Monday, 29 July 2019

BẢN TIN NGÀY 29/07/2019 (Báo Tiếng Dân)




29/07/2019

Tin Biển Đông

Sau khi bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút hết các tàu ở Bãi Tư Chính, thì bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đáp trả: VN ‘vi phạm quyền chủ quyền’ Bãi Tư Chính ‘từ tháng Năm’, theo VOA. Bà Hoa nói thêm: “Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam… Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc”.

Báo South China Morning Post đưa tin: Bắc Kinh củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bằng việc triển khai tàu khảo sát biển mới. Trung Quốc vừa tiếp nhận một tàu khảo sát biển mới tên Đại Dương (Da Yang Hao). Theo bài báo, với tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ và tầm hoạt động khoảng 14.000 hải lý, tàu Đại dương “có khả năng tiến hành thăm dò tài nguyên dưới biển sâu ở bất kỳ đại dương nào trên thế giới”.

Tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở khu vực phía Nam Biển Đông, là cái cớ để nước này triển khai một loạt tàu hải giám, tàu tuần duyên quấy phá khu vực thềm lục địa của VN. Một số nhà quan sát cảnh báo, Trung Quốc có thể huy động Đại Dương đến “hỗ trợ” Hải Dương Địa Chất 8.

Ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự ở Hồng Kông, nói rằng hoạt động ở Biển Đông “chỉ là một phần trong nhiệm vụ của nó”, bên cạnh hoạt động “nghiên cứu khoa học trong vùng biển quốc tế”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Trung Quốc sẽ đưa tàu nghiên cứu đại dương xuống Biển Đông? TS Koh Swee Lean Collin, chuyên gia Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore, bình luận, “nếu được đưa xuống Biển Đông, tàu Đại Dương sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường hiện diện ở khu vực”.

Ông Koh còn lưu ý “việc thu thập thông tin và dữ liệu đại dương quan trọng của tàu có thể giúp Bắc Kinh hiểu rõ hơn về Biển Đông, hỗ trợ tối ưu hóa các hoạt động dân sự và quân sự của nước này – tất cả hỗ trợ Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Chuyện gì đang xảy ra ở Biển Đông. Bài báo thống kê một loạt hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông từ tháng 6/2019 đến nay, từ vụ dân quân biển nước này đâm chìm tàu cá Philippines, đến vụ tàu 35111 và một số tàu cảnh sát biển khác quấy phá vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia trước khi đến xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Bãi Tư Chính, cả vụ Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trong phạm vi thềm lục địa 350 hải lý của Việt Nam.

Bài báo lưu ý: “Dù luật lệ quốc tế không cấm hoạt động diễn tập quân sự trong EEZ của nước khác, nhưng những hành động như thế, nhất là khi diễn ra không cách quá xa mỏ dầu khí mà Trung Quốc từng ngăn cản ngay trong EEZ và rất gần bờ biển Việt Nam, rõ ràng mang tính đe dọa”.

Hai khu vực tập trận có bắn tên lửa của Trung Quốc từ ngày 29/6 đến 3/7/2019. Nguồn: TT

VOV dẫn lời ông Eliot Engel , Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ: Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ủy ban này tuyên bố, “các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là minh chứng cho việc một nước công khai đi ngược lại luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, hành động của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngoài ra, cách hành xử của Trung Quốc đe dọa các công ty của Mỹ đang hoạt động trong khu vực”.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng lưu ý, chuyện Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh rút nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 “đã bị phía Trung Quốc cố tình phớt lờ. Đây là hành động đe dọa Việt Nam và minh chứng cho việc Trung Quốc cố tình chèn ép các nước láng giềng”.

BBC đặt câu hỏi về sự kiện ASEAN gặp Mỹ: Cơ hội để Việt Nam đòi Trung Quốc ‘xuống thang’? Từ ngày 29/7 tới 3/8/2019, nhiều cuộc gặp ngoại giao sẽ diễn ra ở Bangkok, Thái Lan. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ dự họp trong hai ngày, 1 và 2/8. Một quan chức Thái ẩn danh tiết lộ rằng, phía ASEAN “sẽ cho phép các nước thảo luận những lo ngại đang diễn ra như khủng hoảng Rohingya và tranh chấp trên Biển Đông”.


Cựu sếp địa ốc thả dê, bị đuổi khỏi máy bay, mang ông kẹ ra dọa

Chuyện ồn ào trên mạng: Hôm 26/7, ông Vũ Anh Cường, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đầu Tư Thương Mại Dịch Vụ Đất Lành, sàm sở một hành khách trên máy bay, ở khoang hạng thương gia của Vietnam Airlines. Theo cư dân mạng, khi bị đuổi khỏi máy bay, ông Cường lớn tiếng chửi thề và hỏi: “Mày biết tao là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?

Ông Vũ Anh Cường, cựu chủ tịch HĐQT địa ốc Đất Lành bị mời ra khỏi máy bay. Ảnh: VNN

Ông Cường không ngờ gặp phải quan lớn, là Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng có mặt trên chuyến bay này. Theo các cư dân mạng kể lại, ông Bình đưa diện thoại cho đương sự, giục gọi cho sếp to nào mà anh ta muốn. Trang Nhà báo và Công Luận có bài: Thượng khách của Vietnam Airlines say xỉn, sàm sỡ nữ hành khách trên máy bay.

Bài báo trên cũng xác nhận, Phó TT Trương Hòa Bình có mặt trên máy bay: “Trong vụ việc chiều ngày 26/7 nói trên, trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào khi để một kẻ say xỉn lên máy bay, đe dọa đến sự an toàn của chuyến bay và tính mạng của hành khách? Sự an tòan của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đi công tác, bởi trên chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP.HCM có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình“.

Một phần báo cáo ban đầu của phi hành đoàn về vụ việc liên quan đến ông Vũ Anh Cường. Nguồn: VNN


Quan chức hư hỏng

Báo Dân Trí có bài: Cán bộ Viện Nghiên cứu quản lý đất đai bị bắt vì chiếm đoạt tài sản. Một lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, thuộc Bộ TN&MT xác nhận, Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Toán, cán bộ Viện Nghiên cứu quản lý đất đai để điều tra vụ ông này chiếm đoạt tài sản khi triển khai một dự án tại Hà Tĩnh vào năm 2016.

Ông Toàn bị bắt do thông tin tố cáo liên quan đến dự án điều tra xã hội học, đánh giá chất lượng đất đai được Viện Nghiên cứu quản lý đất đất đai triển khai tại tỉnh Hà Tĩnh và đã hoàn thành từ năm 2016.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu kỷ luật Phó Chủ tịch huyện Vân Đồn, báo Tiền Phong đưa tin. Ngày 27/7, UBKT Tỉnh ủy Quảng Ninh tiến hành kỳ họp thứ 20, “xem xét một số nội dung, trong đó có việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và các cá nhân tại huyện Vân Đồn”.

UBKT Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu Huyện ủy Vân Đồn xem xét, xử lý kỷ luật các đảng viên có vi phạm đến mức phải kỷ luật, trong đó có ông Châu Thành Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn. Sai phạm của ông Hưng và đồng phạm liên quan đến Ban Quản lý dự án công trình huyện Vân Đồn.


“Cát tặc”, “đất tặc” hoành hành

Chuyện ở Bình Định: Núi Hóc Giản tan hoang bởi “đất tặc”, “đất lậu”, theo trang Tài Nguyên và Môi Trường. Hàng chục triệu mét khối đất dưới chân núi Hóc Giản ở huyện Phù Cát đã bị “đất tặc” khai thác. “Doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất phục vụ dự án Đường trục Khu Kinh tế nối dài đã đành, nhưng cũng xuất hiện dấu hiệu đất tặc trà trộn vào lấy đất, bán cho các dự án khác”.

Ông Lê Minh Sự, Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn, thừa nhận, dù đã làm việc và lập biên bản đình chỉ việc khai thác đất trái phép đối với Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành, “nhưng doanh nghiệp vẫn lì lợm tiếp tục khai thác đất trái phép”.

Trang Kinh Tế Đô Thị đặt câu hỏi về hiện tượng “cát tặc” hoành hành ở Hải Phòng: Vì sao nạn khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động? Bài báo cho biết, nhiều ngày qua, tại khu vực chân cầu Khuể, thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão và giáp ranh huyện Tiên Lãng, “có tới gần chục chiếc tàu xi măng, tàu sắt khai thác cát trái phép. Mặc dù cơ quan chức năng có vào cuộc nhưng dường như chưa thực sự đủ mạnh”.

Bài báo đặt câu hỏi: “Hành vi của các tàu này là vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính mà không phải nộp bất kỳ khoản thuế hay phí nào? Họ coi thường pháp luật, bỏ qua cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để độc chiếm tạo thành một khu hoạt động không có vùng cấm”.


Hạn hán chưa dừng lại

Báo Thanh Niên đưa tin: Cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và Nam bộ. Bài viết dẫn nội dung từ Tổng cục Khí tượng thủy văn, thuộc Bộ TN&MT dự báo, các tỉnh thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long “có nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 – 2020, thậm chí xâm nhập mặn có thể xảy ra ngay trong những tháng đầu năm 2020”.

Từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm “từ 30 – 70% và tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Kông thiếu hụt từ 35 – 45%” so với mức trung bình các năm. Tại các trạm thượng lưu sông Mê Kông, mực nước thấp hơn mức trung bình từ 2,5 – 5,5 m, hạ lưu thấp hơn từ 2,5 – 5,4 m.

Ở khu vực Tây Nguyên, vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước điêu đứng vì hạn hán, theo báo Nông Nghiệp VN. Bài báo cho biết, từ đầu năm đến nay, một số địa phương phía Đông tỉnh Gia Lai hầu như không có mưa, nên “hàng ngàn héc ta mía trong vùng bị chết khô hoặc bị nông dân phá bỏ làm thức ăn cho gia súc vì không phát triển”.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, PGĐ Nhà máy Đường An Khê, cho biết: “Vào thời điểm cuối vụ, nhà máy tổ chức điều tra thì trong vùng nguyên liệu có 26.000ha mía. Tính đến thời điểm này cây mía đã phát triển cao trên 1m. Thế nhưng do từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ xảy ra 1 cơn mưa, sau đó nắng nóng kéo dài đã khiến 5.000ha mía nằm trong vùng nguyên liệu bị chết khô, hoặc không phát triển”.

Khu vực miền Trung cũng bị hạn hán hoành hành. VnExpress có clip: Hồ đập cạn trơ đáy, 6.000 ha lúa sắp chết khô ở Nghệ An.


Thêm tin môi trường

VnExpress đưa tin: Nước đập dâng ở Hà Tĩnh đổi màu đỏ. Theo đó, “sau trận mưa lớn hai tuần trước, nước cửa xả đập dâng Ngàn Trươi – Cẩm Trang (thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) chuyển màu đỏ đục, nổi váng, bốc mùi hôi”. Đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Ông Phan Quốc Long, Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Quang cho biết: “Việc nước chuyển màu đỏ suốt hai tuần qua khiến người dân sống xung quanh đập dâng lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt cũng như môi trường sống. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên, nhưng chưa được giải quyết”.

Nước có màu đỏ đục tại cửa xả đập dâng Ngàn Trươi – Cẩm Trang ngày 28/7. Ảnh: Đức Hùng/VNE.

VOV có bài: Đầu tư cả nghìn tỷ đồng cải tạo, kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm. Người dân sống ở khu vực kênh Ba Bò, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM, cho biết, “từ cách đây nhiều năm, kênh này đã ô nhiễm nặng nề và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thực trạng ô nhiễm kênh Ba Bò cũng đã liên tục được đưa ra các cuộc họp của HĐND TP”.

TP HCM đã đầu tư gần 750 tỷ để xây dựng công trình cải tạo kênh Ba Bò, hoàn thành vào cuối năm 2017. Tỉnh Bình Dương, nơi đầu nguồn con kênh cũng đã đầu tư trên 345 tỉ đồng để nâng cấp cải tạo thượng nguồn, nhưng người dân sống quanh kênh Ba Bò này vẫn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm.


Tin giáo dục

Trang Giáo Dục và Thời Đại bàn về sai phạm tại Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa: Phát hiện hàng loạt sai phạm “bất thường” của Hiệu trưởng. Theo đó, sau khi kiểm tra và xác minh các đơn thư tố cáo đối với Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra tỉnh đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, đặc biệt là sai phạm có liên quan đến cá nhân Hiệu trưởng Vũ Viết Sơn.

Thanh tra tỉnh xác nhận, nội dung tố cáo Hiệu trưởng Vũ Viết Sơn “không tuân thủ các quy định của Nhà nước và không xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên quản lý trong việc điều động bà Trần Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phạm Thị Thu Hà, Trần Thị Việt, Lưu Thị Thuý và tuyển dụng bà Hoàng Hoa Hồng Phúc là đúng”.

Báo Thanh Tra có bài: Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An có sai phạm về tài chính. Cụ thể, UBND TP Hà Nội vừa có kết luận về nội dung tố cáo Hiệu trưởng Lê Mai Anh của Trường THPT Chu Văn An có sai phạm về tài chính liên quan đến nhiều tỉ đồng tiền tài trợ tổ chức lễ kỷ niệm ở trường.

Theo người tố cáo, “tại thời điểm tiếp nhận tiền tài trợ cho lễ kỷ niệm, bà Lê Mai Anh đã không thông báo cho kế toán cập nhật vào sổ theo dõi của trường số tiền thu được và khoảng 2 tỷ 200 triệu đồng, bao gồm cả nhận từ chuyển khoản và tiền mặt do Hiệu trưởng nhận trực tiếp số tiền 120 triệu đồng”.


Biểu tình ở Moscow, khoảng 1,400 người bị câu lưu

Hãng AP đưa tin: Gần 1.400 người biểu tình ở Moscow bị câu lưu, lớn nhất trong thập kỷ. Những người này đã bị tạm giam trong một cuộc đàn áp của cảnh sát nhắm vào cuộc biểu tình của phe đối lập ở Moscow. Số lượng người bị tạm giữ lên đến 1.373 vào sáng Chủ nhật vừa qua. Phần lớn họ sớm được thả, hiện vẫn còn 150 người bị giam giữ.

Biểu tình ở Nga: Hơn 1.000 người biểu tình ủng hộ đối lập bị bắt ở Moscow, theo BBC. Bài báo cho biết, lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny, người chỉ trích gay gắt Tổng thống Vladimir Putin, đã bị tạm giam 30 ngày, kể từ ngày 24/7, sau khi lên kế hoạch biểu tình “không được phép” từ ngày 27/7. Trước đó, đã có hơn 20.000 người Nga đã xuống đường, yêu cầu bầu cử công bằng và hàng chục người bị bắt hôm 20/7.

Oleg Boldyrev, PV BBC News tại Moscow, phân tích: “Không ai ảo tưởng rằng nhà chức trách sẽ để mọi người biểu tình ôn hòa. Cuộc biểu tình này cũng diễn ra với sự bắt giữ tùy tiện, đối đầu. Câu hỏi đặt ra là liệu sự tức giận về việc không thể đề cử một ứng viên – ngay cả đối với các cuộc bầu cử ở cấp thấp như chính quyền thành phố – sẽ khiến người dân Moscow tìm cách có những biểu hiện bất đồng lớn hơn”.


***







No comments:

Post a Comment

View My Stats