Dani
Rodrik -
Project Syndicate
Biên
dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê
Hồng Hiệp
Vào giữa tháng 12 (2015), Liên Hợp Quốc đã đưa ra
các Báo cáo thường niên mới nhất về Phát triển Con người. Báo cáo năm nay tập
trung vào bản chất của việc làm: cách chúng ta kiếm sống đã biến đổi như thế
nào do toàn cầu hóa kinh tế, các công nghệ mới cũng như những đổi mới trong tổ
chức xã hội. Cụ thể hơn, triển vọng cho các quốc gia đang phát triển rõ ràng là
vừa tốt vừa xấu.
Với hầu hết mỗi người trong hầu như mọi thời điểm,
công việc là vấn đề gần như chẳng hề thoải mái. Trong lịch sử, làm việc cần cù
nặng nhọc là cách để các quốc gia trở nên giàu có. Và trở nên giàu có lại là
cách để vài người có cơ hội làm được những công việc thoải mái hơn.
Nhờ vào cuộc Cách mạng Công nghiệp, lần đầu tiên
trong lịch sử, các công nghệ mới trong dệt may, sắt thép và giao thông đã lần đầu
tiên mang đến sự tăng dần của năng suất lao động. Đầu tiên là tại Anh vào giữa
thế kỉ 18 và sau đó là đến Tây Âu và Bắc Mỹ, từng đoàn người chuyển từ nông
thôn lên thành thị để đáp ứng nhu cầu lao động ngày một tăng của các nhà máy.
Tuy vậy, trong hàng thập kỉ, công nhân chỉ nhận được
một phần ít ỏi từ lợi ích của việc gia tăng năng suất. Họ làm việc hàng giờ
trong điều kiện ngột ngạt, sống trong những căn nhà chật chội và kém vệ sinh,
còn đồng lương nhận được thì chỉ tăng chút ít. Một vài chỉ số, ví dụ như chỉ số
chiều cao trung bình của người lao động, chỉ ra rằng mức sống thậm chí có thể bị
giảm xuống trong một thời gian.
Cuối cùng thì chủ nghĩa tư bản đã tự biến đổi và những
lợi ích của chủ nghĩa tư bản bắt đầu được chia sẻ rộng hơn. Điều này một phần
là do tiền lương bắt đầu tăng một cách tự nhiên khi số lượng công nhân từ vùng
nông thôn bắt đầu cạn dần. Nhưng một điều cũng quan trọng không kém là người
lao động đã tự tổ chức để bảo vệ lợi ích cho mình. Lo ngại cách mạng, các nhà
công nghiệp đã thỏa hiệp. Các quyền dân sự và chính trị được mở rộng đến tầng lớp
công nhân.
Đến lượt mình, chế độ dân chủ chế ngự được chủ nghĩa
tư bản ở mức độ lớn hơn. Điều kiện làm việc được cải thiện do các thỏa thuận bị
nhà nước bắt buộc hoặc được đàm phán dẫn tới giảm giờ làm, khiến lao động trở
nên an toàn hơn, và mang đến các phúc lợi về gia đình, y tế cũng như các phúc lợi
khác. Đầu tư công vào giáo dục và đào tạo khiến công nhân trở nên năng suất hơn
và tự do hơn khi đưa ra lựa chọn.
Kết quả là tỉ trọng mà lao động được hưởng từ thặng
dư của doanh nghiệp gia tăng. Dù những công việc tại nhà máy chẳng bao giờ thoải
mái, những nghề nghiệp của giới cổ cồn xanh lúc này có thể đảm bảo mang lại mức
sống của giới trung lưu, cùng với mọi khả năng tiêu dùng và các cơ hội có lối sống
của tầng lớp này.
Cuối cùng, tiến bộ của công nghệ đã làm suy yếu chủ
nghĩa tư bản công nghiệp. Năng suất lao động trong các ngành công nghiệp chế tạo
đã tăng nhanh hơn rất nhiều so với những phần còn lại của nền kinh tế: Sản lượng
thép, ô tô và đồ điện tử có thể được sản xuất tương đương hoặc cao hơn mà chỉ cần
số lượng công nhân ít hơn. Vì vậy số nhân công “thừa” đã chuyển sang các ngành
dịch vụ như giáo dục, y tế, tài chính, giải trí, và quản lý công. Từ đó mà nền
kinh tế hậu công nghiệp ra đời.
Công việc trở nên thoải hơn với vài người nhưng
không phải tất cả. Với những người có kỹ năng, có vốn và kiến thức để phát triển
trong thời đại hậu công nghiệp, ngành dịch vụ đưa ra các cơ hội mới. Nhân viên
ngân hàng, tư vấn viên và kỹ sư có mức lương cao hơn rất nhiều so với những bậc
cha chú sống trong thời đại công nghiệp của họ.
Một điều cũng quan trọng không kém là công việc văn
phòng đã cho phép một mức độ tự do và tự quản lớn hơn mà những công việc ở nhà
máy không bao giờ cho phép. Mặc dù phải làm việc hàng giờ (có lẽ còn lâu hơn cả
làm việc trong nhà máy), những người làm nghề dịch vụ lại có được sự kiểm soát
lớn hơn đối với cuộc sống hàng ngày cũng như các quyết định nơi công sở. Giáo
viên, y tá và bồi bàn hầu như không được trả lương cao, nhưng họ cũng đã được
giải thoát khỏi công việc nhàm chán nặng nhọc bên máy móc ở các công xưởng.
Với những công nhân ít chuyên môn hơn, những việc
làm trong lĩnh vực dịch vụ tuy vậy lại đồng nghĩa với việc từ bỏ những lợi ích
được thỏa thuận của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Việc quá độ sang nền kinh tế
dịch vụ thường đi kèm với việc đi xuống của các công đoàn, vấn đề bảo vệ người
lao động, các quy tắc trả lương công bằng, qua đó làm suy yếu rất nhiều khả
năng thương lượng của người lao động cũng như vấn đề đảm bảo công việc lâu dài.
Vì vậy nền kinh tế hậu công nghiệp đã mở ra sự chia
rẽ mới trong thị trường lao động giữa những người có công việc trong ngành dịch
vụ ổn định, lương cao và viên mãn với những công việc bất ổn, lương thấp và dễ
gây bất mãn. Có hai yếu tố quyết định tỉ trọng của mỗi loại công việc – và kéo
theo đó là quy mô của sự bất bình đẳng do sự quá độ sang thời kỳ hậu công nghiệp:
Đó là giáo dục và trình độ chuyên môn của lực lượng lao động, và mức độ thể chế
hóa của thị trường lao động trong lĩnh vực dịch vụ (bên cạnh ngành chế tạo).
Sự bất bình đẳng, loại trừ và sự tồn tại chia rẽ hai
bên trở nên đáng chú ý hơn ở những quốc gia nơi các kỹ năng được phân bổ kém và
nhiều ngành dịch vụ gần đạt được mức “lý tưởng”của thị trường tự do.[1] Nước Mỹ, nơi nhiều người lao động bị
buộc phải làm nhiều công việc để đủ trang trải cuộc sống, vẫn là một ví dụ kinh
điển của mô hình này.
Đa số người lao động vẫn sinh sống tại những quốc
gia có thu nhập thấp và trung bình, và vẫn chưa đi qua hết những sự quá độ này.
Có hai lý do để tin rằng lộ trình tương lai của họ sẽ không (hoặc không cần) diễn
ra theo cách tương tự.
Thứ nhất, không có lý do khiến điều kiện lao động an
toàn, quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể không thể được đưa ra tại những
giai đoạn phát triển sớm hơn so với từng xảy ra trong lịch sử. Cũng như dân chủ
chính trị không cần phải chờ thu nhập tăng, các tiêu chuẩn lao động không cần
phải tụt lại sau phát triển kinh tế. Người lao động ở các nước thu nhập thấp
không nên bị tước đoạt những quyền cơ bản để phát triển công nghiệp và gia tăng
xuất khẩu.
Thứ hai, các lực lượng toàn cầu hóa và tiến bộ công
nghệ đã kết hợp để thay đổi bản chất công việc chế tạo theo cách khiến cho những
nền kinh tế mới khó hoặc không thể nào học theo kinh nghiệm công nghiệp hóa của
bốn con hổ Châu Á, hay những nền kinh tế Châu Âu và Bắc Mỹ trước đây. Nhiều (nếu
không nói là hầu hết) các nước đang phát triển đang trở thành những nền kinh tế
dịch vụ mà không phát triển được một ngành chế tạo rộng lớn – một tiến trình
tôi đã gọi là “phi công nghiệp hóa sớm.”
Liệu xu hướng phi công nghiệp hóa quá sớm có phải là
một điều “trong cái rủi có cái may”, giúp người lao động ở các nước đang phát
triển có thể vượt qua các công việc cực nhọc của ngành chế tạo?
Nếu vậy, một tương lai như thế sẽ được xây dựng như
thế nào vẫn chưa rõ ràng. Một xã hội mà hầu hết người lao động đều tự làm chủ –
chủ cửa hàng, những người làm nghề độc lập hay nghệ sĩ – và tự đặt ra những quy
định làm việc trong khi vẫn tạo ra được một cuộc sống đầy đủ là điều chỉ khả
thi khi năng suất của nền kinh tế đã rất cao. Những ngành dịch vụ năng suất cao
– như công nghệ thông tin hay tài chính – đòi hỏi lao động được đào tạo bài bản
chứ không phải là nhóm lao động không chuyên mà các quốc gia nghèo có rất nhiều.
Vậy nên có cả tin tốt lẫn tin xấu về tương lai của
việc làm ở các nước đang phát triển. Nhờ vào chính sách xã hội và các quyền lao
động, người lao động có thể trở thành một “cổ đông” hoàn chỉnh trong nền kinh tế
sớm hơn rất nhiều trong tiến trình phát triển. Cùng lúc đó, động lực truyền thống
của phát triển kinh tế – tức công nghiệp hóa – sẽ vận hành kém năng suất hơn. Sự
kết hợp nảy sinh giữa kỳ vọng cao của công chúng và năng lực tạo thu nhập thấp
sẽ là một thách thức lớn với các nền kinh tế đang phát triển ở mọi nơi.
*
Dani Rodrik là Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại
trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard. Ông là tác giả của
cuốn “The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy”
và gần đây nhất là cuốn “Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal
Science”.
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Evolution of Work
—————
[1] Nguyên văn: spot
market, tức thị trường trao đổi tức thì, nơi nhu cầu tìm dịch vụ được đáp ứng
ngay lập tức mà không gặp phải sự khan hiếm người cung cấp dịch vụ (NBT).
Xem
thêm:
No comments:
Post a Comment