Sunday, 26 March 2017

TỔNG THỐNG TRUMP THUA NHƯNG CÓ THỂ MỪNG (Ngô Nhân Dụng)




Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Dân biểu Paul Ryan chịu thua. Ngày Thứ Năm ông chủ tịch Hạ viện đã ngưng không đưa dự luật cải tổ y tế của mình, gọi tắt là AHCA, ra biểu quyết, ngày hôm sau ông đành bỏ cuộc luôn, chấp nhận “không biết bao giờ” mới đưa ra một dự luật khác. Vì ông biết không đủ số phiếu chấp thuận.

Tổng thống Donald Trump cũng thua. Ông đã từng tuyên bố ủng hộ dự luật của Ryan 100%. Ông dùng ngôi vị tổng thống tìm cách thuyết phục các dân biểu Cộng Hòa không hài lòng hãy bỏ phiếu chấp nhận. Ông đã gặp các dân biểu bảo thủ nhất để thương lượng; và ông đã nhượng bộ họ, cùng ông Ryan thay đổi nhiều điều như họ đòi hỏi. Ông cũng mạnh mẽ yêu cầu ông Ryan phải đưa dự luật ra bỏ phiếu ngày Thứ Sáu, bắt các đại biểu Cộng Hòa phải lựa chọn. Có lúc ông đe dọa các đại biểu ngập ngừng, nói ai bỏ phiếu “không” sẽ bị gán tội  “vẫn muốn giữ Obamacare,” một đạo luật mà đảng Cộng Hòa đã chống đối suốt từ lúc bẩy năm tới nay. Cuối cùng, tài thương thuyết và khả năng chinh phục của ông Trump không hiệu quả.

Đây là một thất bại lập pháp lớn của ông Trump, sau khi những sắc lệnh hạn chế di dân tị nạn đến từ bẩy (sau xuống sáu) nước Hồi Giáo của ông bị nhiều tòa án bác bỏ hai lần trong một tháng. Nhưng ông Trump không phải là người dễ dàng chấp nhận mình thất bại. Vài giờ sau khi dự luật của ông Ryan bị rút, ông Trump đã lên tiếng đổ lỗi cho các dân biểu đảng Dân Chủ. Cái tội của họ là trước sau không đồng ý với ông. Ông tránh không kết tội những đại biểu Cộng Hòa bỏ rơi mình, dù đảng ông đang chiếm đa số.

Nhưng ông Trump có thể đã rút ra được một bài học kinh nghiệm: Làm tổng thống một nước dân chủ khác với điều khiển một xí nghiệp mình làm chủ. Ông chủ chỉ cần ra lệnh, nhân viên cứ thế mà thi hành, dù họ thích hay không. Vị tổng thống chia quyền trị nước cùng với quốc hội và tòa án, ba quyền hành tách biệt và hạn chế lẫn nhau.

Nếu vụ này diễn ra trong một nước theo chế độ nghị viện thì khác. Ông thủ tướng được các đại biểu cùng đảng, hoặc trong cùng liên minh cầm quyền cử ra. Dự luật mà thủ tướng đề nghị bảo đảm được tất cả các đại biểu trong đảng và liên minh đồng ý. Tại nước Mỹ, các đại biểu quốc hội không nhất nhất phải theo lệnh của đảng. Họ chịu trách nhiệm với các cử tri, những người bỏ phiếu cho họ.

Đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số tại Hạ viện. Nhưng nếu có 22 đại biểu Cộng Hòa nói “không” thì Dự luật y tế của ông Paul Ryan sẽ không chiếm được đa số, vì tất cả các đại biểu Dân Chủ đều chống. Sau bao ngày thương thuyết và tạo áp lực, cho đến trưa ngày Thứ Sáu vẫn còn hơn 30 người nói “không,” thế là ông Ryan phải bỏ cuộc.

Những người chống đối đầu tiên thuộc nhóm bảo thủ cực hữu (House Freedom Caucus), vì họ thấy dự luật Ryan còn chưa bãi bỏ hết những điều họ chống trong đạo luật của cựu Tổng thống Barack Obama. Họ coi dự luật AHCA, hay “Ryancare” chỉ là một thứ “Obamacare” pha loãng. Nếu đồng ý dự luật này, sang năm 2018 họ sẽ không được nhiều người cực hữu ủng hộ, nhất là những người góp tiền tranh cử! Cho nên họ đòi xóa bỏ chương trình mở rộng Medicaid (Medical tại California) mà nhiều tiểu bang đã áp dụng theo Obamacare. Trong ngày Thứ Năm, Tổng thống Trump và Dân biểu Ryan đã chịu nhượng bộ điều này, trái với lời hứa của ông Trump khi tranh cử. Nhưng đến tối Thứ Năm, nhóm cực hữu còn đòi xóa bỏ một điều khác trong Obamacare; điều khoản này bắt buộc các hãng bảo hiểm phải lo đủ 10 việc căn bản cho bệnh nhân như chữa trị các sản phụ và thai nhi, vân vân. Tới đó, ông Trump và ông Ryan cũng đồng ý. Chưa hết, họ lại đòi phải xóa bỏ cả nhiều khoản khác, như bắt các công ty bảo hiểm không được từ chối ký hợp đồng với những người đang có bệnh; bắt cho con cái 26 tuổi vẫn được theo bảo hiểm của cha mẹ; hoặc bắt phải chi 80% tiền đóng góp của bệnh nhân vào việc chữa bệnh. Dù được nhượng bộ, nhưng nhóm House Freedom Caucus vẫn chưa hài lòng. Vì họ thấy sau những thay đổi này, số khiếm hụt ngân sách sẽ chỉ giảm được 150 tỷ đô la, không phải 337 tỷ như tính toán trước đó. Một “kinh điển” của các nhóm bảo thủ là không cho ngân sách khiếm hụt.

Nhưng đến đây thì ông Ryan không thể nhượng bộ thêm. Vì ngay khi ông nhượng bộ các điều trước đó, rất nhiều dân biểu ôn hòa trong đảng ông đã phản đối. Trước khi ông Ryan nhượng bộ, họ đã nhìn thấy rằng với dự luật AHCA của ông thì nhiều cử tri  nghèo trong đơn vị của họ sắp mất bảo hiểm (14 triệu trong toàn quốc, tăng thành 24 triệu trong ba năm). Với những thay đổi mới do nhóm bảo thủ yêu cầu và được thỏa mãn, nhiều người trung lưu và có tuổi nhưng chưa về hưu cũng khó mua được bảo hiểm, vì giá mua bảo hiểm sẽ tăng lên.

Mối lo của các đại biểu ôn hòa là nếu dự luật Ryancare được thông qua, sang năm 2018 khi họ tái tranh cử, các cử tri bị mất bảo hiểm sẽ “hỏi tội” những người bỏ phiếu cho “Ryancare!” Vì nếu AHCA thành luật thì những gia đình với lợi tức 50,000 mỹ kim một năm trở xuống sẽ thiệt hại tiền bạc rất nhiều. Những gia đình kiếm dưới 10,000 mỹ kim sẽ mất thêm 1,420 đô la một năm. Ngược lại, các gia đình lợi tức từ 200,000 đô la trở lên sẽ được lợi 5,600 đô la một năm. Thay thế Obamacare bằng Ryancare là chuyển tiền từ túi người nghèo cho người khá giả.

Nhưng các người lớn tuổi bị thiệt hại hơn cả. Hiện nay, những người ở tuổi 60 với lợi tức 50,000 đô la một năm phải chi trung bình 10% đến 15% lợi tức cho bảo hiểm y tế. Với AHCA, họ sẽ phải trả nhiều lần cao hơn. Tại Alaska, tiền đóng bảo hiểm của những người này sẽ tăng lên bằng 70% lợi tức, theo tính toán của Kaiser Family Foundation.

Nhiều người nghèo thuộc lớp tuổi này đã ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong cuộc bàu cử năm ngoái. Tại La Paz County, tiểu bang Arizona, nơi ông Trump đã chiếm 72% số phiếu, họ đang đóng 5% lợi tức cho bảo hiểm y tế, nhưng sẽ phải chịu phí tổn bằng 132% lợi tức nếu AHCA biến thành luật.

Khi ông Paul Ryan mới đưa ra dự luật AHCA, nhiều cố vấn thân cận của Tổng thống Trump đã tố cáo rằng dự luật này là một cái bẫy đe dọa chính ông Trump trong tương lai, khi ông phải chuẩn bị tranh cử năm 2020. Dự luật này sẽ cắt bỏ Medicaid của hàng chục triệu người. Mà ông Trump, trong khi tranh cử trong đảng, năm 2016, đã từng hãnh diện khoe rằng ứng cử viên Huckabee chỉ bắt chước ông,  “Tôi là ứng cử viên Cộng Hòa duy nhất tuyên bố sẽ không cắt giảm Social Security, Medicare và Medicaid. Sau khi đắc cử ông vẫn còn lập lại lời hứa  “sẽ không có ai mất bảo hiểm.” Nếu AHCA thành luật, những lời hứa trên sẽ bị coi là nói dối.

Nhưng trong gần ba tuần qua, ông Trump vẫn cổ động cho AHCA, dùng địa vị lãnh đạo để tạo áp lực trên các đại biểu quốc hội Cộng Hòa. Vì ông muốn chứng tỏ đã làm được đúng một lời hứa khác: “Xóa bỏ và thay thế Obamacare ngay khi lên làm tổng thống” (ông còn nói, trong ngày đầu tiên vào Tòa Bạch Ốc). Nếu thực hiện được lời hứa lớn này, ông có thể hy sinh các lời hứa nhỏ hơn; các cử tri của ông vẫn thỏa mãn! 

Dù thất bại không xóa bỏ Obamacare, ông Trump vẫn có thể cảm thấy mừng. Tâm trạng mừng này lộ ra khi ông đả kích các dân biểu đảng Dân Chủ, coi họ là thủ phạm gây ra thất bại của dự luật Ryancare. Ông tiên đoán rằng trong vòng một năm nữa chính phe Dân Chủ sẽ “đầu hàng” và xin cộng tác với ông để thay thế Obamacare! Vì ông tin chắc chương trình y tế của ông Obama sẽ thất bại, ngày càng nặng nề, không thể tồn tại được. Đảng Dân Chủ sẽ gánh trách nhiệm về thất bại đó! Ông Trump nói, “Vì họ đang làm chủ (tòa nhà y tế hiện nay!)”

Trong cách nói này, chúng ta hiểu ông Trump cũng có điều lo lắng nếu dự luật AHCA được thông qua! Lúc đó ông Trump và đảng Cộng Hòa đóng vai “làm chủ!” Khi dự luật này được thi hành, nếu xẩy ra chuyện gì “xấu” thì tất cả sẽ đổ lên đầu ông Trump! Mà  ai cũng biết được hàng chục triệu người sẽ bị thiệt hại nếu AHCA được thi hành! Họ sẽ phản ứng như thế nào? Khi họ than trách, họ sẽ nhắm vào “Trump-Ryan Care!”

Chúng ta biết rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng gây ra những xáo trộn, có người lợi, có người thiệt. Thay đổi cả hệ thống y tế của 300 triệu công dân Mỹ sẽ tạo ra các xáo trộn rất lớn. Trong chính trị nước Mỹ có quan niệm khác nhau về bảo hiểm y tế. Những người cấp tiến coi đó là một “quyền căn bản,” người dân Mỹ ai cũng phải được chữa bệnh, giống như quyền được sống với một mức lợi tức tối thiểu. Phe bảo thủ thì coi y tế là một lựa chọn của mỗi cá nhân, có bảo hiểm y tế hay không là trách nhiệm và quyền tự do của mỗi người.

Nhiều người chấp nhận cả hai quan điểm trên, và muốn cả hai phải được tôn trọng. Nhưng làm cách nào thực hiện được cả hai quy tắc đó? Nên nghiêng về phía quy tắc nào nhiều hơn? Đây là việc của các nhà chính trị, trong hành động lập pháp. Họ sẽ tiếp tục thảo luận, tranh đấu với nhau trong nhiều năm tới! Nhưng cuối cùng chắc người dân bình thường sẽ không thỏa mãn nếu một trong hai quy tắc trên toàn thắng, để cho quy tắc khác bị hy sinh!





No comments:

Post a Comment

View My Stats