Sunday 19 March 2017

PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP : "LỐI THOÁT" CHO TẤT CẢ CÁC BÊN (LS Trần Hồng Phong)





Ls. Trần Hồng Phong
Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

BLA: Bài này tôi viết theo đặt hàng và đã đăng trên báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 9/3/2017. 

(TBKTSG) - Việc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) ban hành văn bản hướng dẫn thụ lý giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và việc Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM vừa ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) liệu có đem đến một luồng gió mới trong việc giải thoát cho các doanh nghiệp đang khó khăn?


(ảnh minh họa)

Mặc dù “tuyên bố phá sản” là thủ tục pháp lý “giải thoát” có thể xem là tốt nhất cho những doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đồng thời giúp phía chủ nợ thu hồi được (phần nào) khoản nợ hay quyền lợi của mình nhưng điều này rất hiếm được các doanh nghiệp thực hiện trong suốt nhiều năm qua.

PVC Land: doanh nghiệp bất động sản đầu tiên ra tòa theo thủ tục phá sản

Ngày 24-2-2017, TAND TPHCM đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty PVC Land - chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark, theo yêu cầu của chủ nợ là bà Trần Thị Châu Giang (quận 3, TPHCM), người đã mua một căn hộ tại PVC Land và đang bị chậm bàn giao tới sáu năm.

Quyết định mở thủ tục phá sản mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình tố tụng giải quyết một vụ tuyên bố phá sản, nên lúc này có lẽ cũng chưa có gì nhiều để đánh giá về những mặt thành công hay tích cực do việc tuyên bố phá sản PVC Land mang lại. Tuy nhiên, dư luận, kể các các doanh nghiệp bất động sản và người mua căn hộ, chắc chắn đều quan tâm, theo dõi vụ việc này.

Theo quy định tại Luật Phá sản (2014), trong vòng 30 ngày kể từ ngày tòa công bố quyết định mở thủ tục phá sản, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ (kèm các tài liệu chứng minh) đến quản tài viên. Nếu quá thời hạn, thì sẽ bị xem là “từ bỏ quyền đòi nợ”. Đây là một thủ tục và cũng là một quy định có vẻ khá gắt và “gấp” (trong bối cảnh mọi thứ cứ “từ từ chậm chạp” trong thủ tục hành chính hiện nay). Chính vì vậy, tôi có chút băn khoăn về việc làm sao để bảo đảm tất cả các chủ nợ còn lại (ngoài đương sự đã nộp yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản) sớm biết về quyết định của tòa án, và khẩn trương gửi giấy đòi nợ.

Theo quy định tại Luật Phá sản, quyết định mở thủ tục phá sản sẽ được đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, trang tin điện tử của tòa án và hai số báo địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, tới nay vẫn chưa có một kênh chính thức và hiệu quả để theo dõi thông tin phá sản doanh nghiệp. Có lẽ các cơ quan chức năng cần phải có một trang tin điện tử chuyên về việc phá sản doanh nghiệp để bất kỳ ai cũng có thể theo dõi, nắm bắt. Phá sản doanh nghiệp là thủ tục công khai, không mang tính chất phải kín đáo, bảo mật như các giao dịch hay tranh chấp dân sự, thương mại.

Ngoài ra, đối với các dự án bất động sản đã triển khai và đang gặp khó khăn, giải quyết theo hướng tuyên bố phá sản rõ ràng sẽ giúp dự án có cơ hội được tiếp tục triển khai, thông qua kênh bán dự án cho chủ đầu tư khác. Đây là một hướng đi theo tôi là tích cực, dấu hiệu hoặc giải pháp mang tính khả thi, các bên liên quan có thể chấp nhận được. Hơn là để dự án “chết” thật, tài sản bị xuống cấp, hư hỏng, lãng phí...
Măt khác, sau khi tòa án tuyên bố mở thủ tục phá sản, hoạt động của PVC Land sẽ được giám sát, theo dõi bởi công ty quản lý, thanh lý tài sản. Bản thân doanh nghiệp không còn có thể tự ý “muốn làm gì thì làm” nữa, nhất là những hành vi mang tính né tránh trách nhiệm. Điều này sẽ mang lại sự an tâm cho các chủ nợ.

Phá sản doanh nghiệp: Luồng gió mới từ phía Tòa án

Trong quá trình hoạt động của một doanh nghiệp, hẳn nhiên sẽ có những bước thăng trầm, có thể là thất bại, thua lỗ. Pháp luật từ lâu quy định nhiều “con đường” mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để giải quyết khó khăn. Như bán doanh nghiệp, sáp nhập vào doanh nghiệp khác, hay giải thể, tạm đình chỉ hoạt động... Đặc biệt, giải pháp tuyên bố phá sản, xét cho cùng, thực sự là một lối thoát vừa an toàn, vừa tích cực nhất. Trước hết là vì khi doanh nghiệp tiến hành mở thủ tục phá sản, những khó khăn nợ nần sẽ được “đóng băng”, tạo cơ hội có hướng giải quyết và thanh toán các khoản nợ trên cơ sở công khai, hợp lý, dựa trên số tài sản còn lại. Đồng thời, doanh nghiệp còn có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cần thay đổi cách nghĩ về “phá sản doanh nghiệp”

Loại bỏ những thủ tục tố tụng khá rắc rối và qua nhiều giai đoạn trong việc giải quyết một yêu cầu tuyên bố phá sản, một điểm vướng hiện nay nữa là nhận thức, quan niệm và cả tâm lý về phá sản doanh nghiệp trong xã hội còn chưa đúng và đầy đủ.

Mặc dù thực tế rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, mất khả năng thanh toán nợ, hàng ngày trên báo chí vẫn dùng thuật ngữ “phá sản” để chỉ tình trạng này, nhưng rất hiếm khi doanh nghiệp hay chủ nợ tìm hiểu và giải quyết công nợ theo hướng chọn thủ tục tuyên bố phá sản. Hầu hết các chủ nợ đều đòi nợ doanh nghiệp thông qua việc khởi kiện dân sự. Còn doanh nghiệp thì chọn thủ tục giải thể hoặc thậm chí tự đóng cửa, trốn nợ! Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng kiện đòi nợ và cả việc tiến hành thủ tục giải thể đều sẽ bế tắc, không có hướng giải quyết. Trong khi quyền lợi của các bên không gặp nhau và gây thiệt hại, lãng phí cho cả hai bên.

Mặc dù không nắm rõ số lượng thống kê các doanh nghiệp đang ở tình trạng tự đóng cửa, phá sản “lâm sàng”, nhưng tôi nghĩ chắc chắn sẽ rất lớn. Điều này đồng nghĩa là rất nhiều chủ nợ bị trong cảnh bơ vơ, thậm chí phá sản theo. Trong khi đó, tài sản của doanh nghiệp có thể bị bỏ hoang, lãng phí. Bản thân doanh nghiệp cũng không có cơ hội để phục hồi sản xuất kinh doanh. Xét trên tầm vĩ mô của nền kinh tế, điều này là sự lãng phí và bất hợp lý khủng khiếp.

Việc tuyên bố phá sản không bắt doanh nghiệp phải đi vay nợ thêm để trả nợ, bao gồm cả các khoản nợ thuế, nợ lương người lao động, mà còn được hỗ trợ và giám sát (từ phía tổ chức quản lý, thanh lý tài sản). Việc thanh toán các khoản nợ được giải quyết theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở luật định và các bên đều có trách nhiệm chấp nhận. Như vậy, rõ ràng là an toàn và có lợi hơn cho tất cả các bên.

Khó khăn lớn nhất hiện nay, theo tôi, là có vẻ sau một thời gian dài mòn mỏi vì Luật Phá sản cũ không đi vào cuộc sống, doanh nghiệp và khách hàng hình như đã “quên” mất, hay mất đi niềm tin, hoặc sự hiểu biết cần thiết về thủ tục phá sản doanh nghiệp. Đã đến lúc cần thay đổi điều này. Có lẽ Nhà nước cần có trách nhiệm tuyên truyền và phổ biến rộng rãi hơn về pháp luật phá sản doanh nghiệp.

Ở các nước tư bản, việc doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn nhất - tuyên bố phá sản là điều rất bình thường. Điều kiện duy nhất để doanh nghiệp có thể hoặc bị tuyên bố phá sản chỉ đơn giản là “mất khả năng thanh toán”. Phá sản doanh nghiệp chính là lối thoát, giải phóng trách nhiệm và những “khối u” nợ nần, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Mở thủ tục phá sản đã dễ hơn

Từ năm 2004, Quốc hội đã ban hành Luật Phá sản đầu tiên. Thế nhưng, thực tế số lượng thụ lý đơn về yêu cầu mở thủ tục phá sản của tòa án là rất ít. Nhất là so sánh với tỷ lệ hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn doanh nghiệp khó khăn, nợ nần, phải giải thể hoặc “phá sản” thật, nhưng lại không được theo đúng thủ tục phá sản tại Luật Phá sản.

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra. Từ các yếu tố khách quan, như thủ tục phá sản quá phức tạp, bản thân luật chưa rõ ràng và đầy đủ, cho đến tâm ý e ngại từ cả hai phía: doanh nghiệp đang mắc nợ và chủ nợ. Đặc biệt, từ tâm lý của chính cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết việc tuyên bố phá sản là tòa án. Chính vì vậy, Luật Phá sản năm 2004 thực tế đã bị “phá sản” từ lâu, không thể đi vào thực tiễn.

Đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật Phá sản mới (2014), thay thế Luật Phá sản 2004. Luật Phá sản 2014 về nội dung đã sát với thực tiễn và mang tính khả thi hơn nhiều. Đã chính thức đưa ra chế định về “quản tài viên”, về hoạt động của các tổ chức hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong giải quyết thủ tục phá sản. Đây là những hoạt động vừa mang tính độc lập, vừa hỗ trợ cho việc giải quyết thủ tục tuyên bố phá sản (quy định tại Nghị định số 22/2015/NĐ-CP).

Đặc biệt, tháng 8-2016 vừa qua, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định trong Luật Phá sản 2014, trong đó giải thích và hướng dẫn về việc thụ lý, giải quyết các đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đây thực sự là cú hích, gỡ bỏ những e ngại lâu nay từ phía tòa án. Điều này có lẽ sẽ góp phần làm tăng số lượng các vụ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Hy vọng sẽ tạo ra một luồng gió mới trong hoạt động phá sản tại Việt Nam.




No comments:

Post a Comment

View My Stats