Monday, 28 September 2015

Thế nào là qui hoạch báo chí sắp tới? (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-09-28

Ngày 25/9 Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức công bố nội dung cơ bản của đề án qui hoạch báo chí cho đến năm 2025. Và ngày 1tháng 10 tới đây, Bộ Thông tin sẽ làm việc với TP HCM nơi có số lượng báo chí nhiều nhất nước. Trước đó, một nhóm chủ trương kênh truyền thông phi chính thống tên là Lương Tâm TV bị đàn áp vào ngày 23/9. Sau đây là nhận định của một số người liên quan đến sự phát triển của ngành truyền thông ở Việt nam, cũng như dự báo về khả năng tự do hóa của nó. Ghi nhận do Kính Hòa thực hiện.

Lương Tâm TV

Ông Nguyễn Vũ Bình một trong những sáng lập viên của kênh truyền thông Lương Tâm TV giải thích về quyết định cho ra đời kênh truyền thông này:

“Chúng ta biết là đã có những bài viết trên trang web, rồi FB, blog thì đã có rồi, chúng ta cần mở rộng đến cho người dân bằng những hình thức khác đi, trực diện hơn, tác động lớn hơn, có âm thanh, có hình ảnh. Thì trên tinh thần đưa sự thật đến cho người dân, chúng tôi đã thảo luận và quyết định hình thành một cái kênh truyền thông như thế.”

Cho đến hiện nay đảng cộng sản vẫn chưa cho phép truyền thông tư nhân được hoạt động. Tuy nhiên sự phát triển của Internet đã tạo nên một không gian truyền thông mới bất chấp là có sự cho phép của nhà nước hay không.

Ông Nguyễn Vũ Bình có so sánh Việt nam với Trung quốc trong sự kiểm soát truyền thông trên mạng. Ông Bình nói rằng ở Việt nam mạng truyền thông xã hội FB vẫn được phép, cũng như công cụ tìm kiếm Google chứ không bị chận đứng một cách hoàn toàn như ở Trung quốc. Và ông dự đoán là sự phát triển sẽ tiếp tục, dù kênh Lương Tâm TV của ông và các đồng sự vừa bị đàn áp :

“Mình cũng phải nói là có hai mặt. Một mặt là nhà nước chấp nhận những mức như thế. Trên cơ sở chấp nhận đó thì việc hình thành những kênh truyền thông như thế này là những bước tiếp theo thôi, sớm hay muộn thì nó cũng sẽ ra đời, tồn tại và phát triển thôi.”

Nhận xét về việc đàn áp Lương Tâm TV, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết:

“Lương tâm TV là trường hợp mà công an chủ động trấn áp các nhà báo, blogger tự do, chứ không phải ngăn chận một cách bị động như thường thấy. Theo lời chứng của những người bị câu lưu trong vụ lương tâm TV thì ngày hôm trước họ đã bị nhắn tin đe dọa. Tới ngày hôm sau thì đồng loạt bị bắt giữ.
Cuối cùng thì họ cũng được ra. Điều đó cho thấy đây chỉ là một vụ bắt câu lưu chứ không phải bắt tạm giam, khởi tố hay truy tố gì hết.
Vì vậy vụ này khá là kỳ, vì nó mang tính chất bất thường. Nó không phải là chuyên án của Bộ công an hay công an Hà nội. Nó cũng không phải là một vụ sử dụng côn đồ để hành hạ một số anh em cựu từ nhân lương tâm như trước đây. Mà dường như là một vụ bắt câu lưu và cố ý làm rùm beng.”

Một nhà quan sát nước ngoài là ông Zachary Abuza, chuyên về chính trị Đông Nam Á, có nói rằng các nhà hoạt động ở Việt nam bị đàn áp không chắc vì những nội dung mà họ phát biểu, mà có thể là do họ có tổ chức.

Khi đặt vấn đề này với ông Nguyễn Vũ Bình với câu hỏi là liệu có phải vì Lương Tâm TV là một tổ chức nên bị đàn áp hay không, ông Bình trả lời:

“Cũng có tính chất như vậy, nhưng thực ra tổ chức mà theo ý nghĩa tổ chức trực diện chỉ có tính chất nghiệp vụ thôi. Tổ chức nghiệp vụ đối với họ cũng không có gì là ghê gớm. Nhưng cái chính là nghiệp vụ kết hợp với chuyển tải âm thanh hình ảnh, cái này mới, và mới thì người ta chưa chấp nhận.”

Ông Phạm Chí Dũng cũng có nhận xét rằng nội dung mà Lương Tâm TV truyền tải không phải là một điều gì quá đối kháng với chính quyền. Ông đưa ra những nghi vấn là những chuyện đàn áp như vậy không biết vô tình hay cố ý trùng hợp với các hoạt động đối ngoại của chính phủ Việt nam.

Khi chúng tôi đặt vấn đề ngược lại là nếu vì các hoạt động đối ngoại thì đáng lẽ phải không có sự đàn áp trong thời gian diễn ra các hoạt động đó? Ông Dũng nói rằng câu trả lời có thể nằm trong sự cạnh tranh giữa các nhóm thế lực tại Việt nam:

“Cuộc đấu tranh giữa các thế lực trong đảng đã đến mức cao điểm. Qua chuyện trang blog Chân dung quyền lực hồi cuối 2014, đầu 2015 ta thấy là dường như có một trận chiến sống mái giữa những đối thủ nào đấy. Và nếu những đối thủ đấy họ suy nghĩ, tận dụng những cơ hội, trong đó có những cơ hội liên quan đến các sự kiện đối ngoại, thì tôi không dám chắc là giới (hoạt động) dân chủ và nhân quyền ở Việt nam được an toàn.”

Và khi được hỏi là liệu câu chuyện Lương Tâm TV có nằm trong diễn biến qui hoạch báo chí của chính phủ Việt nam? Ông Dũng không tin là có liên quan với nhau.

Chính thống, phi chính thống, và “qui hoạch báo chí

Vẫn theo ông Dũng thì trong thời gian hai năm trở lại đây, ông nhận thấy có sự giao thoa giữa truyền thông phi chính thống và chính thống tại Việt nam. Ông kể ra các vấn đề được cả hai nhóm cùng lên tiếng mạnh mẽ như vụ chặt cây xanh ở Hà nội, vụ lấp sông Đồng Nai, Vụ Kim Quốc Hoa,… mặc dù báo chí chính thống vẫn chưa có sự phản biện mạnh mẽ trong lĩnh vực chính trị.

Ông lấy làm tiếc là tính phản biện đang phát triển của báo chí chính thống có thể bị cản trở qui hoạch báo chí sắp tới :

“Rất tiếc là báo chí nhà nước lại phải đối mặt với qui hoạch báo chí kềm siết. Và điều đó tôi cho là một tương lai không tốt đẹp gì cho các tờ báo phản biện đặc biệt là ở khu vực Thành phố HCM như là Kinh tế Sài gòn, Pháp luật TP HCM,…thậm chí có thể cả Tuổi trẻ nữa đều có thể trở thành phụ trương cho một tờ báo đảng là tờ Sài gòn giải phóng. Mà chúng ta biết là Sài gòn giải phóng, hay Nhân dân, Quân đội nhân dân, hay Công an nhân dân, là một và không có phản biện gì cả.”

Trong nội dung về dự thảo qui hoạch báo chí đăng trên tờ Thời báo kinh tế Sài gòn, không thấy nói gì đến báo chí tư nhân. Khi bình luận về sự qui hoạch, nhà báo kỳ cựu Huỳnh Văn Hoa viết trên trang của mình rằng có các cách hiểu khác nhau về báo chí. Nhà cầm quyền thì cho đó là công cụ để tuyên truyền, cho nên mới có quan niệm qui hoạch, trong khi nhiều trí thức thì hiểu báo chí là diễn đàn của nhân dân.

Khi được hỏi về đề án qui hoạch báo chí này, một quan chức cao cấp của đảng cộng sản Việt nam, không muốn nêu danh tánh, nói rằng khuynh hướng báo chí sắp tới của Việt nam  là theo hướng tư duy tự do hơn, nhưng mặt khác sẽ bớt đi số báo và tạp chí dựa vào ngân sách nhà nước. Ông cũng cho biết là mặc dù cái tên báo chí tư nhân chưa được sử dụng, nhưng sẽ có báo chí ngoài công lập, sẽ cho phép sự tự do hơn trong việc đưa tin một cách đa chiều, và mang tính phản biện cao hơn hiện nay.






No comments:

Post a Comment

View My Stats