Tuesday, 28 March 2017

"PUTIN LÀ KẺ CƯỚP" - HÀNG NGÀN NGƯỜI NGA BIỂU TÌNH CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN TOÀN QUỐC (tin tổng hợp)




Dân Luận tổng hợp
28/03/2017

DL - Hàng ngàn người Nga đổ ra đường biểu tình chống tham nhũng và yêu cầu thủ tướng Medvedev từ chức hôm 26-03-2017. Một số người ủng hộ phe đối lập đã hét lên “Putin là kẻ cướp” tại Quảng trường Manezh khi có du khách đi ngang qua, đài CNBC tường thuật vụ việc.
Cuộc biểu tình nổ ra sau lời kêu gọi của thủ lĩnh bất đồng chính kiến Alexei Navalny thu hút sự tham gia của hàng ngàn người, xảy ra ở 99 thành phố và thị trấn trên khắp nước Nga.

Tờ New York Times dẫn nguồn cảnh sát cho biết, tính đến giữa trưa cùng ngày, có khoảng 7,000 – 8,000 người tuần hành tại đường Tverskaya, Moscow.
Ông Navalny cùng với Quỹ chống Tham nhũng (FBK) công bố một bản báo cáo cho biết Thủ tướng Medvedev tích lũy một “bộ sưu tập biệt thự, du thuyền, và vườn nho.” Khối tài sản khổng lồ vượt quá mức lương chính thức của một thủ tướng. Vị thủ tướng này còn bị cáo buộc là xây nhà riêng cho...con vịt của ông ta.
Trong cuộc biểu tình, Navalny bị cảnh sát bắt giữ cùng với khoảng 500 người biểu tình khác khi đang tuần hành xuống đường Tverskaya tại trung tâm thủ đô Moscow của Nga.
Lúc ông bị bắt giữ, có hàng trăm người vây quay chiếc xe tải, cố mở cửa để cứu ông thoát ra.

Ông Navalny là một nhà đấu tranh chống tham nhũng có tiếng tại Nga. Ông từng bị bỏ tù nhiều lần khi biểu tình trước đó. Navalny dự định sẽ tranh cử Tổng thống vào năm 2018 – cùng đợt với Putin.
Các báo đài nhà nước Nga không đưa tin về những cuộc biểu tình này.
Kể từ năm 1991, Nga có tổng cộng 4 nhiệm kỳ tổng thống, trong đó Putin và Medvedev thay phiên nhau giữ 3 nhiệm kỳ.
Ông Putin giữ chức tổng thống 8 năm, vào năm 2000 khi tổng thống đầu tiên của Nga từ chức.
Năm 2008, người thân cận ông, Medvedev đắc cử tổng thống và đề cử Putin giữ chức thủ tướng.
Năm 2012, đương kim Tổng thống Nga Putin trở lại chức tổng thống lần 2 trong cuộc bầu cử trực tiếp, ông Medvedev xuống giữ chức Thủ tướng.
Theo CNBC, The New York Times, TIME.

--------------------------

27/03/2017

Thủ lãnh đối lập Nga, ông Alexei Navalny bị đưa ra tòa ở Moscow, một ngày sau khi ông và hàng trăm người khác bị bắt giữ khi tham gia cuộc biểu tình chống tham nhũng.

Thủ lãnh đối lập Alexei Navalny tại tòa án ở Moscow hôm 27/3, một ngày sau khi ông bị bắt tại cuộc biểu tình chống tham nhũng (ảnh từ video 27/3/2017).

 Thủ lãnh đối lập Nga, ông Alexei Navalny bị đưa ra tòa ở Moscow, một ngày sau khi ông và hàng trăm người khác bị bắt giữ khi tham gia cuộc biểu tình chống tham nhũng.
Tòa ra lệnh giam tù ông Navalny 15 và phạt ông 20,000 rúp (khoảng 352 đôla) vì vai trò tổ chức biểu tình mà chính quyền nói là bất hợp pháp.
Bà Olga Mikhailova, luật sư của ông Navalny, nói với Reuters rằng bà đã dự đoán sẽ có một phán quyết như vậy và bà sẽ kháng án.
Hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố trên khắp nước Nga, hưởng ứng lời kêu gọi của thủ lãnh đối lập Navalny buộc giới lãnh đạo chóp bu của Nga phải chịu trách nhiệm.
Tổ chức OVD-Info theo dõi hành động đàn áp chính trị của chính phủ Nga đăng trên trang web rằng chỉ riêng tại các cuộc biểu tình ở Moscow, hơn 1.000 đã bị bắt giữ.
Số liệu này chưa thể kiểm chứng độc lập được, trong khi hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga dẫn nguồn tin của cảnh sát Moscow nói rằng họ bắt giữ khoảng 500 người, trong số đó có ông Navalny.
Thủ lãnh đối lập Navalny bị bắt khi đi bộ từ một trạm xe điện ngầm đến cuộc biểu tình ở Quảng trường Pushkin mang tính biểu tượng của thủ đô Moscow. Các phóng viên báo chí tại hiện trường nói cảnh sát đẩy ông vào một chiếc xe cảnh sát, và hàng trăm người biểu tình vây quanh chiếc xe. Đám đông cố tìm cách không cho chiếc xe chạy, và hô to “Đáng xấu hổ!” và “Hãy thả ông [Navalny] ra.”
Từ trong xe cảnh sát, ông Navalny gởi tin nhắn Twitter ra rằng “Gởi các bạn, tôi không sao, tiếp tục đi dọc Tverskaya,” ám chỉ đại lộ chính ở trung tâm thủ đô Moscow.
Washington “cực lực lên án” chính quyền Nga bắt giữ người biểu tình, trong đó có ông Navalny.
Quyền Phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông báo rằng “Bắt giữ người biểu tình ôn hòa, các quan sát viên nhân quyền, và nhà báo là sỉ nhục các giá trị dân chủ.”
Ông Toner nói rằng Hoa Kỳ cảm thấy “lo lắng” về việc chính quyền bắt giữ ông Navalny, người đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào năm 2018.
Cũng trong ngày thứ Hai, Điện Kremlin đã bác bỏ kêu gọi của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu yêu cầu phóng thích những người biểu tình đối lập đang bị giam giữ.
Đây được coi là cuộc xuống đường có phối hợp lớn nhất nhằm bày tỏ sự bất mãn kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình lớn năm 2011 và 2012, sau cuộc bầu cử quốc hội bị cáo buộc có nhiều sai phạm.
Đây là một sự kiện quan trọng! Chúng tôi đến đây để bày tỏ quan điểm của chúng tôi trong tư cách là công dân,” một người tham gia tuần hành tên Alina nói. “Chúng tôi đến đây để bảo đảm quyền công dân.”
Một người biểu tình khác tên Maxim nói: “Bằng việc tham gia cuộc tuần hành này, tôi phản đối tham nhũng trong giới cầm quyền hiện nay. Giới hữu trách không muốn nói chuyện với dân chúng, họ chỉ muốn dùng vũ lực để nói chuyện.”
Ông Navalny đã kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình sau khi tổ chức Chống Tham nhũng của ông công bố một báo cáo chi tiết hồi đầu tháng này, trong đó cáo buộc ông Medvedev đã tích lũy nhiều biệt thự, du thuyền và trang trại nho thông qua một mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận trá hình.
Báo cáo đã thu hút hơn 11 triệu lượt người xem trên YouTune.
Truyền thông chính thức của Nga đưa tin nhỏ giọt về các cuộc biểu tình. Thông tấn xã TASS chỉ loan tin vắn rằng một cảnh sát viên bị thương trong một cuộc biểu tình “không được cho phép” ở Moscow.
Ông Navalny nói trên trang web chính thức của mình rằng 99 thành phố của Nga dự định tổ chức biểu tình, nhưng tại 72 thành phố trong số đó, các chính quyền địa phương đã không cho phép.
Ông Navalny đã kêu gọi được nhiều người ủng hộ tại các thành phố lớn của Nga trong mấy tuần lễ qua.

---------------------------
27 tháng 3 2017

Lãnh đạo đối lập Nga, ông Alexei Navalny, bị tòa ở Moscow kết án 15 ngày giam giữ vì cưỡng lại cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 26/3.
Ông Navalny là một trong ít nhất 500 người bị bắt sau khi biểu tình.

Ông Alexei Navalny bị bắt hôm Chủ nhật. AFP

Trước đó Liên hiệp châu Âu yêu cầu Nga trả tự do "không chậm trễ" cho những người bị bắt trong làn sóng biểu tình hôm Chủ nhật.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nói người dân cần được "tự do thực hiện quyền của mình mà không sợ bị trả thù".
Người biểu tình đòi Thủ tướng Dmitry Medvedev từ chức vì cáo buộc tham nhũng.
Ông Alexei Navalny đã ra tòa vào hôm thứ Hai 27/3.


Ông Navalny, 40 tuổi, viết trên mạng Twitter từ trong tòa án: "Xin chào tất cả mọi người từ Tòa án Tversky. Sẽ tới lúc chúng ta mang bọn họ ra xử."
Ông cũng nói rằng tòa cần triệu tập ông Medvedev.

Ông Alexei Navalny đã tweet và đăng hình selfie từ tòa án

Làn sóng biểu tình
Làn sóng biểu tình hôm Chủ nhật 26/3 thu hút sự tham gia của hàng nghìn người trên toàn nước Nga, trong đó có các thành phố Saint Petersburg, Vladivostok, Novosibirsk, Tomsk và cả Moscow.
Ít nhất 500 người đã bị bắt. Các cuộc biểu tình tại đa số địa phương diễn ra không có giấy phép của chính quyền.
Vô tuyến Nga chiếu hình người biểu tình hò hét "Đả đảo Putin!", "Nước Nga không cần Putin!" và "Putin là quân trộm cắp!".
Giới phóng viên nói đây là làn sóng biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ các năm 2011 - 2012.

EU và Mỹ nói gì?
Một phát ngôn viên của EU nói cảnh sát Nga đã "ngăn cản việc thực thi quyền cơ bản về biểu đạt ý kiến, hội họp hòa bình vốn đã được hiến định ở Nga".
Thông cáo của EU viết: "Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Nga thực hiện đầy đủ bổn phận của mình trước quốc tế... và trả tự do không chậm trễ cho những người biểu tình hòa bình đã bị bắt."
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner thì nói trong một thông cáo: "Người dân Nga, cũng như người dân ở bất cứ nước nào, xứng đáng có một chính phủ ủng hộ sự cởi mở về ý tưởng, quản lý minh bạch và có trách nhiệm, đối xử công bằng theo pháp luật và tôn trọng việc thực thi quyền của người dân mà không sợ bị trả thù".

Cảnh sát ước tính có từ 6.000 tới 8.000 người biểu tình ở Moscow

Tại sao có biểu tình?
Ông Navalny kêu gọi biểu tình trên toàn quốc sau khi công bố cáo buộc rằng Thủ tướng Medvedev sở hữu nhiều địa ốc, thuyền buồm và vườn nho - cho thấy tài sản khổng lồ không tương xứng với mức lương công bố của ông.
Cáo buộc của ông Navalny đăng trên YouTube đã có hơn 11 triệu lượt xem.
Là người chỉ trích Tổng thống Putin được biết đến nhiều nhất, ông Navalny bắt đầu viết blog chống tham nhũng nhằm vào các công ty của nhà nước Nga từ năm 2008.
Ông cũng phản đối đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất, gọi đảng này là "đảng của quân đầu trộm đuôi cướp".
Ông đã lãnh đạo cuộc biểu tình khổng lồ hậu bầu cử năm 2011, sau đó ông bị bắt và bị bắt giam 15 ngày.
Navalny nói ông sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2018, thế nhưng tòa án Nga buộc ông tội biển thủ và do vậy ông không thể tranh cử.

Người biểu tình bên ngoài chiếc xe buýt chở ông Alexei Navalny. AP

Điện Kremlin phản ứng thế nào?
Truyền hình nhà nước Nga không đưa tin về các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật.
Người phát ngôn của ông Medvedev gọi các cáo buộc nhằm vào ông là "tấn công tuyên truyền".
Khi được hỏi ông làm gì hôm Chủ nhật, ông Medvedev trả lời ngắn gọn trên Instagram: "Tôi đi trượt tuyết và có một ngày vui vẻ".
Trong quá khứ chính phủ Nga từng gọi phe đối lập là giới thượng lưu Tây hóa không có hiểu biết gì về thực tế các vấn đề mà người dân Nga phải đối diện.
Tuy nhiên phóng viên BBC Steve Rosenberg hiện ở Moscow cho hay một số báo có đưa tin về biểu tình. Tờ nhật báo chuyên kinh doanh Vedomosti nói người dân đang bất mãn với chính phủ và tầng lớp thanh niên đang bị chính trị hóa.

-----------------------

Đăng ngày 27-03-2017

Trong một phiên tòa cấp tốc mở ra hôm 27/03/2017, chính quyền Nga đã kết án nhà đối lập Alexei Navalny 15 ngày tù vì tội tổ chức biểu tình. Bản án được đưa ra đúng một hôm sau ông bị bắt trong cuộc biểu tình rầm rộ tại thủ đô Mátxcơva chống tệ nạn tham nhũng.

Nhà đối lập Nga Alexeï Navalny (phải) bị đưa ra tòa án Mátxcơva sáng ngày 27/03/2017.REUTERS/Maxim Shemetov

Theo hãng AFP, đối thủ số một của điện Kremlin nằm trong số hơn một ngàn người bị câu lưu vào hôm qua. Ông đã bị áp tải đến tòa án Tverskoy ở trung tâm Mátxcơva dưới sự chứng kiến của các nhà báo và khoảng 20 ủng hộ viên. Trung thành với thái độ bất khuất của mình, Navalny đã gởi đi một tin nhắn Twitter đề cập đến chính quyền Nga và khẳng định : " Sẽ có ngày mà chính chúng ta là những người xét xử họ (và lúc đó là một cách trung thực)".
Là người đã huy động phong trào xuống đường vào hôm qua để chống tệ nạn tham nhũng nơi giới có quyền có chức, ông Navalny đã bị bắt ngay khi cuộc biểu tình ở Mátxcơva vừa bắt đầu. Ông bị buộc vào tội danh kêu gọi biểu tình dẫn đến xáo trộn trật tự công cộng và đã bị kết án 15 ngày tù. Alexei Navalny còn bị phạt vạ 20 nghìn rúp (tương đương với 340 đô la).
Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Nga trả tự do ngay lập tức cho những người biểu tình bị bắt, trong đó có ông Navalny. Tuy nhiên, vào hôm nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ các lời kêu gọi này.
Theo các nhà quan sát, phong trào biểu tình vào hôm qua 26/03 có hai yếu tố mới : Có rất nhiều cuộc biểu tình ở các tỉnh, thường khi khá yên tĩnh, và độ tuổi trung bình của những người biểu tình đã trẻ đi một cách đáng kể, với sự tham gia của rất nhiều thanh niên sinh ra hồi đầu thế kỷ.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Mátxcơva, vào hôm qua, hàng chục ngàn người đã đáp ứng lời kêu gọi biểu tình tại hơn 90 thành phố Nga. Riêng tại Matxcơva đã có khoảng 20.000 người, và thông tín viên RFI đã có mặt tại chỗ để ghi nhận các phản ứng :

Một cuộc tuần hành chống tham nhũng đơn thuần đã dần dần biến thành một cuộc biểu tình mang màu sắc chính trị rõ nét. 
Một số thanh niên, vốn chỉ biết duy nhất một tổng thống là Putin, đã bày tỏ thái độ chán ngán trước nạn tham nhũng. Họ tố cáo chính quyền lún sâu vào những vụ tham nhũng, và cho rằng đã đến lúc phải thay đổi.
Một thanh niên giải thích: « Mọi người xuống đường để chất vấn về tài sản của thủ tướng Medvedev. Biểu tình bị cấm đoán trong lúc chúng tôi chỉ muốn có câu trả lời. Tại châu Âu, khi bất bình thì người ta còn có quyền xuống đường, còn ở nước Nga này mọi việc đều bị ngăn cản, và chúng tôi có nguy cơ bị tống vào tù ».
Vào hôm qua, đi ngoài đường với cờ Nga trên tay là có nguy cơ bị bắt giữ. Lại càng nguy hiểm hơn nếu có một đôi giầy basket hay một con vịt màu vàng, biểu tượng của cuộc điều tra do ông Alexei Navalny khởi xướng về tài sản của thủ tướng Nga.
Một người đàn ông đi cùng với đứa con, mang theo một tấm áp phích với con vịt màu vàng giải thích : « Tấm biển này muốn nói là nếu chúng tội tiếp tục im lặng thì con cái chúng tôi sẽ không có tương lai, trong một đất nước mà tương lai chỉ dành cho con cái những người hiện đang cướp phá đất nước ».
Thế nhưng, hành động biểu tình bị nghiêm cấm, và người kêu gọi xuống đường, ông Alexei Navalny đã bị bắt. Điều này khiến người biểu tình tức giận. Họ đã hô to khẩu hiệu : « Nước Nga không Putin »
Cảnh sát chống bạo động đã lao vào bắt giữ hàng trăm người biểu tình, nhiều khi một cách thô bạo, trong lúc khẩu hiệu chống Putin vẫn vang lên ở quảng trường Pouchkine đông nghẹt người. 
Chính quyền nêu con số 8000 người biểu tình. Trong thực tế, số người tham gia đông hơn gấp đôi, chưa kể đến số người xuống đường tại hơn 90 thành phố ở các tỉnh, điều chưa từng thấy ở Nga từ năm 2012.




No comments:

Post a Comment

View My Stats