Sunday, 19 March 2017

NHIỀU NGƯỜI THÀNH "ĐẠI GIA" NHỜ THÂU TÓM CỔ PHẦN, "ĐẤT VÀNG" NHÀ NƯỚC (Hồ Mai - Vietnam Finance)




Hồ Mai
19/03/2017 23:35

(VNF) - Bao nhiêu người siêu giàu Việt Nam hiện nay đã "lợi dụng cổ phần hóa" để thâu tóm cổ phần, "ôm đất vàng giá rẻ”?

Xung quanh vấn đề nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tranh thủ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp và khối tài sản khủng của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang tại phiên họp báo chuyên đề diễn ra chiều 6/3, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) lý giải, việc này một phần xuất phát từ quy định mua bán cổ phiếu sau cổ phần hoá theo thoả thuận, từng được áp dụng trước năm 2015.

Cụ thể, theo Phó cục trưởng Đặng Quyết Tiến, với quy định tại Nghị định 64/2002 về chuyển DNNN thành công ty cổ phần, việc cán bộ mua cổ phần khi DNNN chuyển đổi được khuyến khích. "Khi đó đảng viên, cán bộ nhà nước phải đi đầu trong việc mua cổ phần. Sau này thực hiện theo thị trường thì quy định cũng thay đổi theo".

Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Duy Long - Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, với cơ chế cổ phần hoá thí điểm từ năm 1992, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, người có khả năng cống hiến... được mua cổ phần theo 2 tiêu chuẩn: một là theo số năm công tác trong khu vực nhà nước (như áp dụng với tất cả cán bộ, nhân viên), hai là căn cứ theo số năm công tác còn lại thì được mua ưu đãi thêm, theo mức tương đương giá đấu giá thành công. 
"Khi tiến hành cổ phần hoá năm 2005 thì lãnh đạo, người lao động tại Công ty cổ phần Điện Quang cũng được quyền mua cổ phần ưu đãi theo phương thức này", ông Long giải thích.

Theo đại diện Bộ Tài chính, nhưng kể từ năm 2015, để đảm bảo tính minh bạch khi thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp, đã có quy định không được bán thỏa thuận trước mà phải đấu giá công khai trước, sau đó chào cạnh tranh (đấu giá theo điều kiện). Đã đấu giá công khai thì người mua cũng công khai, cạnh tranh, sòng phẳng với nhau. Điều này tránh việc thỏa thuận giữa hai bên. Việc thỏa thuận chỉ là phương án cuối cùng được áp dụng khi những phương án khác không thành công.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và gia đình sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 700 tỷ đồng tại Điện Quang.

Như vậy, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, từ năm 2015, tình trạng các trường hợp lãnh đạo DNNN và người thân trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, như trường hợp của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã không còn.

Câu hỏi đặt ra là, vậy thì trước 2015, sẽ có không ít tình trạng tương tự như gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa?

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã công bố dự thảo nghị định mới nhằm ngăn chặn việc “đất vàng” của doanh nghiệp nhà nước bị chuyển đổi với giá rẻ vào tay tư nhân sau khi cổ phần hóa. Đây là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hóa trong thời gian qua.
Vậy ngoài gia đình bà Kim Thoa, còn rất nhiều gia đình khác cũng thâu tóm cổ phần theo cách tương tự để trở thành "siêu đại gia" và bao nhiêu người siêu giàu Việt Nam hiện nay đã "lợi dụng cổ phần hóa" để thâu tóm cổ phần, "ôm đất vàng giá rẻ”?

200 người Việt siêu giàu, số 'giàu ngầm' chúng ta chưa biết hết

Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước đó. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người, tốc độ gia tăng người siêu giàu còn vượt cả Ấn Độ, Trung Quốc. 

Tuy nhiên, những người siêu giàu được tổng kết trong công bố của Knight Frank là ai? Họ đang ở đâu trong nền kinh tế thực? Có bao nhiêu người giàu ẩn danh, những người không thể hiện vai trò trong sản xuất kinh doanh, trong sáng tạo công nghệ hay hoạt động đầu tư nào?.

Trao đổi với Nhịp cầu Đầu tư, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không ít người giàu thật nhờ lựa chọn đúng lĩnh vực đầu tư, nhờ các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đình đám trong năm vừa qua. Tuy nhiên, nhiều nhất trong số những người siêu giàu kể trên tích tụ tài sản nhờ đất đai, một điều đặc biệt không công bằng khi đất đai là sở hữu toàn dân. Thực tế, tỉ phú bất động sản chiếm một nửa top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016.

Những người siêu giàu được tổng kết trong công bố của Knight Frank là ai? Họ đang ở đâu trong nền kinh tế thực?

“Mấy năm qua, dù các chỉ số kinh tế vĩ mô không mấy khả quan, bất động sản vẫn mang lại cơ hội lớn. Trong khi các ngành nông nghiệp, công nghiệp không nhận được nhiều sự trợ giúp về tín dụng, thị trường bất động sản vẫn được tiếp sức với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Động thái của cơ quan quản lý cũng khiến cho bất động sản dễ dàng huy động các nguồn lực ngoài xã hội. Kết quả là người giàu cứ làm giàu thêm trên đất. Sự giàu có không đi kèm với tính minh bạch hay ít nhất là một sự cải thiện liên tục về tính minh bạch khiến chúng ta nghi ngại”, bà Phạm Chi Lan cho biết.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận xét: “Không thể tránh được thất thoát tài sản nhà nước khi nền kinh tế chuyển từ kế hoạch tập trung sang thị trường phải phân chia lại tài nguyên, đổi mới thành phần kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bố trí lại nông lâm trường”.

Vì vậy, ông đặt ra một loạt nghi vấn: “Những người siêu giàu được tổng kết trong công bố của Knight Frank là ai? Họ đang ở đâu trong nền kinh tế thực? Có bao nhiêu người giàu ẩn danh, những người không thể hiện vai trò trong sản xuất kinh doanh, trong sáng tạo công nghệ hay hoạt động đầu tư nào?”

Những tên tuổi khác sẽ hé lộ từ câu chuyện Thứ trưởng Kim Thoa?

Câu chuyện một số quan chức, người đang đương chức, người đã nghỉ hưu sở hữu khối tài sản “khủng” không còn là chuyện lạ, chuyện hiếm. Và những lùm xùm về khối tài sản “khủng” của bà Hồ Thị Kim Thoa chắc chưa là đoạn kết của danh sách cán bộ lãnh đạo có liên quan đến vấn đề tài sản.

Dư luận đã từng sôi sục trước dinh cơ đồ sộ của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô; công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng của con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến; ngôi biệt thự hơn 1.000 m2 của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền... Trong đó có loại tài sản được gắn vào tên người thân của cán bộ lãnh đạo.

Hay dư luận từng nghi ngờ một căn biệt thự được mô tả là “tuyệt đẹp” nằm trên đỉnh núi Tam Ðảo của tỉnh Vĩnh Phúc rao bán với giá 52 tỷ đồng (2,5 triệu USD) là tài sản của ông Trịnh Xuân Giới, bố ruột của Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó chủ tịch Hậu Giang. Theo báo này thì có nhiều câu hỏi đặt ra như tòa nhà trên thực tế có phải là tài sản thực của ông Trịnh Xuân Thanh, nhờ ông Trịnh Xuân Giới đứng tên và nguồn tiền đầu tư có phải do tham nhũng mà có? Phải chăng đó là tài sản của Trịnh Xuân Thanh, có được từ nguồn lỗ 3.300 tỷ của PVC thời kỳ ông Thanh làm Chủ tịch HĐQT?

Biệt thự Tam Đảo có phải là tài sản thực của ông Trịnh Xuân Thanh, nhờ bố đứng tên?

Nhìn lại quá trình cổ phần hóa DNNN từ năm 1991 đến nay, các chuyên gia cho rằng vẫn còn không ít lỗ hổng đáng lo ngại. Đó là sự thiếu minh bạch trong quá trình bán vốn nội bộ theo thỏa thuận. Những người trong cuộc nắm rõ thông tin, có thể thao túng để mua với giá thấp. Vì vậy số tiền mà nhà nước thu thực tế đã bị thất thoát trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp.

Thậm chí, không loại trừ trường hợp người đứng đầu doanh nghiệp cố ý buông lỏng quản lý, để làm ăn thua lỗ trước khi cổ phần hóa nhằm “hạ giá” tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Sau đó, họ tìm cách mua bán, thâu tóm cổ phiếu, để người thân trong gia đình nắm vị trí quan trọng trong công ty…

Ngay cả việc định giá tài sản đất đai để đưa vào cổ phần hóa vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều lô “đất vàng” có giá thị trường rất cao, nhưng đưa vào xác định thành giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần hóa lại thấp. Đây cũng chính là một kẽ hở lớn dễ bị trục lợi.

Kem Tràng Tiền, doanh nghiệp có quyền sử dụng 1.500 m2 đất vàng trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng khi cổ phần hóa; Công ty Bánh tôm Hồ Tây với hàng trăm m2 đất bên hồ Trúc Bạch, sát Hồ Tây với giá 850 triệu đồng, hay Khách sạn Phú Gia ngay bên bờ Hồ Gươm chỉ được định giá 3,5 tỷ đồng... Hay hơn 1,4 ha đất do Hãng phim truyện Việt Nam sử dụng không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương với chủ tịch Hà Trọng Nam (anh trai cựu Chủ tịch Ocean Group – Hà Văn Thắm) nổi đình đám một thời với thương vụ mua 78,4% cổ phần Công ty Cổ phầ Kem Tràng Tiền – công ty sở hữu khu đất vàng 1.500 m2 tại số 35 Tràng Tiền.

Giá trị thương vụ tại thời điểm đó được nhiều bên liên quan thông báo vào khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét báo cáo kiểm toán hợp nhất kinh doanh, giá trị đầu tư vào Công ty Cổ phần  Kem Tràng Tiền được OCH ghi nhận là 117,6 tỷ đồng.

Giá thị trường khu đất xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội vào khoảng 1 tỷ đồng/m2 (mức giá mà tập đoàn Tân Hoàng Minh phải bỏ ra cho một m2 đất tại khu vực 22-24 phố Hàng Bài năm 2011). Như vậy, 1.500 m2 đất của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền có giá trị khoảng trên 1.500 tỷ đồng.

Vụ thâu tóm Kem Tràng Tiền một thời từng được ví như "kim cương bọc kem" vì Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền là chủ nhân của 1.500 m2 đất “kim cương” tại 35 Tràng Tiền.

Quá trình cổ phần hoá DNNN đã và đang tạo ra cơ hội cho các ông chủ tư nhân đặt chân dễ dàng và nắm quyền lực chi phối tại doanh nghiệp. Nổi tiếng ở lĩnh vực kinh doanh bóng đá và ngân hàng, ông Đỗ Quang Hiển (thường gọi là Bầu Hiển) – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Chủ tịch công ty T&T Group – đặc biệt gây chú ý khi thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm “chóng vánh” những DNNN được cổ phần hoá, thoái vốn. Các thương vụ mà bầu Hiển thực hiện đều được cho là nhắm đến những quỹ đất vàng mà doanh nghiệp đang sở hữu.

Giai đoạn 2015-2016, bầu Hiển đã và sẽ phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho những thương vụ thâu tóm DNNN, cụ thể, Vinafor (chi tối thiểu 1.416 tỷ đồng), Vegetexco (chi 430 tỷ đồng), Bệnh viện Giao thông Vận tải (chi 119 tỷ đồng), Cảng Quảng Ninh (chi tối thiểu 490 tỷ đồng)… và ý định thâu tóm Vigecam (sẽ phải chi 1.555 tỷ đồng).

Tổng số tiền chi mua cổ phần DNNN nêu trên lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, vượt số vốn điều lệ của T&T Group (năm 2015 tăng vốn đạt 3.000 tỷ đồng). Câu hỏi đặt ra là, bầu Hiển và T&T Group đã huy động vốn ở đâu để có tiền thâu tóm hàng loạt DNNN lớn?

Không chỉ mua nhanh, bầu Hiển còn mua cổ phần doanh nghiệp với giá khá bèo, chỉ nhỉnh hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Do các DNNN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nợ lớn… nên giá trị doanh nghiệp được định giá khá thấp so với tiềm năng, lợi thế, tài sản vốn có. Vì thế, giá cổ phần khi chào bán cũng được định giá khá thấp, khiến cho giá trúng đấu giá khi IPO và giá bán cho nhà đầu tư khá “bèo”.

Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Truyền hình An Viên (AVG) cũng là một minh chứng cho thấy mức độ quan trọng của công tác định giá. Đã có tới 3 công ty định giá vào cuộc trong thương vụ này, kết quả cực kỳ khác biệt, chênh lệch hàng chục nghìn tỷ đồng (thấp nhất 16.565 tỷ đồng, cao nhất 33.299 tỷ đồng). Thương vụ này hiện đang được thanh tra toàn diện, sẽ sáng rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm: MobiFone mua AVG với mục đích gì và với mức giá nào?

Thất bại quá trình tư nhân hóa ở nước Nga thời kỳ 1991-1998 liệu có trở thành bài học cho tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện nay? Khi nước Nga tiến hành tư nhân hóa, có những người bất ngờ giàu lên một cách nhanh chóng. Đó không phải là thành tựu của sự phát triển mà do một số ít người tận dụng cơ hội đó chiếm được rất nhiều tài sản, biến tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân.

Trong quá trình ấy, đất đai bị thất thoát nhiều nhất và nhanh nhất. Việc định giá tài sản doanh nghiệp gồm cả giá trị sử dụng đất đai không chính xác, thấp hơn rất nhiều so với thực tế và được cầm cố sang tay tư hữu với giá rẻ mạt. Những cơ sở vật chất của các xí nghiệp nằm ở vị trí “sinh lợi cao” sau tư nhân hóa được chuyển mục đích thành cơ sở kinh doanh thương mại. 

Ở nước Nga, trong thời kỳ những năm 90 này, lỗ hổng cổ phần hóa kết hợp với sự thiếu minh bạch của thông tin về chính sách và quá trình thực hiện chính sách tư nhân hóa đã tạo ra kẽ hở cho việc thao túng, rửa tiền của các tổ chức tội phạm.

Để làm rõ phương thức thất thoát tài sản nhà nước, giới chuyên gia cho rằng cần xem xét các dự án do ai thực hiện, ai quyết định giá cả, các giá cả ấy phân phối lại lợi ích của đất đai thế nào, không chỉ trước mắt mà cả lâu dài.

Tin liên quan:
·          
HỒ MAI




No comments:

Post a Comment

View My Stats