Sunday 21 July 2019

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẮNG BẮC KINH (Nikki Haley | Foreign Affairs)





Trà Mi dịch
Posted on July 18, 2019

Siết chặt ở mặt thương mại chỉ là bước đầu để chống lại Trung Hoa

Haley nói chuyện với báo giới sau khi chủ tọa một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 9 năm 2018. Nguồn: Mike Segar/REUTERS

Phát triển quốc tế quan trọng nhất trong hai mươi năm qua là sự trỗi dậy của Trung Hoa như một cường quốc về kinh tế và quân sự. Khi Trung Hoa chuyển đổi, nhiều học giả và giới hoạch định chính sách phương Tây dự đoán rằng đổi mới kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ buộc Hoa lục phải tự do hóa về mặt chính trị và trở thành một “quốc gia có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế. Khái niệm này, đôi khi được gọi là “thuyết hội tụ”, là khi Trung Hoa ngày càng giàu có, nó sẽ trở nên giống Hoa Kỳ hơn.

“Thuyết hội tụ” nghe rất êm tai nhưng đã không thành công. Trung Hoa tăng trưởng kinh tế mà không dân chủ hóa. Thay vào đó, chính phủ Hoa lục trở nên kiên quyết về mặt ý thức hệ và đàn áp hơn, với tham vọng quân sự không chỉ ở khu vực và về mặt quốc phòng mà là toàn cầu và được xây dựng để đe dọa thế giới. Và khi sự khác biệt giữa kỹ thuật dân sự và quân sự dần bị xói mòn trên toàn thế giới, Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình đã đưa ra chính sách quốc gia cho các công ty Trung Hoa thi hành; nghĩa là họ phải chuyển giao tất cả kỹ thuật cho quân đội Trung Hoa sử dụng. Như Aaron Friedberg, học giả của Đại học Princeton đã viết, những gì Xi Jinping và các đồng chí của ông ta nghĩ đến không phải là một giai đoạn chuyển tiếp từ một nền cai trị độc tài đến thời đại tự do hóa theo sau, mà là một chế độ độc tài hữu hiệu được kỹ thuật hậu thuẫn và vĩnh viễn là một chế độ độc đảng.

Hãy nhìn  vào thực tế: Xi đã giết chết khái niệm hội tụ.

Học viên tại một “trung tâm dậy nghề” ở quận Hotan ở Tây Nam Tân Cương. Ảnh HWR

Trung Hoa cực kỳ quan trọng đối với Hoa Kỳ, vì những lý do vừa tích cực và tiêu cực. Các công ty Mỹ đánh giá cao thị trường khổng lồ ở Hoa lục, và nó là động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế thế giới. Nhưng chúng ta không thể cho phép sự quan tâm rất nhiều của của mình để có được quan hệ kinh tế tốt với Trung Hoa làm chúng ta mù quáng trước những ý định chính trị bất hảo của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Hoa tự xác nhận họ là kẻ thù của nền dân chủ tự do phương Tây và là nước phất cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc cộng sản. Tham vọng chiến lược của Trung Hoa không thân thiện, sâu rộng với gốc rễ  đã ăn sâu trong một thế giới quan độc tài.

Người Mỹ rất lấy làm tiếc với những lựa chọn của giới lãnh đạo Trung Hoa. Trong nhiều chục năm, Hoa Kỳ cố gắng vun đắp tình hữu nghị. Cả hai Tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reagan đều đã cố gắng củng cố mối quan hệ hợp tác bằng việc chuyển giao kỹ thuật cao để hỗ trợ hiện đại hóa và tăng trưởng nền kinh tế của Trung Hoa. Hoa Kỳ đã giúp Trung Hoa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới theo các điều khoản khoan nhượng. Chúng ta đã cho Trung Hoa vào thị trường của Mỹ mặc dù Trung Hoa không đáp lại. Các chính sách ngày càng bất hảo của Trung Hoa không thể được giải thích như một phản ứng đối với sự không thân thiện từ phía Hoa Kỳ.

MỘT CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CÓ NGUYÊN TẮC

Kể từ khi kết thúc Thế chiến II, Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc lớn nhất thế giới ở mọi mặt: sản lượng kinh tế, khám phá khoa học, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng văn hóa. Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, và đặc biệt là kể từ khi Liên bang Sô viết tan rã vào năm 1991, Hoa Kỳ đã giữ độ quyền lực và tầm ảnh hưởng của cả hai Đế chế La Mã hay Anh cũng không thể so sánh được. Nhưng Hoa Kỳ không phải là một đế chế. Chúng ta là một quốc gia dân chủ, tự hào vì biết tôn trọng quyền hạn của các quốc gia và dân tộc khác. Trong chính sách đối ngoại, chúng ta không phải lúc nào cũng giữ đúng được nguyên tắc của mình, chúng ta cũng không phải luôn đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Nhưng chúng ta cũng không thể làm bất cứ điều gì rồi phủi tay không nhận trách nhiệm được.

Một nguyên tắc hướng dẫn chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là các quốc gia nên tôn trọng những gì thuộc về các quốc gia khác. Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã viện trợ để xây dựng lại Đức và Nhật Bản. Chúng ta không ăn cắp tài nguyên của cả hai quốc gia đó. Gần đây hơn, khi chúng ta lãnh đạo liên minh thế giới lật đổ Saddam Hussein, chúng ta đã dành những khoản tiền lớn để giúp xây dựng lại Iraq. Chúng ta đã không ăn cắp một giọt dầu của họ.
Trung Hoa mong muốn chiếm đoạt vai trò lãnh đạo của chúng ta, chắc chắn là vai trò lãnh đạo ở châu Á và hiển nhiên là ở phần còn lại của thế giới.

Trong nước, người Mỹ sống dưới nền dân chủ pháp trị. Luật pháp của chúng ta không chỉ là công cụ của quyền lực mà còn dùng để hạn chế quyền lực. Sự hiểu biết về nền pháp trị này định hình cách người Mỹ suy nghĩ và hành động và cách chúng ta ứng xử trong các vấn đề thế giới. Chúng ta tôn trọng các hợp đồng riêng tư, và chúng ta hy vọng những nước khác cũng làm như vậy. Chúng ta tôn trọng quyền sở hữu, gồm cả sở hữu trí tuệ. Chúng ta tin tưởng vào sự tiến bộ về mặt kỹ thuật bằng cách phát minh và đổi mới, chứ không phải bằng cách đánh cắp ý tưởng của người khác và đảo ngược kỹ thuật để làm hàng nhái.

Hoa Kỳ đã giúp xây dựng và bảo vệ một hệ thống quốc tế hài hòa với các nguyên tắc như vậy. Bằng cách giúp duy trì và ổn định hòa bình thế giới, cho phép tất cả được tự do di chuyển bằng đường biển và đường hàng không trên khắp thế giới và tạo ra mạng lưới thông tin liên lạc và mạng máy tính toàn cầu, Hoa Kỳ đã dẫn nền kinh tế thế giới tăng trưởng ngoạn mục kể từ Thế chiến II. Nếu Hoa Kỳ không giữ vai trò lãnh đạo này, đời sống của người Mỹ và vô số những dân tộc khác sẽ tệ hơn nhiều. Cuộc sống của chúng ta sẽ bị hạn chế hơn và kém yên ổn hơn. Tự do của chúng tôi sẽ bị sức ép.

“Trung Hoa muốn chiếm đoạt vai trò lãnh đạo của nước chúng ta, chắc chắn là ở châu Á và hiển nhiên là ở phần còn lại của thế giới.”
Nikki Haley

CÁI GÌ TỐT NHẤT CHO ĐẢNG LÀ TỐT NHẤT CHO TRUNG HOA

Chỉ một vài chục năm trước, Trung Hoa là một quốc gia nghèo, chưa phát triển. Sau đó, vào cuối những năm 1970, nó bắt đầu thay đổi chính sách kinh tế. Bắc Kinh quan sát sự thành công của những nền kinh tế thị trường và áp dụng bài học của họ, với kết quả tuyệt vời: năm 1980, tổng sản lượng quốc nội của Trung Hoa là 200 tỷ USD. Năm ngoái, con số này tăng gấp 70 lần – hơn 14 nghìn tỷ đô la. Do sự bùng nổ đáng kinh ngạc này, các nước đang phát triển khác bắt đầu coi Trung Hoa là mẫu mực. Những người ngưỡng mộ Trung Hoa tán thành sự kết hợp những hành động có chọn lựa theo thị trường tự do và sự điều khiển tập trung của một chính phủ quyết đoán và biết nhìn xa. Thông thường, những người ngưỡng mộ này đã không nhìn thấy cường độ của chủ nghĩa độc tài của Trung Hoa. Tất nhiên, những người độc tài dễ có hành động quyết đoán và nhìn xa hơn so với giới lãnh đạo của các nước dân chủ.

Tuy nhiên,  với sự tăng trưởng ấn tượng như thế, Trung Hoa hiện đang phải đối phó với những khó khăn nghiêm trọng. Sự tăng trưởng đó đã sinh ra các thảm họa môi trường và tạo ra sự trật khớp xã hội quá lớn và rốt cuộc có thể gây ra bất ổn chính trị. Một số lượng lớn người dân Hoa lục đã di cư từ nông thôn đến những thành phố bị ô nhiễm ở mức nguy hiểm, nhưng chính phủ đã không cho phép họ có được nhà ở hay được đi học. Nền kinh tế Trung Hoa cũng đã chậm lại. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng chính thức thấp nhất trong gần 30 năm và tỷ lệ tăng trưởng chính phủ công bố rất có thể được phóng đại quá độ tăng trưởng thực tế.

“Giới lãnh đạo độc tài của Trung Hoa sợ rằng người dân Trung Hoa tự do sẽ lật đổ họ khỏi ghế quyền lực, như những người tự do đã làm trên toàn thế giới.”
Nikki Haley

Giới lãnh đạo độc tài của Trung Hoa sợ rằng người dân Trung Hoa tự do sẽ lật đổ họ khỏi ghế quyền lực, như những người tự do đã làm trên toàn thế giới. Một cách mà giới lãnh đạo Trung Hoa kiểm soát sự đe dọa đối với sự cai trị của họ là kích động các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài và kêu gọi người dân nhắm mắt chạy theo chủ nghĩa dân tộc. Kết quả là một vòng luẩn quẩn của sự đàn áp và sự bất ổn tiềm tàng khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn. Một cách khác để giới lãnh đạo Trung Hoa kiềm chế sự đe dọa đối với sự cai trị của họ là tạo ra một nhà nước công an Orwellian: Xi đã tập trung quyền lực trong tay mình như chưa từng thấy, sử dụng kỹ thuật nhận diện và kỹ thuật dữ liệu lớn để theo giõi một số lượng dân chúng khổng lồ. Vì lý do tương tự, chính phủ của Xi hiện đang cố gắng để dẫn đầu thế giới về mạng 5G và trí tuệ nhân tạo.

Là một phần trong kế hoạch để biến Trung Hoa thành một siêu cường thế giới, ông Tập đã tìm cách hiện đại hóa quân đội quốc gia này. Nguồn: Li Tao/Tân Hoa Xã, thông qua Associated Press.

Điều mà giới lãnh đạo Trung Hoa đang đi tìm không phải là sự cải thiện đời sống người dân của họ mà là để duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH). Đối với họ, chính trị vượt lên trên tất cả những yếu tố khác. Nhiều người Mỹ gặp khó khăn để hiểu được thực tế này bởi vì nó không phải là cách chúng ta nghĩ về đất nước của chúng ta. Tuyên ngôn độc lập của chúng ta nói rằng mục đích cao cả nhất của chính phủ là để  bảo đảm mọi người có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Chính trị tại Hoa Kỳ là để phục vụ, và phụ thuộc vào tự do, gồm cả tự do kinh tế. Ở Trung Hoa, nó ngược lại. Kinh tế phục vụ chính trị, và mục tiêu chính trị là tăng cường sức mạnh của chính phủ trong và ngoài nước.

KHÔNG THỂ VẪN MỌI VIỆC NHƯ THƯỜNG NỮA

Trong hàng chục năm qua, các chiến lược gia của ĐCSTH đã tranh luận về giá trị của nhiều con đường dẫn đến sự vĩ đại của đất nước. Một số ủng hộ chính sách kiên nhẫn đợi thời đã khuyến khích sự tăng trưởng của khu vực tư nhân và nhấn mạnh việc tích hợp Trung Hoa vào nền kinh tế thế giới. Mục tiêu cuối cùng của họ là tăng cường quyền lực cho đảng và quân đội, nhưng làm như vậy theo một cách khiến sự trỗi dậy của Trung Hoa dường như không gây nguy hiểm cho thế giới. Một số chiến lược gia khác ủng hộ cách hành động quyết đoán, theo chủ nghĩa dân tộc và nghiêng về quân sự hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Xi, cách thứ hai rõ ràng đã thắng thế. Chính phủ của Xi đã chiếm đóng các quần đảo ở Biển Đông và xây dựng các cơ sở quân sự ở đó, vi phạm lời hứa với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (và những người khác) là không quân sự hóa. Trung Hoa đã trừng phạt Việt Nam, Philippines và Indonesia bằng những tranh chấp chủ quyền  trên biển, cắt dây cáp truyền thanh dưới nước và tấn công những đoàn tàu đánh cá của họ. Hoa lục đã vi phạm không phận Đài Loan và bắt cóc những người bất đồng chính kiến ​​và những người chỉ trích chính phủ ở Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông. Những người bị bắt cóc gồm cả công dân của Thụy Điển và Vương quốc Anh.

“Những người kinh doanh tại Trung Hoa trong các lĩnh vực kỹ thuật cao đang thúc đẩy lợi ích quân sự của Bắc Kinh, bất kể ý định của họ là gì.”
Nikki Haley

Giới chức Trung Hoa nói rằng họ không quan tâm đến chính trị của nước ngoài, nhưng thói quen hối lộ công chức cao cấp ngoại quốc đã kích động các vụ bê bối tham nhũng ở Úc, New Zealand, Malaysia, Sri Lanka, Angola và các nơi khác. Sáng kiến Một ​​Vành đai Một Con đường của Trung Hoa, con đẻ của Tập Cận Bình, cho khắp nơi vay mượn và xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới, phụ thuộc rất nhiều vào các thỏa thuận tài chính đầy tham nhũng tạo ra gánh nặng cho các chính phủ nước ngoài mà họ không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, Trung Hoa lợi dụng tự do học thuật trong các trường đại học ở Hoa Kỳ và các nơi khác bằng việc lập nên những Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Hoa tài trợ. Những cơ sở này là để tuyên truyền và đôi khi tìm cách dập tắt những thảo luận về các chủ đề gây rắc rối cho Trung Hoa, chẳng hạn như cuộc xâm chiếm Tây Tạng và các trại “dậy nghề” ở tỉnh Tân Cương, nơi Bắc Kinh tuyên bố sẽ cải tạo một triệu người Hồi giáo Trung Hoa; họ là người dân Uighurs.

Hải cảng nước sâu Hambantota, Sri Lanka cho TQ thuê 99 năm và nắm 70% cổ phần. Nguồn: NewsIn.Asia

Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, chính phủ Trung Hoa cũng ra lệnh một cách có hệ thống cho những công ty Trung Hoa đi ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ và các công ty nước ngoài khác. Ngoài ra, chính phủ Hoa lục còn yêu cầu các công ty tư nhân Trung Hoa giao cho quân đội bất kỳ kỹ thuật nào họ có được nhờ nghiên cứu, đi mua hoặc ăn cắp được. Chính sách hợp nhất quân sự dân sự mới được Xi công bố năm 2015 đòi hỏi tất cả các công ty tư nhân Trung Hoa phải làm việc cho quân đội. Điều đó có nghĩa là kinh doanh với các công ty Trung Hoa không còn chỉ là kinh doanh. Những người làm kinh doanh tại Trung Hoa trong các lĩnh vực kỹ thuật cao đang thúc đẩy lợi ích quân sự của Bắc Kinh, bất kể ý định của họ là gì.

CHIẾN LƯỢC MỚI CHO MỘT CUỘC CHIẾN MỚI

Kể từ khi Hoa Kỳ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, chúng ta chưa bao giờ phải đối đầu với một thách thức quân sự tiềm năng đồng thời là đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng ta. Trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta đã đối đầu với một Liên Xô có nền kinh tế chỉ bằng một phần nhỏ của Trung Hoa hiện nay. Lịch sử không cho chúng ta một ví dụ tương đồng, nhưng điều đó không có nghĩa là kịch sử không cho chúng ta một bài học.
Trong Chiến tranh Lạnh, chính phủ của chúng ta đã lập chính sách và xây dựng những chương trình mới để kiểm tra tiến bộ kỹ thuật quân sự của Liên Xô và làm suy yếu nền kinh tế Liên Xô. Chúng gồm có việc kiểm soát xuất cảng và các chương trình thương mại để phục vụ mục đích an ninh quốc gia. Chúng ta đã tạo ra Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ, chống lại tuyên truyền của Liên Xô và Sáng kiến ​​Phòng thủ Chiến lược, nhằm vô hiệu hóa hỏa tiễn vũ trang hạch tâm tầm xa của Liên Xô. Chúng ta cũng lập các chương trình để khuyến khích giáo dục đại học trong các lĩnh vực có liên quan, ví dụ, kỹ thuật vũ khí hạch tâm và tiếng Nga.

Để chống lại đe dọa của Trung Hoa đối với những lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ, chúng ta cần phải suy nghĩ một cách sáng tạo và can đảm, và không có bất kỳ ảo tưởng nào về ý định của đối thủ của chúng ta. Bắt đầu, chúng ta nên sửa đổi các quy định về thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật cao, để Trung Hoa không còn có thể khai thác sự cởi mở của chúng ta. Nói chung, tôi không thích chính phủ can thiệp vào kinh doanh tư nhân. Nhưng an ninh quốc gia của chúng ta phải được đặt cao hơn so với những chính sách co thị trường tự do. Adam Smith đã đưa ra quan điểm này trong “Sự thinh vượng của những quốc gia” (The Wealth of Nations), cho rằng lợi ích của Anh trong việc duy trì ưu thế hải quân quan trọng hơn thương mại tự do trong lĩnh vực hàng hải, ông viết,

“Quốc phòng có tầm quan trọng hơn nhiều so với sự thinh vướng.”
Adam Smith

Khi Trung Hoa kiên định tận dụng lợi thế quân sự của tất cả các hoạt động thương mại tư nhân thì chúng ta phải thay đổi ống kính để kiểm tra quy định ngoại thương, chuỗi cung ứng quốc tế, đầu tư ở quốc nội, bảo vệ sở hữu trí tuệ và khuyến khích các kỹ thuật quốc phòng quan trọng. Các quy định cần thiết sẽ tốn kém và khó khăn, nhưng đó là cái giá chúng ta phải trả để gìn giữ nước của chúng ta.

Ngay cả khi chúng ta điều chỉnh chính sách kinh tế quốc gia, chúng ta cũng cần phải cải thiện về mặt ngoại giao. Bản chất cực đoan của chiến lược an ninh quốc gia của Trung Hoa mới trở nên rõ ràng chỉ trong vài năm qua. Khi chúng ta suy nghĩ lại về chiến lược an ninh quốc gia của mình để đối lại với Trung Hoa, chúng ta cần quan tâm đến việc khuyến khích các đồng minh suy nghĩ lại về chính sách ngoại giao của họ. Quốc hội cần bảo đảm cho giới chức Hoa Kỳ có đủ thẩm quyền và nguồn lực cần thiết để thúc đẩy sự hiểu biết về chiến lược của Trung Hoa và tập hợp các nỗ lực đa phương để cạnh tranh với nó để chống lại ảnh hưởng của Trung Hoa, để chống lại các mối đe dọa quân sự và bảo toàn các nguyên tắc mà hệ thống quốc tế xây dựng  sau Thế chiến II đã thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu.

Tập hợp các nỗ lực đa phương để cạnh tranh với nó để chống lại ảnh hưởng của Trung Hoa, để chống lại các mối đe dọa quân sự . Nguồn: Center for Board Excellence

Để đối phó với những đe dọa từ Trung Hoa, cũng như các mạng lưới khủng bố của Nga, Bắc Hàn, Iran và những nhóm khủng bố, vv., chúng ta phải tăng cường về mặt quân sự. Chúng ta cần một lực lượng hải quân lớn mạnh hơn, lực lượng không kích tầm xa hơn và kỹ thuật thông tin và cải khả năng không gian mạng tốt hơn. Chúng ta cũng phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hạch tâm đã bị bỏ quên từ lâu. Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ rất lớn, nhưng không đủ để phân bổ cho vốn đầu tư. Với nguồn lực hạn chế, sẽ luôn có sự đánh đổi. Nhưng chúng ta phải luôn có khả năng đáp ứng, một cách mạnh mẽ và có cân nhắc, trước đối thủ tinh vi nhất về mặt quân sự của chúng ta.

Trung Hoa đặt ra những thách thức về trí tuệ, kỹ thuật, chính trị, ngoại giao và quân sự đối với Hoa Kỳ. Phản ứng cần thiết tương tự cũng cần có nhiều mặt, đòi hỏi phải có hành động trong các lĩnh vực khác nhau như tình báo, thực thi pháp luật, kinh doanh tư nhân và giáo dục đại học. Trong những năm gần đây, nhiều vấn đề đã được mô tả là đòi hỏi những câu trả lời của “toàn bộ chính phủ”. Trung Hoa yêu cầu một câu trả lời không chỉ là “toàn bộ chính phủ” mà còn là “toàn bộ quốc gia”.

Chúng ta phải hành động ngay, trước khi quá muộn. Cuộc đua rất gắt. Kết quả có thể là sống hay chết.

Về tác giả: Nimrata Nikki Haley (nhũ danh Randhawa, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1972) là một nhân vật ngoại giao và một chính khách người Mỹ, từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiêp Quốc từ năm 2017 đến 2018. Là người ủng hộ đảng Cộng hòa, trước đây bà từng là thống đốc tiểu bang Nam Carolina từ năm 2011 đến 2017 và là dân biểu tại Hạ viện Nam Carolina. Haley là nữ thống đốc đầu tiên của Nam Carolina, và là người Mỹ gốc Ấn Độ thứ hai (sau ông  Bobby Jindal, CH) làm thống đốc tại Hoa Kỳ [TM].

© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn:
Nikki Haley   |   Foreign Affairs   |   July 18, 2019






No comments:

Post a Comment

View My Stats