Tuesday, 28 July 2015

Vụ Phùng Quang Thanh và truyền thông Việt Nam (Nguyễn Hưng Quốc)





28.07.2015

Mấy tuần qua, trên các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là facebook, tin tức khiến người ta chú ý và bình luận nhiều nhất là về Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam. Thoạt đầu, có tin ông bị ám sát, sau đó, tin ông chết vì ung thư phổi trong bệnh viện Georges Pompidou của Pháp.  Mà không phải chỉ có người Việt Nam. Ngay cả hãng thông tấn Đức Deutsche Press-Agentur (DPA) cũng loan tin ông qua đời. Chính quyền Việt Nam phải lên tiếng cải chính. Mới đây, báo chí trong nước loan tin ông Phùng Quang Thanh đã bay từ Pháp về Việt Nam với tình trạng sức khoẻ rất tốt. Tuy vậy, tin đồn về cái chết của ông vẫn tiếp tục râm ran trong dư luận. Người ta vạch ra những sự mơ hồ và không đáng tin cậy trong các bản tin đăng trên báo chí Việt Nam: Chỉ có những lời tường thuật chung chung chứ không có một bức ảnh nào của Phùng Quang Thanh cả. Thật ra, cũng có. Có một bức ảnh ông đứng sau chiếc xe Lexus ra phi trường đón. Nhưng trong bức ảnh ấy, hình của Phùng Quang Thanh rất mờ. Người ta nghi ngờ đó không phải là ông.
Thực tình, tôi không quan tâm đến chuyện Phùng Quang Thanh chết hay sống. Ông chết hay sống, tình hình chính trị Việt Nam, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc, cũng không có gì thay đổi. Người này mất thì người khác lên thế. Chính sách của Việt Nam ít khi lệ thuộc vào một người, ngay cả khi người ấy đang ở một vị thế rất cao là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều khiến tôi quan tâm nhiều nhất là vấn đề truyền thông của Việt Nam. Về phương diện này, có mấy vấn đề cần được chú ý:

Thứ nhất, chúng ta thấy rất rõ sự vụng về của giới truyền thông Việt Nam. Trước sự vắng mặt của Phùng Quang Thanh trong các buổi lễ lớn tại Việt Nam và trước sự ngạc nhiên và tò mò của dư luận, người ta hoàn toàn im lặng. Mãi đến khi tin đồn về cái chết của ông lan rộng, người ta mới lên tiếng cải chính. Nhưng sự cải chính cũng không thuyết phục. Ai cũng thấy một điều: Chỉ cần đưa một bức ảnh mới của Phùng Quang Thanh trong bệnh viện, mọi người sẽ an tâm ngay tức khắc. Vậy mà người ta không làm. Ngay cả khi loan tin Phùng Quang Thanh đã về nước, người ta cũng không đăng một bức ảnh nào cụ thể cả khiến dư luận vẫn tiếp tục xôn xao và thắc mắc. Nếu mục tiêu chính của bộ máy truyền thông nhà nước là để tuyên truyền và an dân, trong mấy tuần vừa qua, có thể nói bộ máy ấy hoàn toàn thất bại.

Thứ hai, mặc dù nắm trong tay hơn 800 tờ báo các loại cũng như tất cả các cơ quan truyền thông chính thống khác (như truyền thanh và truyền hình), chính quyền Việt Nam cũng không làm chủ được dư luận. Hơn nữa, càng ngày họ càng ở thế bị động. Thường, họ không phải là người loan tin mà chủ yếu là người cải chính. Bởi vậy, khi có điều gì thắc mắc, nơi dân chúng tìm kiếm tin tức không phải là các cơ quan ngôn luận lề phải mà là báo chí thuộc lề trái, nhiều nhất là trên mạng internet. Tôi có một số bạn, khá đông, hầu hết đều thuộc giới trí thức, ở Sài Gòn có và Hà Nội cũng có, nói giống nhau: để nắm tin tức hàng ngày, điều họ thường làm nhất là vào facebook hoặc các blog nổi tiếng chứ không phải là mở các trang báo của đảng. Những chuyện họ bàn tán nhiều nhất những lúc gặp nhau cũng vẫn là những chuyện được đề cập trên những trang mạng ấy. Có thể nói chính quyền Việt Nam đã thua cuộc ngay trên chính sân chơi mà họ muốn hoàn toàn độc quyền.

Thứ ba, như là hệ quả của đặc điểm thứ hai ở trên, càng ngày các phương tiện truyền thông xã hội càng phổ biến và càng quan trọng. Ngoài các tin tức liên quan đến Phùng Quang Thanh, một ví dụ tiêu biểu nhất về tầm ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội là vụ chặt cây xanh ở Hà Nội cách đây mấy tháng. Dư luận ồn ào đến độ chính quyền Hà Nội phải ra lệnh ngưng ngay việc chặt cây và sau đó, tiến hành kiểm điểm và kỷ luật một số cán bộ liên hệ. Có thể xem các trang truyền thông xã hội ấy là một đối trọng của ngành truyền thông nhà nước. Nghe nói hiện nay ở Việt Nam có khoảng một phần ba dân số, tức khoảng 30 triệu người, thường xuyên sử dụng internet. Chắc không phải ai cũng lên internet để đọc tin tức. Nhưng con số ấy chắc cũng không ít. Điều rất dễ thấy: với số người đọc đông đảo như vậy, internet sẽ là một trận tuyến quan trọng của trào lưu dân chủ hoá Việt Nam.

Thứ tư, trong cuộc chiến giữa báo chí chính thống và truyền thông xã hội, nhà nước Việt Nam chỉ có một cách duy nhất để chiến thắng: minh bạch. Lý do khiến nhiều người tìm kiếm tin tức trên internet là vì họ không tìm thấy ở đâu khác. Lý do khiến cái gọi là báo lề trái thu hút sự quan tâm của dân chúng hơn báo lề phải là vì trên báo chí lề phải người ta chỉ thấy toàn những sự dối trá. Lý do khiến người ta tin và lan truyền các tin đồn, đôi khi hoàn toàn sai sự thật, là bởi vì người ta không tin vào các cơ quan truyền thông chính thống. Sống ở Tây phương đã lâu, tôi chưa bao giờ thấy dân chúng đồn đãi bất cứ chuyện gì trong đời sống chính trị nước họ. Tất cả những gì họ bàn luận đều là những chuyện được công khai hoá trên các cơ quan truyền thông chính thức. Giới chính trị gia biết rõ điều đó nên họ thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo để cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc của dân chúng.

Có thể nói chính sự thiếu minh bạch làm nảy sinh các tin đồn và sự lan rộng của các tin đồn dần dần bào mòn sự tin tưởng của dân chúng đối với chính phủ. Cũng có thể nói sự tồn tại phổ biến của các tin đồn về chính trị là một trong những bằng chứng rõ nhất tố giác một xã hội thiếu dân chủ.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






4 comments:

  1. Không biết ông nào viết bài này nhưng nói chả có tý lý lẽ nào hợp lý mà cũng viết ra một bài dài dằng dặc như thế được, đọc đoạn đầu thì có vẻ ông ta vẫn cho rằng đại tướng Phùng Quang Thanh đã mất hoặc có gì đó mờ ám đối với việc ông Thanh về nước, chắc là đang lo ngại có người giả dạng ông ta như kiểu bù nhìn chăng, ôi ảo tưởng!

    ReplyDelete
  2. Xin được nói thêm về cái nỗi băn khoăn thứ nhất của tác giả, cái câu cuối ông nói "mục tiêu chính của bộ máy truyền thông nhà nước là để tuyên truyền và an dân" thì ông nhầm rồi, nếu ông không biết mục tiêu của ngành truyền thông Việt Nam là gì thì có thể tham khảo ở cổng thông điện tử của bộ thông tin truyền thông, hoặc ít nhất là đọc mục giới thiệu của các tờ báo điện tử trong nước để hiểu rõ, chưa biết thì đừng bô bô vậy

    ReplyDelete
  3. Những thông tin nói rằng đại tướng đã chết hoặc bị ám sát toàn là những thông tin được đăng trên các trang không rõ nguồn gốc trong nước, là những trang mà thậm chí nặc danh, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý thì đương nhiên là chẳng việc gì báo chí họ phải đi cải chính những thứ vớ vẩn ấy. Lấy ví dụ là ai cũng có thể dùng tài khoản cá nhân để post thông tin lên facebook cá nhân, như thế thì không lẽ gì các tờ báo phải chạy theo những thứ mà từng người đưa lên một để đính chính cho họ.

    ReplyDelete
  4. Thế éo nào cũng nói được, báo chí người ta chưa có được nguồn thông tin chuẩn thì họ chưa đăng tải tin tức, sao cứ bắt buộc phải hớt những tin gà vịt để đăng lên cho có làm gì, họ là những tờ báo lớn, có đăng ký hoạt động với nhà nước hẳn hoi chứ đâu phải là mấy tờ lá cải như thế này. lúc thì bảo là Việt Nam mất nhân quyền không được tự do ngôn luận, lại còn phỉ báng là thông tin bị kiểm soát là thông tin vứt đi, bây giờ thì kêu báo chí không kiểm soát được dư luận! Quả là người ta được tự do ngôn luận lắm cũng chán rồi à?

    ReplyDelete

View My Stats