Monday, 29 August 2016

TRUMP & 'CÁI GÂN GÀ' TRONG CHÍNH SÁCH DI DÂN (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
August 25, 2016

HOA KỲ – Tạp chí Time ví cuộc tranh cử của ông Donald Trump hiện nay giống như cây cà-rem chảy rữa trong mùa Hè. Từ một tháng qua, các thăm dò dư luận cho thấy ông đang xuống điểm nặng trước đối thủ Hillary Clinton.

Ðể chấn chỉnh tình trạng ấy, tuần trước ông Trump cho thay thế nhân sự của ban vận động tranh cử bằng hai nhân vật chính, chọn trong giới truyền thông bảo thủ: với ông Stephen K. Bannon là chỉ huy trưởng và bà Kellyanne Conway làm giám đốc ban tranh cử.

Cho đến bây giờ, người ta chưa hiểu tân ban lãnh đạo sẽ có chiến lược gì mới cho cuộc vận động tranh cử. Còn ông Trump thì vẫn chỉ quanh quẩn đề cập những chuyện cũ bằng thứ ngôn ngữ gây sôi nổi quen thuộc, nhưng đồng thời khó dự đoán và không hiểu sẽ được thực hiện đến mức nào.

Hôm Chủ Nhật, ban tranh cử cho biết ông Trump sẽ có những quyết định mới trong vấn đề di dân. Nhưng ngay sau đó, nói chuyện với Dana Bash của truyền hình CNN trong chương trình “State of the Union,” ông Trump khẳng định “không lươn lẹo” và “muốn một quá trình công bằng nhưng chặt chẽ.” Tuy nhiên ông không giải thích gì rõ hơn.

Trước kia, ông Trump từng tuyên bố “sẽ trục xuất hết 11 triệu di dân bất hợp pháp” và chủ trương này là đề tài thu hút giới cử tri Cộng Hòa bảo thủ trong cuộc bầu cử sơ bộ. Thắc mắc của dư luận là phải chăng nay ông không còn duy trì chủ trương ấy. Nhưng bà Kellyanne Conway xác nhận “ông Trump không thay đổi lập trường.”

Giống như đề nghị cấm dân Hồi Giáo vào nước Mỹ mà ông Trump đã nhiều lần tìm cách giải thích để làm nhẹ bớt tính cách khắt khe, ông dường như muốn mềm dịu hơn trong chính sách “trục xuất hàng loạt” số 11 triệu di dân bất hợp pháp đang sống trên đất Mỹ.

Trong cuộc thảo luận hội trường với Sean Hannity của Fox News hôm Thứ Ba, ông Trump tỏ ý “sẽ chấp nhận nguyên trạng về di dân như thời chính quyền Obama,” trong tình huống ông đang cần đảo ngược thất thế lớn trong thăm dò dư luận các cử tri Hispanics. Ở cuộc phỏng vấn của Fox News đêm Thứ Tư, ông Trump nói rõ thêm là muốn “cho phép một số di dân bất hợp pháp ở lại nước Mỹ.”

Như thế có nghĩa ông Trump đã từ bỏ lập trường chống “ân xá” cho di dân bất hợp pháp mà ông bảo vệ trong suốt thời kỳ tranh cử sơ bộ.

Nhưng giống như mọi cái gọi là “đường lối chính sách” của ông Trump, điều quan trọng là ở chi tiết, và sự khả tín trong việc tôn trọng lời hứa hẹn.

Theo lập luận của bà Kellyanne Conway tối Thứ Năm, “không có thay đổi nào trong lập trường của ông Trump” vì “ông không nói tới ân xá.” Bà giải thích: “Hoàn toàn khác Marco Rubio và nhóm 8 người của ông ta.” Năm 2013, nhóm 8 thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng, bao gồm Chuck Schumer, Marco Rubio, John McCain… đã đưa ra dự luật cải tổ chính sách di dân, trong đó có chủ trương ân xá một số di dân bất hợp pháp đã sống nhiều năm ở Mỹ.

Bà Conway cho biết ông Trump đang chuẩn bị đưa ra một thông điệp mới trong vấn đề di dân, được soạn thảo với sự trợ giúp của hai chính trị gia kỳ cựu, Thượng Nghị Sĩ Jeff Session (Alabama) và Stephen Miller, cựu phụ tá của Session và là cố vấn cho ông Trump. Bà nói: “Hai chuyên gia về di dân này đang cố gắng tìm ra lời giải thích để ông Trump trình bày cho dân Mỹ về một vấn đề rất phức tạp và cần phải hiểu rõ thực trạng như thế nào.” Cuối cùng, bà Conway không quên nhấn mạnh: “Tôi có thể bảo đảm, chính sách không có gì thay đổi.”

Tất cả những lời lẽ và cách giải thích rắc rối khó hiểu ấy là phản ánh hai thực tế mâu thuẫn trong tranh cử của ứng cử viên Donald Trump: Một mặt phải tìm cách lấy lòng cử tri Hispanic cần cho đảng Cộng Hòa trong bầu cử tổng thống cũng như bầu cử Quốc Hội, mặt khác phải làm thế nào giữ được niềm tin của cử tri và những người Cộng Hòa bảo thủ đã đưa ông Trump đến chiến thắng trong bầu cử sơ bộ vì ủng hộ quan điểm mạnh mẽ chống di dân của ông.

Làm thế nào đáp ứng được hai đòi hỏi trái ngược ấy? Ðó là chưa kể đến những hậu quả khác của vấn đề. Di dân có thể tạo khó khăn cho dân Mỹ trong việc tìm kiếm việc làm nhưng lại rất cần thiết cho hoạt động kinh tế. Tổ chức American Action Forum ước lượng là trục xuất hết di dân bất hợp pháp sẽ làm cho mức tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 2% một năm. Ước lượng kinh tế Mỹ năm nay có sản xuất và dịch vụ trị giá $18,700 tỷ, trong đó sử dụng 6.8 triệu di dân bất hợp pháp. Không có số lao động này, sản lượng kinh tế sẽ giảm từ $380 tỷ đến $620 tỷ và thiếu hàng triệu lao động vì không đủ công nhân hợp pháp bù vào khoảng trống.

Khó khăn của một ứng cử viên trong cuộc tranh cử không phải chỉ là nói như thế nào mà còn là nói có hữu lý và hợp với thực tế không. Ông Trump có thể đảm nhận được một nửa nhiệm vụ là nói cho ăn khách, nhưng ban tranh cử của ông sẽ phải tìm cách giải thích về sự hợp lý trong những phát biểu và lời hứa hẹn của ông. Và di dân mới chỉ là một trong những đề tài tranh cử.

------------------------------

August 26, 2016



No comments:

Post a Comment

View My Stats