How
to make sense of 2016, The Economist
Biên
dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Phạm
Trang Nhung
Posted on 11/01/2017
Những người theo chủ nghĩa tự do đã thua trong phần
lớn các cuộc tranh luận trong năm 2016. Nhưng họ không nên nghĩ rằng mình thất
bại mà họ phải nghĩ rằng họ được thêm sinh lực.
Đối với một số người theo chủ nghĩa tự do, năm 2016
có thể coi như là một lời khiển trách. Nếu bạn cũng như tờ The Economist tin
vào các nền kinh tế và xã hội mở cửa, nơi việc tự do trao đổi hàng hóa, nguồn vốn,
con người và tư tưởng được khuyến khích và nơi mà các quyền tự do phổ quát được
bảo vệ khỏi những sai trái của nhà nước thông qua pháp quyền, thì năm nay là
năm của sự thụt lùi.
Không chỉ bởi vì Brexit và việc Donald Trump thắng cử,
mà còn bởi vì thảm kịch ở Syria, nơi bị bỏ mặc trong đau khổ, và sự ủng hộ rộng
rãi – ở Hungary, Ba Lan và hơn thế nữa – đối với “nền dân chủ phi tự do.” Khi
mà toàn cầu hóa trở thành một từ mang ý nghĩa tiêu cực, chủ nghĩa dân tộc, và
thậm chí chủ nghĩa chuyên chế, trở nên hưng thịnh. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, sự thở phào
sau thất bại của một cuộc đảo chính bị thay thế bởi những cuộc trả đũa mọi rợ
(và được ủng hộ rộng rãi). Ở Philippines, cử tri đã lựa chọn một tổng thống
không những đã và đang lập nên các đội tử thần mà thậm chí còn khoe khoang rằng
mình đã tự tay bóp cò. Trong khi đó, nước Nga, nước đã cho tin tặc tấn công các
nền dân chủ phương Tây, và Trung Quốc, nước vừa mới khiêu khích Mỹ tuần trước bằng
cách bắt giữ một tàu lặn không người lái của Mỹ, thì nhấn mạnh rằng chủ nghĩa tự
do chỉ là vỏ bọc cho sự bành trướng của phương Tây.
Đối mặt với chuỗi dài những thách thức này, nhiều
người theo chủ nghĩa tự do (nhất là thị trường tự do) đã mất can đảm. Một số đã
viết điếu văn cho trật tự tự do và đưa ra cảnh báo về những mối đe dọa với nền
dân chủ. Những người khác thì tranh luận rằng với những chỉnh sửa nhỏ trong luật
di cư và tăng thuế nhập khẩu, cuộc sống sẽ sớm quay trở lại bình thường. Nhưng
vậy vẫn không đủ. Kết quả chua xót của năm 2016 không hủy hoại một cách bất ngờ
tuyên ngôn của chủ nghĩa tự do rằng nó là hướng đi đúng đắn nhất để đem lại phẩm
giá và đem đến sự sung túc và bình đẳng. Những người theo chủ nghĩa tự do không
nên né tránh những xung đột về tư tưởng, mà họ nên thích thú đón nhận nó.
Những
bánh xe của cối xay
Trong một phần tư thế kỷ qua chủ nghĩa tự do đã quá
nhàn nhã. Sự thống trị của chủ nghĩa tự do sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản
Liên Xô đã suy thoái thành sự lười biếng và tự mãn. Trong khi bất bình đẳng
ngày càng gia tăng, những kẻ thắng trong xã hội tự bảo mình rằng họ sống trong
một xã hội trọng dụng nhân tài, và thành công của họ là điều chính đáng. Những
chuyên gia được tuyển dụng để vận hành những mảng lớn của nền kinh tế tự hào về
sự xuất chúng của chính mình. Nhưng những người bình thường lại xem sự giàu
sang của họ như là một vỏ bọc của những đặc quyền và ý kiến chuyên môn của các
chuyên gia là vỏ bọc cho lợi ích riêng.
Sau khi họ đã nắm quyền lâu đến mức này, những người
theo chủ nghĩa tự do đáng lẽ phải nhận thấy những phản ứng mạnh mẽ sẽ đến. Là một
hệ tư tưởng xuất hiện vào đầu thế kỷ 19 nhằm chống đối sự chuyên quyền của những
nền quân chủ chuyên chế và sự kinh hoàng của cách mạng, chủ nghĩa tự do cảnh
báo rằng quyền lực vô thời hạn sẽ làm đồi bại kẻ nắm quyền. Đặc quyền có thể tự
duy trì mãi mãi. Sự đồng thuận bóp nghẹt sự sáng tạo và sáng kiến. Trong một thế
giới thay đổi liên tục, tranh chấp và tranh luận không chỉ là điều không thể
tránh được, mà nó còn được đón nhận vì nó dẫn đến sự tái tạo.
Thêm vào đó, những người theo chủ nghĩa tự do có cái
để đáp ứng những xã hội đang vật lộn với thay đổi. Vào thế kỷ thứ 19, cũng như
ngày hôm nay, những lề lối cũ bị đảo lộn bởi những thay đổi không ngừng về công
nghệ, kinh tế, xã hội và chính trị. Mọi người mong muốn trật tự. Giải pháp phi
tự do thường là việc dựng lên một người nào đó với đầy đủ quyền lực để quyết định
rằng cái gì là tốt nhất, bằng cách kìm hãm tốc độ thay đổi nếu họ là những người
bảo thủ, hay là phá vỡ giới cầm quyền nếu họ là những nhà cách mạng. Các bạn có
thể thấy được sự lặp lại của những tư tưởng đó trong những lời kêu gọi “giành lại
quyền kiểm soát” (của Brexit hay Trump), cũng như là từ miệng của những nhà độc
tài, những kẻ đã tận dụng được những người dân tộc chủ nghĩa đang tức giận, với
lời hứa sẽ chặn lại làn sóng của chủ nghĩa đại đồng.
Những người theo chủ nghĩa tự do thì có câu trả lời
khác. Đối với họ, quyền lực không nên được tập trung, mà phải được phân tán, bằng
pháp quyền, đảng phái chính trị và thị trường cạnh tranh. Chủ nghĩa tự do không
đặt người dân dưới sự bảo trợ của một nhà nước hùng mạnh, nó cho rằng từng cá
nhân đều có thể tự lựa chọn những gì là tốt nhất cho chính mình. Thế giới không
nên được vận hành bằng chiến tranh và đau khổ, mà các quốc gia nên đón nhận
thương mại và các hiệp ước.
Những ý tưởng như thế có ảnh hưởng sâu sắc ở phương
Tây, và mặc cho sự ve vãn của Trump với chủ nghĩa bảo hộ, những ý tưởng này vẫn
sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu chủ nghĩa tự do có thể
giải quyết một vấn đề khác, đó là sự hao mòn về niềm tin đối với tiến bộ. Những
người theo chủ nghĩa tự do tin rằng thay đổi là điều đáng mừng, vì nó cuối cùng
sẽ dẫn đến những điều tốt đẹp hơn. Họ có thể dẫn chứng rằng những chỉ số về
nghèo đói toàn cầu, tuổi thọ, cơ hội và hòa bình đều cải thiện, ngay cả khi đã
tính đến cả những xung đột ở Trung Đông. Thực sự, đối với phần lớn dân số trái
đất, chưa có thời điểm nào để sống tốt hơn ngày hôm nay.
Tuy vậy, nhiều người phương Tây lại không thấy như
thế. Đối với họ, tiến bộ được những người khác hưởng chứ không phải họ. Sự giàu
có không tự nó lan rộng, các công nghệ mới hủy hoại những việc làm sẽ không bao
giờ quay lại, một giới hạ lưu nằm ngoài phạm vi được giúp đỡ hay cứu rỗi, và
các nền văn hóa khác là những mối đe dọa, đôi khi là những đe dọa bạo lực.
Nếu muốn tiếp tục lớn mạnh, chủ nghĩa tự do phải có
câu trả lời với những kẻ bi quan. Nhưng trong những thập niên họ nắm quyền lực,
những giải pháp của những người theo chủ nghĩa tự do không thuyết phục. Vào thế
kỷ thứ 19, những nhà cải cách tự do đối diện với thay đổi bằng giáo dục toàn diện,
các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn và những bộ luật về quyền
lao động đầu tiên. Sau đó, người dân được quyền bỏ phiếu, chăm sóc sức khỏe và
an sinh xã hội. Sau thế chiến thứ hai, nước Mỹ đã xây dựng một trật tự tự do toàn
cầu, sử dụng những tổ chức như là Liên Hiệp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để định
hình cho tầm nhìn của chủ nghĩa tự do.
Ngày nay phương Tây không có chương trình nào tham vọng
bằng một nửa vậy. Điều này phải thay đổi. Những người theo chủ nghĩa tự do phải
tìm những hướng đi mà các nhu cầu về công nghệ và xã hội có thể mở ra. Quyền lực
có thể được bàn giao từ nhà nước xuống các thành phố, những nơi sẽ trở thành
các phòng thí nghiệm cho các chính sách mới. Chính trị có thể thoát khỏi lối tư
duy đảng phái cứng nhắc bằng cách sử dụng những dạng thức dân chủ địa phương mới.
Mạng lưới thuế và luật lệ phức tạp có thể được xây dựng lại một cách hợp lý. Xã
hội có thể thay đổi giáo dục và việc làm để “đại học” trở thành nơi mà mọi người
có thể quay lại nhằm phục vụ công việc ở các ngành công nghiệp mới. Những hứa hẹn
đó giờ chưa được tưởng tượng đến, nhưng một hệ thống tự do, nơi mà sự sáng tạo,
sở thích và chuyên môn của cá nhân có đầy đủ không gian để biểu lộ, có nhiều khả
năng để nắm bắt chúng hơn bất kỳ hệ thống nào khác.
Giấc
mơ của lý trí
Sau năm 2016, giấc mơ đó còn khả thi không? Một góc
nhìn nào đó là điều cần thiết. Tờ báo này (The Economist) tin rằng
Brexit và nhiệm kỳ tổng thống của Trump chắc chắn sẽ gây tổn hại. Chúng tôi lo
lắng về sự pha trộn của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa nghiệp đoàn và bất mãn rộng
khắp. Nhưng năm 2016 cũng đại diện cho nhu cầu phải thay đổi. Đừng xem thường
khả năng của con người, thậm chí một chính quyền của Trump và nước Anh hậu
Brexit, trong việc suy xét và sáng tạo những cách để thoát khỏi rắc rối. Việc
bây giờ là phải khai thác sự thôi thúc mạnh mẽ đó, và bảo vệ sự khoan dung và
phóng khoáng vốn là nền tảng của một thế giới tốt đẹp và tự do.
No comments:
Post a Comment