Wednesday 24 July 2019

BẢN TIN NGÀY 24-07-2019 (Báo Tiếng Dân)




24/07/2019

Bài Mới

24/07/2019
24/07/2019
24/07/2019
24/07/2019
24/07/2019
24/07/2019
24/07/2019

*
*
Bản tin ngày 24-7-2019

Tin Biển Đông

Ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư của Trường Cao đẳng Hải Chiến Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cập nhật thường xuyên diễn biến căng thẳng xung quanh Bãi Tư Chính. Khuya ngày 23/7/2019 (giờ VN), ông Martinson cho biết“Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồ họa cho thấy các hoạt động của tàu này từ ngày 21 đến ngày 23/7”.

Đồ họa thể hiện đường di chuyển của tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 21 đến ngày 23/7. Nguồn: Twitter Ryan Martison

Bên cạnh đó, ông Martinson lưu ý: Trung Quốc vừa “bổ sung tàu tuần duyên số hiệu 3308 vào danh sách nhóm hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8”.

Tàu tuần duyên Trung Quốc số hiệu 3308. Nguồn: Twitter Ryan Martinson

Một phần đội hình tàu của Trung Quốc đang hiện diện ở khu vực Bãi Tư Chính, đáng lưu ý là Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi Bahao), tàu hải giám 37111 và tàu tuần duyên 3308 vừa được bổ sung. Nguồn: Twitter Ryan Martinson

Trong lúc vụ đối đầu ở Bãi Tư Chính vẫn chưa kết thúc, Tiêm kích Su-35 của Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Một đơn vị không quân thuộc Chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc “tham gia diễn tập sau khi nâng cấp mẫu tiêm kích do hãng Sukhoi của Nga chế tạo. Các cuộc diễn tập bao gồm 3 máy bay tấn công 1 mục tiêu trên biển, chiến thuật phối hợp khai hỏa và thao tác điều khiển bay và chiến dịch ban đêm, tạp chí trên đưa tin nhưng không tiết lộ thêm chi tiết”.

Bài báo cho biết, “tất cả 24 chiếc Su-35 của Trung Quốc được đưa vào biên chế một lữ đoàn không quân đóng gần thành phố Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông”. Theo một số người thông thạo về quân sự, Su-35 là một trong các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 hiện đại nhất, được cho là vượt trội hơn cả hầu hết máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của phương Tây.

VOV có bài: Vụ Bãi Tư Chính cho thấy tham vọng phi lý không thay đổi của Trung Quốc. Theo nhà phân tích Prashanth Parameswaran trên tạp chí Diplomat, vụ căng thẳng kéo dài hơn một tháng qua ở khu vực Bãi Tư Chính “phù hợp với mô típ quen thuộc mà người ta thường thấy liên quan đến hành vi của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông, nó đồng thời cho thấy sự ổn định mong manh ở tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới này”.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, đã có “sự gia tăng căng thẳng ở nhiều thời điểm khác nhau giữa Trung Quốc với Việt Nam, với Malaysia và với cả Philippines trên Biển Đông ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo”.

Zing có bài: Sự nguy hiểm khi Bắc Kinh leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Chuyên gia Collin Koh Swee Lean, thuộc ĐH Công nghệ Nanyang cho rằng, hành động gây hấn của Trung Quốc có thể tạo nên tiền lệ xấu về sử dụng vũ lực ở Biển Đông: “Lịch sử đã dạy chúng ta, sự hòa giải kéo theo hung hăng nếu người gây hấn không biết giới hạn của họ”.

Nhà nghiên cứu Jay Batongbacal thuộc Trung tâm CSIS, bình luận với Zing: “(Sự cố này) có thể tạo ra một tiền lệ mới, rằng các quốc gia mạnh hơn có thể mặc sức đối xử theo cách của họ với những nước nhỏ hơn, bất chấp các nguyên tắc đã được công nhận. Nếu điều này được chấp nhận, các hành động vũ trang trắng trợn có thể gia tăng”.

Báo Một Thế Giới bàn về tình hình Biển Đông: ‘Véo von tiếng địch’ của Bắc Kinh chẳng ru ngủ được ai. Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn phát ngôn như thể nước này không liên quan gì đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhưng cả Việt Nam, Malaysia và Philippines đều “có phản ứng theo cách thể hiện khác nhau trước các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông”.

VTC dẫn lời Tổng thống Philippines: Chưa thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về Biển Đông để tránh chiến tranh với Trung Quốc. Tổng thống Rodrigo Duterte nói về viễn cảnh chiến tranh Biển Đông: “Một cuộc đấu súng sẽ là cấp số nhân cho đau buồn và thống khổ. Chiến tranh sẽ để lại góa phụ và trẻ mồ côi. Tôi không sẵn sàng hay cổ súy cho khuynh hướng tạo thêm các góa phụ hay trẻ mồ côi khi chiến tranh nổ ra ngay cả ở quy mô hạn chế”.


Hàn Quốc bắn 360 phát đạn, cảnh cáo máy bay Nga và Trung Quốc

VnExpress đưa tin: Hàn Quốc bắn 360 phát đạn cảnh cáo máy bay Nga và Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận, có 3 máy bay quân sự Nga, gồm 2 máy bay ném bom Tu-95 và một máy bay cảnh báo sớm A-50, đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này ở ngoài khơi bờ biển phía đông. Sau đó một trong các phi cơ đã xâm phạm không phận Hàn Quốc. Tiêm kích Hàn Quốc xuất kích và bắn vài phát đạn cảnh cáo, “khiến máy bay Nga rời đi, nhưng 20 phút sau nó quay lại và tiến vào không phận Hàn Quốc lần nữa, buộc nước này phải tiếp tục bắn cảnh cáo”.

Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này “đã triển khai các tiêm kích F-16 và thực hiện 360 phát bắn cảnh cáo, trong đó có 10 quả mồi bẫy nhiệt và 80 viên đạn pháo”. Còn Điện Kremlin phủ nhận chuyện máy bay của họ xâm phạm không phận Hàn Quốc.

Đều là những kẻ cậy thế nước lớn, nhiều vũ khí, quen xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải nước khác, nên Trung Quốc ủng hộ Nga sau vụ tiêm kích Hàn bắn máy bay Nga, theo báo Tuổi Trẻ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, “khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc không phải là không phận thuộc chủ quyền riêng và tất cả các quốc gia đều được hưởng tự do di chuyển tại đây”.

Về tương quan diện tích, Nga lớn gấp khoảng 170 lần Hàn Quốc, về quân sự, Nga hầu như chỉ đứng sau Mỹ, nhưng Hàn Quốc không vì thế mà sợ Nga và đã sẵn sàng triển khai máy bay chiến đấu khi không phận của mình bị xâm phạm. Không như CSVN, để TQ xâm phạm lãnh hải hơn một tháng mới dám lên tiếng, chưa kể nhiều năm trước đó, Trung Quốc làm mưa làm gió ngoài Biển Đông, cấm ngư dân VN đánh bắt cá ngay trên lãnh hải của mình, nhưng nhà cầm quyền CSVN hầu như không có kế sách gì đáp trả.

Báo Một Thế Giới có bài: Tranh cãi xung quanh chuyện Hàn Quốc bắn cảnh cáo máy bay Nga. Nói là “tranh cãi” nhưng bài báo chỉ đưa ra quan điểm của Nga, TQ và Nhật. Riêng Nhật phản đối cả Hàn Quốc lẫn Nga vì cho rằng khu vực “bờ biển phía đông” nói trên của Hàn Quốc thuộc không phận Nhật, nghĩa là chính Nhật mới có quyền thực hiện các hành động cảnh báo.

Về phần bình luận trên các báo “lề đảng”, bên cạnh bình luận của các tuyên truyền viên tôn sùng và ủng hộ Nga trong mọi trường hợp, có không ít độc giả bình luận ủng hộ Hàn Quốc, không ngại đối đầu nước lớn để bảo vệ chủ quyền.


Nhiệt điện Thái Bình 2: Bế tắc “ngàn tỉ”

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ ra sao khi ‘PVC tan nát, chỉ còn danh nghĩa’? Ngày 23/7 , trong cuộc gặp lãnh đạo Bộ Công thương và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam, ông Trần Sỹ Thanh thừa nhận, “PVC tan nát, gần như chỉ còn trên danh nghĩa, nên tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tất cả đều do PVN làm thay, từ con người, tiền vốn, điều hành”.

Ông Thanh đặt câu hỏi: “Đến giờ, thực sự là PVC tan nát vì dính rất nhiều dự án khác, bắt bớ liên tục không còn người để mà làm. Nhưng nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm?”

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ông Trần Sỹ Thanh: “32.000 tỉ nằm chềnh ềnh ra đấy, đau xót vô cùng”. Ông Thanh nói với Bộ trưởng Bộ Công thương và các quan chức Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước: “Làm gì cũng phải có tiền. Nếu không có quyết sách sớm thì 32.000 tỉ đồng nằm chềnh ềnh ra đấy, mỗi ngày dự án chịu lãi suất 6 tỉ đồng. Đau xót và lo lắng vô cùng. Các bộ ngành cứ chần chừ, không quyết sách cụ thể. Câu hỏi dự án làm tiếp hay không làm tiếp khiến cả hệ thống hoang mang”.

Đúng là làm gì cũng phải có tiền. Vấn đề là cái thời thể chế này có thể mặc sức vung tiền cho các “quả đấm thép” đã qua rồi. Bây giờ là lúc mọi thứ đều xuống dốc, các “đồng chí” một thời với nhau giờ phải xử lý, thanh trừng nhau để lấy tiền “khắc phục hậu quả”, vì ngân khố trống rỗng.


Sai phạm đất đai và xây dựng

Sai phạm xây dựng ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng: Xây dựng bãi đáp trực thăng khi chưa được phép, theo báo Tiền Phong. Cơ quan chức năng quận này phát hiện “hàng loạt vi phạm trong xây dựng tại 14 dự án khu nghỉ dưỡng ven biển. Thậm chí có chủ đầu tư dự án xây dựng cả bãi đáp trực thăng khi chưa được phép”.

Tại dự án Khách sạn Furama do Công ty Bắc Mỹ An làm chủ đầu tư có nhiều hạng mục sai phạm, đáng lưu ý là bãi đáp trực thăng với diện tích hơn 62m2 có nền lát gạch. “Các công trình, hạng mục được đội kiểm tra quy tắc đô thị quận kiến nghị tháo dỡ, một số được đề xuất giữ lại nếu xét phù hợp quy hoạch”.

VTC dẫn lời ông Thái Ngọc Trung, PGĐ Sở Xây dựng Đà Nẵng nhận định về khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng tự ý xây dựng bãi đáp trực thăng: Sai quy định là phải tháo dỡ. Ông Trung nói: “Sở sẽ xem xét tất cả các dự án nghỉ dưỡng có công trình, hạng mục vi phạm, không phép, sai phép để xử lý. Cái gì phù hợp với quy hoạch thì được giữ lại, cái gì không phù hợp thì phải tháo dỡ. Chỉ có một nguyên tắc là cái gì vi phạm thì buộc phải tháo dỡ”.

Chuyện tháo dỡ công trình sai phạm thì bắt buộc phải làm, vấn đề là cơ quan chức năng ở đâu khi Công ty Bắc Mỹ An làm cả một sân trực thăng diện tích hơn 62m2 trái quy định, để bây giờ phải tìm cách xử lý? Tiền của bỏ vào đó, bây giờ tháo dỡ, đập bỏ, ai chịu trách nhiệm cho những đồng tiền thất thoát này, nếu không phải là dân? Rốt cuộc, người dân phải còng lưng trả nợ cho những quan chức vừa ăn, vừa phá hoại.

Báo Tiền Phong bàn về chuyện lạ ở Bình Dương: ‘Xẻ thịt’ hơn 7 nghìn m2 đất công phân lô bán nền. Hơn 7.550m2 đất thuộc phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát là đất trồng cây lâu năm do quyết định của UBND tỉnh. Năm 2015, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt vào danh mục “quỹ đất công ích” và giao cho UBND phường Mỹ Phước sử dụng.

Bài báo cho biết, nhiều năm qua Công ty Thuận Lợi đã san lấp mặt bằng trên khu đất công này. Tại buổi làm việc của UBND Thị xã Bến Cát vào tháng 4/2019, Phòng TN&MT Thị xã Bến Cát báo cáo, khu đất trên đã bị Công ty Thuận Lợi san lấp mặt bằng, hậu quả là cán bộ phường Mỹ Phước không thể sử dụng hơn 7500m2 đất trên theo mục đích đã được cấp.


Bê bối ở Alibaba

Báo Thanh Niên đưa tin: Công an điều tra vụ khách hàng bị đánh hộc máu tại trụ sở Công ty Alibaba. Ngày 23/7, Công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã chuyển hồ sơ vụ nạn nhân Trần Thanh Phong bị đánh trọng thương tại trụ sở Công ty Alibaba, lên công an quận để tiếp tục điều tra.

Vợ ông Phong cho biết, tháng 8/2018 gia đình bà được nhân viên Công ty Alibaba giới thiệu đất nền tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng tàu và đã đóng 458 triệu đồng cho Công ty Alibaba nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được đất. Gần đây dự án đã bị cưỡng chế. Chiều 22/7, vợ chồng ông Phong đến trụ sở Công ty Alibaba để gặp lãnh đạo đòi lại tiền thì ông Phong bị 3 nhân viên Alibaba đánh đến nhập viện.

VOV có bài: Có thể đấu giá lô đất liên quan sai phạm của Dự án Alibaba. Một cán bộ ngành TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, nếu ông Nguyễn Ngọc Sự, người đứng tên khu đất có dự án sai phạm của Alibaba vừa bị cưỡng chế, không thực hiện việc nộp phạt, UBND và Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ có thể ngăn chặn hành vi giao dịch đất đai đối với ông Sự.

Còn LS Trần Đức Phượng cho rằng, chính quyền tỉnh này “có thể thu hồi quyền sử dụng lô đất có công trình sai phạm của ông Nguyễn Ngọc Sự, đồng thời mang ra đấu giá nếu ông này không thực hiện nộp phạt vào ngân sách nhà nước”.


Sở GD&ĐT Long An bán… đồ lót nữ

Chuyện lạ ở Long An: Sở ra văn bản… nhờ các trường giúp bán đồ lót nữ, theo báo Một Thế Giới. Ngày 23/7, ông Phạm Văn Thở, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Long An thừa nhận, Sở này có ban hành văn bản gửi các Phòng GD&ĐT trong tỉnh, đề nghị phối hợp, hỗ trợ Công ty Dệt may Nguyên Dung triển khai kế hoạch giới thiệu dòng sản phẩm áo lót kháng khuẩn cho nữ sinh các trường THCS trong tỉnh.

Một phụ huynh ở tỉnh này bình luận: “Nhiệm vụ của ngành giáo dục là lo chuyện học hành cho học sinh đạt kết quả thật tốt chứ không phải lâu lâu lại yêu cầu học sinh mua món này, món nọ để hỗ trợ doanh nghiệp thân thiết nào đó”.

Công văn bán đồ lót của Phòng GD&ĐT Cần Đước. Ảnh: Thanh Anh/MTG.

Báo Giáo Dục VN đưa tin: Sở Giáo dục Long An dừng hỗ trợ tiếp thị sản phẩm nhạy cảm vào trường học. Ông Nguyễn Thanh Tiệp, GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Long An xác nhận, Sở đã có văn bản yêu cầu ngưng chương trình tiếp thị, giới thiệu sản phẩm áo lót lá kháng khuẩn dành cho nữ sinh đến các trường, phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Bài báo cho biết, “được biết, cả tỉnh Long An cho đến nay cũng chỉ mới có huyện Cần Đước giới thiệu sản phẩm này cho các nữ sinh, nhưng cũng chưa thực hiện việc bán sản phẩm”. Còn theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Long An, cho biết, “sở dĩ có việc giới thiệu sản phẩm này, là do có sự đề nghị hỗ trợ của Hội Cựu giáo chức tỉnh Long An”.


Luật riêng cho quan chức

Chuyện ở An Giang: Con gái nguyên Chủ tịch tỉnh được bổ nhiệm Chánh văn phòng thành uỷ Long Xuyên, theo báo Một Thế Giới. Ngày 23/7, Thành ủy Long Xuyên tổ chức lễ công bố quyết định thí điểm hợp nhất Văn phòng Thành ủy, HĐND và UBND TP. Cô Vương Mai Trinh (32 tuổi) giữ chức Chánh văn phòng Thành ủy, HĐND và UBND TP Long Xuyên.
Bài báo lưu ý: Cô Trinh là con gái của ông Vương Bình Thạnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Năm 2013, cô Trinh công tác tại Thành ủy Long Xuyên với hình thức hợp đồng lao động và làm chuyên viên văn phòng. Sau đó, cô được xét tuyển thẳng công chức mà không phải thi tuyển, rồi được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng UBND TP Long Xuyên.


Tin môi trường

Chuyện ở Thanh Hoá: Dân bỏ xứ đi vì ngập rác, theo báo Pháp Luật VN. Một người dân ở phố Khánh Tiến, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn chia sẻ: “Trong các cuộc họp, đặc biệt trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên về việc ô nhiễm cũng như đề nghị phương án nâng cấp hoặc di dời bãi rác nhưng chính quyền vẫn bỏ ngỏ”.
Một số hộ dân xung quanh bãi rác đành phải bỏ nhà đi nơi khác sinh sống.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn thừa nhận: “Chúng tôi đã quy hoạch 1 bãi rác rộng khoảng 20 ha tại xã Quảng Minh, nếu được thông qua mới giải quyết được bài toán rác thải. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa đồng ý… Mà ở đây nhà máy xử lý rác cũng chưa xây dựng xong, nên chúng tôi vẫn phải cho cải tạo bãi rác để tiếp tục tập kết về đây chứ chẳng còn cách nào khác”.

VnExpress đưa tin: Người dân Nam Sài Gòn liên tục kêu cứu vì bị mùi hôi tấn công. Người dân ở các chung cư, biệt thự khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 như Lacasa, Grand View, The Era Town, Bellaza… và người dân huyện Bình Chánh, Nhà Bè hơn tháng nay lại phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc. Một người sống tại chung cư Lacasa chia sẻ: “Cơ thể tôi không chịu được máy lạnh, nhưng cứ đêm nào mở cửa sổ ngủ là cái mùi kinh khủng ấy lại ập vô, càng không ngủ được”.

Một người khác sống ở chung cư Grand View cho biết: “Mấy năm nay ai cũng biết mùi hôi thối xuất phát từ bãi rác Đa Phước. Lắm hôm tôi tưởng mình như đang ở giữa một hố phân. Chán nản, chắc phải chuyển đi chỗ khác chứ ở như thế này thì quá kinh khủng”.


***






No comments:

Post a Comment

View My Stats