Tuesday, 23 July 2019

NHỮNG ĐỨA CON BỊ TRỜI ĐÀY !? (Châu Thị Phan)




22-7-2019

Xuất phát lúc 5h30’ sáng, mà mãi đến gần 16 giờ chiều chúng tôi mới có mặt tại xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Thật ra khoảng cách từ Đà Nẵng lên tới xã không xa lắm, chỉ ngót ngoét chừng 200km. Nhưng mất thì giờ vì đoạn đường 60 km đường đèo ngoằn ngoèo, gập ghềnh, nhiều dốc đứng đến nỗi chạy được 2/3 đường, đến chân dốc A Ban thì chiếc xe chở gần bốn tấn gồm gạo và thực phẩm khác bị bể lappe’ thắng!

Sau khi gọi điện cầu cứu khắp nơi, cuối cùng cũng tìm được chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng bốc hàng và chở về xã. Buồn là chỉ với đoạn đường chừng 20 km, anh ta đòi tới 1,5 triệu. Dầu mắc nhưng may có xe chở kịp, chứ không thì cả xe, lẫn người nằm đèo trong cơn mưa chiều xứ núi này cũng chết!

Tuy mệt, nhưng để kịp kế hoạch đã bàn, bốn người trong đoàn của quán cơm từ thiện Nụ cười chúng tôi chia ngay làm hai. Hai người ở lại cùng với năm cậu dân quân của xã chia hàng vô bao. Hai người còn lại là tôi và bác Nam Đồng đu theo xe máy do hai tay lái lụa: Nam Giang một facebooker trẻ, thổ địa vùng núi Đông – Tây Giang, người đã giúp tôi đi tiền trạm và vận động anh Nguyễn Thành Lê, chủ chiếc xe tải chở hàng từ Đà Nẵng lên trên núi, hoàn toàn miễn phí và Ri’ah Nhô, cán bộ lao động và chính sách của xã Ch’ơm.

Nói thiệt, nhìn những con đường đầy đá lổn nhổn, bị xe tải làm đường cày nát nhô lên sụp xuống và phải chạy quanh co trên những dốc núi, tôi chuẩn bị tinh thần cả xe lẫn người sẽ bị quăng xuống đất đôi ba lần. Nhưng may quá, không sự cố gì xảy ra.

Dự tính trong một trăm hộ (và mười phần khác cho anh em dân quân nghèo của xã), xã chọn ra giúp chúng tôi hai mươi hộ đặc biệt khó khăn, để ngoài phần quà như những hộ khác gồm 20 kg gạo, 1kg đường, 1 lít dầu ăn, một bịch bột ngọt 450gr, hai gói bột canh nữa kg, mười gói mì… thì những hộ này sẽ được trao tặng thêm 250 ngàn đồng.

THƯƠNG NGƯỜI Ở NÚI!

Thoạt tiên, nhìn những căn nhà sàn gỗ bên ngoài tương đối tươm tất, tôi hơi có chút băn khoăn. Sau đó mới biết, do công vận chuyển vật liệu xây dựng từ dưới xuôi lên quá mắc, nên UBND xã đồng ý cho mỗi hộ vô rừng lấy tối đa 10m3 gỗ để làm nhà. Tuy rất nghèo nhưng hầu hết bà con trong thôn bản không tham, ai không có sức thì chỉ lấy những cây nhỏ và lấy vừa đủ. Theo truyền thống, cứ hộ nào làm nhà thì các hộ khác đến cưa, xẻ, đục, dựng… làm giúp. Chủ nhà chỉ lo cơm. Ai không có khả năng lo cơm thì cũng được vần công nhưng do cùng cảnh nghèo, nên người trong thôn chỉ dựng giúp căn nhà nho nhỏ đủ để hộ nghèo đó không phải sống trong mưa gió.

Cho nên vào trong nhà những hộ khó khăn này, nhà nào cũng tối hù, nhỏ xíu, quần áo, bao bị ngổn ngang, phần lớn là người già và con nít hoặc tàn tật, bệnh nặng không có sức lao động. Hỏi han về sinh hoạt cuộc sống (tất nhiên là phải nhờ Nam Giang và Ri’ah Nhô phiên dịch) tôi mới thấy số tiền 250 ngàn hỗ trợ ít ỏi làm sao!

Theo lời Nam Giang và anh Ri’ah B’ hanh kể thì, chỉ cách đây vài năm nhiều bà con Cơ Tu sống trên vùng núi này quen sống đời du canh, du cư. Vì thế ngày nay dầu đã định canh, định cư, bà con cũng sống theo kiểu tự cung, tự cấp. Thậm chí, trong xã vẫn còn có một số người không biết đến tiền, bởi họ có đi làm việc hay mua bán gì đâu mà có tiền xài. Hầu hết mọi người chỉ trồng lúa, bắp, đậu trên các khoảng đất nho nhỏ trên triền núi. Còn chăn nuôi, chẳng thấy ai nuôi gì ngoài mấy con chó ốm nhách đi lang thang trong thôn. Tôi hỏi anh Ri’ah Nhô thì anh bảo: “do thói quen du canh, du cư trước đây nên bà con không quen nuôi. Với lại chăn nuôi thì lấy gì nuôi nó? Dưới xuôi còn đất để trồng rau, chuối. Còn ở đây toàn núi đá, phần đông bà con ăn còn không đủ, lấy đâu… ”

Còn trồng trọt? Nghe họ nói có được hai, ba sào ruộng (chừng 1000 – 1500m2), chúng ta đừng vội hình dung đó là một mảnh ruộng xanh mướt liền vùng liền khoảnh. Không, nó rải rác khắp nơi (vì ở núi lấy đâu ra đất rộng). Nhìn những mảnh ruộng bằng một cái chái bếp, góc nhà, nơi này, nơi kia từng khúm nhỏ, lơ thơ (vì bị chim, chuột ăn) mà thương đứt ruột).
Như nhà của bà Ri’ah Bêêl, ở thôn D’ hung với diện tích chừng 50m2 nhưng có tới năm hộ, gồm 15 người, đều là con, cháu của bà. Mỗi hộ gia đình ngăn một phòng nhỏ chừng 5 m2, đủ đặt một chiếc chiếu. Nhà bà có được 2 sào đất trồng lúa hai vụ. Khi tôi hỏi năng suất, bà chỉ hai bao lúa đặt ở góc nhà, khoảng chừng 60 kg (xay ra khoảng 35 kg gạo) rồi lắc đầu nói bằng tiếng Cơ Tu. Nam Giang cho biết, bà bảo mọi năm được nhiều hơn, năm nay chim, chuột ăn nhiều quá, nên được có chừng đó. Chừng đó để ăn trong 6 tháng (chờ vụ tới) và để nuôi sống 15 con người lớn bé trong nhà, thảo nào ai cũng gầy rộc, đen thui.

Đến nhà của bảy chị em Pơ Long Thị Zê… thì cô em gái út, người mạnh khỏe duy nhất trong số bảy anh chị em bị nhiễm chất độc Dioxin, cùng một người nữa đã đi bộ lên xã để lãnh quà từ thiện. Hai anh em trai khác thì không chỉ câm điếc mà còn bị liệt, phải ở luôn trên rẫy, chỉ còn ba cô chị (cũng bị nhiễm Dioxin) vừa câm, điếc, thấy khách lạ cứ cười ngây ngô. Thấy chúng tôi, dân làng kéo đến. Một hai cô gái biết tiếng Việt, mau miệng làm phiên dịch và kể thêm cho chúng tôi nghe những uẩn khúc mà sáu chị em cô gái bị nhiễm Dioxin phải chịu uất ức bấy lâu.

Thì ra, người em gái út mà tôi nghe trên xã cho biết từ trước rằng, từ sau khi cha mẹ mất thì cô và chồng là lao động chính, bảo bọc cho tất cả các anh chị bị tàn tật của mình. Thật ra, không phải vậy! Lao động chính là ba người chị câm điếc, ốm yếu và khật khờ đang đứng kia! Vì bệnh tật nên họ làm được chăng hay chớ, năng suất lúa rất thấp. Như vụ lúa đầu năm nay, hai sào trồng trong 6 tháng, họ chỉ gặt được 10 ang, tương đương 80kg lúa (khoảng gần 50kg gạo). Vì thế khi tôi hỏi họ ăn sáng chưa (Với người Cơ Tu buổi ăn sáng là bữa chính trong ngày), họ gật gật, cười cười nhưng hàng xóm cho biết buổi ăn sáng ấy toàn măng rừng. Tiền chính sách hàng tháng dành cho người bị nhiễm Dioxin hơn một triệu/ người, thì cô em út, nhân danh người nuôi dưỡng, lấy hết để…. uống rượu (?!). Cũng như hộ bà Ri’ah Bêêl, thay vì 250 ngàn, tôi gửi họ năm trăm ngàn, thì hộ này tôi gửi một triệu, dân làng đứng quanh bảo cô Pơ Long Thị Za, giấu đi. Và rồi dặn nhau không nói cho cô em út của Thị Za biết. Anh Ri’ah Nhô bảo thực tế này giờ anh mới rõ!

Gia đình khó khăn đặc biệt, không phải chỉ 20 hộ như dự tính ban đầu mà lên 22 hộ, sau hai buổi đi thực tế. Thật ra, nếu còn thì giờ để ở lại thêm và còn tiền mang theo, chắc chắn số hộ khó khăn đặc biệt phải lên hàng trăm. Tôi đành làm lơ quay về.

Về xuôi, nhưng lòng tôi không nhẹ nhỏm như lúc mới lên. Tôi cứ nhớ khi trao tiền, cô Pơ Long Thị Za đòi ôm tôi. Tôi ôm chặt người đàn bà nhỏ bé ấy mà nghe xót xa vì cô ấy ốm quá, như một đứa bé còm cỏi.

Mà nào mỗi mình cô ốm đói. Những hộ tôi đến thăm ai cũng ốm tong teo, không liệt, thì thần kinh cũng có vấn đề. Ngay cả em bé, chao ôi, nụ cười của nó hạnh phúc làm sao khi cầm trong tay được hộp sữa đưa lên miệng hút!

Tôi bỗng nhớ, câu nói trong năm nay mọi người hay truyền miệng: “Có tiền nhiều để làm gì?”. Và tôi ao ước những người tiền nhiều không biết làm gì đó, hãy một lần về đây và ở lại. VỚI SỐ TIỀN NHIỀU ẤY, HẲN HỌ SẼ MUA ĐƯỢC HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI VÀ CHO MÌNH.
______

Một số hình ảnh về đồng bào Cơ Tu của tác giả Châu Thị Phan:












No comments:

Post a Comment

View My Stats