Friday, 26 August 2016

VASEP : NHIỀU HỢP ĐỒNG XUẤT KHẨU BỊ HỦY VÌ THỦY SẢN NHIỄM KIM LOẠI NẶNG (VnExpress)





Cùng với tình trạng thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp cũng đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động khi đối tác nước ngoài huỷ hợp đồng do quan ngại thuỷ sản miền Trung nhiễm độc. 

VASEP lo nhà máy giấy Trung Quốc 'bức tử' sông Hậu 
VASEP muốn hoàn thuế nhập khẩu thủy sản trước

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đại diện cho 270 doanh nghiệp trong ngành kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thiệt hại sau thảm hoạ môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, sự cố ô nhiễm đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến đời sống, việc làm cũng như sức khỏe của người lao động. Ngư dân lo lắng và không dám đi đánh bắt.

"Khách hàng quốc tế quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền trung. Các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn", VASEP nhấn mạnh.

Trước đó, một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là Công ty Trang (Mã CK: TFC) cũng bất ngờ ghi nhận thua lỗ 14,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi lớn. Một trong những lý do được ban lãnh đạo công ty đưa ra là sự kiện cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam đã ảnh hưởng đến uy tín ngành thuỷ sản, nhiều đối tác nước ngoài đơn phương huỷ hợp đồng.

"Sản lượng thu mua của doanh nghiệp giảm 60% so với cùng kỳ. Nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng trong khi đầu ra của sản phẩm cũng bị co lại, nên doanh nghiệp thu mua nguyên liệu trong 8 tháng chỉ đạt khoảng 40% và doanh số bán ra cũng bị giảm mạnh", VASEP thống kê thiệt hại.

Chẳng hạn, Công ty Nam Hà Tĩnh (Shatico) ở Kỳ Anh thu mua được 228 tấn sau 8 tháng, trong khi cùng kỳ 2015 được 580 tấn (giảm đến 60%). Công ty xuất khẩu chỉ được 160 tấn, kim ngạch 1,4 triệu USD trong khi cùng kỳ là 2,4 triệu USD.

Trước thực trạng uy tín ngành thuỷ sản lao dốc trên trường quốc tế, VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành khẩn trương đẩy mạnh công tác truyền thông để khách hàng nước ngoài không bị quan ngại và vẫn tin vào hình ảnh thủy sản của Việt Nam đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, hiệp hội này mong Chính phủ có sự can thiệp đối với Tập đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người dân ở 4 tỉnh miền Trung; đưa ra những chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gây ra.

Không chỉ gặp khó trên thị trường quốc tế, về thị trường nội địa, người dân trên cả nước cũng có tâm lý hoang mang, lo lắng nên không mua sản phẩm thủy sản miền Trung. Các doanh nghiệp và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Toàn bộ hàng nội địa phải bảo quản lâu ngày ở kho. Do đó, doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh như tiền điện, thuê kho...

Theo báo cáo của doanh nghiệp, đến giữa tháng 8/2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại, khiến các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn.

Dự kiến các tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác. Nhiều công ty báo thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Với những thiệt hại và ảnh hưởng nêu trên, VASEP kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành có giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để duy trì sản xuất, trong đó có hỗ trợ thủ tục, cước phí tại cảng nhập khẩu... tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và mặt hàng mới. 

Bạch Dương







No comments:

Post a Comment

View My Stats