, thách thức các đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.

Các quan chức Trung Quốc và Campuchia phủ nhận có thỏa thuận này, theo Wall Street Journal.

Phay Siphan, người phát ngôn của chính phủ Campuchia nói rằng đây là 'tin giả'.

Một số chi tiết trong bản thỏa thuận này còn chưa rõ ràng, nhưng bản phác thảo đầu tiên mà giới chức Mỹ được tiếp cận cho hay Trung Quốc được quyền sử dụng Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong thời hạn 30 năm, và sau đó cứ sau 10 năm lại tự động được gia hạn.

Trung Quốc được quyền đưa nhân viên quân sự tới đây, trữ vũ khí và neo đỗ tàu chiến.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Campuchia từ chối một thỏa thuận như vậy, nói rằng quốc gia này có một cam kết nêu trong hiến pháp đối với người dân của mình để theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập.

"Chúng tôi lo ngại rằng bất kỳ động thái nào của chính phủ Campuchia cho phép một sự hiện diện quân sự nước ngoài tại Campuchia sẽ đe dọa sự gắn kết và tính trung lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc phối hợp phát triển khu vực, và làm xáo trộn hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á," tuyên bố cho hay.

Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc có thể đang cố gắng giành được vị thế quân sự ở Campuchia trong một lá thư gửi Campuchia hỏi tại sao quốc gia này từ chối lời đề nghị của Mỹ giúp sửa chữa căn cứ hải quân tại đây.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 29/4/2019 tại Bắc Kinh





No comments:

Post a Comment

View My Stats