Saturday, 19 September 2015

‘Dân chủ đa đảng ở VN là cần thiết’ (BBC Tiếng Việt)





18 tháng 9 2015

Luật sư Lê Công Định (trái) hiện vẫn đang trong diện bị quản thúc tại gia sau khi mãn hạn tù.

Luật sư Nguyễn Văn Đài nói xây dựng chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam là xu thế tất yếu của quá trình phát triển xã hội và cải cách dân chủ.

Trên facebook cá nhân, luật sư từng ngồi tù vì vận động dân chủ tại Việt Nam đăng ảnh chụp cùng với Luật sư Lê Công Định và nói về điều ông gọi là “Chúng tôi bàn luận về đa đảng”.
Luật sư Đài biện luận rằng “Không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ” và rằng “Đa đảng, đa nguyên là thành tố quan trọng nhất để xây dựng lên một quốc gia dân chủ.”
“Có gần 4 triệu công dân có quyền thành lập và tham gia đảng cộng sản thì 86 triệu công dân khác cũng có quyền thành lập và tham gia các đảng, tổ chức chính trị khác nhau.
“Tức là đa số Nhân dân sẽ có quyền lựa chọn và quyết định đảng cầm quyền thông qua bầu cử tự do và công bằng. Đa đảng sẽ bảo đảm quyền làm chủ đất nước của Nhân dân.”

Luật sư Đài thường tiếp xúc với giới chính khách Mỹ khi họ thăm Việt Nam

Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân từng bị xử tù vì điều mà nhà chức trách Việt Nam mô tả là “thực hiện hàng loạt hành vi tuyên truyền, đả kích, phỉ báng chính quyền nhân dân và làm ra, tàng trữ, lưu hành nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.”

Luật sư Đài là một trong hơn 100 nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam ký tên vào bản “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006” vào ngày 08/04/2006.
Ông từng viết bài gửi BBC về “ Quyền tự do lập đảng” và mô tả việc chính quyền ưa bắt giữ giới luật sư là hy vọng 'dập tắt tiếng nói' của những “thành lũy cuối cùng bảo vệ công lý.”

Trong status kể trên, ông biện luận rằng Đa đảng sẽ tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực, chống lại độc tài độc đoán.”
“Đảng thắng cử sẽ trở thành đảng cầm quyền. Đảng thất cử sẽ trở thành đảng đối lập và cùng với Nhân dân, các cơ quan báo chí kiểm soát đảng cầm quyền.
“Việc xây dựng chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam là cần thiết, là xu thế tất yếu của quá trình phát triển xã hội và cải cách dân chủ,” Luật sư Đài kết luận trong phần cuối của 5 điểm giải thích về nhu cầu cần đa đảng tại Việt Nam.

'Thực sự thuộc về dân'

Trả lời truyền thông Nhật tại Hà Nội trước chuyến thăm Tokyo mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:
"Tôi cho rằng bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thể chế chính trị nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân, của dân tộc thì thể chế đó sẽ có sức sống lâu dài, mãnh liệt, không phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng. "
"Và vấn đề quan trọng quyết định không phải là ở số lượng mà là ở chất lượng của đảng, tức là đảng đó là đảng của ai, được tổ chức, hoạt động như thế nào và vì lợi ích của ai, mối quan hệ với nhân dân như thế nào, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân ra sao, có được đại đa số nhân dân ủng hộ hay không.
"Chế độ chính trị của Việt Nam là kết quả của tiến trình lịch sử cụ thể của Việt Nam, trong đó có sự tín nhiệm và ủng hộ rộng rãi của nhân dân đối với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc," Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng được truyền thông trong nước dẫn lời.





No comments:

Post a Comment

View My Stats