Thursday, 30 March 2017

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH : QUÁ ĐỦ RỒI ! (Hiện Hữu - Dân Luận)




Hiện Hữu
Tác giả gửi tới Dân Luận
31/03/2017

Các cơ quan tuyên truyền, các nghị quyết mỗi khi đề cập đến lĩnh vực sinh hoạt tư tưởng thì cứ liên tục nhấn đi nhấn lại những ca khúc xưa cũ, đó là học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Thật khốn khổ thay ! Biết bây giờ đã là “thời đại mới” rồi mà vẫn kêu gọi mọi người từ cán bộ, lãnh đạo, quân nhân cho đến toàn dân phải ôm khư khư cái sản phẩm ý thức hệ, góp phần quá nhiều vào sự nghiệp “nhồi sọ” thế hệ thanh niên Việt Nam.

Có lẽ ai cũng đã biết được sự khác nhau giữa ý thức hệ và lãnh vực nghiên cứu khoa học về tư tưởng. Một ý thức hệ có nghĩa là đã xem tư tưởng như là một phương tiện để bảo vệ mục tiêu chính trị nào đó của nhà cầm quyền và thông thường điều này hay xảy ở các chế độ toàn trị, hơn nữa sản phẩm ý thức hệ lại càng dồi dào hơn khi đi chung với việc tôn thờ thái quá lãnh tụ, xem họ một bình phong cho các hoạt động tuyên truyền chính trị, thế nên mới có chủ nghĩa Mao, chủ nghĩa Stalin và tại Việt Nam thì có “Hồ Chí Minh’s Thought”.

Trong khi đó, đối với lãnh vực về khoa học tư tưởng là cần sự khách quan thật sự, không thể áp đặt ý chí chủ quan nào vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học trừ phi nó bị buộc phải làm theo sự chỉ huy nào đó và trong lãnh vực tư tưởng thì việc áp đặt là chỉ nhằm mục đích nhồi sọ mọi người. Không thể có cái gọi là “nghiên cứu tư tưởng” thật sự nếu một tư tưởng nào đó hoàn toàn bị nhồi nhét vào đầu của các học giả và buộc họ phải học tập, rập khuôn theo những mệnh đề của tư tưởng đó.

Không những hệ thống chính trị kêu gọi tiếp thu tư tưởng của cái sản phẩm ý thức hệ này mà còn kêu gọi hướng theo những nội dung khác của nó nữa ví dụ như là đạo đức của Hồ Chí Minh.Việc mang đạo đức cá nhân của lãnh tụ Hồ Chí Minh ra để nhào nặn thành ý thức hệ là một chiêu bài có tính tuyên truyền và đạo đức của một cá nhân con người bằng xương bằng thịt không thể được nâng lên tầm phổ quát, lý tưởng hóa và bất khả tư nghị như vậy, bởi lẽ nghiên cứu tư tưởng, Triết học nói chung là không thể chấp nhận những cái gì là tuyệt đối đúng .Hơn nữa, bộ máy tuyên truyền về hình ảnh lãnh tụ sẽ không cho phép bất cứ một hoạt động nào nhằm “giải thiêng” về hình ảnh này.

Một sản phẩm ý thức hệ được bảo vệ bởi những thế lực cầm quyền đã làm thui chột đi hoàn toàn cái ý nghĩa thật sự của việc nghiên cứu tư tưởng, học thuyết của một nhân vật lịch sử nào đó, rút ra những bài học từ cuộc đời và sự nghiệp của họ và đồng thời phải có tính phê phán, nêu ra những hạn chế của tư tưởng, học thuyết này. Rồi cũng thật nực cười khi trong đào tạo về chính trị tại Việt Nam lại có một chuyên ngành tên là Hồ Chí Minh học (Ho Chi Minh Studies), tại sao một sản phẩm ý thức hệ như thế lại trở nên là một ngành khoa học tư tưởng, bởi vì đó vốn không thể là khoa học, tri thức được tiếp thu từ chúng là không thể được phép phê phán và xét lại vì chúng có hàm chứa trong đó sự chính trị hóa , tức là có rất nhiều biểu tượng để tuyên truyền cốt sao cho phục vụ việc cầm quyền, kiểm soát tư tưởng.

Thế hệ thanh niên hiện nay và tương lai của Việt Nam xứng đáng được hưởng những bộ mặt khai phóng - tự do của khoa học và giáo dục, họ nên được đào tạo để sẵn sàng tự do phê phán và bình luận về những gì đang diễn ra xung quanh họ và sau cùng là sẽ đi tìm hiểu sự thật về những gì mà họ thấy cần phải làm cho ra lẽ, họ cần phải sống với những gì là hiện thực của đời sống và làm quen với những cái đôi khi là không hoàn hảo nhưng là thực,còn hơn là phải tuân theo tuyệt đối những hình ảnh, tư tưởng, chiến công, mục tiêu luôn được dán những mỹ từ ca ngợi vì sự tuyên truyền của chế độ.

Hiện Hữu
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.





No comments:

Post a Comment

View My Stats