Monday, 9 January 2017

AI CŨNG MỘT THỜI TRẺ TRAI, MỘT THỜI ĐÃ TỪNG HIẾN MÁU (FB Đinh Thảo)




10 hrs 

Bảy năm ở Hà Nội mình thường xuyên hiến máu. Khi còn trong ký túc xá thì hiến ngay tại trường. Sau này, chuyển ra ngoài thì đến trung tâm truyền máu của bệnh viên Huyết học Truyền máu TW. Thường thì tùy vào tình trạng sức khỏe bản thân và nhu cầu của người bệnh để chọn hiến máu toàn phần (quy trình đơn giản, tốn ít thời gian và ít tác dụng phụ hơn) hay hiến tiểu cầu (thường tốn một buổi và phải tiêm thuốc chống đông).

Lâu dần, mình không còn cần tự nhớ lịch đi hiến mà vài tháng lại có người từ trung tâm gọi điện, nói rằng “Chị Thảo ơi. Nếu rảnh chị thì có thể đến trung tâm một buổi cho một bệnh nhân nhóm máu O+ xin tiểu cầu được không ạ? Hiện tại có một bệnh nhân đang cần tiểu.”. Đại loại vậy.

Kể vậy để thấy rằng chuyện hiến máu đối với mình không có gì to tát cả. Rất nhiều bạn bè cùng trường với mình hoặc những người mình gặp ở trung tâm truyền máu cũng không coi chuyện này là to tát. Có những người còn xem việc đi hiến máu như một phần của việc chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Mình từng được học về chỉ định truyền máu, từng thường xuyên đi lĩnh máu trong đêm trực, từng theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trong khi chờ đợi truyền máu cũng như lúc truyền (30p/lần),… khi còn là sinh viên. Cho nên, đối với mình, chuyện hiến máu chỉ là một nỗ lực nhỏ trong một quy trình lớn nhằm điều trị bệnh nhân.

Mặt khác, mình cũng từng chứng kiến (hoặc tham gia) cấp cứu do shock mất máu, một số đã tử vong mà một trong các nguyên nhân là không đáp ứng máu kịp thời; bệnh nhân rối loạn đông máu di truyền tử vong do không kịp truyền yếu tố đông máu; bệnh nhân phải chờ phẫu thuật cả buổi vì thiếu máu dù chỉ định mổ là cấp cứu;…

Như tất cả những người từng hoặc đang học tập, làm việc trong lĩnh vực y khoa, mình hiểu rằng tình trạng khan hiếm máu là có thật.

Có thể ví von hơi khập khiễng, nhưng hành động hiến máu cũng giống như người lớn cho một đứa bé con thanh kẹo và nhờ đó khiến cho đứa bé hạnh phúc cả ngày vậy. Bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc kia và sẽ tự thấy bản thân mình có thêm giá trị khi mang lại giá trị tức thì cho một người khác.

Vâng, đúng là mình nhiệt liệt ủng hộ việc những người trưởng thành, khỏe mạnh đi hiến máu định kỳ.

NHƯNG, còn dự luật bắt buộc công dân đi hiến máu thì sao?

Thì mình phản đối. Bởi nó đi ngược lại lẽ tự nhiên, vi phạm nhân quyền. Và trên thực tế là rất khó để thực thi, quản lý.

Về vi phạm nhân quyền (quyền tự do và an toàn thân thể), đi ngược lại lẽ tự nhiên (đây là tình nguyện!) thì nhiều người đã viết. Nhờ những bài viết đó, mình cũng học được nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này.

Mình chỉ xin điểm qua vài nét về sự bất cập trong khả năng thực thi và quản lý nếu dự luật này được thông qua:

1. Sự khan hiếm máu thực tế là tùy thuộc vào loại máu và dịch tễ. Không phải máu nào cũng hiếm và lúc nào cũng hiếm. Có những giai đoạn thiếu trầm trọng nhóm máu A hoặc O chẳng hạn. Nhưng có thể sau đó 1 tháng, bạn (nhóm O) đăng ký hiến thì lại bị từ chối do trong kho đã đủ, không lấy thêm vì không bảo quản được.

2. Việc thu nhận, xử lý và bảo quản chế phẩm máu là quy trình rất ngặt nghèo. Cho nên, nếu thu một số lượng máu lớn thì phải có cơ sở vật chất và nhân sự tương ứng để đáp ứng.

3. Dự luật đấy mà đi vào hoạt động, việc giám sát thực thi sẽ như thế nào? Làm sao để đảm bảo được công bằng? Rồi lại sinh ra thêm một nhóm người nữa chuyên làm công việc đi phạt hành chính những người trốn hiến máu à?

4. …

Thôi, càng viết càng thấy dở hơi. Tóm lại, chuyện hiến máu, truyền máu không cần NHIỀU, chỉ cần ĐÚNG, ĐỦ và HỢP LÝ.

NẾU KHÔNG LÀM VẬY THÌ GIẢI PHÁP LÀ GÌ?

Câu trả lời là hãy đễ xã hội dân sự giải quyết. Hãy để cho những hội người nhà/bệnh nhân Hemophilia lập các diễn đàn chia sẻ nhu cầu của họ, dùng câu chuyện thật của họ lan tỏa. Hãy để nhóm các bác sỹ trẻ xây dựng trang dữ liệu chuyên để dự đoán về nhu cầu máu trong năm. Hãy để cho các kỹ sư trẻ viết ra các app điện thoại, theo dõi việc hiến máu cá nhân, để dễ dàng tìm đúng “người cho” cho “người nhận”…

Cho nên, cái gì xã hội dân sự làm được thì để xã hội dân sự làm. Bộ y tế ôm đồm làm gì? Chỉ cần làm tốt chuyên môn; đảm bảo các khâu thu nhận, xử lý, bảo quản và luân chuyển giữa các bệnh viện; đưa ra dự đoán nhu cầu từng giai đoạn;… là đủ rồi.

PS: Còn làm thế nào để có XHDS thì… bắc thang lên hỏi ông trời nhé.

Video:
Giới thiệu 1 app hướng dẫn đăng ký hiến máu của Hội chữ thập đỏ Mỹ.


-------------------------








No comments:

Post a Comment

View My Stats