Minh Thái - Đất Việt
Thứ Sáu, 18/09/2015 07:20
(Thị trường) - Phải nhìn thẳng
vào sự thật rằng năng lực cạnh tranh của hàng Việt còn yếu để cải tiến từ sản
xuất đến phân phối, cơ chế chính sách.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
bày tỏ ý kiến như vậy khi trao đổi về chuyện tình yêu của người Việt với hàng
Việt.
Dùng
tăm bông Thái đã 10 năm
Nhắc đến câu chuyện rất nhỏ là chiếc tăm bông Thái
Lan, ông Vũ Vinh Phú cho biết, bản thân ông đã dùng, đã thích tăm bông Thái cả
chục năm nay và sẽ tiếp tục mua tăm bông Thái. Lý do ông đưa ra rất đơn giản,
đó là tăm bông Thái có "thâm niên" tốt, giá cả hợp lý, êm tai và đảm bảo
vô trùng.
"Tôi đi du lịch
Thái Lan và thích tăm bông Thái từ cách đây hơn chục năm. Người ta vẫn nói:
Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sử dụng, phải thử nghiệm,
khảo sát hàng năm mới đánh giá được. Mà điều đáng lưu ý là khi dùng thì
người nọ lan truyền người kia, tính lan toả phải để hữu xạ tự nhiên hương, chứ
nói vống lên chưa chắc đã tốt.
Nhưng câu chuyện
tăm bông chỉ là rất nhỏ, hàng tiêu dùng Việt Nam không cẩn thận sẽ thua hàng
Thái. Tôi cho rằng, không làm được cái nhỏ thì đừng làm cái lớn. Trong miền Nam
có những cửa hàng hoàn hảo chuyên bán hàng liên doanh và hàng Thái, chiết khấu,
trợ giá, bán hàng không hết có thể đổi lại. Hàng Trung Quốc cũng thâm nhập Việt
Nam kiểu như thế, thậm chí còn có lợi thế là giá rẻ", ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, Việt Nam đã phát động phong trào
người Việt dùng hàng Việt từ dăm bảy năm nay nhưng vì chưa đạt yêu cầu nên người
Việt vẫn khó yêu hàng Việt. Ông chỉ rõ nguyên nhân:
"Thứ nhất, sự
chuyển mình của nền sản xuất Việt Nam chậm, từ cải tiến mẫu mã, hạ giá thành,
tiếp thị, quảng cáo..., kể cả mối liên kết giữa sản xuất và phân phối để tổ chức
tốt phân phối hàng Việt còn nhiều vấn đề.
Thứ hai, năng lực cạnh
tranh của hàng Việt chưa bằng các hàng các nước, nhất là hàng Thái Lan. Hàng
Thái Lan chỉ đắt hơn hàng Việt 5-10% nhưng giá trị sử dụng lại gấp 1,5 lần.
Trong nhà của các gia đình Việt Nam nào chẳng có một mặt hàng Thái Lan nào đó,
không điện máy thì mỹ phẩm, chậu nhựa, đôi dép... Tôi cũng đang đi dép Thái
Lan. Vì thế, đừng bắt người dân yêu hàng Việt một cách mù quáng, duy ý chí mà
phải bằng năng lực cạnh tranh, mẫu mã đẹp, bằng tiếp thị tốt. Chính người Việt
phải tự nâng hàng Việt lên chứ đừng hạ xuống".
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, người
Thái có cách tiếp cận thị trường Việt Nam rất nhẹ nhàng, từ hội chợ, du lịch đến
hàng trăm cửa hàng Thái trên đất Việt... Tất cả những cái đó là tại Việt Nam
kém.
"Kinh phí xúc
tiến thương mại của nội địa khoảng 100 tỷ đồng thì giải quyết được gì? Sắp tới
không chỉ hàng Thái mà hàng Hàn Quốc, hàng Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu...
theo vào. Miếng bánh chỉ có thế, bây giờ hàng Việt lớn lên thì hàng Thái kém
đi, ngược lại, nếu hàng Thái, hàng Hàn lớn lên thì hàng Việt đi xuống.
Đừng tưởng 80% hàng
Việt trong siêu thị là ghê gớm, tỷ lệ đó có thể tụt xuống. 80% hàng Việt trong
siêu thị chủ yếu là hàng nông sản thực phẩm chứ không phải hàng công nghiệp
tiêu dùng. Hàng công nghiệp tiêu dùng Việt Nam thua Hàn Quốc, hàng Thái, các nước
châu Âu..., nếu lại thêm hàng lậu, hàng giả thì hàng Việt sẽ bị mất chỗ đứng luôn.
Bởi thế, đừng tự "ru ngủ" rằng con số 80% kia là thắng to, phải cảnh
giác, đừng chủ quan", ông cảnh báo.
Tự
mình làm yếu mình
Trong câu chuyện của mình, ông Vũ Vinh Phú thẳng thắn
chỉ ra vấn đề hệ thống phân phối đang làm hàng Việt yếu đi. Cụ thể, hàng Việt
phải qua quá nhiều tầng lớp trung gian, chiết khấu cao, đến khi vào các cửa
hàng lẻ, siêu thị thì "chết" bởi giá thành sản phẩm đã bị đẩy lên,
khi đó hàng Thái, hàng Hàn... chắc chắn thắng thế.
"Đã có thống
kê về việc một con gà phải "cõng" 14 loại phí hay có tới 500 loại thuế,
phí trong chăn nuôi của Bộ NN&PTNT, từ phí kiểm dịch, phí đối với quả trứng,
đến di chuyển cũng đánh phí... Một con số khác được các nhà kinh tế đưa ra, đó
là ở Việt Nam, trung bình 1 đồng lợi nhuận doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng để
bôi trơn. VCCI cũng đã thống kê có tới 32% doanh nghiệp phải trả phí "bôi
trơn" cho cán bộ thuế... Tất cả những thứ ấy sẽ chui vào giá thành sản phẩm.
Mọi thứ của Việt Nam đều đang lép vế so với hàng ngoại, kể cả cơ chế chính sách
nhà nước, chi phí tiêu cực, hệ thống phân phối, cách tiếp cận... Chúng ta đang
tự hại chúng ta là chính, còn bên ngoài cũng chỉ là một phần.
Tỷ phú người Thái của
tập đoàn BJC (Thái Lan) từng tuyên bố, khi hoàn thành thương vụ Metro sẽ bán
60% hàng Thái, còn 40% hàng Việt và các nước khác. Đó là thách thức! Lotte của
Hàn Quốc đang có các gian hàng bán hàng Hàn Quốc, Việt Nam làm gì được?! Sự quyết
định cuối cùng thuộc về người tiêu dùng. Bởi thế Việt Nam đừng làm theo phong
trào, chúng ta đang theo kiểu "phong trào lắng xuống, phong trào lại
lên". Cả địa bàn nông thôn như thế mà mấy tháng mới đưa hàng Việt về phục
vụ bà con một lần thì giải quyết được gì? Phải tổ chức tốt hệ thống phân phối
nông thôn mới hiệu quả".
Một lần nữa, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhắc
nhở, Việt Nam phải nhìn thẳng vào sự thật để cải tiến, từ sản xuất đến phân phối,
cơ chế chính sách.
"Giá rẻ thôi
chưa đủ, chất lượng mới quan trọng. Điều cơ bản là hàng Việt có đáp ứng được
nhu cầu tiêu dùng của thị trường hay không, từ giá cả, chất lượng đến tiếp thị,
trách nhiệm khi hàng hoá có vấn đề. Nếu không đáp ứng được thì lập tức sẽ bị loại
bỏ khỏi thị trường", ông Phú nhấn mạnh.
Minh
Thái
*
*
Minh Thái - Đất Việt
Thứ Năm, 17/09/2015 07:25
(Thị trường) - Nhiều người
tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua tăm bông Thái Lan, cọ nhà
vệ sinh Nhật Bản...
Hàng
ngoại lấn lướt
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập
sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hàng hoá từ khắp nơi trên thế giới đã và
đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam có thể mua
hàng hoá từ mọi quốc gia, do đó hàng sản xuất trong nước phải cạnh tranh khốc
liệt với hàng nhập khẩu trên sân nhà.
Rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam chê hàng Việt
và bị hấp dẫn bởi hàng ngoại, từ những sản phẩm rất nhỏ như tăm bông, kem đánh
răng, cọ xoong... bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngoại rất bắt mắt.
Theo khảo sát ngẫu nhiên của PV tại siêu thị Intimex
trên phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội), riêng sản phẩm tăm bông vệ
sinh tai đã có hơn 10 loại thuộc các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó
tăm bông của Thái Lan và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam chiếm số
lượng áp đảo.
Cụ thể, tăm bông của doanh nghiệp Việt gồm: Tăm bông
Misu (Công ty CP Quảng cáo và Thương mại Điểm Vàng); Niva (Công ty CP Đầu
tư & Phát triển D&G Việt Nam; Uni (Công ty CP Phát triển thương mại Trường
Thịnh); Diva (Công ty TNHH Misa).
Tăm bông của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt
Nam gồm có: tăm bông Sakura (Công ty TNHH Sanyo Việt Nam (thuộc Công ty Sanyo
Nhật Bản); tăm bông Ikami (Công ty Heiwa Hygiene Hà Nội - doanh nghiệp 100% vốn
Nhật Bản). Tăm bông Thái Lan gồm các thương hiệu Cherry; Bonus; Soft Tip;
Tender Touch. Ngoài ra, Intimex Huỳnh Thúc Kháng còn bày bán sản phẩm tăm bông
Helen Harper nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu (Vương quốc Bỉ).
Đối với mặt hàng kem đánh răng trẻ em, ngoài thương
hiệu PS do Công ty Unilever Việt Nam sản xuất, Intimex Huỳnh Thúc Kháng bày bán
toàn bộ hàng nhập ngoại với các thương hiệu: Dr Kool, Mom's Gift, Kiz Care (Hàn
Quốc), Raiya (Malaysia). Mỗi thương hiệu kem đánh răng trẻ em nhập ngoại này lại
có rất nhiều hương vị trái cây khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn, trong khi
sản phẩm Việt Nam bày bán tại đây chỉ có hương dâu.
Điều đáng lưu ý giá cả của các sản phẩm tăm bông,
kem đánh răng nhập ngoại và sản xuất nội địa không chênh nhau nhiều. Ví dụ, hộp
tăm bông 200 que do Việt Nam sản xuất mang thương hiệu Misu có giá 11.000 đồng;
Niva 13.000 đồng; Uni 13.300 đồng/200 cây. Tăm bông của doanh nghiệp 100% vốn
nước ngoài mang thương hiệu Sakura có giá 22.500 đồng/200 que, Ikami 32.000 đồng/200
que, nếu sản phẩm làm từ bông đen cao cấp của Nhật Bản sẽ có giá cao hơn
(29.000 đồng/80 que). Tăm bông do Thái Lan sản xuất như Baby Cherry (16.200 đồng);
Bonus (13.400 đồng); Soft Tip (23.000 đồng); Tender Touch (24.400 đồng).
Kem đánh răng trẻ em PS 14.000 đồng/tuýp 80g, Raiya
(Malaysia) 17.200 đồng/tuýp 75g; Dr Kool (Hàn Quốc) 19.200 - 19.500 đồng/tuýp
); Mom's Gift 24.500 đồng/tuýp, Kiz Care 26.500 đồng/tuýp.
Bên cạnh đó, có những sản phẩm nhập ngoại và sản xuất
nội địa có giá chênh lệch gấp 3-4 lần, ví dụ: cọ xong Việt Nam 8.000 đồng, cọ
thép Nhật Bản 32.000 đồng, nếu sản phẩm làm bằng cọ thiên nhiên đàn hồi của Nhật
Bản thì có giá 35.000 đồng.
Chê
tăm bông, kem đánh răng Việt
Nhà gần siêu thị Intimex, chị Lê Thị Mai (đường Trúc
Khê, quận Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên mua hàng tại đây. Chị cho biết, sau một
vài lần dùng thử, gia đình chị đã chuyển hẳn sang dùng kem đánh răng của Thái
Lan.
"Trước đây,
tôi dùng kem đánh răng Việt Nam nhưng cảm giác không sạch, đánh răng xong miệng
khô và vẫn còn vị của chất tẩy trong miệng. Trong khi đó, mùi của kem đánh răng
Thái Lan rất dễ chịu, không quá nhiều bọt, đánh xong thấy miệng rất sạch sẽ, đặc
biệt nếu lỡ ăn gì sau đó thì cũng không bị phá vị như khi dùng đánh răng Việt
Nam. Giá của nó cũng không đắt hơn kem đánh răng Việt Nam là mấy, chỉ hơn
50.000 đồng/tuýp".
Chị Mai cũng cho biết thêm, mỗi khi đi siêu thị, chị
và chị gái ít xem hàng thuần Việt bởi tin rằng mẫu mã và chất lượng của chúng
kém hơn hàng ngoại. Ngay cả bàn chải cọ bồn cầu, sàn nhà vệ sinh, chị cũng chọn
lựa sản phẩm của Nhật Bản bởi lông bàn chải mềm, cọ sạch được mọi ngóc ngách và
nhất là không làm xước men gạch hay bồn cầu. Dĩ nhiên, giá của mặt hàng này
không hề rẻ, nó đắt hơn hàng Việt Nam 3 lần.
Tương tự, các sản phẩm từ bột giặt, nước rửa chén,
kem đánh răng, thậm chí đến tăm bông vệ sinh tai.... dùng trong nhà chị Trần
Huyền Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) đều là hàng Thái Lan hoặc Hàn Quốc. Theo lý giải
của chị Thanh, bột giặt, nước rửa chén của Thái Lan không nhiều xút, gây hại da
tay như hàng Việt.
"Tôi từng mua
tăm bông Việt Nam nhưng thấy không hề dễ chịu chút nào. Que nhựa quá mềm, đặc
biệt phần bông hoặc cứng quá khiến vệ sinh tai không sạch hoặc được quấn quá lỏng.
Một lần, tôi vừa ngoáy vài vòng thì thấy nhói tai, hoá ra phần bông đã dính lại
trong tai, chỉ còn trơ lại đầu nhựa cứng. Từ đó tôi chuyển sang tăm bông của
Thái Lan, bông thấm hút tốt nên ngoáy tai rất sạch mà giá cả chẳng đắt hơn hàng
Việt là mấy. Còn kem đánh răng tôi dùng hàng nhập của Mỹ, giá đắt hơn nhưng thực
ra chẳng nên tiếc làm gì bởi cũng có dùng nhiều đâu, ngày chỉ đánh răng hai lần".
Khi khảo sát tại siêu thị Intimex Huỳnh Thúc Kháng,
một nhân viên ở đây cũng khuyên phóng viên nên mua kem đánh răng ngoại. Chị giới
thiệu một loại kem đánh răng của Hàn Quốc "dùng rất thích, dạng gel tiết
kiệm". Ngay cả kem đánh răng trẻ em, chị cũng cho biết khách hàng thường
chọn sản phẩm của Malaysia. Bản thân chị cũng mua loại này cho con sử dụng ở
nhà.
Minh
Thái
No comments:
Post a Comment