Sunday 21 July 2019

ĐÔNG ĐẢO TRÍ THỨC CHỈ TRÍCH TRUMP KỲ THỊ CHỦNG TỘC (Mai V. Phạm)




Mai V. Phạm
21/07/2019

Thế giới sẽ không bị hủy diệt bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả” – Albert Enstein.

*
Sau các tuyên bố phản dân chủ và đầy sự kỳ thị đối với nhóm nữ dân biểu tại Hạ viện, Trump đã bị các lãnh đạo trong, ngoài nước cũng như các trí thức tiếng tăm lên án. Thay vì chấm dứt sự công kích kỳ thị, Trump tiếp tục tấn công nhóm nữ dân biểu trong buổi vận động tranh cử tại North Carolina ngày 17/7/2019, khi tỏ lòng ủng hộ đám đông hô vang: “Send Her Back”, ngụ ý muốn trục xuất nữ dân biểu Ilhan Omar về Somali.

Khi được phóng viên hỏi, Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho biết: “Đương nhiên, tôi phản đối những lời tuyên bố của Trump và tôi ủng hộ nhóm nữ dân biểu mà Trump công kích. Những người có quốc tịch khác nhau đã góp phần tạo nên sức mạnh cho nước Mỹ, vì thế những bình luận đó [của Trump] đã đi ngược lại với sức mạnh của nước Mỹ”.

Thủ tướng Canada, Justin Trudeau mạnh mẽ lên án Trump: “Những bình luận [của Trump] gây tổn thương, sai trái và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Thủ tướng Anh, Theresa May cũng lên tiếng: “Ngôn ngữ được dùng để chỉ nhóm nữ dân biểu của Trump là không thể chấp nhận được”.

Phó thủ tướng Ireland, Simon Coveney, viết về hành động kỳ thị của Trump: “Thật là kinh khủng. Công kích các cá nhân và thúc đẩy sự thù hận dựa trên chủng tộc là không được chấp nhận được trong các tranh luận, phát biểu về chính trị”.

Ben Shapiro, tổng biên tập tờ Daily Wire, một trang web cánh hữu chuyên ủng hộ chính quyền Trump, cũng viết: “Omar là một công dân Mỹ và hô hào yêu cầu trục xuất cô vì cô sử dụng quyền tự do ngôn luận, Tu Chính án Thứ nhất của mình, thật là kinh tởm”.

Piers Morgan, nhà bình luận cực hữu người Anh thường xuyên bênh vực Trump, cũng viết một bài xã luận lên án sự kỳ thị chủng tộc của Trump. Ông viết: “Hèn hạ. Gớm ghiếc. Đáng xấu hổ. Quá sốc. Kinh tởm.

Đó là những suy nghĩ đầu tiên của tôi khi theo dõi đám đông tại cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Trump ở Bắc Carolina điên cuồng đồng thanh hô vang nhắm đích danh nữ dân biểu người Hồi giáo Ilhan Omar: ‘Send Her Back! Send Her Back!’ – khi Tổng thống của họ đứng một cách tự hào, không hề muốn ngăn chặn lời hô vang. Một vài người giơ cao nắm đấm, một số chỉ là trẻ em. Tất cả bọn họ dường như đoàn kết trong cơn thịnh nộ kỳ thị chủng tộc.

Nhìn và nghe thấy một đám đông hàng ngàn người Mỹ da trắng đồng thanh hô vang một khẩu hiệu biểu lộ quá rõ ràng sự kỳ thị chủng tộc về một công dân Mỹ đã được bầu chọn vào Hạ viện, khiến tôi phải rùng mình.

Sau đó, nó đã khiến tôi thực sự tức giận. Điều này không nên xảy ra ở nước Mỹ hiện đại. Thực tế Donald Trump không chỉ cho phép nó xảy ra, mà còn tích cực khuyến khích nó xảy ra, là một sự ô nhục không thể tha thứ được”.

Joe Kaeser, CEO của tập đoàn Siemens, cũng chỉ trích Trump: “Điều khiến tôi lo ngại chính là văn phòng chính trị quan trọng nhất trên thế giới đang trở thành bộ mặt của nạn kỳ thị chủng tộc và sự loại trừ. Tôi đã sống nhiều năm ở Mỹ và trải nghiệm sự tự do, khoan dung và cởi mở hơn bao giờ hết”.

Theo thăm dò mới nhất của USA Today/ Ipsos, thì đại đa số người Mỹ cho rằng các bình luận của Trump với nhóm nữ dân biểu là “kỳ thị chủng tộc” và “đi ngược lại với các giá trị của nước Mỹ”.

Dan Le Batard, người gốc Cuba, dẫn chương trình nổi tiếng trên đài ESPN và ít khi chia sẻ về chính trị, cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với Trump. Ông nói trong tức giận: “Đơn giản mà nói lời hô vang ‘Send Her Back’ vốn không phải là nước Mỹ mà cha mẹ tôi đã tới cho chúng tôi, cho những người lưu vong, những người da nâu. Có một sự chia rẽ chủng tộc ở đất nước này, đã được Tổng thống Trump kích động… Những gì đã xảy ra đêm qua tại cuộc vận động tranh cử là vô cùng kinh tởm. Được thực hiện bởi tổng thống của nước ta.

Những gì tổng thống đang làm thật là sai trái, tìm mọi cách để được tái đắc cử bằng cách chia rẽ quần chúng … Đây là một sự xúc phạm sâu sắc đối với tôi, hoặc một người nào đó có cha mẹ đã hy sinh để đến đất nước này. ‘Send Her Back’. Bạn có chắc nhiều tố chất Mỹ hơn cô Omar như thế nào? Bạn có nhiều đặc quyền hơn chăng? Bạn có làn da trắng hơn? Bạn giàu có hơn?… Bạn đã có mọi đặc quyền mà nước Mỹ dành cho bạn. Và bây giờ, những gì bạn làm với quyền lực đó là gì? Là công kích những người da nâu, những người da đen và thiểu số. Nếu bạn không lên tiếng tố cáo nó là kinh tởm, kỳ thị chủng tộc, và nguy hiểm, thì bạn chính là đồng lõa”.

Trump: lộ rõ khuôn mặt độc tài

Nguyên nhân khiến Trump công kích nhóm nữ dân biểu đảng Dân chủ là do họ đã và đang phê bình các chính sách nhập cư vi phạm nhân quyền và vô nhân đạo của Trump cũng như các lời nói dối trá và và phản dân chủ của ông ta. Và thay vì đối thoại để giải quyết bất đồng, thì Trump – hành xử y như lực lượng dân luận viên của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam – là chụp mũ cho họ là “không yêu nước Mỹ”.

Rõ ràng, luận điệu của Trump là sự ngụy biện ghê tởm và vô cùng phản dân chủ. Nước Mỹ và Trump là hai chủ thể khác nhau. Đặt lãnh tụ cũng như chế độ ngang hàng với đất nước chỉ có trong các nước độc tài cộng sản. Cứ ngỡ chỉ ở Việt Nam mới có tội “nói xấu đảng, nhà nước”, ngờ đâu, ngay tại Mỹ, người đứng đầu Nhà Trắng lại bệnh hoạn “chụp mũ”, quy tội cho thành phần phản đối mình là “không yêu nước Mỹ”.

Tồi tệ và độc tài hơn nữa khi Trump tuyên bố: “Bạn không thể nói xấu nước Mỹ, không thể khi tôi là Tổng thống”. Nghĩa là với Trump, công dân Mỹ chỉ được phép lên án đất nước khi Tổng thống không phải là Trump? Còn gì độc tài hơn nữa? Tuy nhiên, nếu nói về kỷ lục “nói xấu nước Mỹ”, thì có lẽ không ứng cử viên Tổng thống nào vượt qua Trump. Trước khi đắc cử Tổng thống, Trump có một lịch sử chuyên lên án nước Mỹ và chính quyền Obama. Và chắc chắn, chẳng ai tức giận hoặc cấm Trump về những điều đó. Bởi chỉ trích chính quyền là quyền tự do tối thiểu của công dân Mỹ.

Rất nhiều người Mỹ vẫn không quên cuộc họp báo giữa Trump và Putin tại Helsinki ngày 17/8/2018 khi Trump mặc kệ báo cáo của an ninh chính phủ Mỹ tố cáo Nga can thiệp bầu cử để Trump mắng nước Mỹ là ‘ngốc nghếch’ và ‘ngớ ngẩn’ khi để quan hệ Nga và Mỹ xấu đi. Phát biểu của Trump đã cho thiên hạ thấy ông ta tin Putin hơn chính đội ngũ tình báo của chính phủ mình. Nghĩa là, Trump có thể lên án nước Mỹ, nhưng người khác thì không. Hành động như thế không là độc tài thì gọi là gì? Nếu phân tích hành động khiến nước Mỹ phải xấu hổ, hành động của Trump tại Helsinkin – phớt lờ các bằng chứng của an ninh chính phủ để đứng về phía Putin – là một trong những khoảnh khắc “bôi tro, trát trấu” nước Mỹ.

Tự do ngôn luận là vô giá

Còn nhớ, sau vụ khủng hoảng Vịnh Con Heo, các phóng viên đài NBC phỏng vấn tổng thống Kennedy năm 1962, thời điểm ông Kennedy bị báo chí đưa ra nhiều tin tức hết sức bất lợi và ông rất bực tức với báo chí, nhưng khi được hỏi, TT Kennedy vẫn một mực ủng hộ tự do báo chí.

Với thái độ điềm đạm, bình tĩnh, TT Kennedy đã trả lời các phóng viên như sau: “Tôi nghĩ rằng nó (tức tự do báo chí) là vô giá, mặc dù nó có thể gây ra [sự bực mình] – chẳng bao giờ dễ chịu khi đọc những tin tức mà mình không đồng ý, nhưng tôi có thể nói rằng đó là một sức mạnh vô giá cho nhiệm kỳ tổng thống, là nơi thực sự kiểm tra những gì đang diễn ra trong chính quyền, và báo chí có nhiều điều làm cho tôi để ý, làm cho tôi quan tâm, hoặc cung cấp cho tôi thông tin.

Cho nên tôi nghĩ rằng, ông Khrushchev điều hành một hệ thống toàn trị, mặc dù có nhiều thuận lợi như có thể làm những chuyện bí mật, và tất cả những thứ khác – nhưng]đó là một điều bất lợi vô cùng, khi không có sự cọ xát chất lượng của báo chí, áp dụng cho bạn hàng ngày, để một chính quyền, mặc dù chúng tôi chẳng bao giờ thích, và mặc dù chúng tôi mong họ không viết những điều đó lên báo, và mặc dù chúng tôi bất đồng, rõ ràng là chúng ta không thể làm việc được trong một xã hội tự do mà không có sự tham gia rất, rất tích cực của báo chí“.

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2015, Tổng thống Obama đã phát biểu trước giới trẻ: “Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày… nhưng nhờ các cuộc tranh luận chỉ ra các khiếm khuyết của chính phủ đã tạo điều kiện cho mọi người đóng góp ý kiến, đã giúp nước Mỹ lớn mạnh, thịnh vượng và công bằng hơn”.

Obama khuyến khích chỉ trích và xem đó như một cơ hội để hoàn thiện trách nhiệm phục vụ nước Mỹ. Ngược lại, Trump lại căm ghét sự chỉ trích và sẵn sàng chụp chiếc mũ “không yêu nước Mỹ” cho những ai lên tiếng phản đối mình. Điều này giải thích được vì sao Trump có lòng ngưỡng mộ đặc biệt với các lãnh đạo độc tài bởi Trump muốn được như bọn chúng: bịt miệng bất đồng chính kiến.

Thay lời kết

Núi bằng chứng sắt thép đã chứng minh Donald Trump là một người kỳ thị, dối trá, vô đạo đức, kích động bạo lực, phớt lờ các vi phạm nhân quyền, ngưỡng mộ độc tài, và không có lòng cảm thông. Tại sao một người có quá nhiều đặc tính kinh tởm như thế, nhưng vẫn có nhiều người Việt và gốc Việt ngưỡng mộ? Chỉ có thể giải thích rằng có thể họ không biết rõ bộ mặt thật của Trump, hoặc họ biết rõ, nhưng giả vờ không biết.

Không biết thì không có tội. Nhưng nếu ai biết rõ con người Trump, mà vẫn bất chấp ca tụng và đội Trump lên đầu, thì có thể giải thích rằng họ nhìn thấy chính họ trong con người Trump. Có thể nói, nếu họ nắm giữ quyền lực trong tay, xác suất họ trở nên độc tài, tàn ác, nhẫn tâm, và dối trá cũng không thua gì những người cộng sản.

Luôn trung thành với Tổ quốc. Chỉ trung thành với chính quyền khi nó xứng đáng với điều đó” – Mark Twain.


------------------------------------

XEM THÊM
17/07/2019

Bốn nữ dân biểu da màu họp báo trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ. Ảnh: USA Today

Hạ viện Mỹ hôm thứ Ba, 16/7, đã thông qua nghị quyết lên án việc Tổng thống Donald Trump công kích bốn nữ dân biểu của đảng Dân chủ gốc nước ngoài trên Twitter, gọi đây là “những bình luận phân biệt chủng tộc, làm gia tăng và hợp pháp hóa tình trạng thù địch người da màu và công dân mới của Mỹ”. Nghị quyết cũng chỉ trích việc Trump coi người nhập cư và xin tị nạn là “những kẻ xâm lược”, CNN đưa tin.

Nghị quyết giành được 240 phiếu thuận và 187 phiếu chống. Bốn dân biểu đảng Cộng hoà và một dân biểu độc lập ủng hộ nghị quyết này cùng với toàn bộ dân biểu đảng Dân chủ.
Từ hôm 14-15/7, ông chủ Nhà Trắng liên tiếp hứng làn sóng chỉ trích sau khi phát biểu rằng các nữ dân biểu Dân chủ gốc nước ngoài không có quyền phàn nàn về cách điều hành chính phủ Mỹ, đồng thời khuyên họ “trở về để giúp cải thiện quê hương mình, nơi tội ác tràn ngập và bị tàn phá”. 

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Tổng thống Trump đã gây áp lực để các dân biểu đảng Cộng hòa không ủng hộ nghị quyết này.

“Những tweet đó KHÔNG PHẢI là phân biệt chủng tộc. Tôi không có máu phân biệt chủng tộc trong người…Cái gọi là cuộc bỏ phiếu này là trò lừa bịp của đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa không nên thể hiện ‘điểm yếu’ và ‘rơi vào bẫy” của họ’, ông Trump viết. Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng ông “thực sự tin” các nữ nghị sĩ Dân chủ thù ghét nước Mỹ. 

Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai ở Điện Capitol, “bộ tứ da màu” nói rằng ông Trump đang cố gắng “gây chia rẽ” và “đánh lạc hướng sự chú ý” khỏi “những chính sách thất bại về nhập cư, y tế và thuế quan”.

“Bộ tứ da màu” là nhóm dân biểu da màu trẻ tuổi lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mỹ, được biết đến ngoài Ocasio-Cortez – người gốc Puerto Rico sinh ra ở New York, còn có Rashida Tlaib (bang Michigan), Ilhan Omar (bang Minnesota) và Ayanna Pressley (bang Massachusetts). Tất cả bốn người đều là công dân Mỹ song chỉ có một người sinh ra tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ từng đưa ra nhiều bình luận bị coi là phân biệt chủng tộc, như việc mô tả một số nước châu Phi là “dơ bẩn” khi đề cập tới “cuộc xâm lược” của những người di cư vào năm ngoái. Ông còn bị chỉ trích vì ủng hộ giả thuyết cho rằng người tiền nhiệm Barack Obama không thể trở thành tổng thống hợp pháp do không sinh ra tại Mỹ, dù Obama đã công bố giấy khai sinh để bác bỏ cáo buộc này.









No comments:

Post a Comment

View My Stats