Wednesday 30 September 2015

Giải pháp nào cho chuyện nghịch lý ở Đồng Bằng sông Cửu Long? (Nguyễn Trọng Bình)





Nguyễn Trọng Bình
Viet-Studies  ngày 29-9-15

Ngày 25/9/2015 vừa qua tại trường ĐH Cần Thơ, Bộ Gíao dục & Đào tạo phối hợp cùng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức “Hội nghị tổng kết phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015”. Theo như tường thuật của báo Tuổi trẻ thì tại hội nghị này có một vấn đề quan trọng được hầu hết những người tham gia đồng tình và thống nhất... cao đó là: Cho đến tận bây giờ “Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là “vùng trũng” giáo dục của cả nước”.

Thật ra, nếu ai quan tâm đến sự phát triển chung của vùng ĐBSCL mấy mươi năm qua thì đây là một câu chuyện cũ, không có gì phải ngạc nhiên hay bất ngờ. Và có lẽ không riêng gì giáo dục mà tất cả các lĩnh khác (cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, y tế, du lịch, công nghệ...) tất tần tật đều như vậy. Bởi một khi cái “chìa khóa giáo dục” đã bị gỉ sét thì làm sao mà tra vào mở các ổ khóa cho được. Âu cũng là quy luật tất yếu về thực trạng chung ở cái xứ sở này chứ không riêng gì vùng ĐBSCL.

Tuy vậy, cái quy luật tất yếu này nếu nhìn riêng ở vùng ĐBSCL có thể thấy bao hàm trong đó một nghịch lý chua xót và đớn đau. Hãy thử nghĩ xem, nếu không có những người dân thất học, quanh năm “tay lấm, chân bùn” ở ĐBSCL này thì Việt Nam có trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới không? Hóa ra mấy mươi năm qua, cái vùng trũng này lại chính là cái xương sống của cả nền kinh tế nông nghiệp; là cái “vựa lúa, vựa lương thực” của cả nước? Thế mới biết, tuy cũng là một thành viên trong gia đình nhưng lâu nay, “đứa con út” ĐBSCL không chỉ bị cha mẹ ruồng rẫy, thiếu quan tâm mà các anh, chị của “nó” cũng coi thường, khinh khi, luôn miệng bảo là dốt nát. Thế nhưng oái oăm là, khi cần chính “nó” chứ không phải ai khác được cha mẹ và các anh chị mang ra vinh danh như một niềm tự hào của cả dòng tộc?

Nói điều này để thấy rằng, giờ đây nếu phải đặt lại vấn đề làm cách nào để giải cứu ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng giáo dục nhằm tiến đến giải cứu tất cả các lĩnh vực khác thiết nghĩ việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là ở cấp “thượng tầng” có thật sự muốn vùng đất cực nam này phát triển hay không? Hay ngoài miệng thì “ĐBSCL là vùng đất đầy tiềm năng cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa” nhưng trên thực tế phải hiểu là “nói dzậy chứ không phải dzậy”? Nói cách khác, nếu muốn gỡ vướng cho ĐBSCL thì việc cần làm trước tiên nhất là phải dẹp bỏ thói ích kỷ, hẹp hòi; dẹp bỏ cái nhìn định kiến phân biệt vùng miền trong tư duy sau đó mới tính đến những giải pháp cụ thể khác. Vì nói cho cùng mọi chính sách hay ý tưởng để xây dựng và phát triển ĐBSCL nếu không xuất phát từ động cơ và cái tâm trong sáng sẽ không bao giờ thành công trong thực tế và đương nhiên sẽ không tránh khỏi sự đàm tiếu và mất niềm tin từ phía người dân: hoặc đó là những chính sách mang màu sắc “lợi ích nhóm” hay tệ hơn nữa là một kiểu ban ơn trịch thượng dành cho người dân khu vực vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, tuy ĐBSCL là vùng trũng của cả nước về giáo dục nhưng do lối nghĩ, lối sống “thật thà như đếm”, “có sao nói vậy người ơi” (có thể xem như một căn tính văn hóa nổi trội) nên người dân nơi đây cho đến giờ ít nhiều vẫn còn duy trì thói quen không chịu gia nhập vô số những cuộc chạy đua rầm rộ để có những bản báo cáo thành tích thật đẹp trên giấy.

Từ đây, nếu nói mục tiêu và sứ mạng cao cả nhất của giáo dục là giúp con người hoàn thiện hơn về nhân cách và phẩm giá thì không nên chỉ nhìn vào những bản báo cáo với con số thống kê xơ cứng trên giấy (tỉ lệ giáo viên, học sinh giỏi cấp quốc gia, số lượng GS, TS cấp Nhà nước, tỉ lệ sinh viên/vạn dân... ở ĐBSCL thấp hơn so với các vùng miền khác) để rồi kết luận đây là vùng trũng. Nên nhớ rằng, sản phẩm của giáo dục là con người hay chính xác hơn là nhận thức của con người với những phẩm tính về trí tuệ và văn hóa.

Vì thế, nếu những giải pháp đưa ra mà bỏ qua hay không chú ý đến khía cạnh văn hóa nổi trội của con người nơi đây thì có khi sẽ là lợi bất cấp hại. Nếu như thế, thì thà để ĐBSCL mang tiếng bị “trũng” còn hơn là bị “lủng” (về đạo đức và văn hóa). Dù sao thì cái nghịch lý về “đứa con út” tuy “quê mùa, ít học” nhưng là niềm tự hào của dòng tộc vẫn dễ chấp nhận hơn cái nghịch lý toàn Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, PGS, GS... nhưng chỉ biết “chỉ tay năm ngón” và “chém gió” ào ào.

* * *
Nói tóm lại, giải pháp nào để giải cứu không chỉ giáo dục ở ĐBSCL mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác là một vấn đề không mới. Tuy vậy, việc tìm câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề trên thì chưa bao giờ là chuyện thôi mang tính thời sự hiểu theo nghĩa những người chịu trách nhiệm chính ở đây là những ai, tầm tư duy như thế nào?

Chân thành mà nói, ĐBSCL (hay rộng hơn là đất nước này) muôn đời sẽ không bao giờ “cất cánh” nổi nếu những “bộ óc” lãnh, chỉ đạo chỉ có thể mở miệng ra và nói mấy câu quen thuộc như: “phải vận dụng sáng tạo Nghị quyết vào trong thực tiễn cuộc sống”; “phải huy động mọi nguồn lực của xã hội...”, “phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu...”, “phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc...”, “phải làm sao để nâng tầm giáo dục”...; và những cái đầu chỉ chăm chăm tìm cách xin tiền và “cơ chế đặc thù” để về xài cho... “hợp lý”, đặc biệt là chẳng quan tâm gì đến nỗi vất vả và thống khổ của đa phần người dân thất học, “tay lấm chân bùn” nơi đây.
_________________________

Nguồn tham khảo:
1. “ĐBSCL vẫn là vùng trũng về giáo dục” – Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 25/9/2015. Xem tại http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150925/dbscl-van-la-vung-trung-ve-giao-duc/975019.html
2. “Gỡ vướng cho vùng trũng giáo dục ĐBSCL”. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 26/9/2015, xem tại http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150926/go-vuong-cho-vung-trung-giao-duc-dbscl/975352.html
3. “Tranh luận về mở phân hiệu đại học”. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 27/9/2015, xem tại http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150927/tranh-luan-ve-mo-phan-hieu-dh/975709.html
CT, 29/9/2015
NTB

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-9-15

Bình luận : Hãy cứ xem sự phân bổ sách quốc gia cho từng địa phương thì biết ngay tại sao. Từ 40 năm nay bao nhiêu tiền của làm ra của Miền Nam đều bị tập trung để phát triển thủ đô Hà Nội, xây dựng thành phố này cho lớn nhất nước, thì sá gì cái miền đồng bằng song Cửu Long của “ngụy” .







No comments:

Post a Comment

View My Stats