Saturday, 25 March 2017

TRANH CÃI VỤ HỦY ĐIỀU TRẦN CÔNG KHAI VỀ CAN DỰ CỦA NGA TRONG BẦU CỬ MỸ (tin tổng hợp)




25/03/2017

Các nhà lập pháp hàng đầu Hoa Kỳ đang tranh cãi gay gắt về quyết định ngưng điều trần công khai về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, vụ tranh cãi mới nhất nổ ra sau khi cuộc điều trần công khai của các cựu nhân viên tình báo bị huỷ bỏ đột ngột.

Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, thuộc Đảng Cộng hoà, loan báo quyết định này hôm thứ Sáu, cho rằng đó là điều cần thiết để nghe những lời khai chứng của Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - NSA trong một cuộc điều trần kín.

Trong một cuộc họp báo dàn xếp vội vã, ông Nunes nói uỷ ban tình báo Hạ viện muốn tìm kiếm thêm thông tin, và chỉ có thể có những thông tin đó trong các buổi điều trần kín.

Tin này bị các dân biểu Đảng Dân chủ mạnh mẽ đả kích, họ lưu ý rằng Giám Đốc FBI James Comey và Giám Đốc NSA, Đô đốc Mike Rogers đã công khai điều trần hôm thứ Hai trước đó.

Trong buổi điều trần đó, ông Comey lần đầu tiên xác nhận là các giới chức đang điều tra những liên hệ có thể có giữa đội chuyển tiếp của ông Trump với Nga.

Ông Adam Schiff, dân biểu hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Uỷ ban Tình báo Hạ viện, nói huỷ cuộc điều trần công khai với Giám Đốc Tình báo Quốc gia James Clapper và cựu Giám Đốc CIA John Brennan là một hành động “tránh né.”

Ông mô tả loan báo của ông Nunes rằng ông Paul Manafort, cựu Giám Đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, đồng ý nói chuyện với uỷ ban là một chiêu trò nhằm đánh lạc hướng dư luận. Dân biểu Schiff nói:

“Phải có sự can thiệp mạnh mẽ từ Toà Bạch Ốc. Tôi không thể đi đến kết luận nào khác để lý giải vì sao một cuộc điều trần được mọi người đồng ý lại bất thần bị huỷ bỏ? Có lý do nào khác để giải thích điều đó? ”

Nga khăng khăng bác bỏ những cáo buộc của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch nhằm tác động đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Trump cũng mạnh mẽ chống đối những lời cáo buộc, nói rằng những cáo buộc đó được các giới chức Đảng Dân chủ kích động để chạy lỗi và giải thích vì sao ứng cử viên của họ, bà Hillary Clinton, thất cử.

*
TIN LIÊN QUAN
24/03/2017    -   Jeff Seldin
21/03/2017

------------------------------

Monday, 20/03/2017 - 10:35:49
.
Điều trần về tin tặc Nga
Giám Đốc James Comey của cơ quan FBI (bên trái) đang chuẩn bị ngồi trong phòng điều trần tại Hạ Viện sáng thứ Hai, để trả lời các câu hỏi của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện về sự việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ vào năm ngoái. Đây là cuộc điều trần công khai đầu tiên về mối quan hệ giữa Điện Cẩm Linh và những người đã hoặc đang làm việc cho Tổng Thống Donald Trump. (Zach Gibson/ Getty Images)

HOA THỊNH ĐỐN - Trong một cuộc điều trần rất quan trọng diễn ra tại Hạ Viện Hoa Kỳ ngày thứ Hai, Giám Đốc James B. Comey của cơ quan điều tra liên bang FBI đã nhắc tới hai đề tài mà nhiều người muốn nghe. Đó là mối quan hệ giữa chính phủ Nga, hay chính xác hơn là chính phủ của Vladimir Putin, với Tổng Thống Donald Trump trong thời gian tranh cử vào năm ngoái, và sự chính xác trong lời tố cáo của ông Trump về việc chính phủ Obama đã nghe lén tại tòa nhà Trump Tower ở New York.

Đề tài nghe lén đã được trả lời ngắn ngọn, không mất nhiều thời giờ, và gần như hoàn toàn bác bỏ mọi tố cáo của Tổng Thống Donald Trump cũng như các phụ tá của ông trong tuần qua.

Trước các dân biểu thuộc Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, Giám Đốc James Comey được hỏi ý kiến về những tin nhắn “tweet” mà ông Trump từng viết trên mạng xã hội từ đầu tháng Ba, nhằm tố cáo chính phủ Obama đã ra lệnh đặt máy nghe lén ông Trump. Ông Comey đã khẳng định, “Không một vị tổng thống nào được quyền ra lệnh nghe lén bất kỳ ai.”

Ông Comey nói thêm, “Tôi không có một thông tin nào có thể hỗ trợ cho những phát biểu tweet (của ông Trump). Chúng tôi đã xem xét rất kỹ trong nội bộ FBI. Bộ Tư Pháp đã yêu cầu tôi chia sẻ với quí vị rằng Bộ Tư Pháp và tất cả ban ngành của bộ này cũng có câu trả lời tương tự như của FBI.”

Sau khi nghe câu trả lời trái ý này, ông Trump nói rằng những cáo buộc của ông đã dựa trên một bản tường trình của Thẩm Phán Andrew Napolitano mà ông từng được xem trên đài tin tức Fox News. Trước câu trả lời của FBI, Tổng Thống Trump bào chữa và đổ lỗi cho Fox News, “Chúng tôi không nói gì hết. Chúng tôi chỉ nhắc lại những gì mà một người có bộ óc rất giỏi về luật pháp đã nói, và người đó (ông Napolitano) chịu trách nhiệm cho lời cáo buộc.”

Không những gây xào xáo trong dư luận Hoa Kỳ, các phụ tá của ông Trump còn nói rằng chính phủ Obama từng đề nghị cơ quan tình báo Anh hãy giúp theo dõi ông Trump. Trước sự phản đối quyết liệt từ phía chính phủ Anh trước tố cáo vô căn cứ này, trong tuần qua chính phủ Trump đã cam kết không lập lại lời tố cáo liên quan đến chính phủ Anh.

Sau khi đề tài nghe lén được trả lời nhanh gọn và không còn gì thắc mắc thêm từ phía Ủy Ban Tình Báo, Giám Đốc FBI đã trả lời các câu hỏi về tin đồn người Nga đã giúp ông Trump đắc cử. Ông Comey xác nhận rằng FBI đang thực hiện một cuộc điều tra về sự việc có thể có sự điều hợp giữa chính phủ Nga với ban tranh cử của ông Trump. Cuộc điều tra này có thể đi sâu tận vào Tòa Bạch Ốc và kéo dài trong nhiều tháng sắp tới.

Cùng lúc xác nhận có cuộc điều tra, ông Comey đã từ chối cho biết những người nào gần với tổng thống mà đang bị nghi ngờ có hành động phạm pháp. “Chúng tôi không muốn bôi nhọ một ai” khi mà cuối cùng người đó chưa chắc sẽ bị truy tố, ông Comey cho biết.

Cuộc điều trần đã kéo dài năm tiếng đồng hồ. Đây là cuộc điều tra đầu tiên của Hạ Viện về nỗ lực của người Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 của Hoa Kỳ.

Bình thường thì FBI không bao giờ tiết lộ về việc có một cuộc điều tra đang diễn ra. “Thế nhưng trong trường hợp đặc biệt này, khi mà công chúng đều muốn biết,” ông Comey nói, “sự tiết lộ có thể là phù hợp để mọi người được biết.”

Giám Đốc FBI cũng cho biết ông được phép của Bộ Tư Pháp để tiết lộ rằng hiện nay Bộ Tư Pháp đang có một cuộc điều tra rất sâu rộng về sự can thiệp của Nga vào tiến trình bầu cử. Vào năm ngoái, cũng chính ông Comey này, từng bị chính phủ Obama chỉ trích thậm tệ khi ông tiết lộ rằng FBI đang mở lại cuộc điều tra về việc bà Hillary Clinton dùng máy chủ riêng để trao đổi thư từ email của chính phủ. Lúc đó ông Comey tiết lộ sự việc chỉ cách 11 ngày trước ngày bầu cử, ảnh hưởng đến ý kiến của cử tri đối với bà Clinton, và khi ấy ông bị khiển trách vì tiết lộ mà không có sự đồng ý của Bộ Tư Pháp.

Trong cuộc điều trần ngày thứ Hai, 20 tháng Ba, Giám Đốc FBI có bày tỏ sự hối tiếc rằng ông đã không quyết liệt hơn trong việc báo tin cho Đảng Dân Chủ biết về hoạt động của tin tặc Nga trong cuộc bầu cử 2016.

Theo lời của một chuyên viên điện toán IT, FBI đã có báo tin cho Đảng Dân Chủ biết về mối đe dọa toàn quốc mà tin tặc Nga có thể gây ra từ tháng Chín 2015. Thế nhưng, theo lời của chuyên viên IT này với nhật báo New York Times, FBI chỉ thông báo bằng cách để lại lời nhắn trong máy nhận điện thoại tại phòng IT của Đảng Dân Chủ. Chuyên viên nói cho nhật báo biết rằng khi nghe tin nhắn ấy, những người trong ban IT tưởng đó là một cú gọi để quấy phá, chứ không phải một lời thông báo chính thức của FBI.
Trong cuộc điều trần, Dân Biểu Will Hurd (Cộng Hòa, Texas) có hỏi ông Comey về sự báo tin này, và ông Comey đáp, “Lẽ ra chúng tôi phải bắn một trái hỏa châu báo động lớn hơn nhiều, chúng tôi phải đập vào cửa rầm rầm để họ mở cửa nghe.

“Chúng tôi đã có nỗ lực báo động (về tin tặc Nga), thế nhưng dựa theo những gì mà nay tôi được biết, đáng lẽ tôi phải đích thân bước đến tận nơi đó để báo tin cho họ biết.”

Trong cuộc điều trần, ông Comey và các viên chức lãnh đạo ngành tình báo Hoa Kỳ đã tránh tiết lộ chi tiết về cuộc điều tra cũng như cung cấp tin tức mới về sự đột nhập của tin tặc vào hệ thống máy của Đảng Dân Chủ và các mục tiêu chính trị khác. Thế nhưng FBI có xác nhận một số chi tiết về tin tặc mà báo chí Mỹ đã loan tin từ bấy lâu nay.

Ông Comey và Giám Đốc Mike Rogers của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) đều tái khẳng định một số điều mà nay nghe rất quen thuộc: Chính phủ Nga mong muốn ông Trump thắng bà Hillary Clinton và đắc cử tổng thống, Nga muốn làm giảm giá trị của tiến trình bầu cử của Mỹ, Nga cung cấp cho giới truyền thông những thông tin mà tin tặc lấy được từ Ủy Ban Tranh Cử Dân Chủ và từ máy của ông John Podesta, người cầm đầu cuộc vận động cho bà Clinton.

Mặc dù ông Comey nói không muốn “bôi nhọ” một ai trong lúc cuộc điều tra đang được tiến hành, các dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ trong Ủy Ban Tình Báo đã nêu ra nhiều nhân vật có dính líu đến cả hai ông Trump và chính phủ Nga, như ông Paul Manafort từng cầm đầu cuộc vận động tranh cử của ông Trump và cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Michael Flynn. Cả hai ông Manafort và Flynn đều có quan hệ kinh doanh với Nga và từng làm việc cho ông Trump.






No comments:

Post a Comment

View My Stats