Monday 9 January 2017

ÔNG TRUMP CHẤP NHẬN KẾT LUẬN CỦA TÌNH BÁO MỸ (tin tổng hợp)




January 8, 2017

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Tân Cử Donald Trump chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga mở cuộc tấn công điện toán nhằm cản trở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ông có thể có biện pháp trả đũa, theo lời chánh văn phòng tương lai của ông Trump cho hay hôm Chủ Nhật.

Ông Reince Priebus, cựu chủ tịch Ủy Ban Quốc Giá Đảng Cộng Hòa, và sẽ là chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc trong những ngày tới, nói rằng ông Trump hiểu là Moscow đứng sau cuộc tấn công điện toán vào các văn phòng của đảng Dân Chủ.

“Ông chấp nhận sự kiện là vụ này xuất phát từ Nga, nên đó không là vấn đề tranh cãi,” ông Priebus cho hay trong chương trình truyền hình “Fox News Sunday,” theo hãng thông tấn Reuters.

Tuy ông Trump không chính thức phát biểu điều này, dù bằng lời nói hay qua Twitter, nhưng sự kiện một người thân cận với ông như ông Priebus có phát biểu như trên cũng đánh dấu một sự thay đổi lớn.

Cho tới nay, ông Trump liên tục bác bỏ kết luận cho rằng phía Nga tìm cách trợ giúp ông và cho hay đây là sản phẩm của phía đối nghịch chính trị nhằm làm nhẹ chiến thắng của ông.
Ông Priebus cũng nói ông Trump dự trù ra lệnh cho cộng đồng an ninh tình báo đưa ra các đề nghị là phải làm những gì và căn cứ trên các đề nghị đó, “một số biện pháp có thể được thi hành.”

Trong khi đó, một thượng nghị sĩ cao cấp trong đảng Cộng Hòa, ông Lindsey Graham, kêu gọi Tổng Thống Tân Cử Donald Trump hãy bảo vệ nền dân chủ ở Mỹ cũng như của thế giới bằng cách trừng phạt Nga do đã tìm cách can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

“Chỉ trong thời gian ngắn tới đây, ông ấy sẽ là người bảo vệ thế giới tự do,” theo lời ông Graham, khi phát biểu trong chương trình truyền hình “Meet the Press” của hệ thống NBC hôm Chủ Nhật. (V.Giang)
*
*
VnEconomy  -  15:39 - Thứ Hai, 9/1/2017

--------------------------------------

Nguyễn Văn Khanh
January 5, 2017

Ðầu Tháng Chín, 2016, theo chỉ thị của Tổng Thống Barack Obama, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia, nhấc điện thoại gọi các nhà lãnh đạo lưỡng viện Quốc Hội, yêu cầu “được gặp riêng và khẩn cấp” để trình bày một số tin quan trọng “liên quan đến an ninh quốc gia.”
Trong cuộc gặp kín diễn ra khoảng 45 phút đồng hồ sau đó, các vị dân cử đang điều khiển khối Dân Chủ và Cộng Hòa lưỡng viện được nghe đại diện của Hội Ðồng An Ninh, hai cơ quan CIA và FBI trình bày những tin tức ghi nhận được xác nhận tình báo Nga “tìm cách can dự vào cuộc tranh cử tổng thống 2016” với mục đích “giúp ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đắc cử.”

Theo lời các viên chức đại diện hành pháp, Hoa Kỳ “biết được tin này từ những nguồn tin khác nhau, kể cả nguồn tin cung cấp từ các nước đồng minh Âu Châu.”

Vẫn theo các viên chức đại diện hành pháp được cử sang thuyết trình cho các lãnh đạo Quốc Hội, “chưa có một chứng cớ nào để nói là Tổng Thống Nga Vladimir Putin liên quan đến chuyện này” dù các bản phân tích tình báo đều đưa ra kết luận giống nhau: ông Putin không muốn bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ đắc cử, vẫn bực bội chuyện lúc còn làm ngoại trưởng Hoa Kỳ “bà Clinton có thái độ cứng rắn với ông.” Ðiều được xem là quan trọng nhất trong buổi thuyết trình an ninh mật đó: chính phủ Obama tin tưởng Nga tìm cách giúp ông Trump đắc cử, nhưng “không tin sự can dự của Nga sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử (sẽ diễn ra hai tháng sau đó).”

Giữa trưa Thứ Sáu, 9 Tháng Mười Hai, 2016, các chi tiết nêu trên được tiết lộ qua “những đường dây tin tức” khác nhau ở thủ đô Washington, DC, ngay sau khi Tổng Thống Obama quyết định “mở cuộc điều tra sâu rộng” để tìm hiểu rõ hơn về những hoạt động của tình báo Nga trong cuộc bầu cử mới kết thúc. Theo lời các giới chức hành pháp, dựa theo những bằng chứng có được, “tổng thống và các cơ quan an ninh quốc gia tin rằng quả có chuyện tình báo Nga có cả một kế hoạch với chủ đích tấn công trang mạng của đảng Dân Chủ và những email của người thân cận với bà Clinton, sau đó cung cấp những gì họ đánh cắp được cho WikiLeaks, với mục đích tạo cơ hội thuận lợi cho ông Trump.” Một viên chức Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh “cuộc điều tra chỉ nhắm vào mục đích tìm hiểu xem tình báo Nga đã làm những gì, ảnh hưởng thế nào đến an ninh quốc gia, phải làm sao tăng cường hệ thống bảo vệ an ninh mạng, chứ không liên quan gì đến kết quả cuộc bầu cử.”

Cũng tại Tòa Bạch Ốc, một viên chức thân cận với Tổng Thống Obama nói rõ hơn “tổng thống đã nói dù kết quả cuộc bầu cử không được như ý nhiều người mong muốn, nhưng cử tri đã lên tiếng khi họ chọn ông Trump của đảng Cộng Hòa, trách nhiệm của mọi người là phải giúp tổng thống đắc cử thành công, vì ông Trump thành công có nghĩa là nước Mỹ thành công.” Viên chức này kể thêm “trước ngày bầu cử chúng tôi đã bàn thảo với nhau phải đối phó với Nga như thế nào, nhưng không một biện pháp nào được đề nghị với tổng thống vì ngay chính chúng tôi cũng e ngại bị chỉ trích cố tình tạo thêm căng thẳng với Nga để giúp bà Clinton đắc cử,” đồng ý “đợi đến khi cuộc bầu cử kết thúc cũng chẳng muộn.” Dù “không vội” mở cuộc điều tra về hoạt động của tình báo Nga, “nhưng chúng tôi kín đáo báo cho cả bên ông Trump lẫn phía bà Clinton biết chuyện gì xảy ra để họ đề phòng, yêu cầu nếu thấy có gì khả nghi xin báo ngay cho FBI biết.”

Theo Giáo Sư Larry Sabato, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chính Trị của đại học University of Virginia, “Tổng Thống Obama quyết định mở cuộc điều tra vì bị áp lực của các vị dân cử Dân Chủ lẫn Cộng Hòa,” điển hình là hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham và John McCain, những người luôn chủ trương “Hoa Kỳ phải có chính sách cứng rắn với Nga.” Giáo Sư Sabato cũng tin rằng việc Thượng Nghị Sĩ Graham công khai đòi phải mở cuộc điều tra giúp “Tổng Thống Obama có thêm lợi thế chính trị để làm điều tổng thống muốn làm” từ trước ngày bầu cử, giúp Tòa Bạch Ốc Dân Chủ đỡ bị mang tiếng là thua bầu cử, tìm cách giải thích lung tung, ngại nhất “là chuyện Cộng Hòa nghĩ bên Dân Chủ thua cuộc, tìm cách ‘vẽ chuyện’ để làm mất uy tín của tổng thống đắc cử.”

Một phần những điều nêu trên được trình bày công khai trong buổi điều trần trước Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện hôm thứ Năm, 5 Tháng Giêng. Trước các vị dân cử Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, ông James Clapper, giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia, nói “đánh giá của (các cơ quan an ninh tình báo dân sự lẫn quân sự) ngày càng chắc chắn hơn” về chuyện Nga tìm cách can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

“Tấn công mạng chỉ là một phần những gì Nga đã làm, họ còn tuyên truyền, đưa ra những thông tin lẫn tin tức giả tạo (để tìm cách lung lạc cử tri),” ông Clapper nói tiếp. Vẫn theo lời ông, các cơ quan đặc trách tình báo, an ninh quốc phòng Hoa Kỳ “không nghĩ những trò Nga làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử,” cho dù “tin rằng những điều họ làm phải được sự chấp thuận của những viên chức cao cấp trong chính quyền Nga.”

Rất tiếc, những điều đó vẫn chưa đủ để Tổng Thống Ðắc Cử Donald Trump tin là sự thật.

Không chỉ bày tỏ sự hoài nghi về việc làm của cộng đồng tình báo an ninh quốc gia, dưới nhiều hình thức khác nhau, ông Trump còn đưa ra những lời phát biểu mang tính gièm pha, làm mất thể diện của những người đang hoạt động trong ngành an ninh tình báo.

Không nêu tên ông Trump, nhưng ông Clapper than rằng “đã phải trả lời biết bao nhiêu câu hỏi của các đồng nghiệp nước ngoài về những chuyện liên quan đến danh dự của cộng đồng an ninh tình báo,” cho rằng “dè bỉu và không đồng ý là hai điều hoàn toàn khác biệt nhau,” ý muốn nói thái độ của ông Trump là thiếu đứng đắn, có thể khiến người dân mất niềm tin vào những hoạt động lẫn tin tức các nhân viên tình báo vất vả, có thể phải hy sinh tính mạng mới thu thập được.

------------------------

TIN LIÊN QUAN :
VOA  -  08.01.2017
VOA  - 07.01.2017
Michael Bowman – VOA  -  06.01.2017




No comments:

Post a Comment

View My Stats