Sunday, 19 July 2015

Văn Đoàn Độc Lập (Trần Khải)





19/07/2015

Văn Đoàn Độc Lập… hay Công Đoàn Độc Lập?

Có phải Văn Đoàn Độc Lập tại Việt Nam muốn giữ một vai trò lịch sử như Công Đoàn Độc Lập tại Ba Lan?

Một cách chính thức, không phải như thế. Các nhà văn Việt Nam không phảỉ là những người có khả năng hoạt động quần chúng. Họ sử dụng ngôn ngữ để sáng tác. Họ ngồi ở một góc bàn, dưới ánh đèn khuya, suy nghĩ về những gì họ đã, đang và sẽ viết. Họ nặng nhọc trong công việc sang tác, cũng hệt như tất cả các nhà văn khác trên đời.

Duy có điều: các nhà văn trong Văn Đoàn Độc Lập tại Việt Nam là những người bị công an bao vây, cô lập… ít nhất là về phương tiện quảng bá. Sách của họ bị cấm in, và do vậy phương tiện in ấn tốt nhất của nhiều người trong họ, may mắn, là gửi lên mạng Amazon. Hiện tượng này giới hạn sức phổ biến, vì sách của họ không xuất hiện ở các tiệm sách Hà Nội, Sài Gòn…

Thực sự, Văn Đoàn Độc Lập muốn gì?

Trên trang web Văn Việt (http://vanviet.info/) của họ, ngay trang đầu có trích dẫn Henry David Thoreau (cả lời Anh nguyên tác, và lời Việt dịch):

“Thơ là cuộc sống duy nhất ta có được, công việc duy nhất ta đã làm xong, sản phẩm tinh túy duy nhất và lao động tự do duy nhất của con người, được thể hiện chỉ khi nào anh ta đã đặt cả thế giới dưới chân mình, và chinh phục được kẻ thù cuối cùng của mình.”

Thờ? À… có vẻ như các nhà văn trong Văn Đoàn Độc Lập không quan tâm chuyện sách họ bị cấm in, hay nếu có thì như dường chuyện nhỏ; thậm chí, họ cũng chẳng quan tâm chuyện nắm chức vụ hay chia thế llực gì với Hội Nhà Văn Việt Nam, tổ chức nhiều người trong Văn Đoàn Độc Lập cũng có mặt.

Như thế, cần ghi rõ, Văn Đoàn Đôc Lập chưa thành lập, chỉ mới là Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập thôi. Phải chăng đây là kỹ thuật sử dụng chữ “vận động” để công an khỏi chận đường nện cho gãy xương, bể mặt? Bởi vì, ai cũng biết, công an không ưa các tổ chức đứng ngoài các hội đoàn chính thức -- Thấy rồi đấy, công an đã ép một số nhà văn, nhà thơ phải tách khỏi Ban Vận Động này.

Nhưng rồi, các nhà văn bên lề này vẫn tích cực hoạt động trong kiểu riêng của họ (may quá, Internet là chiếc đũa thần, đã cho họ một không gian lưu trữ sáng tác). Tuy mới là Ban Vận Động, các nhà văn bên lề này đã có một trang web, in 2 tuyển tập truyện ngắn đang bán trên Amazon.com, và còn mở ra các giaỉ văn học nữa chứ.

Trên trang Văn Việt, các nhà văn này mới gọi:

“Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (BVĐ) xin trân trọng thông báo:

Để khuyến khích việc tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm văn học như mục tiêu mà BVĐ đã đề ra từ khi thành lập và đã được thể hiện trên diễn đàn Văn Việt, để biểu dương nỗ lực sáng tạo của các tác giả, BVĐ quyết định tổ chức Giải Văn Việt hằng năm.

Tổng quát về Giải:

- Trước mắt, Giải Văn Việt mới xét chọn các tác phẩm đã đăng trên mạng diễn đàn Văn Việt (kể cả những tác phẩm đã công bố nơi khác).

- Giải Văn Việt lần thứ nhất (2016) trao cho những tác phẩm của hai năm 2014-2015. Từ năm 2017 trao Giải hàng năm (cho các tác phẩm của năm trước).

- Có ba giải cho ba bộ môn: Thơ, Văn xuôi, Nghiên cứu phê bình. Mỗi bộ môn chỉ có một giải duy nhất. Tác phẩm xét giải có thể là một bài độc lập, một chùm bài hoặc cả tác phẩm dài (tiểu thuyết, ký). Riêng Giải Văn Việt lần thứ nhất có thể trao hai giải đồng hạng cho mỗi bộ môn (vì bao quát các tác phẩm của hai năm).

Quy trình xét giải:

- Ban Giám khảo (BGK) làm việc trong một tháng (từ 15/1 đến 15/2 hàng năm) quyết định tác phẩm được giải.

- Tiêu chí xét giải: tác phẩm hay thuộc mọi khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật, ưu tiên tác phẩm có sự sáng tạo đổi mới.

- Căn cứ xét giải của BGK: 1. Đề cử của biên tập biên (BTV) Văn Việt, 2. Đề cử của mọi thành viên BVĐ, 3. Các tác phẩm có lượng bạn đọc cao (ngoài ra BGK xin tiếp nhận mọi đề cử khác nếu có từ các cộng tác viên và bạn đọc Văn Việt).

- BGK của mỗi bộ môn có năm giám khảo. Phiếu bầu của các giám khảo có giá trị ngang nhau. Tác phẩm được Giải phải nhận được 3/5 phiếu.

- Quyết định của BGK từng bộ môn là quyết định duy nhất và cuối cùng.

- Lễ trao giải tổ chức vào dịp 3/3 hàng năm, ngày kỷ niệm thành lập BVĐ.

Ban Giám khảo: gồm các BTV Văn Việt phụ trách bộ môn liên quan và các chuyên gia trong hoặc ngoài BVĐ được mời. Các thành viên BGK không dự giải của bộ môn mà mình làm giám khảo.

Danh sách BGK lần thứ nhất (2016):

- Thơ: Bùi Chát, Hoàng Hưng, Nguyễn Đức Tùng, Thanh Thảo, Ý Nhi

- Văn: Đặng Văn Sinh, Hoàng Hưng, Nam Dao, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyên Ngọc

- Nghiên cứu Phê bình: Hoàng Dũng, Hoàng Hưng, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, Thụy Khuê

- Thư ký BGK: Hoàng Hưng

Ngân quỹ Giải thưởng: Nhận đóng góp của mọi cá nhân chính danh trong nước và thành viên BVĐ sống ở nước ngoài. Số tiền của Quỹ chỉ dùng cho việc tặng Giải, BGK không có thù lao.

Tiền góp cho Quỹ xin gửi về tài khoản (TK) sau đây và ghi rõ “Góp cho Quỹ Giải thưởng Văn Việt”.

Chủ TK: Hoàng Thị Ý Nhi

Số TK: 0108452175

Ngân hàng Đông Á (DONGA BANK)

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam”(
hết trích)

Như thế, họ vẫn hoạt động ngon lành chớ? Bây giờ chỉ còn chờ xem ngày 3/3/2016, nhóm nhà văn này sẽ thực hiện Lễ trao giaỉ ra sao… Nếu công an bao vây, hẳn là họ sẽ lên mạng? Hay là, lúc đó, đất nước cho tự do lập hội rồi chăng? Để xem chuyện sẽ ra sao.

Trong khi BVĐ Văn Đoàn Độc Lập không đươc báo chí truyền thống nhắc gì, một đaị h5ôi của Hội Nhà Văn VN đã họp trong những ngày trong tuần lễ thứ nhì của tháng 7-2015.

Báo Dân Trí có bản tin tựa đề “Những thành công và “thất bại” của Đại hội Nhà văn IX” trong đó ghi nhận:

“Dân trí Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX đang vào phiên bế mạc. Bắt đầu từ tối ngày 8/7 (họp các nhà văn là đảng viên), Đại hội chính thức khai mạc vào sáng 9/7 và hôm nay 11/7 là bế mạc.

Đến dự có các vị nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh… và TBT Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng.”

Hãy hình dung, Hội Nhà Văn Hoa Kỳ (hình như không có hội này, chỉ có Văn Bút Hoa Kỳ thôi thì phải) họp đaị hội 5 năm một lần, và rồi Cựu Tổng Thống Bill Clinton, và Cựu Tổng Thống George W. Bush tới thăm. Có thể sẽ thấy là, một vài nhà văn trong khi lên phát biểu, sẽ chỉ trích việc “2 anh ngoaị đạo Clinton và Bush” chen vào đại hội những người sống chết với nghề văn.

Báo Dân Trí cho thấy nhiều nhà văn lặng lẽ tẩy chay, trích:

“Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo. Điều đáng tiếc của đại hội lần này là kết quả nhân sự được bầu vào Ban chấp hành khóa IX chưa đạt được những yêu cầu đề ra.

Về số lượng nhân sự, đại hội chỉ bầu được 40% so với dự kiến (6 người/15 người).

Về cơ cấu vùng miền, thành viên Ban chấp hành khóa IX tập trung duy nhất ở một thành phố là Thủ đô Hà Nội mà vắng mặt tất cả các địa phương, vùng miền khác. Đặc biệt làTP HCM, một trung tâm kinh tế của cả nước đã không có đại biểu nào tham gia Ban chấp hành.

Một “thất vọng” không nhỏ đối với các nhà văn nữ là “một nửa thế giới” này cũng không có ai được tham gia “chèo lái con đò” văn chương nước nhà.

Về tiêu chí nghề nghiệp và dân tộc, thành viên Ban chấp hành khóa IX có 5/6 người đã và đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và cũng không có dại biểu nào là người dân tộc thiểu số.

Cuối cùng, một tiêu chí rất quan trọng là việc trẻ hóa Ban chấp hành cũng không thành hiện thực. Thành viên trẻ nhất là nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng đã 50 tuổi “tri thiên mệnh” và Nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn tiếp tục “tại vị” nhiệm kỳ thứ tư của mình khi đã ở tuổi “cổ lai hi”….”(
ngưng trích)

Nghĩa là gì? Một cách thầm lặng, đạị đa số các nhà văn không muốn lên đóng trò ảo thuật nữa; hãy hình dung con số này, hội có hơn 1.000 hội viên trên cả nước, nhưng chỉ 6 ủy viên BCH. Chẳng ai muốn đóng trò cả.

Như thế, hiện nay có 2 tổ chức của các nhà văn trong nước, một của nhà nước có tên là Hội Nhà Văn VN, và một tổ chức còn ươn mầm, lấy tên là Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập. Tương quan này có vẻ phức tạp, vì đã từng có nhà văn phe quốc doanh chụp mũ các nhà văn phe ngoài luồng là “hoạt động bất hợp pháp”…

Hãy hình dung sự chụp mũ này….Đảng CSVN cũng có thể chụp mũ Nguyễn Du là nhà văn bất hợp pháp, vì không nằm trong một tổ chức hợp pháp, và tập thơ Truyện Kiều của cụ là ấn phẩm bất hợp pháp vì chưa xin giấy phép nào cả….

Trong khi đó, nhà văn Phùng Nguyễn viết trên Blog VOA qua bài “Văn đoàn độc lập Việt Nam: Sự kiện hay Cước chú?” trong đó có chỗ phân tích:

“...Xem ra ngay cả hệ thống pháp luật của nhà cầm quyền VN cũng không khỏi lúng túng trong việc công khai từ chối hay công nhận quyền sinh hoạt của VĐĐLVN hoặc của một hội đoàn phi chính phủ tương tự. Bởi vì chính quyền chưa công khai xác định tư cách pháp lý (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) của nó, BVĐ có thể hạn chế đến mức tối đa những va chạm trực tiếp với các thế lực trấn áp của nhà nước. Trong khi đã có một số chứng cớ về việc gây áp lực cũng như sách nhiễu áp đặt lên một vài thành viên BVĐ, chưa có ai trong số họ bị bắt giữ về tội tham gia một tổ chức bất hợp pháp. Trong thời gian này, với VĐĐLVN vẫn chỉ là một hội đoàn “tương lai,” BVĐ có thể tiếp tục lèo lái con thuyền Văn Việt dọc cái biên giới mù mờ của pháp luật, vốn, một cách khá oái ăm, được thiết kế để phục vụ trước hết giới thống trị. Đây là một lợi thế không dễ từ bỏ, đặc biệt nếu phải tính đến những hiểm nghèo mà các thành viên BVĐ có thể phải đối diện. Nhưng liệu việc giữ VĐĐLVN trong dạng thai nhi có phải và có nên là giải pháp lâu dài cho BVĐ? Làm thế nào một nền văn học “đích thực” có thể thành hiện thực nếu một hay nhiều thi văn đoàn độc lập gồm những hội viên là những nhà văn, nhà thơ độc lập không bao giờ có cơ hội chào đời, bất kể được hay không được nhà nước ban phép lành?”(
ngưng trích)

Đó là những câu hỏi khó… và không ai tiên liệu được chuyện gì sẽ xảy ra dưới bàn tay sắt CSVN.

Đối với độc giả, cách tốt nhất có thể hỗ trợ tiếng nói của BVĐ/VĐĐL là, xin tìm mua 2 tác phẩm đang để bán ở Amazon. Hiểu là, may lắm, chính phủ VN không cho in, bây giờ có Amazon in rồi.

Trong bản “Tuyên bố Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam” đề ngày 3-3-2014 đã viết:

“...Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.

Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn.

Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi....”


Xin mời độc giả tìm mua tuyển tập truyện ngắn 2 tập của Văn Đoàn Độc Lập xuất hiện để mừng một năm thành lập, hiện bán trên toàn cầu qua mạng. Mỗi tập có giá 16 USD.

Tìm mua, xin truy cập: http://www.amazon.com/ rồi gõ nhóm chữ: “truyen ngan van viet”…

Xin mời độc giả hỗ trợ những tiếng nói độc lập của các nhà văn BVĐ Văn Đoàn Độc Lập…





No comments:

Post a Comment

View My Stats