19/09/2015 01:00 GMT+7
Nếu
không quyết liệt, nước Việt sẽ đi đằng nước Việt, mà phát triển đi đằng… phát triển!
Trong tuần này, bên cạnh một sự kiện lớn- công bố Dự
thảo Báo cáo chính trị để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, ngẫu nhiên có hai vụ
việc khác thu hút không kém sự quan tâm của dư luận XH bởi tính bất ngờ, tính
phổ biến của nó. Và xét cho cùng, cả hai vụ việc vi mô này cũng rất liên quan tới
những vấn đề vĩ mô mà dự thảo bản báo cáo chính trị vừa công bố.
Từ
“chi bộ họ ta” đến “huyện họ” ta
Một, là câu chuyện 600 Phó Chủ tịch xã là những người
trẻ, tốt nghiệp ĐH, tình nguyện về các xã khó khăn công tác, thuộc “Đề án tăng
cường gần 600 Phó Chủ tịch xã về 64 huyện nghèo trong cả nước”, do Bộ Nội vụ chủ
trì, nay đã chuẩn bị kết thúc sau 05 năm họ thực hiện nhiệm vụ.
Hai, là câu chuyện của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) một huyện
nông nghiệp, bộ máy chính quyền có 13 phòng, ban thì đã hơn 10 người là anh em,
họ hàng với bí thư huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện.
Bất ngờ, là câu chuyện của
600 Phó CT xã nguyên là những trí thức trẻ. Năm năm qua thực tiễn gian khổ ở những
xã miền núi khó khăn là những thử thách với họ, khi họ tình nguyện đi về những
xã này. Nay họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhiệm kỳ 05 như trong đề án, một số
người trong số đó được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng dù xuất sắc,
thì họ cũng đang phải day dứt bởi chưa biết tôi đi về đâu… hỡi tôi?
Cũng bởi trước đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, kết
thúc Đại hội Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, chưa đến 25% số Phó CT xã trẻ
trong Đề án được bầu vào cấp ủy, đồng nghĩa với việc 3/4 trong số đó không có
chức danh quy hoạch. Tâm lý của nhiều địa phương vẫn coi những Phó CT xã này là
người của Đề án, đến rồi đi. Thậm chí, có những tỉnh như Sơn La chủ trương
không bố trí quy hoạch những cán bộ trẻ này trong thời gian tới (VTV.vn, ngày
10/9)
Các đội viên thuộc
dự án 600 công tác tại các xã đặc biệt khó khăn. Ảnh: Dân trí
Trong khi học vấn của họ, tuổi trẻ của họ, và nhất
là kinh nghiệm thực tiễn lao động, sản xuất của họ 05 năm qua cũng là “vốn đầu
tư” cho những chức danh hoặc những vị trí làm việc tương ứng, không đến nỗi phải
chịu cảnh “trắng tay” trông trời trông đất trông mây, đầy sự
may rủi như hiện nay. Khi đi, với nhiều suy tính, nhưng hăm hở, hy vọng sự may
mắn sẽ mỉm cười với số phận. Khi trở về, những “cựu” Phó CT trẻ này sẽ nghĩ gì
về một thời đã qua, một thời tin tưởng? Họ vô tình trở thành những quan chức
“hưu trí” sớm khi tuổi công dân của họ còn quá trẻ.
Liệu dự án có gì đó na ná như những đợt vận động
giáo viên xung phong lên miền núi dạy học của những năm 60 trước đây không? Sau
03 năm dạy học miền núi, có rất nhiều giáo viên đã bất đắc dĩ phải tự tìm đường
“cứu mình”. Dự án 600 Phó CT xã lần này có thể coi là thành công, nhưng chắc chắn
con số 3/4 kia, rất có thể chỉ… thành nhân?
Đựơc biết trước thực trạng này, mới đây Bộ Nội vụ đã
có công văn gửi các địa phương nêu ý kiến một cách khá chung chung: Ưu
tiên xét tuyển các cán bộ trẻ đó vào công chức cấp huyện.
Thì đây, một câu chuyện về đội ngũ cán bộ cấp huyện,
cũng vừa được báo chí truyền tải, râm ran dư luận, bởi tính phổ biến của
nó.
Đó là chuyện “Cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện”
(NLĐ, ngày 14/9). Huyện đây là huyện Mỹ Đức, một huyện thuần nông, có tiềm
năng du lịch (thuộc Hà Nội). Họ đây là họ của nhà ông Bí thư Huyện ủy Lê Văn
Sang. Nói cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện không hề ngoa, bởi chính quyền
huyện có 13 phòng, ban, thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện.
Báo Người lao động đã thống kê cụ thể: Bà Lê Thị
Vĩnh, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, là cô ông Sang. Bà Đỗ Thị Lê Hương,
Phó Chánh VP Huyện ủy, là con thông gia với ông Sang. Ông Lê Văn Nhiệm, Phó Ban
quản lý dự án, là em họ ông Sang. Bà Lê Hải Hồng, Phó Phòng Kinh tế, chị họ ông
Sang. Ông Lê Văn Sức, Trưởng Phòng Dân tộc học, cháu gọi ông Sang bằng chú. Bà
Nguyễn Thị Hòa, Phó Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, em bên họ vợ ông Sang.
Cô Nguyễn Thị Duyên, kế toán Phòng Quản lý đô thị, con dâu ông Sang...
Huyện Mỹ Đức là một
địa phương thuần nông có tiềm năng du lịch. Ảnh: Một thế giới
Thật là… sang. Và cũng thật là một người làm
quan cả họ được nhờ!
Cũng không chịu kém, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó CT huyện
Mỹ Đức, có 02 con trai là Nguyễn Văn Hùng, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Nguyễn
Văn Hưng, Phòng Nội vụ của huyện. Lê Quang Hưng, con ông Lê Văn Cành, Phó Chủ tịch
UBND huyện, được điều động về Phòng Nội vụ; Lê Đức Anh, con ông Lê Văn Sơn, Ban
Quản lý dự án huyện; Nguyễn Minh Hoành, con bà Lê Thị Vĩnh, Trưởng Phòng Tài
chính - Kế hoạch, đều về công tác tại phòng này.
Cứ đà này, huyện Mỹ Đức dễ toàn anh em họ hàng các
dòng họ gặp nhau tại công đường?
Bênh vực cho cách tuyển dụng kiểu một giọt
máu đào hơn ao nước lã của ông Bí thư Huyện ủy Lê Văn Sang, ông Trưởng Ban
Tổ chức Huyện ủy Lê Văn Sơn cho rằng, các vị trí công tác đều cần thiết và đều
trải qua quá trình tuyển chọn, cân nhắc theo đúng quy trình, đến mức “người
trong nhà thì càng phải tính toán kỹ hơn. Trình độ phải nổi trội hơn người khác
mới chọn”. Hỏi ra, ông Lê Văn Sơn cũng là… chú ông Lê Văn Sang (?)
Bó tay. Với “huyện họ ta”!
Thật ra, hiện tượng này không mới lạ. Cách đây hơn
30 năm, Báo Nhân Dân đã từng có bài viết xôn xao dư luận: “Chi bộ họ ta”, để
nói về căn bệnh dòng họ dắt díu nhau trong các tổ chức chính trị, đơn vị công
tác ở các địa phương, từ cấp cơ sở, thực chất là hình thành nên những lợi
ích nhóm sau lũy tre làng. Đến nỗi có cụm từ vừa trịnh trọng vừa hài
hước mà báo VietNamNet, mới đây đã giật thành title: Con kính thưa bố!
Hơn 30 năm sau, những hiện tượng kiểu “chi bộ họ
ta" không những không… đứt gánh giữa đường bởi sự lên án của dư luận XH,
ngược lại, nó còn phát triển đến độ thành “huyện họ ta”, “UBND họ ta”.
Đặt câu chuyện 600 Phó CT xã trẻ nói trên còn đang
không biết số phận mình nay mai sẽ trôi theo ngả nào khi hôm nay họ đang
phải bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước, bên cạnh chuyện “huyện họ ta”
của huyện Mỹ Đức, đậm đặc chất nhóm lợi ích, cục bộ địa phương, bạn đọc có thể
thấy điều gì? Liệu những Phó CT xã trẻ có thể len chân vào được để có một sự ưu
tiên xét tuyển trở thành công chức cấp huyện, như công văn “nhắn nhủ” của Bộ Nội
vụ, trong những huyện ủy, ủy ban đã đóng đinh bức tứ bình: Hậu duệ,
tiền tệ, quan hệ, trí tuệ?
Tin chắc rằng, huyện ủy Mỹ Đức không phải là của hiếm,
là duy nhất, là cá biệt. Bởi hàng trăm email của bạn đọc gửi về tòa soạn
VietNamNet ngày 16/9 gần như đều đồng thanh: Ở địa phương tôi cũng thế!
Từ
vi mô đến vĩ mô
Và còn có một hiện tượng khác mà người viết tin rằng,
bạn đọc họ cũng sẽ đồng thanh than thở - ở địa phương tôi cũng thế!
Đó là tham nhũng. Loại giặc vừa rất ảo, vừa rất thật.
Ảo vì không rõ mày ngang mũi dọc ra sao, nhưng chắc chắn phải có chức
quyền, có quyền sinh quyền sát với chính những chiếc ghế. Đôi khi chỉ là chiếc
ghế…. giáo viên mầm non. Như vụ việc vừa ồn ĩ mới đây ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội)
mà báo Phụ nữ TP. HCM, ngày 7/9 đưa tin “việc chạy viên chức GD tại huyện
Sóc Sơn, Hà Nội với giá 200 triệu đồng".
Theo đó, người có nhu cầu “chạy” vào làm cô giáo mầm
non ở huyện Sóc Sơn, phải “đút” cho “cò” ở Sóc Sơn 200 triệu đồng. Với giá này,
“cò” cam kết với người chạy là tỷ lệ đỗ tới 99,9%, nếu không sẽ được hoàn lại
tiền. Năm 2015, Hà Nội có kế hoạch tuyển dụng gần 4.500 công chức, viên chức,
trong đó tuyển 2.369 giáo viên mầm non và đã phân cấp cho cấp huyện, thị xã tổ
chức thi tuyển. Không biết mùa tuyển sinh này, bao nhiêu người phải nhờ “cò”;
và cả “cò” lẫn “sâu” đã ăn được bao nhiêu? Vì thế, người ta có quyền đặt câu hỏi,
một cái ghế mầm non đã 200 triệu, thì những “ghế” cao hơn mầm non phải bao
nhiêu?
Dù vậy, người viết bài cũng không tin lắm ở kết quả
điều tra của các cơ quan chức năng, và đích thân ông Bí thư Thành ủy HN đã trực
tiếp chỉ đạo.
Những tin tức về
chuyện "chạy" công chức gây xôn xao dư luận. Ảnh minh họa
Bởi trước đó 03 năm, cả HN đã xôn xao trước phát biểu
của ông Trần Trọng Dực- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đại biểu HĐND Thành
phố khẳng định, để đỗ công chức ở Thủ đô, số tiền người ta phải bỏ ra
không dưới 100 triệu đồng. Xôn xao vì mừng như phen này sẽ bắt tận tay day
tận trán kẻ rút chân giò, kẻ thò chai rượu. Nhưng rồi tất cả…
xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Kết quả điều tra là không có gì!
Còn nếu may mắn đợt này, Sóc Sơn tìm ra được cả “cò”
lẫn “sâu”, thì liệu công cuộc phòng chống tham nhũng của nước Việt có đem lại
những tín hiệu lạc quan? Hay vẫn như thành ngữ bắt cóc bỏ đĩa của
dân gian.
Khi mà những chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp
tỉnh ở VN (PAPI 2014) công bố cho thấy kết quả khá bi quan- có khoảng 50% số
người được hỏi cho biết phải “lót tay” để vào công chức (GDVN, ngày 12/9)
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham
nhũng năm 2015 vừa trình Ủy ban Tư pháp thẩm tra ngày 11/9 mới đây cho thấy giặc
“nội xâm” vẫn lạc quan, như một điệp khúc quen thuộc. Có điều, bản hòa tấu chống
tham nhũng giờ đây bỗng như… không còn hấp dẫn được khán giả. Cho dù Phó tổng
Thanh tra Trần Đức Lượng, cảnh báotình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công
phổ biến, và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, nguy
cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội...
Vì sao?
Hãy để chính các nhà quản lý, các đại biểu QH lý giải
hiện tượng này:
Theo Tuổi trẻ, ngày 12/9, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp
Nguyễn Công Hồng nhận xét: Tại sao chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho thể chế?
Tôi cho rằng chúng ta có làm thật và làm mạnh hay không mà thôi? Tôi thấy các
giải pháp chủ yếu là phòng ngừa, nhưng lại thiếu giải pháp “đánh án”, tấn công
tham nhũng”.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga khẳng
định không thể lấy số liệu án tham nhũng phát hiện giảm mà cho rằng tình trạng
tham nhũng ở VN đã giảm. Bà Lê Thị Nga đề nghị CP làm rõ tại sao chỉ có 19 đầu
mối báo cáo, trong khi số lượng đầu mối phải báo cáo là gần 100 (63 tỉnh, thành
và gần 30 bộ, ngành). Phải chăng công tác phòng chống tham nhũng không được chú
trọng ở những nơi không có báo cáo?
Hay sự im lặng đó của các tỉnh cũng là một thái độ?
Trả lời báo GDVN, ngày 11/9, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền
cho rằng, nếu quản lý tốt đầu vào tài sản cá nhân, thì biết ngay tài sản cán bộ
(giàu lên một cách bất thường) như thế nào? Quan trọng là người ta có quyết tâm
làm đến nơi đến chốn hay không? Còn hiện tại, chống tham nhũng ở nước ta như kiểu con
mèo ăn miếng mỡ thì bắt được. Còn con cọp bắt con heo thì…. Nếu cứ chống
tham nhũng theo kiểu hình thức, ngại đụng chạm thì chẳng có nghĩa lý gì.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuyền, luật phòng chống
tham nhũng còn nhiều vấn đề bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nên hạn
chế việc giao dịch bằng tiền mặt. Thay vào đó, các giao dịch liên quan đến đồng
tiền nên thông qua hệ thống tài khoản để kiểm soát nguồn tiền thu nhập của cán
bộ. Cần chú trọng việc công khai, minh bạch về tài sản của người có chức quyền,
ở vị trí "nhạy cảm".
Thật ra, tất cả những điều ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền kiến
nghị đều không mới. Báo chí, và bản thân người viết bài đã rất nhiều lần nêu giải
pháp này.
Có điều kiến nghị đi đằng kiến nghị, và tham nhũng vẫn
đi đằng… tham nhũng.
Bởi vậy, nếu không quyết liệt, vẫn coi hiện tượng
“huyện họ ta”, hay cái giá 200 triệu một ghế giáo viên mầm non, chỉ là chuyện lợi
ích nhóm tầm vi mô, thì chẳng chóng thì chầy ở tầm vĩ mô, nước Việt sẽ đi đằng
nước Việt, mà phát triển đi đằng… phát triển!
No comments:
Post a Comment