Thursday 12 January 2017

NÊN CẤM TRUNG QUỐC VÀO CÁC ĐẢO NHÂN TẠO TRÊN BIỂN ĐÔNG" (tin tổng hợp)




January 12, 2017
.
Ông Rex Tillerson trả lời chất vấn ở Thượng Viện hôm Thứ Tư, 11 Tháng Giêng, 2017 để được chấp thuận làm Ngoại trưởng trong chính phủ Donald Trump. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
.
WASHINGTON (NV) – Đó là phát biểu của ông Rex Tillerson, ngoại trưởng đề cử của chính phủ Donald Trump, đồng thời ông ví hành động của Trung Quốc trên Biển Đông giống như cách Nga cướp vùng Cremea của Ukraine.

Lời phát biểu của ông Rex Tillerson trong buổi điều trần ở Ủy Ban Đối Ngoại của Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 11 Tháng Giêng 2017, cho thấy chính phủ mới ở Washington có thể không quá nhẹ nhàng với các hành động cướp ngày của Bắc Kinh trên Biển Đông và vùng này sẽ trở nên nóng hơn những ngày sắp tới khi ông Trump chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc.

“Chúng tôi sẽ gửi một tín hiệu rõ rệt cho Trung Quốc biết. Thứ nhất, họ phải chấm dứt bồi đắp đảo nhân tạo, và thứ hai, việc các anh tiếp cận các đảo đó thì cũng không được cho phép” khi ông Tillerson trả lời chất vấn rằng liệu ông có hậu thuẫn cho viễn ảnh cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông cho rằng chính phủ Mỹ hiện tại không phản ứng đủ trước các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, mà hệ quả là Bắc Kinh “cứ lấn tới” mãi.

Tuy nhiên, ông không cho biết những gì sẽ được làm để ngăn chặn người Trung Quốc đến các đảo nhân tạo đã bồi đắp ở quần đảo Trường Sa hiện đang được gấp rút xây dựng và trang bị để trở thành các căn cứ quân sự khổng lồ trên biển với cả phi trường và hải cảng. Cách đây ít ngày, tin tức cho hay Bắc Kinh đang chuẩn bị chuyển cả trăm giàn cao xạ và hỏa tiễn phòng không đến các đảo nhân tạo.

Ông Tillerson gọi các hành động bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa và tuyên bố “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông là “các hành động bất hợp pháp.”
“Họ cướp lãnh thổ hoặc kiểm soát vùng lãnh thổ hoặc tuyên bố kiểm soát các khu vực lãnh thổ ở những nơi Trung Quốc không có quyền,” ông Tillerson nói.

Ông Tillerson từng là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil suốt một thời gian dài, trong đó có giai đoạn tập đoàn này đã phải ngưng hợp đồng thăm dò tìm kiếu dầu khí đã ký với Việt Nam vì vướng cái vạch “Lưỡi Bò” và bị Bắc Kinh đe dọa trả đũa.

Khi được hỏi đi hỏi lại về phản ứng của Trung Quốc đối với lời phát biểu của ông Tillerson sẽ ngăn chặn họ tới các đảo nhân tạo, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh là Lu Kang (Lục Kháng) nói ông ta không thể đoán ông Tillerson đề cập tới cái gì và cũng không trả lời các câu hỏi giả định. Ông ta chỉ nói quyền của Trung Quốc tiến hành các “hoạt động thường lệ” tại vùng lãnh thổ chủ quyền của họ trên Biển Đông là “không thể tranh cãi” trong buổi họp báo ở Bộ Ngoại Giao hôm 12 Tháng Giêng 2017.

Chính phủ Obama đã nhiều lần cảnh cáo Bắc Kinh cần tuân thủ các hiệp định quốc tế từ Luật Biển Quốc Tế (UNCLOS) đến bản tuyên bố ứng xử trên Biển Đông mà họ ký với 10 nước ASEAN hơn chục năm trước, nhưng họ vẫn tảng lờ. Bắc Kinh gấp rút bồi đắp các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa, ngang ngược lập lại lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông theo các vạch nối lại giống như đường “Lưỡi Bò,” bất chấp các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.

Chính phủ Obama chỉ cho một số chiến hạm và máy bay mở vài cuộc “tuần tra tự do hải hành” đi gần một số đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa và một vài đảo ở khu vực Hoàng Sa trong khi các tướng lãnh Mỹ đòi phải có các hành động quyết liệt hơn.

Nếu chính quyền mới dưới thời ông Donald Trump lại có những quyết định cứng rắn hơn để xác quyết quyền tự do hải hành trên Biển Đông ở những khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bất hợp pháp, sẽ là các bước thay đổi chính sách rất quan trọng mà giới phân tích thời sự cho rằng sẽ khó tránh leo thang căng thẳng.

Bình luận về lời phát biểu của ông Tillerson tại phiên điều trần ở Thượng Viện Hoa Kỳ, Ashley Townshend, một chuyên viên nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ Quốc của đại học Sydney, nước Úc, cho rằng “Tất cả những lời nói đó ‘báo hiệu cũng giống như ông Trump và một số cố vấn của ông ta, sẵn sàng hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông và những nơi khác.’” Tuy nhiên, ông Townshend hoài nghi liệu ông Tillerson có thật thực hiện điều ông ta nói trong cuộc điều trần hay không.

“Hoa Kỳ không thể ngăn cản Trung Quốc đến các đảo nhân tạo mà lại không gây ra đối đầu, có thể là đối đầu quân sự, cũng như việc Mỹ chặn đường tiếp cận một khu vực rộng lớn gồm các đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa là bất hợp pháp,” ông Townshend nói. (TN)

-----------------------------
13 tháng 1 2017

Hoa Kỳ phải chặn đường tiếp cận đến các đảo do Trung Quốc xây trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, người được ông Donald Trump bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ nói.
Những bình luận của ông Tillerson, nhiều khả năng sẽ làm tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Bắc Kinh, được đưa ra tại phiên điều trần để Thượng viện Mỹ chẩn thuận việc bổ nhiệm ông vào chức ngoại trưởng.

Bắc Kinh thời gian qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực biển được nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Những hình ảnh được đưa ra cuối năm ngoái cho thấy có sự hiện diện của lực lượng quân sự tại một số đảo này, một viện nghiên cứu nói.

Ông Tillerson, người phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, so sánh việc Trung Quốc xây đảo với việc Nga chiếm Crimea từ tay Ukraine.
"Chúng ta cần gửi đến Trung Quốc một dấu hiệu rõ ràng. Thứ nhất, việc xây dựng đảo phải chấm dứt, và thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo đó nữa."

Động thái xây đảo của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong khu vực.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.

Hồi tháng Bảy, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại The Hague (PCA) ra phán quyết theo đó bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Bển Động trong vụ kiện do Philippines đệ đơn. Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận nội dung phán quyết.

Chính quyền Obama đã có thông điệp phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây đảo, đồng thời nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.
Mỹ cũng cam kết sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và đã điều tàu hải quân đến vùng biển có tranh chấp.
Nhưng chính quyền Obama không đe dọa chặn đường đến các đảo này, một tuyên bố nhiều khả năng sẽ làm Bắc Kinh tức giận.
Ông Tillerson không nói rõ Mỹ sẽ chặn đường đến các đảo này ra sao.
Nhưng ông nói các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và những tuyên bố của nước này về vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Đông do Nhật kiểm soát mà Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền là "bất hợp pháp".
"Trung Quốc đang lấn chiếm, kiểm soát hay tuyên bố kiểm soát những vùng lãnh thổ họ không có quyền hợp pháp," ông Tillerson nói.

Trung Quốc nói không làm gì sai khi tiến hành xây cất trên những nơi mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình.
Chính quyền Trung Quốc từng nói nước này không có ý định quân sự hóa các đảo này, nhưng thừa nhận có xây dựng cái mà họ gọi là căn cứ quân sự cho mục đích phòng vệ.
Đáp lại lời phát biểu của ông Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc có quyền thực hiện "những hoạt động bình thường" trên lãnh thổ của mình.
Khi được hỏi về bình luận chặn đường đến đảo của ông Tillerson và phản ứng của Trung Quốc, ông Lục Khảng nói ông không trả lời những câu hỏi mang tính giả thuyết.
Đã có một vài vụ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Hồi cuối năm ngoái, một tàu Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn đại dương ngoài khơi Philippines, nhưng sau đó đã đồng ý trả lại cho Mỹ.
Các tàu Trung Quốc cũng có những đụng độ, căng thẳng với các tàu từ Việt Nam và Philippines.




No comments:

Post a Comment

View My Stats