Saturday, 25 March 2017

THÁNG TƯ SẮP ĐẾN : NHÌN LẠI LIÊN HỆ VIỆT - MỸ GIAI ĐOẠN ĐẦU (Cổ Lũy)




Cổ-Lũy
March 22, 2017

“Tháng Tư Ðen” sắp trở lại lần thứ 42; đây cũng là dịp nhìn lại liên hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ đầu cho đến gần đây để có khái niệm phần nào về tương lai. Như thường lệ, để làm việc này cho đúng đắn người viết dựa vào những nghiên cứu, học hỏi, khám phá – dựa trên người đi trước và đương thời theo đúng truyền thống đại học – của những chuyên gia về sử học, chính trị học, bang giao quốc tế và “xã hội học chính trị/political sociology.” Loạt bài này dựa nhiều vào nghiên cứu của Giáo Sư Frederick Z. Brown (Trường Cao Ðẳng Bang Giao Quốc Tế lừng danh, Johns Hopkins University), và Giáo Sư George C. Herring (University of Kentucky) – cả hai đều là chuyên gia về bang giao quốc tế và sử Việt Nam.

Loạt bài “Nhìn Lại” này đã xuất hiện trên cột Từ Nam California, báo Người Việt, Tháng Tư, 2010. Dĩ nhiên, phần thiếu sót cần thiết và quan trọng vẫn là những hiểu biết, kinh nghiệm và tiếng nói của nhiều người Việt Nam sống trong thời cận và hiện đại. 

Ðôi bên “trùng phùng”
Theo Giáo Sư Ernest Bolt (University of Richmond), tuần lễ cuối Tháng Chín, 1997, tại hội thảo của hội Asia Society ở New York, một số nhân vật còn sống sót trong lực lượng Việt Minh từng hợp tác với nhân viên thuộc Phòng Dịch Vụ Chiến Lược (OSS tiền thân của CIA) cuối Thế Chiến 2 (TC 2, 1939-1945) lại “trùng phùng.” Nhóm này – như thường lệ, vắng bóng người Việt miền Nam – gồm những người ở tuổi 60 và 70 đã gặp gỡ các chuyên gia Mỹ hai năm trước ở Việt Nam để bắt đầu một dự án “sử nói/oral history.”

Với bảo trợ của Ford Foundation và Vietnam USA Society, trùng phùng được khởi xướng bởi giới chuyên gia, giáo sư đại học về các môn học nói trên với ý nhìn lại hợp tác, bang giao giữa hai nước – đáng kể là Ernest Bolt, Edward Tayloe Wise, Robert Brigham, William Duiker, Stein Tonnesson. Các diễn giả Việt và Mỹ kể lại những kinh nghiệm năm 1945, mà một số xem là “cơ hội bỏ lỡ/missed opportunity” để (1) Washington ủng hộ Việt Minh qua trung gian OSS; (2) lôi kéo ông Hồ Chí Minh ra khỏi quĩ đạo cộng sản Tầu, Nga để nhập vào “vùng ảnh hưởng/sphere of influence” Mỹ; (3) nhằm tạo cơ hội tránh được chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

1943-1947: “Cơ hội bỏ lỡ?”
Cho tới thời điểm 1945, Hoa Kỳ không hề nghĩ ngợi gì về Việt Nam; hoặc nếu có, thì cũng qua con mắt người Âu, và xem Việt Nam như một phần đương nhiên của “Ðông Dương/Indochine” thuộc Pháp. Người Việt là dân bản xứ (“les indigenes”) với số phận bị cai trị bởi người Pháp. Từ trước 1945, Hồ Chí Minh đã liên hệ và hợp tác, giúp đỡ các “toán nhảy” OSS dưới quyền Thiếu Tá Archimedes Patti chống Nhật với hy vọng “lấy lòng,” và qua ảnh hưởng của họ liên lạc với Tổng Thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt (FDR, Dân Chủ) để vận động ngăn người Pháp trở lại thuộc địa cũ ở Ðông Nam Á. Ông Hồ không đạt kết quả nào, dù OSS đã rất hài lòng và phong ông làm “điệp viên OSS 19,” với bí danh “Lucius.” Ông Roosevelt hiểu rõ tình trạng bất công, tàn nhẫn ở những thuộc địa Pháp, nhưng không màng những kêu gọi của ông Hồ. Ông ở mức kiệt sức vì đã làm tổng thống từ 1932, đối phó với Khủng Hoảng Kinh Tế/Great Depression đe dọa cốt tủy chủ nghĩa tư bản, trải qua Thế Chiến 2, và bệnh tật liệt chân phải đi xe lăn. Dù có muốn đổi hướng chính sách ngoại giao cũng không thành: ông qua đời Tháng Hai, 1945.

Tuy nhiên, dù còn sống không chắc gì Tổng Thống Roosevelt sẽ chọn lựa đòi độc lập cho “les indigenes.” Ðây dễ làm mất lòng đồng minh Anh và Pháp – nổi tiếng thực dân đế quốc, nhưng lại vô cùng cần thiết cho Washington trong lúc Thế Chiến 2 đang gay go – và “Thế giới tự do/Free World” dưới quyền lãnh đạo của Mỹ trong “Chiến Tranh Lạnh/Cold War” tiếp nối ngay sau đó. Thực ra, chính quyền Roosevelt chỉ giúp đỡ người Anh cùng ngôn ngữ, văn hóa; lãnh tụ Anh Winston Churchill được ông Roosevelt nể vì vô cùng. Ông Roosevelt coi thường cả lãnh tụ Pháp Charles de Gaulle lưu vong qua Anh chống Ðức lẫn “đồng minh” Stalin cộng sản. Ông cũng bỏ hàng trăm nghìn người Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung. Hẳn “les indigènes” Việt không mấy hy vọng có tiếng nói. Nói chung, khó có thể gọi đây là “missed opportunity” được.

Lại nữa, sau 1945, giới làm chính sách ngoại giao Mỹ bị ám ảnh hoàn toàn vì cuộc chiến ý thức hệ giữa Free World và Cộng Sản trong Cold War. Ông Harry S. Truman (Dân Chủ) lên thay ông Roosevelt làm tổng thống là người triệt để “chống Cộng” vì nhiều lý do. Trước hết, “chống Cộng” đã nằm lâu trong lòng nhiều nước Châu Âu và Hoa Kỳ theo hệ thống “tư bản,” mà ông tổ cộng sản Karl Marx xem là “giẫy chết” hoặc sẽ bị tiêu diệt bởi giới vô sản. Ngay sau Thế Chiến 1, khi cách mạng cộng sản Nga xẩy ra, Hoa Kỳ và nhiều nước Tây Âu đã đồng loạt lập “vòng đai vệ sinh/cordon sanitaire” ngăn ngừa và tiêu diệt “mối đe dọa sinh tử/existential threat” từ Moscow. Trong Thế Chiến 2, Hoa Kỳ dù là đồng minh, lơ là khi Liên Xô phải “tiêu thổ kháng chiến,” và để Ðức phá hủy Nga đến mức kiệt quệ trước khi mở “mặt trận thứ hai” giải phóng Châu Âu. Ðồng thời, Washington đối xử “đẹp” với các đồng minh Anh, Pháp qua chính sách “Lend-Lease,” cho mượn thực phẩm, súng đạn, tầu chiến để tự vệ vô điều kiện/Thuê căn cứ hải quân vùng Ðại Tây Dương thuộc Châu Âu – chưa kể Kế Hoạch Marshall xây dựng lại Tây Âu hậu chiến (gồm cả xây dựng kẻ thù cũ là Ðức – đối thủ mà Liên Xô lo sợ nhất) .

Sau chiến thắng và chấm dứt Thế Chiến 2 ở mặt trận Ðại Tây Dương, Nga dù có bại hoại trong nước vẫn giữ được quân đội hùng hậu để thu thập các thuộc địa cũ, mới ở Ðông và Nam Âu làm “vùng trái độn/buffer zone” chống lại “vùng ảnh hưởng” Mỹ. Washington dù ủng hộ thực dân Anh, Pháp tư bản lấy lại thuộc địa cũ, lại cấm ngặt thực dân Liên Xô làm việc này. Guồng máy tuyên truyền chống Cộng trong và sau Thế Chiến 2 quạt phẩy nguy cơ cộng sản bùng lên trong nước đưa đến Tháng Năm, 1947, khi ông Truman chính thức tuyên bố Cold War với khối cộng sản qua tuyên ngôn “Chủ Thuyết Truman/Truman Doctrine,” hay “be bờ/containment” ngọn triều cộng sản. Ông đọc diễn văn trước Quốc Hội: “Hoa Kỳ… phải có chính sách ủng hộ dân chúng thế giới tự do chống lại nỗ lực chế ngự họ bằng vũ lực từ những thế lực bên ngoài.”

Trong bối cảnh này, ông Hồ Chí Minh, từng nổi danh như một người cộng sản sách động và tổ chức từ Âu sang Á, khó thuyết phục chính quyền và người Mỹ rằng ông là Nguyễn Ái Quốc, một người yêu nước thực tiễn Washington có thể chấp nhận được.

––––
Sau khi một thức giả chỉ dẫn, người viết đã kiểm chứng và khám phá lỗi lầm trong bài kỳ trước. Câu huênh hoang, xấc xược trước ASEAN 2010 của Ngoại Trưởng Trung Quốc “Vương Nghị/Wang Yi” là không đúng. Ðúng ra là của Ngoại Trưởng Trung Quốc “Dương Khiết Trì/Yang Jiechi” – đã rời chức vụ vào mùa Xuân 2013. Ông Vương Nghị lên chức cùng thời điểm và hiện vẫn là ngoại trưởng.






No comments:

Post a Comment

View My Stats