Sunday, 19 March 2017

CẦN CÓ CÁCH TIẾP CẬN ĐÚNG VỚI NGƯỜI GIÀU (Nguyễn Mại - Vietnam Finance)




GS.TSKT Nguyễn Mại
19/03/2017 01:10 | 

Với dân số trên 93 triệu người, số người siêu giàu tại Việt Nam là 168 người. Dự báo, vào năm 2025, số người siêu giàu tại Việt Nam là 403 người.

Trước thông tin của Báo cáo Thịnh vượng 2016 (Wealth Report) về việc năm 2015 Việt Nam có 168 người siêu giàu (tài sản từ 30 triệu USD trở lên), sẽ tăng lên 403 người vào năm 2025 và 7/10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán nước ta kinh doanh bất động sản, đã có một số bài bình luận trên báo mạng và báo viết.

Trước sự kiện hay hiện tượng mới thì việc tiếp cận theo quan điểm của mỗi người là chuyện thường tình; tuy vậy, dư luận xã hội đòi hỏi các nhà nghiên cứu cần xuất phát từ lịch sử phát triển của đất nước, thông qua khảo sát quá trình làm giàu của người Việt Nam để đưa ra nhận định khách quan và khoa học.

Nguồn gốc sự giàu có

Từ khi nước ta chuyển hướng theo kinh tế thị trường thì một bộ phận dân cư đã trở nên giàu có, trong đó có những người làm ăn phi pháp như buôn ma túy, hàng cấm, đầu cơ trục lợi, tham nhũng, câu kết thành nhóm lợi ích để tận dụng “quan hệ cánh hẩu” làm giàu cho cá nhân, gia đình, họ hàng. Đối với loại người này, Đảng và Nhà nước chủ trương phải phát hiện để xử lý theo đúng pháp luật.

Một bộ phận người giàu do biết tranh thủ thời cơ để tạo dựng vốn ban đầu bằng nhiều phương thức, khởi nghiệp đầu tư vào ngành có tỷ suất lợi nhuận cao, tích lũy vốn rồi mở rộng sang ngành và lĩnh vực khác, hình thành doanh nghiệp đa ngành.

Chủ nhân của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hiện nay đã làm giàu từ đất đai do tận dụng được thời cơ của chủ trương đổi mới, khi giá đất còn rất rẻ, việc cấp đất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp (kể cả nước ngoài) khá dễ dàng. Khi nước ta đã phát triển khá hơn thì cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, giá đất tăng dần, phát sinh lợi nhuận siêu ngạch nên một số người trở nên giàu có. Nếu coi hiện tượng đó chỉ do khiếm khuyết của luật pháp, do “quan hệ cánh hẩu”, móc ngoặc giữa những người có chức có quyền với chủ doanh nghiệp thì không hoàn  toàn phù hợp với lịch sử của đất nước khi bắt đầu thời kỳ đổi mới.

Những ai đã từng tham gia công  tác ở địa phương vào những năm sau Đại hội Đảng VI đều biết rõ giai đoạn “cả nước làm không đủ ăn”, do vậy, chính quyền tỉnh, thành phố phải ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, kể cả cấp đất cho nhà đầu tư không thu hoặc thu rất ít tiền thuê đất.

Tuy vậy, nếu cho rằng “đa phần người giàu ở Việt Nam làm giàu lên từ đất đai là chính..." Khi mà trong xã hội một số người khai thác mảng tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà giàu lên nhanh chóng thì dễ gây nên những bức xúc và những dấu hỏi về sự giàu có của họ” thì khá phiến diện, bởi vì những người biết tận dụng thời cơ đó tuy không nhiều, nhưng phải thừa nhận là người có tài, có đầu óc kinh doanh, nhờ có tích lũy vốn ban đầu mà trở thành chủ các doanh nghiệp lớn.

Theo số liệu thống kê, nước ta hiện có trên 600.000 doanh nghiệp tư nhân, trong đó có vài chục nghìn doanh nghiệp lớn, bao nhiêu phần trăm trong số đó làm giàu từ đất đai(?), chắc chắn không phải là số đông mà chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Nhiều người giàu ở nước ta vốn là lưu học sinh, nghiên cứu sinh và lao động Việt Nam ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu đã tận dụng thời cơ chuyển sang kinh tế thị trường để kinh doanh làm giàu cho mình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các nước đó; điển hình là tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng đã tích lũy được hàng trăm triệu USD nhờ vào sản xuất, kinh doanh mì ăn liền và thực phẩm tại Ucraina và một số nước Đông Âu.

Trong số Việt kiều ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Australia có nhiều người là tỷ phú, triệu phú đô la mỗi năm đã chuyển hàng chục tỷ USD kiều hối về nước, giúp đỡ người thân đầu tư, kinh doanh, hoặc trực tiếp thành lập doanh nghiệp tai Việt Nam, nhiều người đã làm giàu trên quê hương của mình.

Một số cán bộ quản lý cấp cao và kỹ sư làm việc tại tổ chức quốc tế và công ty nước ngoài, sau khi tích lũy được kiến thức, kỹ năng kinh doanh và vốn đã thành lập doanh nghiệp riêng, kinh doanh khá thành công..

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup - tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam

Cách làm giàu của người Việt Nam rất đa dạng đâu phải chỉ nhờ vào đất đai; điều đáng quan tâm là số người siêu giàu hiện chỉ có 168, quá ít so với dân số trên 93 triệu người, nếu dự báo của Báo cáo Thịnh vượng 2016 trở thành hiện thực, năm 2025 có 403 người thì thật đáng  mừng.

Thái độ đúng đắn là trân trọng đối với những người làm giàu hợp pháp, lên án và góp sức cùng các cơ quan pháp luật phát hiện và xử lý theo pháp luật  những người làm giàu phí pháp; thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớn dân cư.

Đánh giá đúng vai trò của thị trường bất động sản

Những thành tựu to lớn của 30 năm nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường đã được khẳng định. Tuy vậy, nếu như Hàn Quốc, một nước có điểm xuất phát tương tự trình độ phát triển của nước ta khi bắt đầu công nghiệp hóa giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, chỉ mất khoảng 20 năm đã trở thành nước công nghiệp phát triển, ngày nay có những tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới như Samsung, LG, thì Việt Nam trải qua gần ba thập niên mới thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp), chưa có những tập đoàn lớn tầm cỡ thế giới, có quá ít doanh nghiệp công nghệ cao, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp. Đó là nhược điểm lớn đang được khắc phục trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.

Tuy vậy, không vì thế đánh giá thấp tầm quan trọng của bất động sản đối với tăng trưởng kinh tế khi cho rằng: “Bất động sản có thể giúp cho tăng trưởng trong thời gian ngắn, nhưng đây không phải là ngành mà nền kinh tế có thể dựa vào đó để phát triển lâu dài”. Không thể đồng ý với luận điểm này vì quá trình phát triển của nước ta, cũng như của các quốc gia khác không thể không dựa vào thị trường bất động sản, một kênh đầu tư quan trọng, một lĩnh vực có liên quan đến đô thị hóa, đất đai, nhu cầu nhà ở, hạ tầng kỷ thuật, khách sạn, văn phòng làm việc, khu nghỉ dưỡng, du lịch và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đồ dùng nội thất và việc làm của hàng triệu người lao động.

Cả nước hiện có trên 600.000 doanh nghiệp tư nhân, trong đó có vài chục nghìn doanh nghiệp lớn, bao nhiêu phần trăm trong số đó làm giàu từ đất đai(?).

Để minh chứng cho nhận định đó là một vài tư liệu có liên quan. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi năm Hà Nội chỉ xây dựng được từ 50.000 - 150.000 m2 nhà ở theo kiểu chung cư như Kim Liên, Giảng Võ, vừa chật chội vừa đơn điệu, khách sạn cao nhất chỉ 11 tầng mang tên Thăng Long. Ngày nay, mỗi năm thủ đô xây dựng từ 1,5 - 1,6 triệu m2 nhà ở khá hiện đại về kiểu dáng kiến trúc, do đó bộ mặt thành phố đã thay đổi rõ rệt. Nếu như năm 1990 nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn xi măng, thì năm 2016 sản xuất 75 triệu và tiêu thụ 65 triệu tấn.

Khi trường bất động sản đóng băng từ năm 2008 đến năm 2012 đã gây ra hệ lụy về kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, môi giới địa ốc, công ty xây dựng phá sản, thất nghiệp gia tăng kéo theo tệ nạn xã hội, nợ xấu của ngân hàng vượt quá tỷ lệ cho phép, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất đình trệ. Chính phủ phải thực hiện nhiều giải pháp cứu trợ như gói kích cầu 30.000 tỷ đồng. Chẳng lẽ thực tế đó không đủ chứng minh tầm quan trọng của thị trường bất động sản(?).

Một dẫn chứng khác có liên quan đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Hà Nội và TP.HCM có hai khu đô thị của doanh nghiệp FDI là Ciputra và Phú Mỹ Hưng. Hơn 20 năm trước khi nước ta chưa có doanh nghiệp tư nhân lớn kinh doanh địa ốc, nên Chính phủ phải dựa vào ý tưởng của người Đài Loan và người Indonesia để xây dựng hai khu đô thị hiện đại ở hai thành phố lớn với nhiều ưu đãi về thuế và giá tiền thuê đất. Nhà đầu tư chỉ đưa vào mỗi khu đô thị khoảng vài trăm triệu USD, nhưng thu được lợi nhuận gấp nhiều lần. Vào thời gian đó không thể làm khác được vì tiềm lực trong nước còn chưa đủ sức kiến trúc và xây dựng khu đô thị lớn, do đó để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện là tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, thông qua đó doanh nghiệp Việt Nam học hỏi được nhiều điều mới mẻ
Hiện nay, khi nước ta đã có hàng vạn công ty kinh doanh địa ốc, trong đó có những tập đoàn mạnh như Vingroup, Sun Group, Đại Quang Minh, Novaland... đã xây dựng những khu đô thị hiện đại, đồng bộ, tiện ích thì thị trường địa ốc chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện; chỉ trong trường hợp cần thiết có thể giao cho một vài nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại, trình dộ chuyên môn cao, hoặc bằng cách hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài để nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

Cũng cần lưu ý rằng, các doanh nghiệp địa ốc lớn cũng cần đầu tư đổi mới công nghệ từ thiết kế kiến trúc đến xây dựng công trình. Một số tập đoàn đã du nhập trang thiết bị hiện đại, hình thành đội ngũ cán bộ quản lý và kỷ thuật có trình độ cao, đủ năng lực thiết kế và thi công những công trình hiện đại, đã đạt được một số kỷ lục về thời gian xây dựng ngắn mà chất lượng công trình rất tốt.

Những tín hiệu đáng mừng

Trong những năm gần đây, một số tập đoàn kinh tế tư nhân mở rộng kinh doanh đa ngành như siêu thị, nông nghiệp công nghệ cao, bệnh viện, trường học; nhờ có tiềm lực về vốn đầu tư và kinh nghiệm thương trường nên đã nhanh chóng thu được hiệu quả kinh tế lớn, tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng. Một số khách sạn 5 sao ở Hà Nội như Hilton, Daewoo trước đây là liên doanh với nước ngoài đã được chủ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mua lại.

Một phụ nữ Việt Nam đang khá thành công trong kinh doanh sữa - bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH Milk. Những ai đã đến thăm trang trại rộng mấy trăm ha trồng cỏ, nuôi bò và sản xuất sữa trên vùng đất không màu mỡ không khỏi ngạc nhiên về ý tưởng và cách làm của người đàn bà Nghệ An này. Để thực hiện ý tưởng nuôi bò lấy sữa cung ứng cho người Việt Nam, bà đã sang Israel khảo sát, tiếp cận công nghệ hiện đại nhất thế giới, thuê công ty tư vấn trồng có, chọn và mua bò từ New Zealand, Australia, chưa đến 10 năm, TH Milk đã trở thành một trong hai tập đoàn hàng đầu Việt Nam kinh doanh sữa chất lượng cao; hiện đang tiến hành xây dựng dự án nuôi bò, sản xuất sữa quy mô lớn tại Liên bang Nga.

Doanh nhân Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH Milk

Bà Thái Hương cho biết, mục tiêu TH Milk năm 2017 đạt 137.000 con bò, các nhà máy chế biến của Công ty đạt công suất 500 triệu lít/năm, có thể đáp ứng được 50% nhu cầu sản phẩm sữa trên thị trường trong nước. Tổ chức Kỷ lục châu Á đã gửi thư xác nhận Trang trại của TH tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) đạt danh hiệu "Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á".

Từ năm 2014, TH đã phối hợp với các cơ quan chức năng khởi động Chương trình “Chung tay vì tầm vóc Việt”,  thực hiện Chương trình sữa học đường dành cho lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học nhằm góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

Sapa là địa điểm du lịch nổi tiếng của nước ta, từ đầu năm 2016 có thêm một công trình hiện đại là cáp treo để dưa du khách từ bản Mường Hoa lên đỉnh Fansipan, được gọi là nóc nhà Đông Dương cao 3.143 m  do Sun Group đầu tư 4.400 tỷ đồng, khởi công tháng 11/2013, khánh thành đầu tháng 2/2016.  Đại diện Kỷ lục thế giới (Guinness World Record) đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho hệ thống cáp treo Fansipan Sapa gồm: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.292,5 m).

Công trình này đã thể hiện doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực về vốn đầu tư, trình độ chuyên môn để xây dựng các công trình phức tạp về địa hình và công nghệ. Công trình này góp phần thu hút khách trong nước và quốc tế đến Sapa và Lào Cai, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho dân cư, tăng thu ngân sách của địa phương.

Hệ thống cáp treo Fansipan Sapa - hệ thống cáp treo cao nhất, dài nhất và phức tạp nhất thế giới do Tập đoàn Sungroup đầu tư xây dựng

Vingroup là một tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam, kinh doanh đa ngành, hai năm gần đây phát triển mạng lưới hàng trăm siêu thị trên cả nước và đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều địa phương. Vingroup đã xây dựng mô hình liên kết với các nhà sản xuất và thương mại bằng nhiều chính sách ưu đãi khá hấp dẫn, dựa trên phương châm “liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong từng ngành hàng để tạo ra sức mạnh nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp FDI trên thị trường trong nước”.

Vingroup hạ mức chiết khấu về 0% cho một số sản phẩm nông nghiệp khi đưa vào bán tại các siêu thị của tập đoàn này, trong khi không ít nhà bán lẻ như BigC sau khi thuộc sở hữu của người Thái đã tăng chiết khấu đến mức nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu được.

Vingroup đã ký hợp đồng với 250 nhà cung cấp và hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp (kiểu mới) để áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, hướng dẫn nông dân canh tác, thu hoạch và tạo ra chuỗi cung ứng với chi phí thấp, thời gian rút ngắn từ nơi sản xuất đến siêu thị, do vậy người sản xuất, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, người tiêu dùng và Vingroup đều được hưởng lợi

Câu chuyện Vingroup hình thành hệ thống phân phối, liên kết với nhà sản xuất, nhà phân phối là mô hình để doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong từng ngành hàng trên tinh thần hợp tác, liên kết, tự chủ  phát triển mạng lưới, hình thành chuỗi cung ứng của Việt Nam nhằm khai thác và tận dụng cơ hội mới của thị trường trong nước và thị trường thế giới.

 Nhiều chủ tập đoàn tư nhân Việt Nam chú trọng thực hiện chức năng xã hội của doanh nghiệp, không những tạo ra ngày càng nhiều việc làm, mà còn trích từ lợi nhuận hàng chục tỷ đồng để làm từ thiện góp phần xóa đói giảm nghèo, trợ cấp cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.

Trong khi một số địa phương có điều kiện thuận lợi về địa lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội được xây dựng đồng bộ và hiện đại đã thu hút được nhiều dự án FDI, đạt được tốc độ phát triển nhanh và thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, thì những tỉnh miền núi, biên giới gặp nhiều khó khăn, phát triển chậm tạo ra khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương.

Trong những năm gần đây nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã đầu tư hàng chục dự án xây dựng đường cao tốc, khu dân cư, siêu thị, khu nghĩ dưỡng, du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp... đã góp phần quan trọng thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển với các địa phương khác. Đó cũng là một mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển các vùng kinh tế và các địa phương mà những chủ tập đoàn kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh Tuyên Quang vào cuối tháng 2 vừa qua đã có hơn 18.000 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn được một số doanh nghiệp trong nước ký thỏa thuận với lãnh đạo tỉnh để thực hiện trong những năm sắp đến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn lớn đã đến tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn để đầu tư và tin tưởng Tuyên Quang sẽ đạt được tốc độ phát triển nhanh hơn nhờ vào những dự án đó, bao gồm dự án xây dựng 30 km đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, rút ngắn 40% thời gian đi xe ô tô từ Thủ đô lên Tuyên Quang, để cùng với hạ tầng thông tin, điện, nước tốt hơn tạo điều kiện để thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Thủ tướng nhắc nhở các chủ doanh nghiệp đã ký thì phải thực hiện nghiêm túc để bảo đảo hài hòa ba lợi ích: của nhà đầu tư, của kinh tế tỉnh và của cộng đồng dân cư.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội nước ta có sắc thái riêng, do đó, các bài nghiên cứu cần quan sát tình hình thực tế, điều kiện lịch sử của sự kiện và hiện tượng để có những lý giải đúng đắn.

Tin liên quan:




No comments:

Post a Comment

View My Stats