Friday, 31 July 2015

Chung quanh vụ nha sĩ Walter Palmer bắn chết sư tử Cecil ở Zimbabwe (VOA | RFI)





31.07.2015

Cơ quan quản lý Cá và Dã sinh của Mỹ cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về vụ sát hại con sư sử tên Cecil hồi đầu tháng này, trong khi nha sĩ người Mỹ bị cáo buộc sát hại con sư tử vẫn đang lẩn trốn vì bị cả thế giới lên án.
Đăng thông báo trên Twitter, Cơ quan quản lý Cá và Dã sinh cho biết họ đã bắt đầu cuộc điều tra và vẫn chưa liên lạc được nha sĩ này, tên là Walter Palmer ở thành phố Eden Prairie, bang Minnesota. Cơ quan này kêu gọi ông Palmer hoặc người đại diện của ông ta liên lạc với nhà chức trách Mỹ ngay lập tức.
Họ cũng gọi vụ giết hại con sư tử Cecil là bi thảm và nói sẽ "đi tới nơi mà những dữ kiện dẫn tới" trong cuộc điều tra của mình.

Một nguồn tin nói với hãng tin Reuters rằng Cơ quan quản lý Cá và Dã sinh đang điều tra vụ giết hại theo luật Mỹ (Đạo luật Lacey) cấm giao dịch những sinh vật hoang dã bị giết hại, vận chuyển hoặc bán bất hợp pháp. Cuộc điều tra tập trung vào việc liệu ông Palmer có dính líu đến một âm mưu vi phạm pháp luật hay không, theo nguồn tin.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ cứu xét thỉnh nguyện thư của công chúng yêu cầu dẫn độ ông Palmer.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Năm cho biết thỉnh nguyện thư đã vượt quá quy định 100.000 chữ ký cần có để được cứu xét. Ông lưu ý quyết định dẫn độ sẽ tùy thuộc vào Bộ Tư pháp.

Câu lạc bộ Safari Quốc tế, một tổ chức săn bắn quốc tế mà ông Palmer là thành viên trong đó, cho biết họ ủng hộ một cuộc điều tra về vụ sát hại con sư tử và đã đình chỉ tư cách thành viên của ông Palmer và hướng dẫn viên của ông ta ở Zimbabwe, Theo Bronkhorst.
Bronkhorst đang đối mặt với cáo buộc hình sự ở Zimbabwe về vụ việc.
Cecil đã bị dụ ra khỏi Vườn Quốc gia Huange ở Zimbabwe và ban đầu bị ông Palmer bắn bằng cung tên, sau đó ông ta và Bronkhosrt lần theo Cecil và bắn chết nó bằng một khẩu súng.

Ông Palmer nói ông ta cho rằng hành động săn bắn này là hợp pháp.
Ông ta nói với báo Minneapolis Star Tribune hồi đầu tuần này rằng ông ta "không hề biết con sư tử bị tôi hạ sát là con vật nổi tiếng được người địa phương yêu mến" và rằng ông ta có thể đã bị hướng dẫn viên đánh lừa.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Palmer gặp rắc rối với hoạt động săn bắn. Theo hồ sơ tòa án ở Mỹ, ông ta đã nhận tội khai man với Cơ quan quản lý Cá và Dã sinh về việc ông ta bắn chết một con gấu đen ở bang Wisconsin vào năm 2006.

----------------------------

30.07.2015

Bị mang tiếng xấu vì đã giết chú sư tử được yêu mến Cecil ở Zimbabwe, tay săn thú Walter J. Palmer hiện đang cảm thấy chính mình bị săn đuổi trên mạng.
Chú sư tử đáng yêu nổi tiếng là thân thiện với người và đã giúp thu hút du khách đến Công viên Quốc gia Hwange của Zimbabwe. Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Oxford ở Anh Quốc dùng chú trong một cuộc khảo cứu.

Ông Palmer là một nha sĩ ở Minnesota được cho là đã giết chết Cecil vào ngày 1 tháng 7. Các giới chức nói sư tử Cecil đã bị dụ ra khỏi công viên quốc gia đến một trang trại ở gần đó. Ông Palmer thoạt đầu đã dùng cung tên bắn sư tử Cecil và sau đó theo dõi con thú bị thương và dùng một khẩu súng để giết chết nó.

Như thường lệ, Twitter đã là tâm chấn của sự phẫn nộ nhắm vào ông Palmer, với một số người nêu nghi vấn về sự trưởng thành của ông, và kêu gọi thả ông vào nơi hoang dã. Họ đăng những hình ảnh của ông Palmer chụp cùng với những con thú lớn khác mà ông đã săn và giết để mua vui.
Những người chỉ trích còn lên cả trang web Yelp của ông để đả kích những hành động của ông Palmer. Yelp là một trang web phổ biến thường dùng để bình phẩm các doanh nghiệp.
Một người dùng trang này đã nói lên một nhận định nhẹ nhàng: “Tôi sẽ không đến với một người nào có tinh thần đạo đức rõ ràng là kém cỏi như thế để nhờ họ chăm sóc răng cho mình, nhất là khi có thể cần phải sử dụng đến thuốc mê. Biết đâu lúc tỉnh dậy, mình đã bị lột da và chỉ được xin lỗi là vì không biết mình là một người được dân địa phương yêu mến.”
Ngoài đời thực, những người phản đối đã dựng một đài kỷ niệm tạm thời cho sư tử Cecil bằng cách đặt những con thú nhồi bông ở bên ngoài phòng khám nha khoa của ông Palmer. Hôm thứ tư, một bức ảnh vĩ đại của Cecil đã được vẽ lên tường ở bãi đậu xe của phòng khám.
Một trong những phản ứng lan nhanh nhất phát xuất từ người dẫn chương trình hội thoại đêm muộn Jimmy Kimmel.

Theo một bản phúc trình năm 2011 của Quỹ Quốc tế dành cho An sinh Động vật, người Mỹ chiếm 64% trong số sư tử bị săn đuổi để mua vui ở châu Phi trong thời gian từ 1999 đến 2008.
Và việc này ngày càng trở thành một món giải trí phổ biến hơn cho những người như ông Palmer.
Bản phúc trình nhận định: “Trong số các giải thưởng này, con số nhập vào Hoa Kỳ năm 2008 lớn hơn so với bất kỳ năm nào khác của thập niên trong cuộc khảo cứu và cao hơn gấp đôi con số năm 1999.”

Trong một phát biểu, ông Palmer nói ông tin rằng, “mọi thứ về chuyến đi săn này đều hợp pháp và được xử lý và tiến hành đúng mực.”
Giới hữu trách ở Zimbabwe đã truy tố tay thợ săn chuyên nghiệp Theo Bronkhorst, về tội tiếp tay cho Palmer giết hại chú sư tử được yêu mến.
Bronkhorst đã được tại ngoại hầu tra hôm thứ tư sau khi ra trình diện trước một phiên tòa ở Hwange, cách thủ đô Harare chừng 700 kilomet về phía tây.

Emmanuel Fundira, là người đứng đầu Hội Hoạt động Thám hiểm của Zimbabwe, muốn biết tung tích của ông Palmer, nay đã rời khỏi nước.
Ông Fundira nói, “Chúng tôi không biết chắc hiện ông ta đang ở đâu. Chúng tôi thực sự muốn bảo đảm là ông ta bị phạt. Khó mà nói được nhiều về ông ta nhưng thông tin chúng tôi có về ông ta cho đến này là dường như ông ta đã phạm những tội tương tự ở các nơi khác rồi.”
Hôm thứ ba, ông Palmer nói ông chưa được tiếp xúc bởi Zimbabwe hay giới hữu trách Hoa Kỳ về vụ việc này.

Tại Zimbabwe, các tội ác liên quan đến săn bắt trộm rất lan tràn và những người bảo vệ môi trường cho rằng chính phủ của Tổng thống  Robert Mugabe cần phải tăng cường nỗ lực chống các tay săn bắt lậu.

Xem clip đầy xúc động về sư tử Cecil của Jimmy Kimmel:

Bài viết có sự đóng góp của thông tín viên Sebastian Mhofu từ Harare

--------------------------------

Tuấn Thảo  -  RFI
Đăng ngày 30-07-2015 

‘‘Mày là một tên sát thủ hèn nhát’’. Chỉ cần một tấm hình duy nhất với dòng chữ ngắn gọn đăng trên báo Le Monde, là đủ để phản ánh nỗi giận dữ ‘‘điên cuồng’’ mà cư dân mạng đang trút vào đầu của ông Walter Palmer. Nha sĩ người Mỹ này bị tố cáo là đã giết chết con sư tử tên là Cecil trong một cuộc săn thú rừng ở Zimbabwe.

Vụ giết sư tử để rồi lột da chặt đầu đã trở thành đề tài nóng bỏng trên báo chí toàn cầu chứ không riêng gì ở Pháp : ông Walter Palmer trở thành kẻ bị căm ghét nhất trên các mạng xã hội, theo hàng tựa của nhật báo Libération. Còn tờ báo Le Figaro thì lại đánh giá các tổ chức bảo vệ thú vật xem ông Palmer như là kẻ thù không đội trời chung.

Từ một tay thợ săn, Walter Palmer nay lại trở thành con mồi. Trong những tiếng đồng hồ vừa qua, cư dân mạng đã sôi sục truy tìm địa chỉ nghề nghiệp cũng như nhà riêng của Walter Palmer. Tấm ảnh chụp đăng trên báo Le Monde cho thấy phòng khám nha khoa của ông đã tạm thời đóng cửa. Ở đằng trước cửa người ta đến đặt những con thú nhồi bông, để nhắc nhở hành động của ông là quá tàn nhẫn, man rợ.

Từ các đoạn phim video trên YouTube, cho tới các mạng như Facebook, Twitter hay Flickr …. hàng trăm ngàn lời bàn luận hay phê phán đang lan truyền với tốc độ chóng mặt, điên cuồng. Hầu hết các ý kiến đều biểu hiện thái độ bất bình hay nỗi tức giận của cư dân mạng đối với hành động của một người ‘‘thợ săn’’ bị coi là thất đức vô hậu. Nhưng các ý kiến không chỉ dừng lại ở mức lên án hay phê phán. Một số ý kiến còn đi xa hơn nữa khi đòi phải ‘‘treo cổ’’ Walter Palmer.

Theo Libération, ông Walter Palmer từng bị kết án, phạt vạ (2.400 đô la) về tội săn bắt gấu đen trái phép tại bang Wisconsin. Trên trang web (Trophy Hunt America) chuyên đăng hình công bố các ‘‘chiến lợi phẩm’’ của các tay thợ săn, người ta có thể thấy các loài thú hoang trong đó có beo gấm, sư tử, tê giác mà Walter Palmer đã triệt hạ. Ông Plamer đã từng đi săn thú nhiều lần tại Zimbabwe, nhưng lần này, ông đã chi 55.000 đô la để săn bắn ‘‘chú sư tử’’ Cecil hồi đầu tháng 7/2015.

Có lẽ cũng vì thế mà trên các mạng xã hội, có ý kiến cho rằng ông Palmer ‘‘vung tiền mua vui’’, đi sát hại những giống loài động vật mà đáng lẽ ra cần được bảo tồn. Nhưng cũng có phản ứng mạnh bạo hơn rất nhiều theo kiểu ‘‘ăn miếng trả miếng’’ của một cư dân mạng ở Na Uy. Hàng chữ có ghi rõ : ‘‘Tao hy vọng mày sẽ chết dưới tay của một người bảo vệ động vật, để trả thù cho tất cả những con thú mà mày đã giết’’.

Theo báo Le Monde, những phản ứng như vậy thật là quá trớn, nhưng cũng may là không phải là số đông. Đa phần các ý kiến chủ yếu đòi trừng phạt những ‘‘tội phạm’’ bằng cách tố cáo họ, đem những kẻ phạm pháp này ra trước toà án. Bày tỏ sự phẫn nộ đã trở thành một hình thức phát biểu rất phổ biến trên các mạng xã hội. Vụ Palmer không phải là vụ đầu tiên gây ra một làn sóng căm phẫn trên mạng Facebook. Chẳng hạn như vào tháng Hai năm 2014 tại Pháp có vụ Oscar, một thanh niên đã đánh đập một chú mèo con rồi tải video lên mạng.

Trước đó vào năm 2010, có trường hợp một phụ nữ Bosnia ném chó con xuống sông, hay một phụ nữ người Anh quẳng mèo con vào thùng rác. Những người này quên rằng trên mạng internet đang có phong trào ‘‘tình nguyện điều tra’’, đó là thường là những nhóm tự bộc phát, gồm những cư dân mạng tình nguyện đi truy tìm danh tính, cũng như nơi cư ngụ của những kẻ hay đánh đập hay ngược đãi thú vật. Trong các trường hợp kể trên, những người này đã bị tố giác, rồi bị toà kết án vì đã có những hành vi như vậy.

Theo Le Monde, phong trào ‘‘tình nguyện điều tra’’ thường đạt mục tiêu ở một số quốc gia còn thiếu dân chủ chẳng hạn như Trung Quốc, bởi vì nó xuất phát từ niềm hy vọng đòi công lý cũng như nỗi bất mãn của người dân muốn nói lên sự thật, vạch trần bộ mặt của giới quan chức tham nhũng. Nhưng trong một số trường hợp, hiệu quả của phong trào này bị hạn chế đôi khi phản tác dụng tại các nước dân chủ thực thi pháp quyền, bởi vì khi đăng lên mạng xã hội số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, hay là nêu đích danh một người bị tình nghi có hành động trái phép, thì những người trong cùng gia đình, thường là vô tội cũng sẽ bị vạ lây. Việc suy đoán người này có tội hay vô tội đi ngược lại với một số nguyên tắc pháp lý, đôi khi có nguy cơ cản trở công việc điều tra thực thụ.

Theo Le Monde, vào thời đại thông tin thần tốc, cư dân mạng giờ đây nhanh nhẹn hơn, đi trước tư pháp một bước. Các thành viên Facebook không chờ Zimbabwe mở điều tra, mà cũng chẳng đợi phán quyết của một toà án xem xét đâu là trách nhiệm của ông Palmer và đâu là trách nhiệm của công ty Zimbabwe đã tổ chức cuộc săn bắn. Trong mắt đa số cư dân mạng, ông Palmer có tội. Để tránh các hình thức trả đũa, nha sĩ người Mỹ buộc phải đóng các tài khoản cá nhân trên mạng, ông cũng tạm thời ngưng làm việc để khỏi bị hành hung.
Báo chí Pháp nhìn chung đặt ra nhiều câu hỏi nhưng không thể trả lời dứt khoát. Một điều chắc chắn là các nhóm ‘‘tình nguyện’’ giúp cho dư luận tạo thêm áp lực để đòi giới điều tra phải tìm cho ra những kẻ ‘‘phạm pháp’’. Nhưng cũng có lúc nó lại trở thành một kiểu đánh phủ đầu, đánh hội đồng, khi đám đông cùng hùa nhau tấn công, dẫm đạp một mục tiêu. Trong trường hợp của ông Walter Palmer, thì cho dù không có cung tên súng đạn, cư dân mạng vẫn có thể ‘‘triệt hạ’’ mục tiêu. Cho dù toà án có mở điều tra, xem ông Palmer có tội hay vô tội thì uy tín của nha sĩ người Mỹ này giờ đây coi như là đã tiêu tan.




No comments:

Post a Comment

View My Stats