Friday 31 July 2015

Mỹ cần chống lại hành động nào của Trung Quốc tại Biển Đông ? (Trọng Nghĩa - RFI)





Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 30-07-2015

« Sẽ rất hữu ích » nếu như Liên Hiệp Châu Âu có thái độ rõ ràng hơn để hỗ trợ Hoa Kỳ trong lúc Trung Quốc đang bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Đông Nam Á, Amy Searight, tuyên bố như trên tại hội thảo về chính sách Đông Á của Washington và Bruxelles ngày 29/07/2015.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, bà Amy Searight nhấn mạnh Hoa Kỳ tôn trọng việc Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng con đường hòa bình và chiếu theo công ước quốc tế. Tuy nhiên Washington chờ đợi đồng ở minh Châu Âu « một cách tiếp cận rõ ràng và mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như việc kêu gọi ngưng đòi hỏi chủ quyền hay xây dựng cơ sở quân sự » tại Biển Đông. Sự ủng hộ đó của Liên Hiệp Châu Âu sẽ « rất hữu ích ».

Cũng tại hội thảo được tổ chức tại trung tâm CSISS, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách toàn khu vực Đông Á, ông Michael Fuchs, đã nhấn mạnh đến nhu cầu giảm thiểu nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

Theo các nhà quan sát, hiếm khi nào Hoa Kỳ trực tiếp chỉ trích đồng minh Châu Âu như vừa qua. Đáp lời bà Amy Searight, Đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu tại Washington David O’Sullivan cho rằng về mặt cơ bản, Châu Âu và Mỹ có cùng một quan điểm trên vấn đề Biển Đông, nhưng những lời lẽ cứng rắn của phía Hoa Kỳ đôi khi « phản tác dụng ». Vẫn theo ông O’Sullivan, Bruxelles đã tăng cường một số hoạt động an ninh trong vùng biển có tranh chấp này, thế nhưng việc làm đó cũng có « những giới hạn ». Liên Hiệp Châu Âu không có cùng quan điểm với Mỹ về những đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực.

Tại một diễn đàn khác về an ninh Châu Á, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản Đô đốc Tomohisa Takei tuyên bố các quốc gia trong vùng cần tăng cường khả năng phòng thủ và hợp tác trên biển để đối phó với những căng thẳng hiện nay. Để đạt được mục tiêu đó các quốc gia trong khu vực cần thắt chặt quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.

------------------------------------

Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày 29-07-2015 

Trước một loạt hành động bị đánh giá là coi thường luật pháp quốc tế, ngang nhiên thay đổi hiện trạng tại Biển Đông mà Trung Quốc đang cấp tốc tiến hành, trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã tỏ thái độ cứng rắn hẳn lên. Giới chuyên gia đã liên tiếp đưa ra các đề nghị về những gì mà Washington có thể làm để ngăn chặn được việc Bắc Kinh đặt cộng đồng quốc tế trước một sự đã rồi.

Trong một bài viết đề ngày hôm nay, 29/07/2015, đăng trên website của tạp chí Mỹ The National Interest, Tiến sĩ Patrick M. Cronin, chuyên gia cao cấp về An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (New American Security Center) đã không ngần ngại hiến kế cho chính quyền Mỹ, đề ra « 10 cách thức giúp Mỹ xử lý thách thức Biển Đông » (10 ways for America to Deal with the South China Sea Challenge).

Trong số 10 cách thức này, có những đề xuất đã từng được đưa ra, như thường xuyên nhắc lại những nguyên tắc bất di bất dịch về việc phải tôn trọng luật quốc tế, duy trì quyền tự do hàng không và hàng hải, tăng cường quan hệ với khối ASEAN, giúp đỡ cụ thể các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông…

Độc đáo nhất, và ít được nói đến nhất tuy nhiên là loạt biện pháp cụ thể mà theo chuyên gia Cronin, Mỹ có thể sử dụng ngay tại Biển Đông trong trường hợp Trung Quốc có các hành động cụ thể bị coi là sai trái.

Trong đề nghị thứ chín của mình, tác giả đã khuyến cáo chính quyền Mỹ nêu rõ những hành vi của Trung Quốc sẽ bị coi là đáng phản đối và sẽ bị Hoa Kỳ phối hợp cùng nước khác chống lại bằng những biện pháp gọi là « buộc Bắc Kinh phải trả giá đắt », tiếng Anh gọi là cost-imposition measures.

Danh sách các hành vi kể trên cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng theo chuyên gia Cronin, sau đây là những kiểu hành động sai trái mà Trung Quốc đã và có thể sẽ tiếp tục thực hiện tại Biển Đông: 

Trước hết là các hành vi nhằm vào các thực thể đang do nước khác kiểm soát, đi từ việc (1) phong tỏa, như đã từng xẩy ra với Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đang có lính Philippines trấn giữ, (2) đánh chiếm như đối với phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và Đá Gạc Ma ở Trường Sa vào năm 1988, cả hai đều nằm trong tay Việt Nam, cho đến việc (3) chiếm giữ trong thực tế các thực thể không có người ở bằng cách xua đuổi ngư dân, tàu thuyền của nước khác, như trường hợp bãi cạn Scarborough của Philippines.

Loạt hành vi sai trái thứ hai cần chống lại là việc tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể không phải là đảo, tức là các bãi cạn hay bãi ngầm, như trong trường hợp Đá Vành Khăn, hay Đá Subi, cũng như đòi hỏi quá đáng về lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế từ những đường cơ sở không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và việc tuyên bố chủ quyền quá mức so với quy định của luật pháp quốc tế về phân định biển, như yêu sách về vùng biển bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc hiện nay.

Loạt hành vi thứ ba cần phản đối là việc tuyên bố những vùng cảnh báo quân sự giả hiệu, như Trung Quốc đã từng làm với giàn khoan HD-981 hay nhân vụ phi cơ tuần thám Mỹ P-8 Poseidon mới đây, và thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển đảo đang tranh chấp.

Đối với chuyên gia Cronin, sau khi liệt kê các hành động sai trái mà cần phải chống lại, Hoa Kỳ cũng phải nêu rõ các biện pháp đối phó để đối phương thấy rõ cái giá mà họ sẽ phải trả khi làm quấy.

Trong số các đối sách, chuyên gia Mỹ đề nghị tăng cường các phi vụ tuần tra biển đa quốc gia tương tự như việc chiếc P-8 của Mỹ từng làm để nhấn mạnh trên những gì được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho phép.

Cũng như vậy, nếu một nước nói là xây dựng đảo nhân tạo cho mục đích quân sự trong vùng biển tranh chấp và sau đó cho biết là nó có thể được sử dụng để hỗ trợ nhân đạo, sau đó khi xẩy ra thiên tai trong khu vực, Mỹ có thể kiểm tra đề nghị đó bằng cách cho một máy bay dân sự hạ cánh trên phi đạo mới đó.

Sau cùng, tiến sĩ Cronin nhắc lại một đề xuất từng đưa ra đối với việc Trung Quốc ngăn không cho Philippines tiếp tế cho đơn vị thủy quân lục chiến trên chiếc tàu hải quân BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Theo ông, Mỹ nên không chỉ lo việc tiếp tế, mà cũng có thể xem xét việc triển khai một vài linh thủy quân lục chiến của mình trên tàu, trong khuôn khổ chương trình huấn luyện cho lính Philippines.

Tóm lại, cần phải cho Trung Quốc thấy rõ đâu là điểm mà Mỹ có thể hay không thể chấp nhận.

Trong tham luận trình bày tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Thế giới (Carnegie Endowment for International Peace), một trung tâm tham vấn (think tank) tại Washington, Đô đốc Tomohisa Takei, Chỉ huy trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển (tức Hải quân) Nhật Bản, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo sao cho Biển Đông luôn là một « vùng biển mở và tự do »để cho cả khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn là một « Đại dương thịnh vượng ». 

Đối với Đô đốc Takei, nếu quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bị đe dọa, hệ quả có thể là « một sự cố ngoài ý muốn ». 

Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền trên cùng khu vực của các láng giềng như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp các bãi ngầm và rạn san hô mà họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các cơ sở trên đó mà không che giấu khả năng sử dụng vào mục tiêu quân sự.
Nhật Bản không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng thường xuyên chỉ trích ý đồ quân sự hóa khu vực của Trung Quốc. Ngoài việc lên tiếng chỉ trích, Nhật Bản cũng giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam nâng cao năng lực giám sát và tuần tra vùng biển của mình.





No comments:

Post a Comment

View My Stats