Sunday, 21 August 2016

ĐỘI TUYỂN HOA KỲ CHO TA BIẾT : ĐIỀU GÌ LÀM CHO MỸ TRỞ THÀNH ĐẤT NƯỚC VĨ ĐẠI (Alyssa Rosenberg - Washington Post)





Alyssa Rosenberg  -  Washington Post
20-8-2016

Suốt tuần đầu tiên ở Olympic Rio, thật là cảm động khi chứng kiến những sự kiện ở trong nước đang làm cho mọi người lo lắng lại giúp cho Hoa Kỳ giành được thế thượng phong trên đấu trường quốc tế. Nếu chủng tộc, giới tính, chính sách nhập cư và thậm chí cả quan niệm của chúng ta về thành công đang là những vấn đề gây chia rẽ trong chúng ta - như những công dân và cử tri – thì chúng lại giúp gắn bó chúng ta lại với nhau – dù chỉ là tạm thời – khi chúng ta trở thành những người hâm mộ của đội tuyển Mỹ.

Ví dụ, chính sự đa dạng đã tạo ra sức mạnh cho đội tuyển nữ môn thể dục dụng cụ của chúng ta.

Đương kim vô địch thế giới Simone Biles, huy chương vàng cá nhân và đồng đội trong tất cả các môn thi đấu, cũng như Gabby Douglas, huy chương vàng Olympic 2012 ở London là người Mỹ gốc Phi. Laurie Hernandez là người gốc Puerto Rico, ngoài ra, trong đội còn có hai nữ vận động viên là người da trắng Aly Raisman, gốc Do Thái, và Madison Kocian.

Thành phần đội tuyển làm người ta chú ý vì đây là lúc xu hướng chính trị “thắng làm vua thua làm giặc”- xu hướng cho rằng nhóm người Mỹ này thành công thì nhóm người Mỹ khác phải trả giá – đang thắng thế.

Trớ trêu là xu hướng sai lầm gây ra chia rẽ như thế trong những cuộc bầu cử lại cũng xảy ra trong đội thể dục dụng cụ của chúng ta ở Olympic. Chỉ có năm người có thể tham gia đội tuyển Mỹ. Luật lệ cấm nước này lấn át nước khác, nghĩa là chỉ có hai nữ vận động viên Mỹ được tham gia tranh tài trong những trận chung kết cá nhân mà thôi; Ví dụ, Hernandez sẽ tranh tài trong cuộc thi chung kết vào hôm thứ Ba, nếu Biles và Raisman không có điểm số cao hơn cô.

Nếu Biles không có thành tích áp đảo đến như thế, và nếu HLV của đội, Martha Karolyi, không phải là người nổi tiếng vì có khả năng tạo ra đội tuyển Olympic khá cân đối về kỹ năng thì khán giả dễ dàng chia rẽ thành những phe phái xung đột với nhau, nhóm này cổ vũ cho vận động viên này, nhóm kia cổ vũ cho vận động viên kia. Thay vào đó, thành tích của đội được coi là của tập thể, còn thành tích cá nhân lại góp phần củng cố sức mạnh của cả đội. Và, theo một nghĩa nào đó, thì chiến thắng của họ thuộc về tất cả chúng ta, nó bác bỏ ý tưởng cho rằng chúng ta không thể cùng thắng.

Cùng lúc đó, ở bể bơi, người ta lại tập trung chú ý tới khía cạnh khác của thành tích của đội Mỹ. Các vận động viên bơi lội của một số nước đã lên tiếng phản đối các đối thủ từng bị kết tội sử dụng doping. Tuyên bố của vận động viên người Mỹ, Lilly King, chống lại vận động viên người Nga, Yulia Efimova, được rất nhiều người quan tâm. Động tác chỉ ngón tay và vung nước lên được coi là một chương mới nhất và ẩm nhất - nếu không phải là lạnh nhất trong quan hệ căng thẳng giữa hai nước này.

Nhưng động tác của King gây được tiếng vang vì lý do khác. Đây lúc câu hỏi: Đảng viên Cộng hòa Donald Trump có thực sự thành công trong kinh doanh hay không đang trở thành một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Thật vui khi thấy người Mỹ ở nước ngoài đang khẳng định rằng chiến thắng của chúng ta phải là chiến thắng thực sự - ngay cả nếu điều đó có nghĩa là chối bỏ những thành tích đã đạt được một cách không trung thực, như King đã làm khi lên án những người Mỹ đang thi đấu ở Rio, mặc dù trước đây những người này đã không qua được những cuộc xét nghiệm về doping. Trump có thể che giấu tài sản thực sự của ông ta bằng cách từ chối đưa ra công khai báo cáo thuế khóa của mình, và có thể thuê lao động nước ngoài trong khi vẫn hứa sẽ mang cho công ăn việc làm về cho nước Mỹ, nhưng trong bể bơi ở Rio, người ta không thể giành được huy chương vàng bằng ảo thuật. Tương tự như thế, khi chiến dịch tranh cử của Trump tiếp tục dẫm đạp lên các chuẩn mực quốc tế và chính trị quan trọng nhất, cho dù ông ta có nói tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân, giết nữ đối thủ cạnh tranh với ông ta hay dùng những biện pháp tra tấn, thật vui khi được nghe một người Mỹ công khai tuyên bố rằng không làm một số việc là thành tố quan trọng trong bản sắc của chúng ta.

Đến đây, hẳn độc giả đã có thể nhận thấy chủ đề nữa của Thế vận hội Rio mà tôi muốn nói tới trong bài báo này: Vai trò quan trọng của phụ nữ Mỹ. Dù đấy có là vận động viên bơi lội Ledecky và thành tích vượt trội của Biles, hay việc King lên tiếng về khía cạnh đạo đức trong những vụ lùm xùm về doping – phụ nữ đã cho khán giả Hoa Kỳ những cơ hội mạnh nhất để tự hào.

Cũng cần ghi nhận đóng góp của những người nhập cư – trong đó có cầu thủ bóng rổ gốc Australia, Kyrie Irving, năm 2012 anh đã quyết định không chơi cho quê hương mình để có thể chơi cho cho đội tuyển Mỹ - những người đang mang huy chương về cho nước Mỹ.

Trong địa hạt chính trị, phản ứng trước sự đa dạng ngày càng tăng ở nước ta, một người phụ nữ có thể trở thành tổng thống, sự hiện diện của những người nhập cư và những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi thành công thật sự đã kết tụ lại và gây ra tình trạng xấu xa hiếm có. Nhưng, khi so sánh mình với những nước khác, chúng ta thấy thái độ dung hợp và chính trực là những thành tố tạo nên vẻ đẹp và sức mạnh của chúng ta.

Trong bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử vào thứ Năm vừa rồi, bà Hillary Clinton đã dùng chiến thắng của đội tuyển Mỹ để chống lại Trump, khi bà tuyên bố rằng nếu các vận động viên người Mỹ cũng sợ thế giới bên ngoài như ứng viên đảng Cộng hòa thì “Michael Phelps và Simone Biles sẽ co rúm lại, chứ không dám ra khỏi phòng thay đồ”.

Bà có thể nói đơn giản hơn. Như Rio đã chỉ rõ, những thành phần của cuộc sống Mỹ mà Trump muốn thay đổi để “một lần nữa, làm cho Mỹ trở thành vĩ đại” lại chính là những thứ đã làm cho nước Mỹ đã trở thành vĩ đại như ta đang thấy.

Đã đăng trên 
Dân Luận

Nguồn :
Washington Post




No comments:

Post a Comment

View My Stats