Saturday, 27 August 2016

ĐỀ PHÒNG CÀNG HỌC CÀNG XA RÒI THỰC TẾ (Nguyễn Đình Cống)





Ngày 25 tháng 8 Bộ Chính trị và Ban Bí thư TƯ ĐCS VN tổ chức học tập 2 chuyên đề : Nguồn lực và động lực phát triển đất nước 2016-2030, và Cuộc cách mạng lần thứ tư.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng Bí thư hoan nghênh các cơ quan có liên quan và các tác giả đã chuẩn bị công phu, có chất lượng nội dung các báo cáo, cung cấp được nhiều thông tin mới mẻ, bổ ích, thiết thực; đồng thời cũng gợi mở thêm một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu để hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng của các báo cáo. Tổng Bí thư cũng yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tích cực chuẩn bị nội dung các chuyên đề tiếp theo để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tôi đã cố tìm nội dung cụ thể của các chuyên đề và tên của báo cáo viên nhưng chưa tìm thấy. Tổ chức học chuyên đề cho Bộ Chính trị là việc tương đối mới lạ. Sẽ là rất tốt khi nội dung báo cáo tháo gỡ cho học viên những nhận thức sai lầm, kích thích được, gợi mở được năng lực sáng tạo của họ, khi báo cáo viên không những là nhà khoa học chân chính, trung thực mà còn biết đặt chân lý và quyền lợi dân tộc lên trên ý thức hệ và quyền lợi riêng của đảng. Ngược lại, nếu nội dung thuyết trình cũng như báo cáo viên chỉ nhằm minh họa Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), nhằm ca ngợi sự sáng suốt của Đảng, đi theo quan hệ 4 tốt và 16 chữ vàng thì không khéo càng học càng xa rời thực tế, càng bóp méo sự thật, càng hiểu sai chân lý, càng phản lại dân tộc.

Chương trình giảng dạy về CNML, về Lịch sử ĐCSVN ở các trường đại học chiếm khá nhiều thời gian nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Đa số thầy dạy chỉ trình bày theo sách vở một cách thiếu tự tin, sinh viên bị bắt buộc học chỉ để thi, phần nhiều thi xong là quên, nếu có nhớ thì khi đối chiếu với thực tế lại thấy ngược lại, càng mất lòng tin. Trước tình hình đó đáng lẽ cần đổi mới nội dung môn triết học thì xu hướng của tuyên huấn là tăng thêm giờ học. Thực tế càng tăng giờ sinh viên càng chán học. Ngay như môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu chỉ dạy trong 10 đến 12 giờ là vừa phải, chương trình quy định 60 giờ, tưởng là đề cao môn học, không ngờ tác dụng ngược lại, vi nội dung không hấp dẫn mà càng cố kéo dài lê thê thì người học càng chán. Không biết đã bao giờ lãnh đạo Đảng đặt câu hỏi: Tại sao học và vận động làm theo Hồ Chí Minh rất nhiều mà càng học thì đạo đức xã hội càng xuống cấp trầm trọng.

Xin kể câu chuyện. Tôi về quê, nghe hai người cháu, cán bộ ở các phòng của huyện, khoe là được cho đi học lớp lý luận do tỉnh mở để bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Tôi nói, các cháu mà đi học các lớp ấy thì không khéo càng học càng xa rời thực tế (tôi định nói càng học càng ngu, nhưng nể 2 anh cháu mà nói chệch đi). Các cháu chất vấn: Tại sao cậu lại nói thế. Tôi trả lời là chính tôi đã dự thính vài lớp như vậy và biết một số điều được dạy là sai đến mức nguy hiểm. Nguyên là khi tôi về dạy các lớp tại chức ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, tôi thường gặp các lớp bồi dưỡng như vậy. Những buổi không lên lớp tôi tranh thủ đến dự thính, nghe xem người ta giảng dạy cái gì. Phần lớn là về nội dung cơ bản của CNML. Bản chất nội dung đó có nhiều điều sai, mà thỉnh thoảng thầy còn giảng sai thêm nữa. Ở đây không phải sai sai thành đúng, mà sai sai thành sai nhiều hơn. Trong giờ nghỉ tôi trao đổi với vài học viên, họ cho rằng thầy giảng thế thì biết thế chứ không thể đánh giá được mức độ đúng sai ở chỗ nào. Các thầy đều có bằng Tiến sĩ về KHXH. Học viên cán bộ cấp huyện làm sao đủ trình độ để đánh giá sự đúng sai bài giảng của một thầy có bằng Tiến sĩ, chuyên dạy lý luận và làm công tác tuyên huấn.

Lớp học của Bộ Chính trị và Ban Bí thư không thể phạm các điều sai như ở các lớp bồi dưỡng, nhưng nếu vẫn tôn thờ CNML thì lại có thể phạm cái sai khác lớn hơn, phạm vào những ngụy biện tinh vi mà trình độ của các học viên chưa chắc đã có đủ để phát hiện.

Sau lớp học có đánh giá và đề nghị của Tổng Bí thư. Đó là ý kiến cá nhân, mức độ đáng tin cậy phụ thuộc nhiều vào trình độ và quan điểm người đánh giá.

Để cho những buổi học tập như thế đạt hiệu quả cao, tránh được việc nói và nghe một chiều, làm cho chân lý bị hiểu sai, tôi xin đề nghị mấy điểm sau :

1- Công khai tên báo cáo viên và nội dung thuyết trình để ai muốn phản biện có thể đóng góp ý kiến.

2- Các buổi học tập như thế nên mở rộng một chút, mời thêm vài ba trí thức tham dự, những người này phải có trình độ cao, trung thực, dám phản biện, có thể đại diện cho tiếng nói của trí thức, họ sẽ phản biện vào cuối buổi học trước mặt học viên, để cho học viên không bị nhồi sọ một chiều .

3- Nên mở một số cuộc đối thoại giữa những nhà lý luận của Đảng và đại diện của trí thức, của doanh nhân theo đề nghị của GS Chu Hảo, của ông Nguyễn Trung (tôi cũng đã từng có đề nghị đối thoại như vậy). Khi thấy chưa tiện đối thoại thì có thể mở vài cuộc họp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên trung ương, mời một số trí thức bất đồng chính kiến đến trình bày quan điểm của họ về CNML, về đường lối xây dựng đảng và đất nước. Sau khi nghe các vị đó thuyết trình các trí thức của Đảng tha hồ phản biện. Tôi xin ứng cử làm một trong những thuyết trình viên như vậy.

Kết luận. Học và làm chỉ tốt khi đúng hướng. Nếu chọn sai hướng (nhưng vì vô minh, vì bảo thủ, vì không chịu nghe người khác mà cứ cho là đúng, nhất định không chịu thay đổi) thì càng tích cực bao nhiêu càng xa rời mục đích tốt đẹp là tự do và hạnh phúc của nhân dân. Thực tế gần một thế kỷ qua chứng tỏ theo CNML là đi sai đường. Nhiều dân tộc thấy sai, đã quay lại. Bộ phận tinh hoa của dân tộc Việt và đa số nhân dân cũng đã thấy sai. Chỉ còn một số nào đó trong ĐCS và trong nhân dân là chưa thấy. Muốn biết sai đúng đến đâu thì không phải đóng cửa để học theo lối ngụy biện mà mở cửa cho sự tự do tư tưởng, tự do đối thoại. Có như thế việc học mới mang lại kết quả tốt đẹp.







No comments:

Post a Comment

View My Stats