Monday, 2 January 2017

BẢN "TÙ CA" BẤT HỦ SAU 40 NĂM ĐÃ RA TÙ (Đông Đô Phạm - Danlambao)





Văn hóa và nghệ thuật với người cộng sản cần thiết phải hiểu như thế này: Họa sĩ biến vần thơ thành bức tranh, nhạc sĩ biến bức tranh thành tác phẩm âm nhạc, người cộng sản biến tác phẩm âm nhạc thành... những kẻ thù. Bởi vì: Trong lịch sử loài người từ cổ chí kim dẫu có đi cùng trời cuối đất cũng không thấy một triều đại phong kiến, nhà nước hay chính phủ nào “tước đoạt tự do, cầm tù” một bài hát mà có đến hàng chục triệu người yêu mến đến thuộc nằm lòng như bài hát “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương dưới chế độ CSVN. Chúng ta thử một lần nữa đọc lại lời “cáo trạng” mà tác giả Phạm Đình Chương đã sử dụng trong bài ca Ly Rượu Mừng để từ đó tác phẩm âm nhạc này bị chế độ CSVN qui chụp là ca khúc phản động, kết án 40 năm “tù giam”:

Ly Rượu Mừng

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Á... a... a... a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á... a... a... a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời

Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương

á... a... a... a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á... a... a... a
Chúc mẹ hiền dứt u tình

Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới

Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới.

Bảo Trâm và các ca sĩ hợp ca Ly Rượu Mừng đêm 31/12/2016 trên VTV1-
(Nguồn Ảnh: Ban Tổ Chức)


(Thanh Niên Online -1/1/2017) Ban Tổ Chức chương trình Giai điệu tự hào cho biết, ca khúc Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sẽ trở thành bài hợp ca cuối cùng kết thúc 12 chương trong chương trình Giai điệu tự hào của năm 2016. Chương trình này đã phát sóng lúc 20 giờ 10 phút ngày 31.12 trên sóng truyền hình quốc gia VTV1. (xem phát lại tại đây) (*). 

Ly Rượu Mừng - Ca khúc được chọn kết thúc chương trình “giai điệu tự hào” tối 31.12.2016 đã khiến nhiều thành viên hội đồng bình luận xúc động. “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi”, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái nói.

Tất cả thành viên Hội đồng bình luận đều xúc động trước sự kiện sau 40 năm Ly Rượu Mừng đã được “trả tự do”  .  (Ảnh từ ban tổ chức cung cấp) 

Một trong những lý do để ly rượu đó gây xúc động đến thế chính là nó đã từng bị (cầm tù, tước đoạt tự do) cấm hát cấm phổ biến dưới mọi hình thức trong suốt 40 năm (kể từ 1975). Trong khi, trước đó, theo nhà báo Nguyên Minh, Ly Rượu Mừng là bài hát cực kỳ phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Ca khúc phổ biến đến mức, cứ có xuân có tết là phải có Ly Rượu Mừng. “Bài hát bao gồm những câu chúc cho non sông thanh bình hạnh phúc, chúc cho hầu hết mọi tầng lớp dân cư đồng bào, có anh nông phu lúa thơm hơi, người thương gia lợi tích, người công nhân ấm no, người binh sĩ lên đàng bảo vệ non sông...” không phân biệt đố kỵ ai cả - nhà báo Nguyên Minh chuyên mảng âm nhạc này nói.

Cũng theo nhà báo Nguyên Minh, chính việc tác giả Phạm Đình Chương vô tình nhắc tới người lính, tới từ ngữ “đời lính”, “binh sĩ” mà bài hát này đã không được phép phổ biến suốt 40 năm. “Chính yếu tố người lính làm bài hát không được cho hát - Người lính là người lính nào?”, ông chia sẻ.

Ông Nguyên Minh cũng cho biết, khi Phương Nam phim muốn công khai ghi âm bài hát này, họ đã cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ liên quan ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính thời chống Pháp. Trên cơ sở chứng minh đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phải (khoan hồng?) cho bài hát trong năm 2016. Cuối cùng thì sau 40 năm bài hát đã được giải oan, ông Minh nói.

Ly Rượu Mừng cũng đánh dấu một mốc về biểu diễn trong lịch sử âm nhạc nước ta. Nói đến Ly rượu mừng là nói đến ban hợp ca Thăng Long, ban hợp ca nổi tiếng nhất Sài Gòn. Ban hợp ca gồm 5 người: nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bà Khánh Ngọc - vợ ông, bà Thái Hằng - vợ nhạc sĩ Phạm Duy, bà Thái Thanh và ông Phạm Đình Viêm. “Đây là một ban hát tiên phong những năm 1950. Với Ly rượu mừng lần đầu tiên có hát hợp ca, còn trước đó không hề có”, ông Nguyên Minh nói.

Trên sân khấu của Giai điệu tự hào tháng 12 - tháng cuối cùng của năm 2016, bài ca cũng được tái hiện với sự thể hiện của hai nữ ca sĩ Bảo Trâm, Ngọc Khuê và nhóm ca sĩ trẻ Dòng Thời Gian trên nền nhạc Valse rộn ràng. Nó một lần nữa gợi lại Ly Rượu Mừng của Ban Hợp ca Thăng Long thuở nào. Phần biểu diễn “Ly Rượu Mừng” sau đó nhận được số phiếu bình chọn nhiều nhất của Hội đồng bình luận để trở thành bài hát hay nhất của chương trình cuối năm này.

Đúng như MC Diễm Quỳnh chia sẻ, đó là “những giai điệu đẹp đáng tự hào mà lâu rồi chúng ta chưa được phép chạm tới dù nó rất lóng lánh”.

Tóm lại (nói như nhà báo Nguyên Minh) chế độ độc tài CSVN đã ngộ nhận - Người lính trong Ly Rượu Mừng là những người lính chống thực dân Pháp chứ không phải người lính miền Nam Việt Nam mà dẫu đó có thật là người lính miền Nam thì bài ca đã được toàn dân miền Nam yêu mến thì tất yếu người lính trong đó phải “hữu xạ mới tự nhiên hương”. Từ ngàn xưa của dân tộc chúng ta quân binh chiến sĩ người lính nào khi lên đường chiến đấu thì cũng một lý tưởng niềm tin chiến đấu cho quê hương cho đất nước chứ không chiến đấu cho bất cứ một thứ chủ nghĩa ngoại lai nào, vì vậy nghiểm nhiên lời bài hát: 

Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà...

Đó chính là “Giai điệu tự hào” thôi thúc của cả dân tộc Việt Nam hôm nay chứ không phải cái giai điệu rùng rợn đau thương: “Để cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới, tôi sẵn sàng mua chiến thắng đó dẫu phải đốt sạch cả dãy Trường Sơn hay phải đánh Mỹ đến người VN cuối cùng” (lời Hồ Chí Minh). Thế đấy, hơn 4 triệu người Việt Nam đã nằm xuống cho ông ta mua một thứ “chủ nghĩa xã hội CS” mà ngày nay 90% các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới đang kinh tởm nguyền rủa chôn lấp nó.

02.01.2017

*
Chú thích:

-->



No comments:

Post a Comment

View My Stats